Nghịch lý giáo viên nghỉ lễ phải dạy bù, giám hiệu trực trường có thu nhập
Nói là nghỉ lễ nhưng giáo viên- những người lao động trong ngành giáo dục chưa bao giờ được nghỉ lễ đúng theo hướng dẫn của các văn bản pháp luật hiện hành.
Năm nay, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 rơi vào những ngày cuối tuần nên đa phần các trường học được nghỉ dạy và học từ ngày 30/4 đến hết ngày 3/5. Việc thầy và trò các nhà trường nghỉ lễ được xem là rất bình thường vì điều này đã được luật pháp cho phép.
Tuy nhiên, điều bất cập mà hàng chục năm qua ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được, đó là thầy và trò các trường phổ thông nghỉ học ngày nào, tiết nào thì phải dạy bù, học bù tiết đó.
Thành ra, mang tiếng là được nghỉ lễ nhưng nghỉ mà lại cũng như không nghỉ, thậm chí còn gây khó khăn, mệt mỏi cho cả thầy và trò ở các nhà trường vào các ngày cuối tuần khi phải dạy bù, học bù.
Ảnh mang tính chất minh họa: Lã Tiến
Giáo viên chỉ có nghỉ Tết Nguyên đán là không phải dạy bù
Trong các ngày lễ mà người lao động được nghỉ hiện nay là ngày Giỗ tổ Hùng Vương; ngày 30/4 và 1/5; ngày Quốc khánh 2/9; Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán thì chỉ có những ngày nghỉ Tết Nguyên đán là giáo viên không phải dạy bù.
Không chỉ ngày lễ mà nếu như trong gia đình giáo viên có việc hiếu, hỉ, vợ sinh con…dù được nghỉ theo Luật nhưng nếu nghỉ mà nhà trường không bố trí được người dạy thay thì giáo viên nghỉ xong cũng phải dạy bù.
Giáo viên không may bị bệnh tật, ốm đau đột xuất vài ngày, sau khi khỏi bệnh cũng đều phải dạy bù.
Bởi, phần lớn giáo viên trong tổ, trong khối thì họ cũng phải đảm nhận lớp dạy của họ nên việc phân công giáo viên dạy thay thường rất khó khăn, nhất là đối với cấp tiểu học.
Trong khi đó, đối với các ngành nghề khác khi được nghỉ lễ là được nghỉ luôn hoặc đi làm thì được trả tiền lương làm thêm giờ. Nhưng, những người lao động trong ngành giáo dục mà trực tiếp là những thầy cô giáo đứng lớp thì lại hoàn toàn ngược lại.
Đây rõ ràng là những thiệt thòi cho những thầy cô giáo đang làm công tác giảng dạy tại các nhà trường công lập. Vì khi họ đã dạy bù cũng đồng nghĩa là họ không được nghỉ ngày lễ bởi việc dạy bù ở ngành giáo dục lâu nay được xem là công việc bắt buộc mà không được tính tiền làm thêm giờ.
Vì thế, nói là nghỉ lễ nhưng thực tế là giáo viên- những người lao động trong ngành giáo dục chưa bao giờ được nghỉ lễ đúng theo hướng dẫn của các văn bản pháp luật hiện hành.
Lãnh đạo trực ngày lễ thì có tiền làm thêm giờ
Những ngày nghỉ lễ, các trường học thường phân công các thành viên Ban giám hiệu và bảo vệ trực trường. Và, những người tham gia trực trường thì họ được hưởng chế độ làm thêm giờ theo hướng dẫn của Luật Lao động.
Video đang HOT
Như vậy, chúng ta có thể thấy là trong một trường học nhưng nó đã xảy ra sự bất cập. Lãnh đạo trực ngày lễ thì được tính tiền làm thêm giờ nhưng giáo viên dạy bù ngày lễ thì không có chế độ làm thêm giờ. Trong khi, Luật cho phép người lao động được nghỉ các ngày lễ theo quy định.
Ngày dạy bù thường rơi vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật nên lãnh đạo nhà trường thích thì vào, không thích vào thì cũng chẳng ai bắt bẻ được họ.
Trong khi, việc dạy bù, dạy dồn vào những ngày cuối tuần thường được các nhà trường thực hiện vào trước hoặc sau các ngày lễ và luôn tạo ra những áp lực mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh.
Bởi vì, khi xếp thời khóa biểu dồn tiết vào ngày thứ Bảy cũng đồng nghĩa là số tiết phải tăng lên, học sinh phải học thêm nhiều tiết trong buổi học hoặc phải học trái buổi.
Nếu xếp dạy bù vào ngày Chủ nhật thì cả thầy và trò ở các nhà trường phải giảng dạy, học tập liên tục trong nhiều ngày, không có ngày nghỉ trong tuần.
Nhiều thầy cô giáo trong các nhà trường họ thường ao ước giá như giáo viên cũng được nghỉ các ngày lễ một cách trọn vẹn như những người lao động ở các ngành nghề khác.
Nghỉ mà không phải dạy bù, hoặc dạy bù thì phải được tính tiền lương làm thêm giờ như quy định của Luật Lao động. Nếu không, đừng áp dụng ngày nghỉ lễ cho các nhà trường vì mỗi dịp nghỉ lễ là giáo viên phải dạy bù và càng mệt mỏi hơn vào những ngày cuối tuần.
Chẳng hạn như ngày Chiến thắng (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5) năm nay thì giáo viên phải dạy bù vào 2 ngày (cấp tiểu học) và 3 ngày (cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông) ở cuối các tuần.
Như vậy, giáo viên và học sinh phải đi liên tục trong nhiều tuần mà không có ngày nghỉ. Như vậy, việc nghỉ lễ dù được các nhà trường đều thực hiện nhưng mà nghỉ cũng như không nghỉ vậy!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Cả nước nghỉ lễ 30/4, 1/5 có giáo viên phản ánh phải đi dạy bình thường
Bộ Giáo dục cần có sự kiểm tra, rà soát buộc các trường học thực hiện đúng quy định luật lao động để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và học sinh.
Theo quy định của pháp luật, người lao động có quyền nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe và tái tạo lại sức lao động. Quyền nghỉ ngơi được thể hiện qua ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương và không hưởng lương.
Trái khoáy chuyện giáo viên nghỉ lễ sẽ bị trừ tiết dạy (Ảnh minh họa Lã Tiến)
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, ngành giáo dục ở nhiều địa phương đang vi phạm việc cho giáo viên nghỉ lễ.
Nơi cho nghỉ lễ thì lập tức sau đó, giáo viên phải đi dạy bù thời gian đã nghỉ. Nơi vẫn buộc giáo viên đi dạy bình thường, nơi giáo viên được nghỉ nhưng hiệu trưởng thông tin sẽ phải trừ số tiết dạy chuẩn trong những ngày đã nghỉ.
Việc thực hiện quy định của pháp luật lao động mỗi nơi mỗi khác, dẫn đến người lao động thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc.
"Cô ơi! Học thế bọn em điên mất"
Cô giáo X. (đề nghị không nêu tên), một đồng nghiệp của chúng tôi tại tỉnh Bắc Giang tâm sự: "Em là giáo viên dạy lớp 9 ôn thi vào 10, các trường đua nhau dạy hết cả ngày lễ và chủ nhật.
Tin nhắn của một giáo viên Bắc Giang (Ảnh Phan Tuyết)
Ví dụ như ngày quốc lễ 10.3 vẫn dạy. Nãy em đi họp, trường em vẫn chỉ đạo dạy ôn 30.4 và mùng 1.5 này. Học sinh nó bảo: "Cô ơi! Học thế bọn em điên mất!| Em thương học trò. Em cảm thấy tàn nhẫn với trẻ con nhưng nhà trường buộc thế thì phải làm thế nào? Thực trạng muốn khóc chị ạ.
Trường em chỉ đạo học sáng thứ 6,thứ 7 và chủ nhật này. Chiều nghỉ. Giáo viên có ý kiến thì lãnh đạo bảo các trường khác họ cũng học, mình không học mình thua đầu thi vào 10". Đó là tâm sự nghẹn lòng của giáo viên phải dạy cả ngày lễ dù biết là tàn nhẫn với trẻ con nhưng không thể làm khác.
Nghỉ lễ giáo viên phải dạy bù hoặc bị trừ số tiết chuẩn trong tuần
Từ trước đến nay, mỗi dịp nghỉ lễ giáo viên chúng tôi đều phải dạy bù chương trình vào các tuần dự trữ hoặc linh động dạy bù trong tuần. Dù biết vậy là khá thiệt thòi nhưng cũng không giáo viên nào phản đối vì ai cũng nghĩ dạy thêm cho học sinh cũng là điều tốt.
Tuy nhiên, có trường tiểu học tại tỉnh Bình Thuận lại buộc giáo viên phải chọn lựa một trong các phương án:
Thứ nhất , giáo viên phải dạy bù sau các buổi học sáng (ví dụ học sinh tan học lúc 10 giờ 10 thì ở lại học tiếp tới 11 giờ).
Thứ hai , dạy bù vào sáng thứ bảy hàng tuần.
Thứ ba , nếu không chấp nhận phương án dạy bù, mỗi giáo viên sẽ bị trừ 23 tiết (đây là số tiết quy định chuẩn giáo viên phải dạy trong tuần).
Phạt đến 50 triệu đồng nếu bắt người lao động đi làm dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5
Điều 115 Luật Lao động 2012 quy định, mỗi năm, người lao động có 6 dịp lễ, tết được nghỉ làm và hưởng nguyên lương:
Tết Dương lịch; Tết Âm lịch; Ngày Chiến thắng (30.4); Ngày Quốc tế lao động (1.5); Ngày Quốc khánh (2.9); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 Âm lịch).
Vì vậy, trong những ngày lễ sắp tới (30.4 - 1.5), người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương.
Luật lao động còn quy định rõ: Nếu doanh nghiệp muốn người lao động làm việc trong những ngày này thì phải được sự đồng ý của họ và phải trả thêm cho họ ít nhất 300% lương (theo Điểm c Khoản 1 Điều 97 Luật Lao động hiện nay). [1]
Nhiều nhà giáo cũng thắc mắc về quyền được nghỉ lễ
Giáo viên là người lao động trong trường học thì vẫn được đảm bảo thời gian nghỉ lễ hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật và không cần phải đi làm bù sau khi được giải quyết nghỉ lễ.
Tuy nhiên trong thực tế, do tính chất công việc của giáo viên, các trường học thường yêu cầu giáo viên dạy bù để kịp chương trình học giữa các lớp. Khi yêu cầu dạy bù ngày nghỉ lễ thì đây được xác định là thời gian làm thêm giờ.
Theo đó Điều 106 Bộ luật lao động quy định như sau: "Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật trỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Bạn có thể căn cứ vào số tiết dạy theo quy chế của trường học nơi bạn làm việc để xác định thời gian mình được yêu cầu làm bù có nằm trong khoảng thời gian làm việc được quy định hay không.
Nếu thời gian dạy bù vẫn thuộc số tiết bạn phải làm việc theo đúng định mức thì không được coi là thời gian làm thêm giờ, bạn chỉ được hưởng lương cơ bản mà không được hưởng lương làm thêm giờ.
Ngược lại, lịch dạy bù không nằm trong thời giờ làm việc bình thường của giáo viên thì sẽ được xác định là thời gian làm thêm giờ cho giáo viên theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động 2012:
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm:
c/ Nếu vào ngày nghỉ lễ, nghỉ có hưởng lương ít nhất phải bằng 300% tiền lương theo công việc đang làm. [2]
Vì thế, chúng tôi cho rằng việc các cơ sở trường học cho giáo viên nghỉ lễ nhưng sau đó lại bắt giáo viên dạy tăng giờ để bù vào những ngày nghỉ là sai.
Đặc biệt, nếu tùy tiện trừ tiết dạy chuẩn của giáo viên để bù vào thời gian giáo viên nghỉ lễ sẽ vi phạm nghiêm trọng những quy định trong Điều 97 Luật Lao động hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự kiểm tra, rà soát buộc các trường học thực hiện đúng quy định luật lao động. Điều này, không chỉ đem lại quyền lợi cho giáo viên mà còn đem đến niềm vui cho chính các em học sinh.
Tài liệu tham khảo:
https://laodong.vn/ban-doc/phat-den-50-trieu-dong-neu-ep-nguoi-lao-dong-di-lam-dip-nghi-le-304-15-900822.ldo
https://tlklawfirm.vn/giao-vien-nghi-le-co-phai-day-bu-khong
Nhà trường nắm bắt thông tin sức khỏe học sinh trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các nhà trường có giải pháp phối hợp với gia đình để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe của học sinh. Ngày 29/4, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở vừa có văn bản gửi các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; trung tâm...