Nghịch lý đáng buồn của các chương trình thực tế âm nhạc
Trong khi người chiến thắng cứ đua nhau lặng mất tăm, thì một số gương mặt bị loại sớm lại nhanh chóng thành danh sau các cuộc thi.
Quán quân, Á quân mất hút, thí sinh ra về tay trắng tỏa sáng ấn tượng
Vài năm trở lại đây, truyền hình thực tế phát triển rất mạnh ở Việt Nam, từ loạt chương trình dành cho nghệ sĩ đến những cuộc thi về âm nhạc, nhảy múa, thời trang, ẩm thực… Trong đó, nổi trội nhất vẫn là các show thuộc lĩnh vực ca hát như Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Tôi là người chiến thắng, Học viên ngôi sao, hay mới nhất có thể kể đến Nhân tố bí ẩn, Ngôi sao Việt.
Với mục đích tìm ra những tài năng ca hát mới cho Vpop, một số chương trình vừa đề cập đã lần lượt phát hiện nhiều cái tên sáng giá, điển hình là Phương Vy, Ngọc Ánh, Quốc Thiên, Thanh Duy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Phạm Quốc Huy, Yến Chi, Ya Suy, Hoàng Quyên, Hương Tràm, Đinh Hương, Xuân Nghi, Vũ Thảo My, Vũ Cát Tường, Nguyễn Hoàng Tôn, Nguyễn Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Hải Châu, Nhật Thủy, Hòa Minzy… Thế nhưng, sau khi các cuộc thi khép lại, đa số chẳng thể giữ được sức nóng từng có và mờ nhạt dần, thậm chí không ít gương mặt gần như “bốc hơi” khỏi làng nhạc Việt, trái với kỳ vọng của nhà sản xuất lẫn khán giả.
Nhiều quán quân, á quân không giữ được sức nóng sau các show thực tế.
Trong khi đó, Bảo Anh, Đào Bá Lộc, Trúc Nhân, Vũ Cát Tường, Bích Phương, Trung Quân Idol, Phạm Hồng Phước, Hương Giang… – những thí sinh từng phải dừng bước sớm lại bất ngờ nổi đình đám với các bản hit có số lượt nghe khủng (từ vài triệu đến vài chục triệu lượt) cũng như giành chiến thắng thuyết phục ở hầu hết giải thưởng âm nhạc trong nước ( Cống hiến, Zing Music Awards, HTV Awards).
Một số thí sinh bị loại sớm bứt phá mạnh mẽ sau các cuộc thi.
Đâu là nguyên nhân?
Việc ra sản phẩm chậm là lý do đầu tiên khiến các sao thực tế mờ nhạt nhanh chóng. Nếu ở thời điểm cuộc thi diễn ra họ nổi tiếng chỉ sau một đêm, thì khi quay về với cuộc sống thường nhật lợi thế này không còn nữa. Để duy trì độ nóng, các quán quân, á quân cần phải tung ra những sản phẩm âm nhạc mới kịp lúc hay xuất hiện thường xuyên tại các sự kiện giải trí, game show lớn nhỏ… Tuy nhiên, trên thực tế, không mấy người làm được điều đó, có ca sĩ mất nửa năm cho việc hoàn thành “đứa con tinh thần” đầu tay của mình song cũng có người mất một năm hoặc lâu hơn. Điển hình là Uyên Linh, mặc dù đăng quang Vietnam Idol vào cuối năm 2010 nhưng mãi đến tháng 2/2012 cô mới chính thức phát hành album vol.1 mang tên Giấc mơ tôi. Quốc Thiên (mùa giải 2008), Ya Suy (mùa giải 2012) – hai quán quân khác ở show thực tế này cũng mất hẳn một năm cho công việc tương tự.
Giải thích về sự chậm trễ, Quốc Thiên từng chia sẻ rằng: “Hướng đi cũng như sản phẩm đầu tay của tôi không thể hời hợt được. Tôi không muốn ra mắt một sản phẩm để cho có trong khi khán giả và bản thân chẳng chút ấn tượng gì về nó. Tôi muốn rèn cho mình một độ chính nhất định trong cách xử lý bài hát, khả năng trình diễn, lối ứng xử trên sân khấu. Tôi muốn tạo ra một hình ảnh Quốc Thiên mới mẻ hơn so với thời người ta vẫn gọi tôi là thần tượng chân đất”.
Lời bộc bạch trên xem ra rất có lý, nhưng không thể phủ nhận việc lặng mất tăm cả năm khiến anh gặp nhiều khó khăn khi quay lại, bởi độ nóng tên tuổi lúc này gần như không còn.
Ngoài việc ra mắt sản phẩm âm nhạc chậm, có thể thấy, ở thời điểm cuộc thi vừa kết thúc, cả Uyên Linh lẫn Ya Suy đều chưa sẵn sàng cho việc trở thành ca sĩ chuyên nghiệp do họ vẫn là “tay ngang”, chỉ hát theo bản năng và chưa từng học qua bất kỳ trường lớp nào về thanh nhạc. Dẫn đến, trước khi ra album, giọng ca Chờ người nơi ấy phải tranh thủ tham gia khóa học cấp tốc để trang bị thêm những kiến thức âm nhạc cơ bản. Còn với chàng trai hiền lành chân chất người Chu Ru, anh hiện cũng đang “dùi mài kinh sử” ở khoa Thanh nhạc trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Quân đội TP.HCM.
Video đang HOT
Bước ra từ các show thực tế, không ít gương mặt trẻ đánh mất lợi thế vì “chậm chân” trong việc phát hành sản phẩm âm nhạc riêng.
Dẫu vậy, không phải cứ phát hành album/single/MV kịp lúc là có thể giữ được sức hút. Bên cạnh yếu tố chất lượng, người ca sĩ muốn sản phẩm của mình luôn được công chúng đón nhận, yêu mến thì phải biết nắm bắt tốt xu hướng người nghe, lựa chọn những bài hát có ca từ gần gũi, giai điệu trẻ trung, hiện đại…
Thành công của Bảo Anh (với Và em đã biết mình yêu, Câu chuyện ngày mưa, Em đã từng yêu, Anh muốn em sống sao, Mình yêu nhau bao lâu…), Bích Phương (Có khi nào rời xa, Có lẽ em, Em đã sai vì em tin, Em muốn,Chỉ là em giấu đi, Mình yêu nhau đi…), Đào Bá Lộc (Vì, Lời xin lỗi, Sẽ thôi chờ mong, Chờ ngày nắng lên, Tôi ghét tôi yêu em…), Trung Quân Idol (Chuyện mưa, Dấu mưa, Trót yêu…), Hương Giang Idol (Ngừng nhớ về anh, Send it on, Chẳng ai là của riêng ai), Phạm Hồng Phước (Mùa ta đã yêu, Khi người lớn cô đơn, Giá như có thể ôm ai và khóc…), Nguyễn Hoàng Tôn (Để em rời xa, Chút nắng chút mưa, Dành cho em, Chỉ có em…), Trúc Nhân (Đông, Bác làm vườn và con chim sâu, Tìm, Bốn chữ lắm…), hay Vũ Cát Tường (Vết mưa, Yêu xa) đã cho thấy điều đó.
Ngoài lý do quá cầu toàn, một số nguyên nhân khác như thiếu sự định hướng, thiếu ê kíp hỗ trợ – người quản lý, thiếu kinh phí… là những chướng ngại vật kế tiếp cản bước các sao thực tế rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm âm nhạc riêng.
Điểm lại một năm mờ nhạt của Ya Suy, hẳn ai đã từng yêu mến anh đều cảm thấy tiếc. Rõ ràng, khi cuộc thi kết thúc, quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012 cũng tự khép lại chuỗi ngày nổi tiếng chớp nhoáng mà mình tạo được bởi bản thân không có sự định hướng đúng lúc, cần thiết. Anh tỏ ra hụt hẫng, không biết nên bắt đầu từ đâu, phải làm những gì… Loay hoay đến tận mùa giải thứ 5 khởi động, anh mới rục rịch trình làng MV đầu tay Về với lúa. Song, với một sản phẩm âm nhạc không có nhiều điểm nhấn, MV của Ya Suy ngay lập tức bị các đối thủ bỏ lại phía sau rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Giá như chàng trai dân tộc từng được nữ giám khảo Mỹ Tâm yêu thích đủ bản lĩnh, đủ tỉnh táo để đưa ra định hướng dài hơi hoặc khôn khéo tìm cho mình một ê kíp hỗ trợ – người quản lý giỏi, có lẽ con đường âm nhạc mà anh đang đi sẽ bớt gập ghềnh, ít chông chênh và sáng sủa hơn.
Một ví dụ khác cho thấy vai trò quan trọng của ê kíp hỗ trợ – người quản lý là trường hợp Phương Mỹ Chi. Sau ngôi á quân tại chương trình The Voice Kids phiên bản Việt mùa đầu tiên, dưới sự quản lý non kinh nghiệm từ gia đình, chị Bảy liền dính scandal hét giá cát-xê. Mọi việc chỉ được giải quyết ổn thỏa khi Phương Mỹ Chi đầu quân về công ty của nam ca sĩ hải ngoại Quang Lê, nhờ đó cô nhóc tiếp tục giữ vững hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ.
Phương Mỹ Chi giữ vững độ nóng vì nhiều yếu tố lợi thế. Trong khi, Trung Quân Idol bất ngờ thành sao do liên tiếp sở hữu những bản hit đình đám.
Trung Quân là một trong những cái tên từng phải lao đao vì vấn đề thiếu kinh phí. Rời cuộc thi Vietnam Idol 2010 với vị trí top 8, giọng ca Chuyện mưađành tạm gác ước mơ thực hiện sản phẩm âm nhạc bởi anh không lo nổi chuyện tiền nong. Số tiền 2 triệu đồng gia đình chu cấp mỗi tháng vừa đủ để chàng sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP.HCM xoay sở việc học hành, ăn uống, trong khi giá thành của một album/MV thấp nhất cũng lên đến vài chục triệu. Thời gian sau đó, có lúc, Trung Quân phải bỏ hát đi xin làm công nhân ở xưởng giày. Nhưng rồi, may mắn đã mỉm cười với chàng trai gốc Đà Lạt khi ca khúc Dấu mưa (sáng tác Phạm Toàn Thắng) do anh trình bày bất ngờ gây sốt và trở thành hiện tượng của làng Việt vào cuối năm 2013. Thành công này giúp Trung Quân bắt đầu đắt show hẳn. Hiện tại, anh đang tiếp tục “làm mưa làm gió” trên các BXH âm nhạc Việt cùng bản hit Trót yêu của tác giả Ái Phương.
Rất nhiều gương mặt bước ra từ các show thực tế đều chung cảnh ngộ thiếu kinh phí đầu tư cho album/single/MV. Họ không gặp may như chàng ca sĩ trẻ sinh năm 1990 nên số thì chuyển nghề, số còn lại tiếp tục theo đuổi đam mê bằng cách xin hát lót ở phòng trà, quán cà phê với mức cát-xê bèo bọt để duy trì cuộc sống hằng ngày và chờ đợi cơ hội từ những cuộc thi mới.
Nhắc đến trường hợp ca sĩ thiếu may mắn, phải kể đến Đinh Hương. Sở hữu giọng hát tốt, ngoài hình sáng, tưởng chừng á quân The Voice phiên bản Việt 2012 sẽ làm nên chuyện khi cô tung ra album Soul với màu sắc âm nhạc hiện đại, cá tính cùng những ca khúc cực chất. Nhưng rồi, nó cũng bị người nghe bỏ rơi một cách đầy khó hiểu.
Ba lý do tiếp theo khiến một số quán quân, á quân chẳng thể tỏa sáng sau cuộc thi là chọn hướng đi riêng xa rời thị hiếu số đông, tình trạng một màu và không tìm được ca khúc hit. Cùng với đó, việc bất ngờ thay đổi dòng nhạc đã khiến tên tuổi của họ giảm nhiệt đi trông thấy.
Thời gian đầu sau chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2007, Phương Vy được khán giả yêu mến qua các ca khúc pop ballad của nhạc sĩ Đức Trí, Hà Quang Minh như Lúc mới yêu, Có đôi lần, Chuyện người con gái, Đợi ánh sau rơi… Thế nhưng, một vài năm gần đây, cô quyết định thử sức với nhiều dòng nhạc khác nhau. Điều đó vô tình làm quán quân Tuyệt đỉnh tranh tài 2014 mất dần sức nóng vốn có. Hiện tại, Phương Vy không thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Cô chỉ thỉnh thoảng góp mặt trong những chương trình trực tiếp hay sánh đôi cùng các ngôi sao quốc tế, khi họ đến Việt Nam.
Nếu Phương Vy mất fan vì liên tục thử sức với dòng nhạc mới thì Hương Tràm lại không giữ được hình ảnh đẹp của mình trong mắt khán giả do vướng vào các scandal. Ồn ào nhất phải kể đến việc cô ca sĩ gốc Nghệ An viết tâm thư tố ngược huấn luyện viên Thu Minh với lời lẽ bị đánh giá là “vô ơn”. Không ít thí sinh bước ra từ một show thực tế về ca hát cũng dính các nghi án, nổi bật có Uyên Linh (hét giá cát-xê, chịu 4 cái tát trong trận đánh ghen), Bùi Anh Tuấn (bỏ show, nghiện đập đá), Phạm Hồng Phước (yêu Hương Giang Idol, đạo nhạc), Nhật Thủy (mua tin nhắn bình chọn)…
Thời hậu chương trình, nhiều sao thực tế liên tiếp vướng scandal vì sự nổi tiếng đến quá nhanh.
Tình trạng đoạt giải cao rồi không hoạt động hay hoạt động cầm chừng là một nguyên nhân khác dẫn đến việc nhiều cái tên bỗng dưng mất hút. Về nhì tại cuộc thi Vietnam Idol 2007, Ngọc Ánh không tận dụng lợi thế này để ra album/single/MV, thay vào đó anh mở quán kinh doanh cà phê. Hai năm sau, chàng kỹ sư địa chất thủy văn người Hà Tây bất ngờ tái xuất với các albumGiật mình, Ngày hôm qua là thế… nhưng chúng chẳng được mấy người chú ý. Hiện tại, anh gần như “bốc hơi” khỏi Vpop. Ở mùa giải 2008, lịch sử lặp lại lần nữa đối với người về nhì. Sau chương trình, Thanh Duy vẫn phát hành các sản phẩm âm nhạc riêng, song số lượng khá khiếm tốn. Ngoài chút ít thời gian dành cho niềm đam mê ca hát, còn lại, anh tất bật trong một số công việc thuộc lĩnh vực truyền thông, hậu trường và cả đứng lớp. Vũ Thảo My – quán quân Giọng hát Việt 2013 đang nối dài danh sách này, bởi từ lúc cuộc thi kết thúc đến giờ cô chưa tung ra bất kỳ sản phẩm âm nhạc nào hay xuất hiện tại một chương trình nhiều người biết tới.
Ngôi vị quán quân hay á quân ở các show thực tế về ca hát chỉ như bước đệm, hành trang giúp những tài năng âm nhạc mới của Vpop thêm tự tin trên con đường phấn đấu trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Giữa làng nhạc Việt lắm cạnh tranh, muốn trụ lại được, họ phải có nhiều yếu tố: giọng hát, ngoại hình, nắm bắt tốt xu hướng người nghe, sự hỗ trợ của ê kíp – người quản lý, ra album/single/MV đều đặn… Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng cần giữ lửa đam mê, lao động nghệ thuật nghiêm túc, cố gắng và phấn đấu không ngừng.
Theo zing
Ca sĩ Nam tiến: Kẻ thành công rực rỡ, người thất bại nặng nề
Thiếu sự chuẩn bị, chọn hướng đi riêng, hay ngại thay đổi... là những yếu tố dẫn đến sự thất bại của một số ca sĩ gốc Bắc, Trung ngay tại "miền đất hứa" của Vpop.
Trào lưu Nam tiến
Từ lâu, miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vốn được xem là mảnh đất lý tưởng để phát triển sự nghiệp của nhiều ca sĩ gốc Bắc hoặc Trung, bởi nó hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi như có đời sống văn nghệ sôi nổi, các phòng trà, sân khấu ca nhạc luôn sáng đèn mỗi đêm... Bên cạnh đó, công chúng phía Nam cũng có cái nhìn cởi mở, dễ chấp nhận hơn đối với những gương mặt trẻ, những xu hướng âm nhạc mới.
Nếu muốn nổi tiếng tại thị trường phía Bắc, đòi hỏi người cầm mic phải xuất thân từ một ngôi trường danh tiếng, được đào tạo bài bản, có thẩm mỹ âm nhạc sang trọng do đa phần khán giả chỉ chuộng nghe dòng nhạc mang hơi hướm thính phòng và kiếm tìm cái gọi là "âm nhạc đích thực". Sự thành công của bộ tứ diva Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Tùng Dương... cùng sức hút mãnh liệt từ những show nhạc của các nhạc sĩ tên tuổi (Phú Quang, Trịnh Công Sơn) đã cho thấy điều đó. Ngoài ra, không ít người yêu nhạc ở đây vẫn xem rock, hiphop, dance, R&B như những thứ lai căng, lạ lẫm để rồi buộc nó phải phát triển theo hướng underground. Khi cơ hội thành danh thấp và cái mới không được chấp nhận, việc Nam tiến hiển nhiên trở thành lựa chọn tất yếu với các ca sĩ vì họ cần khán giả cho dòng nhạc của mình.
Nhiều ca sĩ chọn con đường Nam tiến để phát triển sự nghiệp ca hát.
Kẻ thành công, người mất hút...
Khó mà kể hết các ca sĩ gốc Bắc, Trung vào TP.HCM để phát triển sự nghiệp âm nhạc khi làn sóng Nam tiến cứ diễn ra liên tục trong suốt vài thập kỷ qua. Mặc dù TP.HCM được coi là "miền đất hứa" của Vpop nhưng không phải ai đến đây cũng đều có được mơ ước.
Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng là hai ca sĩ tỏa sáng rực rỡ khi quyết tâm gắn bó với thị trường âm nhạc phía Nam. Cho đến hiện tại, họ vẫn khẳng định vị trí vững chắc trong lòng người hâm mộ. Một trường hợp khác là Hồ Ngọc Hà, khởi nghiệp từ vai trò người mẫu nhưng sau đó cô chuyển sang con đường ca hát chuyên nghiệp rồi trở thành nhân tố khó có thể thay thế.
Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng - Hai ca sĩ "Nam tiến" thành công.
Không nổi đình đám như đồng nghiệp, song Phương Thanh, Quang Hà, Hồ Quỳnh Hương, Lệ Quyên, Đăng Khôi hay Cao Thái Sơn... đều sở hữu những thành công nhất định. Vài năm trở lại đây, nhờ vào chuỗi bài hit cùng sự cố gắng không ngừng, lớp ca sĩ trẻ như Văn Mai Hương, Bùi Anh Tuấn, Bích Phương, Trung Quân Idol, Sơn Tùng MT-P... cũng nhận được sự yêu mến nồng nhiệt từ công chúng, đặc biệt là các khản giả 9X, 10X.
Trái ngược với các ca sĩ vừa nhắc ở trên, nhiều cái tên lại lao đao, vất vả trong việc tìm chỗ đứng cho mình, tiêu biểu là Tuấn Hưng, Minh Quân, Hoàng Hải, Ngọc Anh, Tăng Nhật Tuệ... Phần nhiều trong số đó chọn cách quay trở về Bắc, số khác thì tiếp tục bám trụ hoặc chuyển nghề.
Thành, bại do đâu?
Không khó lý giải nguyên nhân thất bại của những ca sĩ Nam tiến bất thành, bởi ngoài giọng hát tốt họ lại thiếu một số yếu tố cần thiết khác để hiện thực hóa điều mình muốn. Đầu tiên là việc ca sĩ không có sự chuẩn bị kỹ càng cho một chặng đường dài hơi, sự chuẩn bị ở đây bao gồm cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người vào Sài Gòn rồi loay hoay không biết bản thân phải hát dòng nhạc gì cho phù hợp, chọn theo đuổi phong cách nào, không có sự giúp đỡ hỗ trợ, hay thiếu chỗ diễn, thiếu kinh phí đầu tư các sản phẩm âm nhạc...
Trong một bài phỏng vấn, Lệ Quyên từng chia sẻ khi quyết định vào TP.HCM lập nghiệp, cô đã vạch sẵn chuyện nhà cửa, bạn bè quen thân ra sao, ai là người giúp đỡ mình, sẽ hát ở đâu, mức thu nhập khoảng bao nhiêu... Trường hợp của nam ca sĩ Quang Hà cũng giống vậy, anh có được thành công nhất định ở thị trường âm nhạc phía Nam là nhờ sự giúp đỡ của nhiều bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ tận tình từ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - cho ở nhờ nhà, giới thiệu chỗ diễn...
Chọn hướng đi riêng, không phù hợp với số đông là lý do kế tiếp khiến một số ca sĩ khó lòng trụ lại TP.HCM lâu dài. Trước đây, Ngọc Anh từng tung ra các album do chính cô sáng tác và thể hiện, nhưng cuối cùng tên tuổi vẫn không thể tỏa sáng rồi phải ngậm ngùi xách vali về Hà Nội. Một ví dụ khác là Tùng Dương, vì chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian đương đại cùng phong cách trình diễn "quái" chẳng giống ai nên thời gian ở Sài thành sự nghiệp của anh gần như dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, cả hai liên tục gặt hái cho mình nhiều thành công lớn khi trở lại hoạt động ở thị trường âm nhạc phía Bắc. Điều này cho thấy thị hiếu của khán giả hai miền phần nào có sự khác biệt và người cầm mic nếu muốn thành công buộc phải thay đổi sao cho phù hợp với thị hiếu ấy.
Ngọc Anh, Hoàng Hải - Hai trong số những gương mặt Nam tiến bất thành.
Việc không bắt kịp xu hướng âm nhạc mới là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến sự thất bại của nhiều ca sĩ. Bước ra từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2006, Hoàng Hải có nhiều lợi thế để phát triển nghiệp hát khi sở hữu chất giọng hiếm - nam cao, giàu nội lực và ngoại hình sáng sân khấu. Thế nhưng, con đường âm nhạc của anh sau đó lại rơi vào tình trạng một màu khi chỉ trung thành với các ca khúc thuộc thể loại pop ballad. Điều công chúng nhớ nhất ở Hoàng Hải là biệt danh "Hoàng tử Vpop". Anh cho biết bản thân đang ấp ủ kế hoạch Nam tiến lần thứ 2 sau ngôi Á quân tại chương trình Tuyệt đỉnh tranh tài vừa qua.
Tương tự Hoàng Hải, Tăng Nhật Tuệ không mấy thành công trong vai trò ca sĩ kể từ khi vào TP.HCM. Thay vào đó, anh lại được nhiều người chú ý ở các lĩnh vực khác như sáng tác nhạc, đóng phim, dẫn chương trình...
Thành bại của một ca sĩ ở thị trường âm nhạc đầy sự cạnh trạnh như miền Nam cũng phụ thuộc không ít vào chiến lược PR, đôi lúc là cả những chiêu trò.
Trào lưu Nam tiến vẫn đang diễn ra, nó góp phần làm cho đời sống âm nhạc nơi đây thêm phong phú, đa sắc hơn. Để có được danh tiếng, bạc tiền như mong muốn, bên cạnh các yếu tố vừa nhắc, người ca sĩ còn cần không ngừng trau dồi, học hỏi, cố gắng, đủ bản lĩnh, khôn khéo và... một chút may mắn.
Theo zing
Những vui buồn của làng nhạc Việt trong nửa đầu 2014 Bên cạnh các sản phẩm âm nhạc chất lượng hay sự tỏa sáng của những tài năng trẻ, Vpop sáu tháng đầu năm vẫn còn đó không ít câu chuyện đáng quên. Vui nhiều... Âm nhạc vốn dĩ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Nó luôn vận động, thay đổi và phát triển theo thời...