Nghĩa xúc phạm nhân phẩm nạn nhân?
Nguyễn Đức Nghĩa được dẫn vào tòa ngày 13-10
Luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng, Nghĩa không phạm tội một cách man rợ. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hồng Bách khẳng định có. “Nghĩa khai “quan hệ” với nạn nhân vào ngày 3, 4-5-2010 là cố tình xúc phạm nhân phẩm chị Linh” – ông Bách nói…
Xác minh lý do vắng mặt của luật sư!
“Tôi chết trăm nghìn lần cũng đáng. Dù tòa có tuyên mức án cao nhất, tôi cũng không bao giờ kháng cáo” – Nguyễn Đức Nghĩa đã nói những lời tâm can tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hà Nội. Nhưng sau đó, bị cáo kháng cáo vì cho rằng, mình không phạm tội một cách man rợ. Như lời luật sư Ngô Ngọc Thủy (bào chữa cho Nghĩa), bị cáo bị dằn vặt vì những người trong gia đình hy vọng Nghĩa còn cơ hội sống.
Phiên phúc thẩm ngày 13-10-2010 của TAND TC vắng mặt luật sư Thủy. Ông cáo bận do phải dự hội nghị quốc tế từ ngày 12 đến 25-10-2010. Bị cáo cũng đề nghị HĐXX hoãn tòa vì không thể tự bào chữa. Theo vị chủ tọa, luật sư gửi đơn xin hoãn tòa nhưng không nêu rõ dự hội nghị quốc tế ở đâu. Tòa sẽ xác minh lý do vắng mặt của luật sư Thủy nên chưa ấn định ngày mở lại phiên xử.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách
“Xúc phạm đến nhân phẩm nạn nhân!”
Cũng như dư luận, ông Nguyễn Văn Ba (bố của nạn nhân Nguyễn Phương Linh) bất ngờ trước kháng cáo của Nghĩa. Đau đáu trước cái chết tức tưởi của con gái, ông Ba đồng ý với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm. Quả quyết, Nghĩa phạm tội một cách man rợ, ông đã mời ba luật sư (Nguyễn Hồng Bách, Trương Thị Pha và Đào Trung Kiên – Cty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con gái mình.
Các luật sư phía bị hại cho hay, Nghĩa có nhân thân xấu. Bị cáo từng có tiền sự về tội “Cố ý gây thương tích” năm 2003, nhiều lần đem tài sản của người khác thế chấp tại hiệu cầm đồ (Nghĩa đã thế chấp chiếc xe máy của Hoàng Thị Yến tại hiệu cầm đồ mà không được sự đồng ý của Yến – lời khai của Yến tại bút lục số 112 ) và ham cá độ bóng đá.
Video đang HOT
Đáng lưu ý, Nghĩa còn cố tình xúc phạm đến nhân phẩm của chị Linh khi khai, “quan hệ” với bị hại vào ngày 3, 4-5-2010; bị cáo giết người là do ghen tuông (chị Linh tìm đến bị cáo để quan hệ xác thịt). “Chị Linh đã mất nên không thể đối chứng. Tuy nhiên, qua hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 4-5-2010 bị hại không trao đổi tin nhắn có nội dung yêu đương với bất cứ ai. Nghĩa là người chủ động liên lạc gọi chị Linh đến nhà Yến. Ngay cả chị Linh cũng không hay biết căn phòng này là của người yêu bị cáo. Nếu cho rằng, chị Linh chỉ đến với bị cáo vì quan hệ xác thịt thì đây cũng không thể là nguyên nhân dẫn tới việc bị cáo nổi cơn ghen, hai người đã chia tay từ lâu. Nghĩa xúc phạm nhân phẩm bị hại là để che giấu mục đích giết người cướp tài sản. Khi đó, bị cáo đã rơi vào tình trạng quẫn bách về tài chính (ngày 5-5-2010 là hạn chót để chuộc xe máy của Yến) – ông Bách nói.
Bị cáo Nghĩa cố ngoái lại nhìn người thân sáng 13-10-2010
Có căn cứ về hành vi man rợ?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách khẳng định, Bản án sơ thẩm số 281/2010/HSST ngày 14-7-2010 của TAND TP Hà Nội đối với Nguyễn Đức Nghĩa là “đúng người, đúng tội”. Vì thế, luật sư không nhất trí khi Nghĩa cho rằng, bị cáo không giết người một cách man rợ.
Điểm i khoản 1 Điều 93 BLHS nêu, tình tiết tăng nặng của tội “Giết người” là thực hiện tội phạm một cách man rợ. Tính man rợ trong hành vi của Nghĩa rất rõ ràng: Bị cáo đâm bị hại hai nhát từ phía sau và chị Linh chỉ kịp quay lại nhìn với “ánh mắt bàng hoàng”. Không dừng lại ở đó, Nghĩa đã thực hiện một loạt các hành vi mất nhân tính khác (chặt đầu, chặt ngón tay, phi tang thi thể nạn nhân) hòng che giấu tội phạm, gây cản trở cho quá trình điều tra của các cơ quan tố tụng.
Khoản 1 Chương II Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng thẩm phán TAND TC giải thích: “Thực hiện tội giết người một cách man rợ như kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội (móc mắt, xẻo thịt, moi gan, chặt người ra từng khúc…)”. Đối chiếu với Bản tường trình ngày 19-5-2010 (bút lục số 57) của Nghĩa càng rõ, bị cáo thực hiện tội phạm man rợ: “Ban đầu tôi dùng con dao chặt xương trên giá dao định chặt cổ Linh nhưng không thành công. Tôi tiếp tục thử dùng con dao dùng đâm Linh để cắt cổ cũng không được. Cuối cùng tôi thử lấy con dao bản chuyên dùng để thái thịt để cắt cổ. Sau đó dùng dao chuyên dùng chặt xương, kê tay Linh lên chiếc thớt gỗ rồi chặt rời từng đầu ngón tay của Linh”.
Nghĩa đã dùng ba con dao để chia nhỏ thi thể nạn nhân. Hành vi này thể hiện ý chí sắc lạnh, phi nhân tính, “làm nhục tử thi”. Đây là việc làm tối kỵ của một con người đối với đồng loại của mình, vậy mà bị cáo đã làm với người mình từng yêu thương.
Ngoài ra, tại các bản tường trình, bản kiểm điểm khác đều thể hiện, Nghĩa nhận thức rõ hành vi giết người của mình là kinh khủng, khủng khiếp, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không thể tha thứ được: “Dù bản thân mình có chết hàng trăm lần, hàng nghìn lần cũng không thể nào bù đắp được những tội ác quá ghê sợ mà mình đã gây ra” (bút lục số 63).
Vì các lẽ trên, luật sư Bách, Pha, Kiên sẽ đề nghị TAND TC tuyên y án sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Nghĩa.
Theo Pháp luật xã hội
Xác minh lý do vắng mặt của luật sư Thủy
Nguyễn Đức Nghĩa tại tòa hôm 13-10.
Sáng ngày 13/10, Tòa phúc thẩm- TAND Tối cao đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, thường trú tại quận Kiến An, Hải Phòng) - hung thủ trong vụ án "xác chết không đầu" tại khu Chung cư G4 Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, ngay sau phần thủ tục, HĐXX phúc thẩm đã quyết định hoãn phiên tòa với lý do luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa vắng mặt tại tòa.
Nhiều nhà báo phải bổ sung "Giấy phép con"!
Trước đó (ngày 14/7), khi xét xử sơ thẩm vụ án này, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa 6 năm tù về tội "Cướp tài sản", tử hình về tội "Giết người", tổng hợp hình phạt là tử hình, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh 113 triệu đồng.
Sau khi phiên toà sơ thẩm kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng, án tử hình dành cho Nguyễn Đức Nghĩa là xứng đáng với hành động dã man của y. Tại phiên toà sơ thẩm, Nguyễn Đức Nghĩa cũng tỏ ra ăn năn và nói rằng sẽ không kháng án vì "có chết hàng ngàn lần cũng không hết tội", tuy nhiên sau đó Nguyễn Đức Nghĩa lại bất ngờ kháng án. Được biết, động cơ để Nguyễn Đức Nghĩa viết đơn kháng án là vì cha - ông Nguyễn Đức Hùng, luôn động viên Nghĩa làm đơn chống án để có hy vọng được sống dù rất mong manh.
Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi giết người của bị cáo vô cùng man rợ, gây chấn động dư luận trong suốt thời gian qua. Có lẽ vì vậy mà vụ án được rất nhiều người quan tâm.
Theo quan sát của PV, mới hơn 7h sáng đã có khoảng gần trăm người dân và hơn 30 phóng viên, nhà báo tập trung quanh khu vực tòa án để theo dõi phiên toà. Tuy nhiên an ninh ngay từ vòng ngoài đã được thắt chặt, lực lượng công an chuyên trách và bảo vệ của tòa cũng được tăng cường. Cánh cửa chính ra vào trụ sở Toà Phúc thẩm -TAND Tối cao được đóng kín, chỉ trừ một lối đi nhỏ đi qua chốt bảo vệ. Bất cứ ai ra vào đều phải xuất trình giấy tờ có liên quan đến phiên tòa trên, sau đó mới được lực lượng bảo vệ chỉ dẫn vào phòng xét xử.
Điểm khác với các phiên tòa trước đó, các phóng viên báo đài khi vào tác nghiệp, ngoài xuất trình thẻ nhà báo, lực lượng công an bảo vệ còn yêu cầu bắt buộc phải có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Do vậy không ít phóng viên vì "mộng tưởng" giống như ở phiên sơ thẩm, "ăn chắc" thẻ nhà báo đút túi ung dung tự tại tới tòa đã "tá hỏa tam tinh", vội vàng chạy xe về tòa soạn xin "giấy phép con"!
Đúng 8h15, chiếc xe thùng màu trắng chở Nguyễn Đức Nghĩa lao vào cổng tòa án và đỗ xịch ngay tại cửa phòng xử án (tầng 1). Trên xe có khoảng 6 cán bộ cảnh sát cùng hơn chục đồng nghiệp trực sẵn ra hỗ trợ áp giải Nghĩa vào phòng xử.
Người cười, kẻ khóc
Từ trên xe bước xuống, Nguyễn Đức Nghĩa trông gầy và xanh xao hơn nhiều so với hình ảnh y xuất hiện tại phiên toà sơ thẩm, quần áo sọc, tay khóa còng số 8 cúi đầu đi thẳng trước hàng chục ống kính của PV và vòng vây của người nhà hai gia đình bị cáo và bị hại. Chỉ tới khi ông Nguyễn Đức Hùng (cha bị cáo Nghĩa) gọi giật giọng tên "Nghĩa", như phản xạ tự nhiên Nghĩa chùng chân bước, đầu húi cua và lấp loáng cặp kính cận ngoái lại nhìn cha, nhoẻn cười trong giây lát rồi lầm lũi bước đi. Bất giác, tôi thấy thấp thoáng bóng người đàn bà là mẹ Nghĩa đứng cạnh ông Hùng. Bà thẫn thờ đưa ánh mắt nhạt nhòa vô vọng nhìn về phía con và đưa tay chấm nước mắt...
Nguyễn Đức Nghĩa vẫn giữ nét mặt bình thản và nở nụ cười
khi bị dẫn giải ra xe
Phiên tòa phúc thẩm bắt đầu lúc 8h30. Ngay trong phần thủ tục, chủ tọa đã công bố đơn xin hoãn phiên tòa của luật sư Ngô Ngọc Thủy, bào chữa cho bị cáo Nghĩa, với lý do "phải đi tham dự hội thảo quốc tế từ ngày 12 đến 25/10". Sau đó, bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa cũng yêu cầu được hoãn tòa vì bị cáo không thể tự bào chữa cho mình.
"Luật sư chỉ có một lá đơn xin hoãn phiên xử, đưa ra lý do tham dự hội nghị quốc tế nhưng không kèm theo giấy mời, tổ chức ở đâu. Sau đây, chúng tôi sẽ làm công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Tư pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội xác minh có phải luật sư Thủy tham gia hội nghị quốc tế hay không?", vị thẩm phán, chủ tọa phiên toà cho biết.
Đại diện VKS cũng cho rằng đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, do tòa sơ thẩm đã kết án Nguyễn Đức Nghĩa tử hình, nên theo quy định, bị cáo có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. Do đó, việc thiếu luật sư sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng việc xét xử. Vì vậy, đại diện VKS đề nghị hoãn phiên tòa. VKS cũng đồng ý với ý kiến của vị chủ tọa phiên tòa về việc xác minh luật sư Ngô Ngọc Thủy có đi hội thảo hay không, vì trong đơn xin hoãn tòa không có giấy mời tham dự hội thảo cũng như giấy tờ chứng minh việc này.
Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa và sẽ mở lại trong thời gian sớm nhất.
Ngay sau khi HĐXX tuyên bố lý do hoãn phiên phúc thẩm, bên ngoài hành lang phòng xử, ông Nguyễn Văn Ba, bố của nạn nhân Nguyễn Phương Linh bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng, lý do hoãn tòa là không chính đáng, không đủ cơ sở. Ông mong muốn phiên tòa sẽ sớm kết thúc, xử đúng người, đúng tội.
Ông Ngô Ngọc Thuỷ - Luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa: "Tôi sẽ tập trung bào chữa theo hướng hành vi giết người có mục đích hay không" Sáng ngày 13/10 phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa trong vụ án giết người, cướp của tại chung cư G4 Trung Yên hồi tháng 5/2010 đã bị hoãn lại vì sự vắng mặt của luật sư Ngô Ngọc Thuỷ, người bào chữa cho bị cáo Nghĩa. Trước đó, luật sư Ngô Ngọc Thuỷ đã có cuộc trao đổi với phóng viên, Luật sư Thuỷ cho rằng: "Tại phiên toà sơ thẩm, tôi mới chỉ nói một phần quan trọng...". Thưa luật sư, dư luận rất quan tâm tới việc tại phiên sơ thẩm, bị cáo Nghĩa không hề có ý định kháng cáo? Đó là tâm lý của con người. Với bị cáo Nghĩa, đó cũng là một phút không kiềm chế cảm xúc bản thân. Nhưng tôi cho đó là nhận thức cao nhất của bị cáo về tội lỗi, còn bị cáo hoàn toàn có quyền xin tha tội. Nhận thức về tội lỗi không có nghĩa là từ bỏ quyền xin tha lỗi. Nhận tội và xin tha tội là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nếu tư duy rằng, bị cáo đã nhận lỗi tại sao còn xin tha lỗi thì đó là độc ác. Là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên phúc thẩm, cho đến thời điểm này, vụ án có thêm tình tiết mới nào không thưa luật sư? Thực ra vẫn không có thêm tình tiết nào mới để đưa ra trong phiên toà phúc thẩm sắp tới, chỉ có những suy nghĩ nhưng chưa "chín"... và tôi sẽ nói trong phiên phúc thẩm. Tuy không thể phủ nhận Nghĩa phạm tội giết người, nhưng cần xem xét tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của Nghĩa. Luật pháp quy định, giết người man rợ phải là làm cho người bị giết cảm nhận sự đau đớn tột cùng, dần dần đi đến cái chết. Còn Nguyễn Đức Nghĩa giết người sau 2 tiếng đồng hồ mới tính đến việc phi tang, xoá dấu vết là hoàn toàn mang tính bản năng và không phải là hành vi man rợ. Sau khi giết người, con người ta vẫn mưu sống nên tìm cách che đậy dấu vết và kinh nghiệm nào ập đến đầu tiên trong suy nghĩ, con người sẽ hành xử theo kinh nghiệm đó. Ở phiên phúc thẩm, tôi sẽ tập trung bào chữa cho hành vi giết người có mục đích hay không. Tôi cho rằng, việc bị cáo Nghĩa giết người là do tình huống chứ hoàn toàn không có chủ mưu. Với những lập luận của mình, luật sư có cho rằng thân chủ của mình sẽ thoát khỏi án tử hình? Tôi sẽ đấu tranh để bảo vệ thân chủ. Khung hình phạt áp dụng đối với bị cáo Nghĩa là 20 năm đến chung thân hoặc tử hình. Dù tại phiên toà sơ thẩm, Nghĩa đã bị tuyên mức án cao nhất nhưng việc toà phúc thẩm sẽ xét xử và vận dụng thế nào khung hình phạt đó lại là quan điểm của tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, cần có một phán quyết để bị cáo tâm phục khẩu phục. Còn về phía quan điểm của luật sư, tôi cho rằng nếu áp mức án tử hình đối với bị cáo Nghĩa là quá khắc nghiệt. Vậy theo ông, mức án nào dành cho Nguyễn Đức Nghĩa mới là thoả đáng? Tôi vẫn mong toà chấp nhận không tuyên án tử hình với bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa. Hãy cho bị cáo một cơ hội để cải tạo chính mình. Cảm ơn luật sư! ********************* Phải xem xét lý do hoãn tòa của luật sư có chính đáng hay không Luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội): Theo tố tụng thì luật sư bào chữa cho bị cáo được vắng mặt tại tòa nếu có lý do chính đáng. Thực ra, vấn đề ở đây lý do vắng mặt của luật sư thuyết phục hay không thuyết phục không quan trọng, mà điều quan trọng là phải xem xét xem lý do đó là có thật hay không có thật. Luật sư Vương Trọng Thế, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội: Đây là một vụ án hình sự nghiêm trọng, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình nên khi xét xử phải rất thận trọng. Quyền được luật sư bào chữa là quyền cơ bản của bị cáo, nếu luật sư vắng mặt mà bị cáo cũng đề nghị xin hoãn phiên tòa thì tòa cũng chấp nhận. Còn nếu bị cáo vẫn yêu cầu tòa xét xử vắng mặt luật sư thì tòa vẫn có thể xét xử bình thường. Như vậy, trong trường hợp phiên phúc thẩm xử vụ Nguyễn Đức Nghĩa, bị cáo Nghĩa đề nghị tòa hoãn xét xử do luật sư bào chữa vắng mặt và tòa chấp nhận hoãn xét xử là đúng nguyên tắc. Điều đó thể hiện việc tòa rất tôn trọng quyền cơ bản của bị cáo. Pháp luật không hạn chế việc hoãn phiên tòa, bởi khi có những lý do bất khả kháng thì không thể tiến hành xét xử được, ví dụ như bị cáo đi cấp cứu, luật sư phía bị hại ốm... Quan trọng là phải xem lý do đó có chính đáng hay không. Về sự vắng mặt của luật sư tại tòa, theo nguyên tắc tố tụng thông thường, không phải là trường hợp bất khả kháng, luật sư chỉ được vắng mặt 1 lần, còn lần sau buộc anh phải tham gia, nếu anh không tham gia thì anh phải gửi bài bào chữa, nếu không tòa vẫn xét xử bình thường. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ như bất khả kháng, nếu luật sư vắng mặt có lý do mà lý do đó HĐXX thấy chính đáng thì vẫn có thể chấp nhận. Tôi nghĩ lý do vắng mặt của luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa có thể coi là bình thường. Giả sử lịch xét xử tòa báo cho luật sư sau khi luật sư đã có lịch tham dự sự kiện khác chẳng hạn. Còn theo đúng nguyên tắc, khi luật sư nhận được lịch xét xử của tòa, nếu không tham dự được thì phải thông báo với tòa, bởi những vụ án hình sự có bị cáo đang bị tạm giam, khi xét xử phải có cả công an dẫn giải và còn rất nhiều người liên quan như phía bị hại, có thể họ ở rất xa nên phải báo trước để những người liên quan có thể chủ động về mặt thời gian. Điều quan trọng là phải xem lý do của luật sư có đúng hay không. Nếu không đúng thì lý do vắng mặt sẽ bị bác bỏ.
Theo Đời sống pháp luật
Hoãn xử phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa Bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên tòa sáng nay, 13 - 10 8h30 phút hôm nay, 13 - 10, khi phiên xét xử phúc thẩm "vụ án không đầu" sắp diễn ra thì tòa nhận được đơn xin vắng mặt với lý do bất khả kháng của luật sư Ngô Ngọc Thủy, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa. HĐXX quyết...