Nghĩa địa taxi giữa lòng nước Anh
Cánh đồng chứa hàng trăm chiếc taxi đen là cảnh tượng thực tế về một nước Anh bị đại dịch Covid-19 tàn phá khủng khiếp.
Zing trích dịch bài đăng từ New York Times , đề cập đến sự suy tàn của ngành taxi truyền thống tại nước Anh do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cách thủ đô London khoảng 20 dặm về phía đông bắc, một cảnh tượng gai người hiện ra trước mắt: Hàng trăm chiếc taxi London màu đen chen chúc trên một cánh đồng bùn lầy, xung quanh là tổ ong và một chiếc chuồng để nuôi chim bồ câu.
Đó là những chiếc xe được tài xế trả lại cho công ty cho thuê xe bởi không thể tiếp tục làm nghề lái taxi trong thời điểm dịch bệnh. Hoạt động kinh doanh ngành này vốn sa sút kể từ khi nước Anh phong tỏa hồi tháng 3.
Một nghĩa địa dành cho taxi truyền thống tại Anh.
Do số lượng xe trả lại quá nhiều, nhà kho của công ty không còn chỗ chứa. Vì vậy, công ty này đã ký hợp đồng thuê đất với một nông dân địa phương để trữ 200 chiếc xe không sử dụng đến.
“Tôi gọi đây là cánh đồng của những giấc mơ vụn vỡ. Tình trạng này thật khủng khiếp và có xu hướng trở nên tồi tệ hơn”, Steve McNamara, Tổng thư ký của Hiệp hội những người lái xe taxi có giấy phép ở Anh, nói với New York Times.
Biểu tượng cuối cùng của London
Ngày 2/12, nước Anh kết thúc đợt phong tỏa thứ 2 trong năm, nhưng các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt vẫn còn hiệu lực. Chẳng ai biết được đến khi nào trung tâm London mới đông đúc người dân và khách du lịch một lần nữa.
Ông McNamara cho biết hiện nay, chỉ có 1/5 số taxi ở thủ đô nước Anh đang hoạt động với mức giá bằng 1/4 so với trước đại dịch.
Hình ảnh xe buýt đỏ hai tầng và bốt điện thoại vốn là biểu tượng của London. Ảnh: Pinterest.
Thành phố này ước tính khoảng 3.500 xe taxi đã ngừng hoạt động hoàn toàn kể từ tháng 6. Chúng được cất giữ trong nhà kho, nhà để xe và các cánh đồng xung quanh thủ đô.
Video đang HOT
Đối với ông McNamara, người đứng về phe taxi truyền thống trong cuộc cạnh tranh với taxi công nghệ, nhận định rằng đại dịch Covid-19 là mối đe dọa khủng khiếp hơn cả.
Theo ông, trừ khi chính phủ Anh hỗ trợ tài chính nhiều hơn, London có thể sẽ mất đi một trong những biểu tượng của thành phố, cùng với xe buýt đỏ 2 tầng, bốt điện thoại công cộng và chiếc mũ mái vòm của cảnh sát.
“Taxi đen truyền thống là biểu tượng duy nhất còn sót lại của London. Tôi thực sự lo sợ rằng chúng tôi sẽ biến mất trong vòng 3 năm nữa”, ông McNamara nói.
Không có khách
Hai lần phong tỏa đã khiến nền kinh tế nước Anh bị tàn phá nặng nề. Ryan Spedding (44 tuổi), một người lái taxi có thâm niên 9 năm, nhớ lại khoảnh khắc Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố phong tỏa toàn quốc trên sóng truyền hình hôm 23/3.
“Tôi buộc phải đưa ra một chỉ dẫn vô cùng đơn giản cho toàn thể người dân nước Anh: Các bạn phải ở nhà kể từ tối hôm nay”, thủ tướng nói.
Ngày hôm sau, Spedding lái chiếc xe taxi Mercedes của mình khắp London để khám phá “thành phố ma”.
Mọi cửa hàng và quán rượu đều đóng cửa, những tòa tháp văn phòng như thể bị bỏ hoang và cả các nhà ga vắng hoe. Ngay cả những chốn đông đúc như giao lộ Piccadilly và quảng trường Leicester cũng không một bóng người.
Thủ đô London vắng lặng trong thời điểm dịch bệnh.
“Bạn có thể lái xe lòng vòng suốt 2-3 tiếng đồng hồ mà không bắt gặp được bất kỳ ai trên đường”, anh nói. Spedding ví khung cảnh của London hôm ấy giống như trong phim 28 Days Later , một tác phẩm điện ảnh của Danny Boyle nói về loại virus chết người đã khiến nước Anh rơi vào tận thế.
Thông thường, tài xế 44 tuổi này phải trả 375 USD/tuần để thuê xe. Tuy nhiên, anh không thể tiếp tục duy trì mức phí này trong thời điểm hiện tại. Spedding buộc phải trả lại xe cho GB Taxi Services, một công ty cho thuê ôtô.
Nghề dắt chó đi dạo của vợ anh cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Do các khách hàng chuyển sang làm việc tại nhà, họ tự dắt thú cưng của mình đi dạo, không cần dịch vụ của cô ấy nữa.
Spedding đủ điều kiện để nhận viện trợ của nhà nước. Khoản tiền đó cũng bù đắp được khoảng 2/3 thu nhập trung bình của anh. Tuy nhiên, anh cho biết hai vợ chồng phải dốc hết tiền tiết kiệm, cũng như vay nợ thẻ tín dụng để duy trì cuộc sống.
“Chỉ có kẻ ngốc mới chọn nghề lái taxi lúc này”
Giống như những người lái taxi được cấp phép khác, Spedding từng mất 3,5 năm để có thể vượt qua một bài kiểm tra nghiêm ngặt và đáng sợ trên đường phố London có tên The Knowledge .
Có thể thấy, anh đã đầu tư nhiều thời gian và công sức để trở thành một tài xế chuyên nghiệp. Vì vậy, thời gian qua anh cảm thấy chán nản vô cùng khi phải chôn chân ở nhà. Anh thừa nhận: “Tôi thậm chí không thể nghĩ đến chuyện tìm việc khác để làm”.
Tuần này, Spedding dự định sẽ thuê lại xe và lái taxi ra ngoài xem liệu có khách hàng nào không. “Mặc dù trong thâm tâm tôi biết sẽ chẳng có ai”, anh nói.
Một tài xế kể rằng anh phải đợi 22 tiếng ở sân bay Heathrow để kiếm được một chuyến xe.
Để bù đắp cho việc kinh doanh thua lỗ, một số tài xế như Dale Forwood (54 tuổi) đã tổ chức các tour tham quan đèn trang trí mùa Giáng sinh trên phố Regent.
Nhiều người dân địa phương tỏ ra hào hứng với chuyến đi vòng quanh trung tâm London này. Ngoài ra, bà Forwood cũng lái xe tải giao hàng cho một chuỗi siêu thị.
Còn đối với những tài xế tự sở hữu ôtô, không cần đi thuê như Jim Ward (67 tuổi), họ vẫn gắng gượng được trong đại dịch.
Ward cho biết ông vẫn kiếm được khoảng 4 chuyến mỗi ngày với thu nhập trung bình là 80 USD, bằng một nửa so với thời điểm trước Covid-19.
Kể từ tháng 1/2018, tất cả xe taxi mới được cấp phép ở London đều phải chạy bằng điện. Tuy nhiên, ôtô điện ở London có giá khoảng 87.000 USD. Do vậy, nhiều tài xế phải vay mượn để mua xe và chấp nhận trả góp hàng tháng.
“Nhưng hiện họ không đủ khả năng trả nợ trong đại địch”, ông nói.
Howard Taylor (60 tuổi), một tài xế có thâm niêm 33 năm, từng cân nhắc bán chiếc xe mới chạy được 3 năm của mình trước khi Covid-19 ập đến. Ông đoán rằng giờ đây, nó đã mất ít nhất 1/3 giá trị.
“Chỉ có kẻ ngốc mới mua nó bởi hiện nay, nghề lái taxi không phải là một gợi ý hay”, ông khẳng định.
Xác xơ "thiên đường" du lịch đảo Lý Sơn
Từng được du khách trong và ngoài nước ví như 'thiên đường' du lịch, đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng.
Thế nhưng, những đợt thiên tai vừa qua đã khiến đảo Lý Sơn xơ xác, hoang tàn. Nhiều địa điểm lưu trú, nghỉ dưỡng cộng đồng bị thiên tai tàn phá nặng nề. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết những thiệt hại vẫn còn nguyên hiện trạng, do thời tiết bất lợi và người dân thiếu kinh phí sửa chữa.
Cây cổ thụ - điểm dừng chân của du khách trên đảo Lý Sơn bị trụi lá trước tác động của thiên tai.
Cây phong ba "cô đơn" bên bờ biển, biểu tượng cho sức chịu đựng sóng gió của con người và thiên nhiên đảo Lý Sơn, là điểm check in ưa thích của du khách và nhiều bạn trẻ đã bị đổ gục trong gió giật cấp 15. Homestay Gió Biển, Lý Sơn Bugalow Hostel hay Bé Ecolodge... những điểm lưu trú, nghỉ dưỡng hoang sơ nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch Việt Nam và quốc tế đã bị thiên tai tàn phá chỉ còn trơ tấm biển thương hiệu một thời lung linh níu chân du khách.
Bà Trương Thị Bông, chủ cơ sở homestay Gió Biển ở đảo Bé, huyện Lý Sơn cho hay: Chưa có năm nào thiên tai dữ dằn như vậy. Bão chồng bão làm cơ sở homestay gia đình tôi bay theo gió. Cái nào gió không lấy được thì sóng biển ập vào cuốn đi. Hàng trăm mét đất bị sạt lở, mấy căn nhà ở ven bờ biển dành cho khách thuê trọ bị "ông trời" với "bà thủy" lấy hết sạch sành sanh. Cả gia đình không biết làm gì để trang trải cuộc sống và trả nợ.
Bà Bông không phải là người duy nhất kinh doanh du lịch cộng đồng bị thiệt hại thiên tai, mà rất nhiều người trên địa bàn đảo Bé làm dịch vụ du lịch đều bị "tổn thương" tinh thần và tài sản. Các dãy hàng quán phục vụ ăn uống ngã rạp sau bão, người dân ngơ ngác tìm kiếm sinh kế trong mớ hỗn độn và hoang tàn. Sinh sống ở đầu sóng, ngọn gió nhưng chưa bao giờ họ phải chứng kiến bão "càn quét" như vừa qua.
Còng lưng thu dọn đống vật liệu đổ nát, vương vãi trên căn nhà sàn xây dựng bên bờ biển dành cho khách lưu trú, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ cơ sở homestay Biển Ngọc vẫn còn thất thần trước thiệt hại của gia đình. Với bà Thúy và không ít người dân đảo Bé, toàn bộ vốn liếng dành dụm, vay mượn đầu tư vào du lịch, tạo sinh kế cho gia đình, giờ đã bị mất hết qua những trận cuồng phong. Bà Thúy không hy vọng gia đình còn đủ tiềm lực kinh tế để vực lại homestay, đồng thời tôn tạo cảnh quan vườn nhà phục vụ du khách trong thời gian tới. Bà Thúy mong chờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
"Cả đời tôi nghèo khó, mấy năm nay thấy du lịch ở quê hương mình phát triển, gia đình vay mượn người thân gây dựng nơi trú chân cho du khách, kiếm sống qua ngày. Không ngờ, bão tàn phá như thế này thì gia đình tôi trở nên khốn khổ hơn. Nhiều gia đình ở đây không biết sống như thế nào trong nay mai. Gần tháng nay, bà con mong gặp được cán bộ địa phương để giải bày, đề xuất hỗ trợ để làm lại từ đầu" - Bà Thúy nói.
Lý Sơn từng được du khách khắp nơi biết đến với những tuyệt tác của thiên nhiên tạo nên như: Thắng cảnh Hang Câu, chùa Hang, cổng Tò Vò; hay những đình làng, miếu mạo văn hóa tâm linh do người dân xây dựng làm đắm say lòng du khách, thế nhưng nay đã bị thiên tai tàn phá xơ xác. Bão số 9 đã làm hầu hết các điểm thăm quan, nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng xây dựng phục vụ du khách bị thiệt hại nặng nề. Cây xanh, cây di sản trên đảo từng là điểm dừng chân của du khách trong chuyến hành trình đến với đảo tiền tiêu này cũng bị trụi lá, trơ cành vì mưa bão.
Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, Lý Sơn là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất trong những trận bão, áp thấp nhiệt đới vừa qua. Đặc biệt, bão số 9 làm cho gần 1.900 nhà dân bị tốc mái và hư hỏng hoàn toàn; hơn 300ha diện tích cây hành vụ Hè thu bị úng nước, thiệt hại lên đến trên 107 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhiều cơ sở du lịch cộng đồng, danh lam, thắng cảnh bị hư hỏng nặng. Người dân gặp rất nhiều khó khăn sau bão. Chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp bà con nhanh chóng khôi phục thiệt hại, trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục đón khách du lịch trong thời gian sớm nhất.
"Có thể cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng du lịch chưa được tốt như vốn có của nó. Nhưng với tấm lòng thân thiện, hiếu khách của người dân đảo sẽ làm khách vui hơn khi đến với Lý Sơn trong thời gian này"- Ông Thành chia sẻ thêm.
Du lịch Lý Sơn phần lớn dựa trên nền tảng cảnh đẹp thiên nhiên, truyền thống văn hóa và tinh thần bám biển kiên cường của người dân đảo. Thiệt hại của ngành du lịch huyện Lý Sơn trong những cơn bão vừa qua là vô cùng to lớn. Hơn lúc nào hết, nhân dân và chính quyền nơi đây luôn mong chờ sự hỗ trợ của các cấp để tái thiết ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và xây dựng Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Lý Sơn Thiên đường giữa biển khơi Lý Sơn, huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, trước đây gọi là Cù Lao Ré, theo lý giải vì ở đây có nhiều cây 'Ré'. Đây cũng là nơi đây được biết đến là quê hương của Hải đội Hoàng Sa anh hùng, nơi lưu giữ những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lý...