Nghĩa vụ thuế
Ngày 3/8, Tổng cục Thuế công bố 1.000 doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2017. Đây là năm thứ 2 Tổng cục Thuế công bố Bảng xếp hạng. Theo đó, lần này 1.000 DN nộp thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,59% trên tổng số thuế thu nhập DN của cả nước năm 2017, tăng 8,45% so với mức 101.457 tỷ đồng của năm 2016.
Việc thu thuế với hình thức kinh doanh trên mạng được coi là vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Trong Bảng xếp hạng năm 2017 có 703 DN nằm trong Bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất của cả 2 năm 2016 và 2017. Có 297 DN được bổ sung mới trong Bảng xếp hạng.
Như vậy có thể thấy, nhiều DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Cùng với việc có thêm gần 300 DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cũng cho thấy thái độ rõ ràng, minh bạch hơn của hệ thống DN, ngày càng hoạt động trên tinh thần thượng tôn pháp luật và hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung, không chỉ vì sự phát triển của riêng mình. Trong Bảng xếp hạng mới này thì về phía địa phương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế. Khối DN ngoài quốc doanh, khối DN FDI cũng có số lượng lớn DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Việc vinh danh những DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, ở một khía cạnh khác cho thấy rất đáng phê phán những DN cố tình chây ỳ, trốn thuế bằng nhiều chiêu thức. Điều đó không chỉ đáng bị phê phán về thái độ, nghĩa vụ chung mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý nghiêm khắc. Theo giới chuyên gia kinh tế thì nhiều DN luôn tìm mọi cách để lách luật, trốn thuế…; có tình trạng DN lợi dụng việc “chết” để trốn thuế.
Thời gian qua có không ít DN bị nêu tên bởi vi phạm về thuế, điển hình là Uber, Grab. Điểm chung của tất cả những DN này là hình thức hoạt động kinh doanh dịch vụ công nghệ, hay nói cách khác là họ chỉ bán phần mềm. Qua đó đã cho thấy lỗ hổng trong chính sách, cơ chế thuế không theo kịp với sự phát triển xã hội. Một con số thống kê cho thấy, 2 DN này hàng năm đưa ra nước ngoài hơn 3.600 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó DN vẫn báo lỗ. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế thì Grab đã bị lỗ 938,2 tỷ đồng trong khi có vốn pháp định là 20 tỷ đồng. Còn Uber từng bị truy thu 66 tỷ đồng các khoản thuế chi cho các cá nhân. Theo giới chuyên gia kinh tế, các DN này hoàn toàn có lãi, nhưng lỗ lại là quốc gia sử dụng chịu, mà ở đây là Việt Nam.
Cũng cần phải thấy rằng, quy định về thuế đối với các DN nước ngoài đã được Bộ Tài chính nêu rõ trong Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Theo đó, người nộp thuế là các nhà thầu, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh. Các loại thuế áp dụng bao gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, những DN kể trên phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam; cho dù họ có máy chủ, công ty mẹ ở nước ngoài nhưng một cách chính thức họ đang kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế thất thu thuế cho thấy, trách nhiệm trong việc thất thu thuế trước hết phải thuộc về cơ quan thuế, sau đó mới tới lỗ hổng của chính sách; kể cả việc chậm kiến nghị, đề nghị sửa đổi, xem xét luật…
Video đang HOT
Vì thế, cùng với việc biểu dương những DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế thì cũng rất cần nêu rõ danh tính những DN chây ỳ, trốn thuế. Ở đây, có thể nói tới một hình thức kinh doanh mới là bán hàng qua mạng, thường được gọi là bán hàng online. Theo Cục Thuế TP HCM, cần thu thuế với hoạt động kinh doanh này nhằm bảo đảm bình đẳng về thuế và người bán hàng trên mạng xã hội có hành vi trốn thuế sẽ bị cơ quan thuế bêu tên trên các phương tiện thông tin.
Số liệu của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết, sau khi sàng lọc 1.739 chủ trang Facebook và website (thời điểm năm 2017), trên địa bàn có khoảng 1.127 trang Facebook, website đang kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Chi cục Thuế quận này đã gửi thư mời 172 chủ trang web (dưới dạng DN) tới làm việc để hướng dẫn kê khai thuế. Thế nhưng, chỉ có 98 chủ trang web đến cơ quan thuế. Với nhóm 677 cá nhân là chủ trang Facebook và trang web được Chi cục Thuế quận gửi thư mời đến làm việc thì có đến 548 chủ trang không đến và 59 thư mời bị bưu điện trả lại. Để trốn thuế, không ít chủ trang wesite, Facebook xóa địa chỉ giao dịch hoặc chỉ để lại số điện thoại để người mua hàng liên hệ. Điều đó cho thấy sự tự giác kê khai của người nộp thuế thấp, trong khi nhân sự, công nghệ của cơ quan thuế chưa theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của hoạt động thương mại điện tử.
Giống như TP HCM, Hà Nội cũng gặp vấn nạn trốn thuế của các đối tượng kinh doanh trên mạng.
Theo cơ quan chức năng, hiện tượng trốn thuế diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó có việc mua vào giá thấp nhưng lại viết trong hoá đơn giá cao hơn (chi phí cao). Việc này giúp DN giảm được khoản thuế thu nhập DN, cũng như thuế GTGT phải nộp, bằng cách tăng thuế GTGT đầu vào khấu trừ. Cách nữa là bán hàng nhưng không xuất hoá đơn; Đưa chi phí nhân công cao tối đa; Hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định; Thỏa thuận cấu kết với nhân viên thuế. Đáng chú ý, trong những chiêu thức trốn thuế có việc đăng ký chuyển lỗ trong vòng 5 năm. Theo đó, DN sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo.
Nhìn chung, những lỗ hổng chính sách để DN trốn thuế không thật khó phát hiện. Nhưng cái khó chính là ở chỗ có thực sự muốn bịt lỗ hổng đó hay không ở những người có quyền tính toán, thu thuế. Vì vậy, cùng với việc cần thiết tôn vinh DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cũng cần xử lý nghiêm những DN trốn thuế, đặc biệt với những đối tượng tiếp tay cho DN trốn thuế.
Nam Việt
Theo daidoanket
Tổng cục Thuế biết thu thuế kinh doanh trên Facebook sẽ bị phản ứng
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng thu thuế qua các website thương mại điện tử như Facebook hoàn toàn có cơ sở nhưng chắc chắn sẽ có phản ứng từ dư luận, nhất là loại hình kinh doanh này mang tính thời vụ.
Thu nhập trên 100 triệu phải nộp thuế
Ông Nguyễn Quý Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng Cục thuế khẳng định việc thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) như Facebook là có cơ sở.
Theo ông Trung, Vụ Chính sách đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên Facebook, mạng xã hội. Các cá nhân, tổ chức có thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, kể cả Zalo, Youtube... đến mức phải nộp thuế đều phải thực hiện nghĩa vụ.
Cá nhân kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế
Theo quy định pháp luật về thuế, chính sách thuế thu nhập cá nhân thì thu thuế qua các website TMĐT như Facebook hoàn toàn có cơ sở. Song việc quản lý và thu thuế như thế nào còn phải nghiên cứu.
Ông Trung phân tích, việc thu thuế đối với những người kinh doanh trên Facebook chắc chắn sẽ có phản ứng từ dư luận, nhất là loại hình kinh doanh này mang tính thời vụ. Do vậy, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngành chuyên môn như ngân hàng, công thương, thông tin truyền thông nghiên cứu rồi sẽ đưa ra chính sách phù hợp với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Còn ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cá nhân kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm là phải nộp thuế. Tổ chức, cá nhân kinh doanh khi có doanh thu, thu nhập đến mức nói trên đều phải tự kê khai, tự tính, tự nộp, nếu không sẽ xử lý theo pháp luật.
Ông Tuấn nói: "Khi các hình thức kinh doanh ngày càng phong phú thì càng phải tăng cường tuyên truyền để các trường hợp có phát sinh thu nhập nhờ kinh doanh trên mạng đều phải nộp thuế".
Thu thuế sao cho đúng?
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Ngọc Tâm - Cục trưởng Cục thuế TP.HCM từng cho biết, Cục Thuế sẽ phối hợp với Sở Công Thương để thống kê lại con số này, đồng thời sẽ tiến hành phân loại để kiểm soát chặt chẽ các mức thuế mà cá nhân, tổ chức phải nộp để đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước. Người kinh doanh trên mạng xã hội sẽ phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)... cho cơ quan thuế để kiểm soát chặt chẽ hình thức kinh doanh này.
Song hiện nay mỗi cá nhân, tổ chức có thể sở hữu nhiều trang, nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội nên việc kiểm soát được việc kinh doanh, buôn bán của các cá nhân trên Facebook gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, không ít trường hợp các cửa hàng chỉ sử dụng Facebook như một kênh tư vấn, tiếp thị sản phẩm. Câu hỏi được đặt ra là thu bằng cách nào, dựa trên cách thức nào để giám sát được việc mua - bán của các "tiểu thương" này?
Rất khó xác định giao dịch mua bán trên Facebook
Đại diện một hệ thống phân phối điện thoại di động tại Hà Nội cho biết, Facebook chỉ là công cụ để giao tiếp với khách hàng. Việc mua hàng từ xa trên hệ thống được thực hiện qua 3 kênh gồm bán hàng qua điện thoại, đặt mua trên trang web và chat trực tiếp trên hệ thống.
"Khi khách hàng mua sản phẩm, số tiền khách hàng sẽ phải thanh toán sẽ bằng số tiền được niêm yết trên trang web và thanh toán khi mua tại cửa hàng. Chi phí vận chuyển do hệ thống bán lẻ trả toàn bộ, ngoài ra giá bán cho khách hàng cũng đã gồm thuế giá trị gia tăng. Như vậy nếu áp dụng thu thuế với kinh doanh trên Facebook, hệ thống bán lẻ này sẽ bị thu thuế 2 lần. Vậy nên, chúng buộc phải tính toán lại giá bán, chi phí để khách hàng chịu ít ảnh hưởng nhất", đại diện cửa hàng nói.
Từng có thời gian kinh doanh thực phẩm online, chị Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, nếu cơ quan thuế đặt ra mà không thu được, hoặc chỉ "nắm người có tóc" sẽ tạo ra sự không công bằng.
Chị Hà phân tích: "Người Việt Nam vẫn có thói quen buôn bán nhỏ, lẻ. Bất kỳ cái gì rao bán trên Facebook cũng có thể bán được. Phương thức giao dịch chủ yếu vẫn là trao hàng - trả tiền, không có hóa đơn chứng từ do hầu hết khách hàng và người kinh doanh đều là cá nhân. Việc kê khai thuế với những trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ lại thực hiện theo hình thức tự khai và tự tính, nên không ít cá nhân sẽ kê khai không đầy đủ để tránh phải nộp vụ thuế.
Cá nhân kinh doanh trên Facebook lên đến hàng triệu người, xác định giao dịch là rất khó khăn. Không cẩn thận chi phí đi thu còn lớn hơn số thuế thu được. Rõ ràng một số quy định quản lý kinh doanh đang đi sau sự phát triển của công nghệ, chúng không tạo ra một hành lang pháp lý đủ thoáng, rộng cho công nghệ".
Anh Nguyễn Hồng, một người kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội, cũng chia sẻ: "Lúc mới hoạt động, để tránh rủi ro, tôi đã đi làm thủ tục khai thuế. Thế nhưng khi đến phòng kinh tế quận hỏi thì được trả lời quận không quản lý kinh doanh qua mạng, phải lên cấp thành phố.
Tôi cũng nghe nói đối với những trường hợp kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh nhỏ thì đóng thuế khoán gì đó nhưng với hộ bán hàng online không biết sẽ làm việc với ai? Bây giờ tôi có muốn đóng thuế cũng không biết đóng ở đâu".
Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đa phần người Việt Nam hiện nay vẫn có thói quen chi tiêu, thanh toán bằng tiền mặt nên khi họ mua bán với nhau trên mạng và trả bằng tiền mặt, rất khó có cơ sở theo dõi và kiểm soát các giao dịch. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới phát triển, một đứa bé từ khi sinh ra thì đã có một tài khoản nên cơ quan thuế hoàn toàn có thể kết hợp với ngân hàng để đánh thuế mỗi cá nhân khi có tài sản phát sinh trong tài khoản.
Theo Danviet
Ngoài 2 lãnh đạo chủ chốt, Đà Nẵng còn 73 đảng viên bị kỷ luật Thành ủy Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị vào sáng 4.7 để đánh giá về các công tác của thành phố. Thông tin tại hội nghị này cho biết, ngoài 2 lãnh đạo chủ chốt, Đà Nẵng còn kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên khác. Ngày 4.7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị đánh giá tình hình các mặt...