Nghỉ việc riêng có được hưởng lương?
Gia đình tôi có đám hiếu ở xa nên tôi phải xin nghỉ làm việc vài ngày. Vì tôi đã hết chế độ nghỉ phép năm nên phòng hành chính hướng dẫn tôi xin nghỉ không lương, như vậy có đúng không?
Nguyễn Hoàng Minh (quận Tây Hồ)
Trả lời:
Điều 116 Bộ luật Lao động 2012 quy định nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương gồm:
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: Nghỉ 03 ngày;
b) Con kết hôn: Nghỉ 01ngày;
c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: Nghỉ 03ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Vì bạn không nói rõ đám hiếu có mối quan hệ với bạn như thế nào nên chúng tôi chưa thể xác định cơ quan hướng dẫn chế độ nghỉ cho bạn đúng hay sai. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo thêm Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định.
Ban Bạn đọc
Video đang HOT
Theo_Hà Nội Mới
Đi làm vào ngày nghỉ hàng năm được tính lương thế nào?
Người lao động có ngày phép chưa nghỉ trong năm sẽ được người sử dụng lao động tính trả lương những ngày đó.
Kính gửi: Báo Đời Sống & Pháp Luật
Tôi đại diện phòng Nhân sự của Công ty A xin hỏi:
Hiện công ty tôi đang xử lý 1 trường hợp về việc đi làm lại vào ngày nghỉ phép năm. Tôi đã giải thích theo Luật Quy định, nhưng 2 bên chưa có sự đồng thuận.
Nay tôi gửi thư này mong báo Đời Sống & Pháp Luật có thể cho ý kiến và hướng dẫn thêm.
Theo đó, nhân viên X xin phép nghỉ vào ngày A và sẽ trừ vào phép năm (đây là ngày làm việc bình thường). Nhưng sau đó vì công việc đột xuất, Trưởng phòng của X gọi X đi làm lại đúng ngày A này và X đã quay lại làm việc đúng theo thời gian hành chính theo qui định của Công ty.
Tuy nhiên, cách tính ngày công cho X vào ngày A này như thế nào?
Phòng HR có trả lời cho nhân viên X, vì đây là ngày phép năm và X đã đồng ý quay lại làm việc thì sẽ tính lương cho ngày A này như 1 ngày đi làm bình thường. Công ty sẽ bố trí cho X nghỉ vào một ngày khác và cũng không trừ ngày phép năm của X.
Tuy nhiên, X và Trưởng phòng của X không đồng ý cách tính này, vì cho rằng ngày phép năm là ngày làm việc có hưởng lương. Khi quay lại làm việc thì ngoài trả lương như ngày bình thường, thì X còn nhận thêm lương ngoài giờ = 300% cho thời gian mà X đã quay lại làm việc. Theo cách hiểu của hai người, thì ngày phép năm này giống với ngày nghỉ có hưởng lương và tính làm thêm giờ theo điều 97 của Bộ luật Lao động.
Được biết, khi gọi X vào làm ngày nghỉ phép năm, Trưởng phòng của X có hứa sẽ tính theo cách này, mà chưa tham khảo ý kiến của Phòng HR, cũng như có sự đồng ý của Giám đốc.
Rất mong báo Đời Sống & Pháp Luật cho ý kiến và tư vấn!
Nhu Thuy
Đi làm vào ngày nghỉ hàng năm được tính lương thế nào?
Xin tư vấn cho bạn
Theo quy định tại Điểm c Điều 97 Bộ luật lao động và Điểm c Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên thì tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều này chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
Căn cứ vào quy định nêu trên, trường hợp người sử dụng lao động sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng năm đã được người sử dụng lao động quy định thì người lao động được trả lương làm thêm theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP (ít nhất bằng 300% tiền lương thực trả chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày); trường hợp người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên.
Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ được tính như sau: Tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày = Tiền lương giờ thực trả x 300% x số giờ thực tế làm thêm
Quy định chi tiết:
Điều 97 Bộ luật Lao động 2012
"Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP
"Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương
1. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.
2. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.
3. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
a) Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm;
b) Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
4. Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều này chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
5. Tiền lương làm căn cứ để tạm ứng cho người lao động trong thời gian tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định tại Khoản 2 Điều 100 hoặc bị tạm đình chỉ công việc quy định tại Điều 129 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao động tạm thời nghỉ việc hoặc bị tạm đình chỉ công việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.
6. Tiền lương làm căn cứ khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị tại Khoản 1 Điều 130 của Bộ luật Lao động là tiền lương thực tế người lao động nhận được hằng tháng sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có) theo quy định".
Luật Gia ĐỒNG XUÂN THUẬN
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Người lao động có được hưởng lương trong những ngày phải ngừng việc?? Do không có việc để làm, công ty đã cho nhân viên nghỉ việc không hưởng lương, công ty làm như vậy là đúng hay sai? Tình huống pháp luật: Chào báo Đời sống & Pháp luật! Hiện tại tôi đang làm việc cho một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. Thời gian gần đây, do không có việc làm nên công...