Nghịch cảnh ngao “cười”, người khóc vì lâm vào vỡ nợ trên đất Cảng
Hơn 1 tuần nay, người dân nuôi ngao ở bãi bồi cửa sông Văn Úc, khu vực tiếp giáp giữa các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng và quận Đồ Sơn (Hải Phòng) mất ăn, mất ngủ, đứng ngồi không yên vì ngao đột ngột “cười” hàng loạt. Nhiều gia đình lâm vào cảnh vỡ nợ.
Người dân nhặt lại những con ngao còn sống trong đống vỏ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực cửa sông Văn Úc có khoảng 500ha ngao. Hơn 1 tuần nay, trên các bãi nuôi ngao tại khu vực này xuất hiện tình trạng ngao chết hàng loạt, há miệng nằm phủ trắng bãi.
Những tưởng được mùa ngao sẽ đủ để trang trải cuộc sống. Nào ngờ, ngao chết, người nuôi ngao ở đây như tay trắng và phải cõng một khoản nợ lớn chưa biết tính thế nào để trả.
Anh Nguyễn Văn Thu (xã Đoàn Xá, Kiến Thụy) chia sẻ, gia đình anh nuôi gần 50ha ngao. Con ngao đang phát triển tốt thì bỗng nhiên chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Theo tính toán, gia đình anh thiệt hại ước tính gần 10 tỷ đồng.
Video đang HOT
“Sau khi xuất hiện ngao chết, gia đình tôi cũng như các hộ nuôi ngao ở khu vực này phải vớt số ngao còn lại đem vào bờ bán để vớt được đồng nào hay đồng đó. Đồng thời, thuê người hút dọn ngao chết dưới bãi để tái tạo, đầu tư lại. Phải mất khoảng một thời gian nữa mới nuôi ngao trở lại được. Tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân gây ra ngao chết hàng loạt”, anh Thu thất thần.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình anh Thu, nhiều người nuôi ngao ở bãi bồi Văn Úc cũng điêu đứng, người dân như ngồi trên đống lửa. Chị Phạm Thị Vân (xã Đại Hợp, Kiến Thụy) cho biết: Sau khi ngao đột ngột chết hàng loạt, gia đình chị rất là sốc, như rơi xuống vực thẳm.
“Để có được bãi nuôi ngao, gia đình chị phải vay tiền ngân hàng, người thân, thậm chí phải vay nóng để đầu tư vào bãi ngao, đùng một cái ngao chết, gia đình chị như rơi xuống vực thẳm.”, chị Vân than thở.
Theo lãnh đạo địa phương xã Đại Hợp cho biết, đây là lần đầu tiên xuất hiện ngao chết hàng loạt, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền đã xuống khu vực nuôi ngao tìm hiểu đồng thời báo cáo sự việc lên các cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kiến Thụy cho biết: Sau khi nắm bắt được thông tin về vụ việc trên, chúng tôi đã báo cáo lên các cơ quan chức năng để xuống khu vực tìm hiểu. Sở NN-PTNT Hải Phòng đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật đi xuống kiểm tra thực địa tại cơ sở.
Theo ông Quân, kết quả sơ bộ cho thấy diện tích nuôi ngao bị chết nằm trên lạch nước, khi triều cạn vẫn còn đọng khoảng 40 – 50cm nước, mật độ ngao nuôi từ 500 – 800 con/m2 (cỡ 80 – 150 con/kg), diện tích bị thiệt hại ước khoảng trên dưới 100ha.
“Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hải Phòng gửi về thì nguyên nhân ban đầu được xác định là ngao nuôi bị chết do mật độ nuôi quá dày (gấp 2 – 3 lần so với khuyến cáo của cơ quan chức năng), khu vực ngao nuôi bị đọng nước cả ngày gây hiện tượng hấp thụ nhiệt cục bộ làm nhiệt độ nước tăng cao vào buổi trưa, dẫn đến biên độ dao động nhiệt ngày và đêm lớn làm ngao bị sốc, khả năng chống chịu suy giảm, có thể dẫn đến chết hàng loạt”, ông Quân lý giải.
Theo Mai Chiến (Nông nghiệp Việt Nam)
Đề xuất hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng cho người dân bị chết ngao
Liên quan đến tình trạng ngao nuôi chết hàng loạt tại xã Hải Lộc và Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ các hộ nuôi ngao có ngao nuôi bị chết vào thời điểm cuối năm 2016.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, từ ngày 19/12/2016 đến ngày 30/1/2017, các hộ nuôi ngao trên địa bàn xã Hải Lộc và Đa Lộc, huyện Hậu Lộc có ngao nuôi bị chết. Căn cứ kết quả phân tích, giám định và kết luận của các cơ quan chức năng thì ngao chết không phải do dịch bệnh; ngao không bị nhiễm tảo độc, kim loại nặng và các chất độc hại. Do đó, sản phẩm ngao tại vùng nuôi xã Hải Lộc vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Đề xuất hỗ trợ các hộ nuôi ngao có ngao bị chết hồi cuối năm 2016
Ngao chết là do kết hợp các yếu tố như: Ngao nuôi với mật độ cao nên ngao gầy và yếu do sự cạnh tranh nguồn thức ăn và không gian sống nên khi gặp môi trường xấu và biến động mạnh, ngao sẽ bị sốc và chết; điều kiện khí hậu, thời tiết và chế độ thủy triều vùng Hòn Nẹ trong khoảng thời gian từ 10/12 đến hết tháng 12/2016 có sự biến động rất lớn.
Trước đó, tại hội nghị thông báo kết quả xác định nguyên nhân ngao chết được tổ chức tại xã Hải Lộc (Hậu Lộc), Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, huyện có diện tích ngao bị chết trong thời gian từ tháng 19/12/2016 đến tháng 30/1/2017, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi ngao sớm khôi phục sản xuất.
Theo báo cáo thống kê của huyện Hậu Lộc, tổng diện tích ngao nuôi bị chết trên địa bàn 2 xã Hải Lộc, Đa Lộc là hơn 450 ha.
Trên cơ sở thống kê của UBND huyện Hậu Lộc, đơn kiến nghị hỗ trợ thiệt hại do ngao nuôi chết của các hộ dân, có xác nhận của trưởng thôn và chi hội nông dân thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ các hộ nuôi ngao trên địa bàn xã Hải Lộc và Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) có ngao nuôi bị chết từ ngày 19/12 đến ngày 31/12/2016.
Trong đó, mức hỗ trợ đối với diện tích ngao nuôi bị chết trên 70% là 35 triệu đồng/ha; mức hỗ trợ đối với diện tích ngao nuôi bị chết từ 30% đến 70% là 21 triệu đồng. Theo đó, tổng kinh phí mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho người dân 2 xã Hải Lộc, Đa Lộc là hơn 15,6 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng tỉnh năm 2017.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Đề nghị Thanh Hóa làm rõ việc ngao chết hàng loạt Trước hiện tượng ngao chết tại xã Hải Lộc, Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) gây tâm lý hoang mang, lo lắng và thiệt hại về kinh tế của nhân dân địa phương trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh...