Nghĩa địa kem có ‘1-0-2′ tại Mỹ
Tại Mỹ, du khách có thể tham quan một nghĩa trang chôn cất những hương vị kem đã… “chết”.
Tại nhà máy của hãng kem Ben&Jerrys ở Vermont, Mỹ, du khách có thể ghé thăm một nghĩa trang, nơi chôn cất những hương vị kem đã “chết”. Thay vì chỉ lấy những cốc kem ra khỏi kệ, những người bán kem đã quyết định tiến thêm một bước nữa, với một nghĩa địa có “hương vị”.
Nghĩa địa kem nằm bên trong khuôn viên nhà máy của hãng kem Ben&Jerrys.
Trên trang web giới thiệu về nghĩa trang này, du khách có thể đọc được “cáo phó” cho những hương vị kem đã ngưng sản xuất: “Hương vị kem, giống như mọi thứ khác, đều có khởi đầu và kết thúc. Trong khi một số hương vị được chứng minh là sống lâu và hạnh phúc, những hương vị khác lại không may mắn được như vậy. Ở đây chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn tới chúng.” Đến hiện tại, 33 hương vị kem đã không còn được sản xuất. Một số từng được bán trong thời gian dài, một số khác có tuổi thọ trong vỏn vẹn 15 phút.
Nghĩa địa kem được trang trí các bia mộ giống hệt các nghĩa địa thật. Ở trên mỗi bia mộ là hình ảnh minh hoạ về loại kem, kèm đôi cánh thiên thần. Trên bia đá là tấm biển ghi tên loại kem, giới thiệu về chúng và lý giải vì sao chúng biến mất, dưới hình dạng một bài thơ. Cuối biển là thời gian món kem đã cùng đồng hành với công chúng.
Tấm bia mộ được trang trí màu sắc, vui nhộn.
Theo báo cáo của hãng kem Ben&Jerrys, một số hương vị đã bị khách hàng bỏ lỡ và họ tiếc nuối khi chúng ngừng sản xuất. Ví dụ, loại kem Oatmeal Cookie Chunk với mùi quế ngọt và bánh quy yến mạch không được đón nhận khi ra mắt. Dòng chữ trên bia đá của món kem này có nội dung: “Kể từ thời điểm kem yến mạch này ra đi, không có hồi kết cho sự than thở của người hâm mộ. Nếu bạn ủng hộ chúng sớm hơn, chúng tôi đã không chôn nó quá sâu”. Một số món kem ngừng sản xuất do chỉ phát hành theo mùa, như Festivus, kem đường nâu với bánh quy gừng nghiền nhỏ.
Đoạn video hài hước giới thiệu về nghĩa địa kem. Video: Ben&Jerrys
Đến thăm nơi giữ bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á tại Bình Thuận
Dinh Vạn Thủy Tú, tỉnh Bình Thuận sẽ là điểm đến thú vị cho khách du lịch muốn tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cá ông, bảo tàng xương cá độc đáo của Việt Nam...
Dinh Vạn Thủy Tú là khu di tích cấp quốc gia tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là nơi gìn giữ giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ thần Nam Hải hay cá ông/cá voi của ngư dân Bình Thuận đồng thời lưu trữ trên 100 bộ xương cá voi lớn nhỏ.
Đại diện Ban quản lý khu di tích cho biết ngư dân dựng nên Dinh Vạn Thủy Tú vào năm 1762. Theo quan niệm của ngư dân, cá ông sẽ tựa vào thuyền, cản sóng lớn giúp họ vào bờ an toàn.
Hơn 100 năm về trước, làng chài Thủy Tú trở thành nơi yên nghỉ của một cá voi rất lớn, dài tới 22 mét. Người dân làm lễ, cúng bái rồi chôn cất "ông" trên bờ biển, chờ nhiều năm đến khi rã hết phần mềm, chỉ còn bộ xương thì đem vào lưu trữ trong Dinh.
Vì cá ông này quá lớn nên ban đầu không thể kiểm tra cân nặng. Đến năm 2003, Viện Hải dương học Nha Trang và một doanh nghiệp đã thực hiện phục chế và lắp ráp bộ xương. Họ thực hiện tính toán khoa học để từ kích thước xương quai hàm mà suy ra khối lượng 65 tấn.
Với kích thước khổng lồ như vậy, nếu khách tham quan đứng trong nhà trưng bày thì không thể nhìn thấy toàn thể bộ cốt. Để làm được việc đó, người ta phải xem ảnh chụp bộ xương bằng một góc máy rộng.
Các khung inox kiên cố giữ cho các khúc xương cố định giúp tái tạo đúng cấu trúc, vị trí trong cơ thể của cá ông khi xưa.
Từ góc phòng có thể thấy phần xương sống lưng của cá ông dài như thế nào. Từng đốt xương cũng có kích thước lớn, có thể dễ dàng thấy những lỗ sâu trên xương do bị hủy ít nhiều trước đây.
Các đốt xương sống.
Lần lượt xương quai hàm, đầu xương, xương vây, các đốt xương sống... tạo thành bộ cốt gần như hoàn chỉnh kéo dài từ đầu đến cuối gian trưng bày dài gần 30m.
Ở đầu bộ cốt là một chiếc lục lộ để nghinh mỗi dịp lễ hội. Hàng năm, người dân tại vạn chài này vẫn tổ chức ba lễ hội vào ngày 20 các tháng Hai, tháng Tư và tháng Sáu Âm lịch, ứng với: Lễ tế xuân đầu năm, Lễ cầu ngư đầu mùa (cầu cho mùa đánh bắt thuận lợi và Lễ cầu ngư chính mùa.
Trong khuôn viên của Dinh còn có một khoảng đất gọi là Ngọc Lân Thánh Địa, bên trong chôn cất ba cá ông nhỏ, có chiều dài chỉ khoảng một sải tay người trưởng thành.
Theo những người làm công quả tại đây khi cá ông "lụy bờ" (chết dạt vào bờ), người dân sẽ lên hương cúng vái rồi khâm liệm trang trọng bằng vải đỏ. Nếu là cá ông lớn thì chôn ngoài biển để tránh ô nhiễm đất, sau vài năm sẽ đưa cốt vào lưu trữ trong Dinh. Nếu là cá ông nhỏ thì rửa bằng rượu, phơi cho hết mùi hôi rồi chôn trong Ngọc Lân Thánh Địa.
Các tấm bia mộ được thiết kế trang nghiêm như cho người, trên đó ghi tên "Ông Chuông," Bà Chuông," "Ông Kiềm," "Bà Kiềm" tùy theo giới tính của cá ông.
Trước khi đặt cá ông xuống, người dân sẽ rải một lớp bê tông trắng, sau khi chôn thì kiên cố bằng gạch ngói phía trên. Hiện ở bờ biển của vạn chài Bình An, Mũi Né đang chôn một xác cá ông nặng khoảng 10-15 tấn sau khi lụy bờ vào giữa năm 2019.
Trong gian nhà chính là ban thờ các vị thần linh cai quản biển cả và ba thế hệ ngư dân đã xây dựng dinh. Cá ông cũng được hình tượng hóa thành người, đặt trên ban để thờ cúng.
Phía sau khu thờ tự chính là tẩm, hay được gọi là bảo tàng chứa hơn 100 bộ cốt cá ông. Từ ngoài, khách tham quan có thể thấy loạt xương quai hàm được dựng dựa vào tường, các hộp sọ cá nhỏ và các đốt xương sống được chất trên đất hoặc kệ cao hơn.
Dễ nhận thấy đa số các khúc xương đều nguyên vẹn, dù một số đã bị mòn, gãy nhưng vẫn được lưu trữ ở điều kiện đủ tốt để khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng và tìm hiểu về cá ông.
Nhờ giá trị văn hóa đậm đà và đặc sắc, Dinh Vạn Thủy Tú đã nhận 24 sắc phong từ thời nhà Nguyễn, nhiều công nhận của Hội Kỷ lục Việt Nam và bằng khen, giấy chứng nhận từ nhà nước. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghĩa địa "độc nhất" ở Việt Nam Ngư dân làng chài Phước Hải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bao đời nay xem cá voi là hiện thân của sự linh thiêng, may mắn. Họ gọi tôn kính là cá Ông, lập nghĩa địa và thờ cúng như người thân trong gia đình. Nghĩa trang cá Ông (cá voi) còn được gọi là "Ngọc lăng Nam Hải" nằm ngay bên bờ biển...