Nghịch lý cay đắng hài Tết: Càng nhiều đĩa lậu, càng “hốt” doanh thu
Khoảng 3 năm về trước, mỗi khi hoàn thành xong một đĩa hài Tết là các nhà sản xuất lại phải “lao tâm khổ tứ” lo giữ bản quyền để tránh bị nạn đĩa lậu “cướp trắng”. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, “thế sự” đã hoàn toàn thay đổi. Càng có nhiều đĩa lậu in sao, các nhà sản xuất lại càng “hốt” được nhiều doanh thu từ nhà tài trợ.
Dựa vào đĩa lậu để “hốt” tiền tài trợ
Nhà sản xuất đã không còn canh cánh nỗi lo hài Tết bị thao túng bởi thị trường đĩa lậu. Ảnh: TL.
Nhiều năm nay, người ta gọi chuyện “đĩa thật” (đĩa gốc) sống chung với “đĩa giả” (đĩa lậu) là hiện tượng “cộng sinh”. Và hiện tượng “cộng sinh” này đang diễn ra như một quy luật đầy nghịch lý mà tất yếu của thị trường hài Tết.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng kể rằng, ngày xưa, chỉ một sơ sẩy nho nhỏ khiến thông tin hoặc hình ảnh trong phim hài Tết bị rò rỉ ra ngoài thì ngay lập tức công nghệ in sao đĩa lậu sẽ phủ trắng sạp đĩa bằng hàng triệu bản in lậu. Vì lẽ đó mà cứ mỗi lần làm xong một đĩa hài Tết là ông lại đau đầu nghĩ kế giữ kín bản quyền. Tuy nhiên, dù “mưu sâu kế hiểm” đến đâu thì cũng không thể tránh được chuyện đĩa gốc vừa ra chưa được nửa ngày, đĩa lậu đã tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Để tránh được những tổn thất về doanh thu, nhiều nhà sản xuất đĩa hài Tết đã nghĩ ra cách biến đĩa lậu thành công cụ kiếm tiền hữu hiệu.
Một công thức chung được nhiều nhà sản xuất đĩa hài hai miền Bắc – Nam hiện nay áp dụng đó là sau khi có kế hoạch sản xuất hài Tết các nhà sản xuất sẽ xây dựng hồ sơ xin tài trợ của các doanh nghiệp. Thực chất của việc xin tài trợ này theo đạo diễn Phạm Đông Hồng đó là một hình thức mời quảng cáo. Với dạng này, các nhà tài trợ có quyền chi phối kịch bản hoặc đưa ra những yêu cầu về quyền lợi quảng cáo. Và cũng với cách này, nhiều khi số tiền được tài trợ mà nhà sản xuất có được cao gấp 3, 4 lần chi phí bỏ ra.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng trong một cảnh của hài tết Chôn nhời 4 sắp ra mắt. Ảnh: PĐH.
Đạo diễn Trần Bình Trọng thừa nhận rằng, có những nhà sản xuất phát hành đĩa hài Tết không phải để thu lợi từ việc bán đĩa gốc mà chủ yếu là để phát tán lên mạng hoặc tung cho các đầu nậu đĩa lậu sao chép phát tán. Càng phát tán nhiều, hiệu quả quảng cáo càng cao thì năm sau lại càng dễ xin tài trợ hoặc dễ mời quảng cáo hơn.
“Nói thật là với luật bản quyền lỏng lẻo như của Việt Nam hiện nay, nếu nhà sản xuất nào cũng ngồi trông chờ vào doanh thu bán đĩa gốc thì đến tỷ phú cũng phải phá sản chứ không phải doanh nghiệp bình thường. Đã nhiều lần chúng tôi bàn đủ trăm phương nghìn kế để chống lại nạn in sao đĩa lậu nhưng rồi vẫn phải “lực bất tòng tâm”. Chẳng còn cách nào khác bằng cách “sống chung” với nó. Từ chỗ chống lại nó tôi quay sang hoan nghênh, thậm chí cổ vũ nó bằng cách làm thật nhiều phim tốt, vì càng nhiều phim tốt thì mới có càng nhiều đĩa lậu, phim càng hay thì in lậu càng nhiều. Đĩa lậu càng nhiều thì càng nhiều người biết đến sản phẩm của mình và các doanh nghiệp cũng biết tới…”, đạo diễn “Làng ế vợ” nói.
Thậm chí, có nhà sản xuất còn khẳng định chắc nịch rằng, họ còn in hàng nghìn tấm bìa đĩa đưa cho các đầu nậu in sao băng đĩa lậu để họ lồng đĩa giả vào đó tung ra thị trường. Việc làm này vừa đạt được hiệu quả về mặt quảng bá thương hiệu của nhà sản xuất lẫn nhà tài trợ, vừa giữ được “linh hồn” của đĩa hài trên mặt hình ảnh, vừa tăng được tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình khi tung ra sạp đĩa.
Quảng cáo “vô tội vạ” là vi phạm luật quảng cáo?
Một số nhà sản xuất thừa nhận rằng, việc làm phim hài Tết dựa trên nguồn kinh phí của nhà tài trợ sẽ không thể tránh khỏi được việc bị chi phối về kịch bản. Và đó là nguyên nhân khiến nhiều đĩa hài Tết trở nên nhảm – nhạt hoặc quảng cáo một cách “vô tội vạ” khiến người xem ít nhiều quay lưng với hài Tết.
“Nhiều đĩa hài Tết hiện nay thường hướng đến khai thác chủ đề hiện đại nhằm giúp các nhà sản xuất dễ dàng đưa thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp vào nội dung phim. Nghĩa là các nhà tài trợ được tham gia chính thức vào mặt nội dung kịch bản. Người xem có thể thấy nhân vật sử dụng một thương hiệu sản phẩm nào đó, kèm theo những câu thoại ít nhiều liên quan đến tuyên truyền quảng bá luôn cho sản phẩm đó, phần nào khiến người xem thấy phản cảm và gượng ép. Cách làm trên là việc lái nội dung kịch bản theo hướng làm sao quảng cáo được càng nhiều cho doanh nghiệp càng tốt”, một đạo diễn nói.
Một cảnh trong hài Tết “Làng ế vợ” sắp phát hành. Ảnh: TBT.
Nhiều người đặt vấn đề rằng, việc thả lỏng của cơ quan quản lý đã khiến cho các nhà sản xuất đưa quảng cáo “vô tội vạ” vào sản phẩm để kiếm tiền. Có người còn đếm được có một số đĩa hài Tết như: Chôn nhời, Tiền đồ… cứ 5 phút lại lồng một slot quảng cáo và quảng cáo chiếm tới 1/3 thời lượng trong đĩa hài. Điều này xét dưới gốc độ của luật quảng cáo là đã phạm luật.
Video đang HOT
Đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ, theo luật quảng cáo thì quảng cáo không được phép xuất hiện quá 7% thời lượng của cả phim. Nghĩa là, một phim có thời lượng 100 phút, quảng cáo không được quá 7 phút. Vì vậy không thể có chuyện tùy tiện chen các đoạn quảng cáo một cách thoải mái vào trong phim.
“Với Chôn nhời là sản phẩm của đơn vị phát hành Thăng Long, là một doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, chịu theo luật quảng cáo cũng như những quy định của Bộ VHTT&DL do đó, không phải những đơn vị nào cũng có thể được mời tài trợ quảng cáo, mà phải được duyệt qua Cục Văn hóa cơ sở mới được thông qua”, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói.
Thực tế, hiện nay trên thị trường có hai loại hình sản xuất đĩa hài. Loại thứ nhất là sử dụng tiền của các nhà tài trợ để dựng phim. Sau khi phát hành thành đĩa, mục đích của những đĩa phim hài đó không phải để trình chiếu trên các kênh truyền hình chính thống mà được phát hành ngoài thị trường dưới dạng đĩa gốc thì ít, đĩa lậu thì nhiều hoặc thông qua các diễn đàn mạng, trang chia sẻ video… cho cộng đồng mạng xem. Loại hình này gần như không phải qua quy trình kiểm duyệt của các cơ quan chức năng nhà nước. Do vậy, việc đưa quảng cáo vào sản phẩm cũng không có liều lượng cố định và cũng không tuân theo bất kỳ luật nào cả.
Nhiều đạo diễn nhìn nhận rằng, việc xã hội hóa, kêu gọi tài trợ, mời quảng cáo trong các bộ phim ngày nay là chuyện hết sức bình thường và hiển nhiên của thời đại kinh tế thị trường. Ảnh: PĐH.
Với hình thức thứ hai là sản phẩm hài không dùng tiền của các nhà tài trợ dựng phim mà nhà sản xuất bỏ vốn của chính mình ra để kinh doanh, đầu tư từ kịch bản phim, nhân lực, đạo cụ, phục trang… cho đến khâu phát hành. Sau khi hoàn thành, sản phẩm này sẽ phải được qua hệ thống kiểm duyệt của nhà nước (Cục Điện ảnh). Khi đã được sự phê chuẩn của Cục, nhà sản xuất mới tính đến việc kêu gọi, mời các doanh nghiệp tài trợ. Đây là một trong nhưng cách thức xã hội hóa được nhà nước quy định và kêu gọi từ lâu do kinh phí nhà nước không đủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Với loại này, dù muốn cho thật nhiều quảng cáo vào sản phẩm thì nhà sản xuất vẫn phải tuân thủ theo luật.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, kể từ khi bắt tay vào sản xuất đĩa hài Tết cho đến nay, đơn vị của ông chưa bao giờ chấp nhận cho doanh nghiệp can thiệp vào kịch bản. Vì phần lớn các đĩa hài của đơn vị ông thực hiện đều là hài dân gian nên nếu để doanh nghiệp can thiệp sẽ khiến nội dung đĩa hài bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để vẫn có thể thu được lợi nhuận từ quảng cáo ông sẽ dùng cách chèn quảng cáo vào những đoạn nghỉ của phim. Bên cạnh đó, Thăng Long Audio của nam đạo diễn này cũng chọn hướng bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương và kênh Yotube.
Nam đạo diễn này bật mí, năm ngoái, các đĩa hài Tết do đơn vị ông sản xuất đã được 42 kênh truyền hình địa phương mua bản quyền phát sóng lại. Bên cạnh đó, “Chôn nhời 3″ khi tung lên kênh Youtube chỉ trong vòng 3 tháng đã có hơn 100 triệu lượt người xem. Công ty ông trở thành 1 trong 6 đối tác của Youtobe Châu Á Thái Bình Dương. Ký với Youtobe, các sản phẩm của ông không những thu được lợi mà còn được bảo vệ về việc bản quyền.
Đạo diễn Trần Bình Trọng cũng thừa nhận, phim hài Tết “Làng ế vợ” phần 1 do công ty anh sản xuất mới đưa lên Youtube 8 ngày đã có 12 triệu view, phần 2 đưa lên 5 ngày được 9 triệu view.
Nhiều đạo diễn nhìn nhận rằng, việc xã hội hóa, kêu gọi tài trợ, mời quảng cáo trong các bộ phim ngày nay là chuyện hết sức bình thường và hiển nhiên của thời đại kinh tế thị trường. Việc các nhà sản xuất hay ngay cả các đài truyền hình kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tài trợ để được quảng cáo là đúng theo quy định của pháp luật. Phim có hay thì càng có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia tài trợ, có nhiều quảng cáo.
Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)
Hài Tết 2016: Nhảm, nhạt, vô duyên
Các sản phẩm hài Tết 2016 đã xuất hiện trên thị trường nhưng người xem vẫn ngoảnh mặt làm ngơ vì nội dung nhàm, cũ, vô duyên.
Nhảm vì lạm dụng "da thịt"
Hài Tết 2016 khiến người xem khó chịu vì những chi tiết, những tình huống hay những câu nói gợi dục vô duyên.
Những yếu tố nhạy cảm như chuyện bà Tri huyện nhìn lén quần rách của người ở Chôn nhời 3, cho đến chuyện đo ba vòng của Đại gia chân đất 6 rồi đến chuyện nhí nhảnh tòm tem của cặp đôi trai gái đang hẹn hò trong hài Tiền đồ.
Hầu như các đĩa hài Tết năm nay đều tích cực khai thác vào những vấn đề nhạy cảm, gợi dục khiến người xem cảm thấy nội dung bị nhảm không tạo cảm giác thoải mái và văn minh.
Người xem như lạc vào một thế giới các nhân vật đang cố gồng mình học theo những lời thoại khiếm nhã và thiếu sáng tạo.
Bên cạnh đó, hài tết còn liên tục đề cập vào những chi tiết phòng the, "chuyện ấy" hay nhu cầu sinh lý cũng là một yếu tố khiến khán giả không khỏi nhíu mày.
Nội dung nhạt cố bám víu vào những chi tiết nhạy cảm phòng the khiến cho hài Tết không còn hấp dẫn công chúng. Dù diễn viên cố gắng diễn tả sao cho tinh tế nhẹ nhàng như cách thể hiện vẫn chưa đủ khiến khán giả hài lòng.
Hài Tết 2016 tiếp tục "cù nách" người xem bằng yếu tố phòng the, phô diễn "của nả" của diễn viên nữ.
Hài Tết hay là phim quảng cáo
Hài Tết 2016 tiếp tục mang đến một điểm trừ khi nhà sản xuất lồng ghép quá nhiều phân đoạn quảng cáo với tần suất dày đặc vào trong phim.
Thực tế để sản xuất hài tết, nhà sản xuất cần tiền để đầu tư nhưng việc đưa hình ảnh quảng cáo, logo sản phẩm liên tục vào phim sẽ khiến khán giả bất bình.
Thậm chí như đĩa hài Tiền đồ, đạo diễn còn chèn luôn cả một siêu thị điện máy với những hình ảnh quảng cáo sản phẩm không thể chi tiết hơn. Các nhân vật trong phim như Chiến Thắng còn tích cực giao lưu cùng chủ siêu thị để thương hiệu được nhấn mạnh hơn.
Chưa hết, nhiều băng đĩa hài còn mạnh bạo cắt cúp sao cho phim ít mà quảng cáo phải nhiều. Những sản phẩm hài Tết bỗng chốc trở thành những bộ phim đưa tên thương hiệu các sản phẩm.
Nội dung cũ và diễn viên gồng mình
Chính vì quảng cáo nhiều nên nội dung của hài tết trở nên nhạt nhẽo, kém duyên và khiên cưỡng.
Bao năm nay, nội dung hài tết vẫn trung thành với cuộc sống thôn quê, về người nông dân và những thói xấu của người nhà quê.
Đạo diễn tập trung xoáy sâu vào lời ăn tiếng nói, giọng địa phương, thậm chí bêu xấu thói trưởng giả học làm sang của người nông thôn.
Hoặc thói hám gái của nhiều trọc phú ở các vùng quê cũng được đạo diễn khai thác hay một vài tính xấu hám của cũng được nêu bật nhằm tìm tiếng cười nơi khán giả. Nhưng những thứ đó bị lạm dụng quá đà bỗng trở nên nhàn nhạt thiếu tính sáng tạo không còn mới mẻ và gây hứng thứ cho người xem.
Chuyện làng quê, những thói xấu của người nông dân lại tiếp tục được các nhà sản xuất cày xới khai thác.
Ví dụ như Đại gia chân đất đã ra đến đĩa thứ 6, nội dung vẫn xoay quanh câu chuyện trưởng gia học làm sang, chuyện đàn ông hám gái với ngôn ngữ chợ búa vô cùng khó nghe làm người xem mất thiện cảm.
Hoặc với Trở lại, tuy cách tiếp cận vấn đề có mới nhưng cũng cách làm, cách đưa nội dung cho người xem vẫn một kiểu phê phán thói xấu tham lam của người nhà quê. Điều này cũng khiến cho sản phẩm tết này mất điểm trong mắt người yêu hài.
Nội dung hài Tết 2016 tuy đã đa đa dạng về số lượng nhưng nội dung cũng như ngôn ngữ diễn đạt của các tiểu phẩm vẫn chưa có nhiều đổi mới. Ê-kíp làm hài Tết chưa tìm ra điểm hài mới, văn minh vui vẻ sáng sủa nên cuối cùng người xem đã quay lưng với những sản phẩm như vậy.
Những gương mặt cũ mèm
Hài Tết năm nay có những diễn viên nào? Dạo quanh thị trường băng đĩa người xem không khỏi ngán ngẩm khi bìa tiểu phẩm nào cũng luẩn quẩn những gương mặt cũ mèm, thậm chí có những cái tết còn bị trùng lặp, phân thân trong nhiều đĩa hài khác nhau.
Tự Long, Công Lý, Quang Thắng, Quang Tèo, Giang Còi, Chiến Thắng, Trung Hiếu, Hồng Vân, Minh Hằng, Kim Oanh - những danh hài chỉ nghe tên khán giả đã biết nhưng nếu lặp lại nhiều lần với lối diễn quen thuộc cũng làm người xem chán nản.
Gương mặt thân quen Quang Tèo bao năm vẫn vậy và cách diễn của anh đã không còn "cù nách" được khán giả.
Nội dung hài nhạt không phải chi do quảng cáo chen lấn mà một phần cũng có sự "đóng góp" của các gương mặt thân quen. Cách diễn, cách nói, cách thể hiện năm nào cũng vậy khiến hài tết nhạt nhẽo và khiên cưỡng.
Đặc biệt một vài gương mặt như Quang Tèo, Chiến Thắng thường đưa lối diễn, cách nói giả giọng địa phương, chợ búa, cách nhấn nhá câu chữ làm quá cũng khiến người xem mệt mỏi.
Thậm chí có nhiều tên tuổi đóng nhiều tiểu phẩm hài cùng lúc trong một mùa tết như Quang Tèo tham gia Đại gia chân đất 6, Tiền đồ, Làng ế vợ, hay Trung Hiếu diễn luôn Đại gia chân đất 6 cùng Trở lại, hoặc như Chiến Thắng cũng "xơi" trọn Làng ế vợ, Tiền đồ và Đại gia chân đất 6.
Việc chọn diễn viên cũ, gương mắt quen cũng là cách làm bắt đăc dĩ của nhà sản xuất nhưng lạm dung quá nhiều những tên tuổi thân thuộc này đã khiến khản giả không còn mặn mà với hài Tết như xưa.
Gương mặt mới nhạt, đơ cứng
Nhà sản xuất hài Tết năm 2016 cũng biết cách câu kéo người xem bằng những gương mặt mới nhưng thực tế tên tuổi cùng cách thể hiện của họ vẫn chưa được người xem chú ý.
Ví dụ, như trong sản phẩm hài Trở lại, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã chọn DJ nóng bỏng Trang Moon, nhưng sau khi xem những gì cô thể hiện, khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì người đẹp chỉ biết phô trương hình thể ba vòng mơn mởn chứ chưa biết cách diễn hài.
Trang Moon dù xinh đẹp, nóng bỏng nhưng không khiến người xem yêu thích bởi cách diễn kém duyên của cô.
Hay như trong Tiền đồ, sau một loạt những tên tuổi có "máu mặt" như Quang Tèo, Chiến Thằng được phô trương tài năng tấu hài thì phân đoạn cuối người xem thấy có sự góp mặt của nghệ sĩ Khánh Bình.
Nhưng với sự xuất hiện chớp nhoáng của nam ca sĩ hát nhái giọng nữ người Nam bộ cũng không khiến người xem ấn tượng. Hầu như anh chỉ đến tham gia cho có mặt chứ không làm cho khán giả vui.
Hài Tết 2016 đã được bày bán trên thị trường nhưng người xem không mấy mặn mà. Bởi những tiểu phẩm hài năm nay không thực sự mới mẻ, không mang được tiếng cười bổ ích cho người xem.
Theo Đỗ Quyên/Báo Gia đình & Xã hội
'Đồng bóng' như Vượng râu Đã không ít lần, Vượng râu tự nhận là dân "đồng bóng". Không hẳn vì có tí duyên "ông đồng, bà cốt" mà theo anh, nghệ sĩ thực thụ ai cũng có điều đó, không nhiều thì ít. Họ ít đi theo một quy củ nào, cứ thấy vui, thấy thích và đam mê là... tới bến, bất kể lỗ lãi thế nào....