Nghĩ về “bài học đầu tiên”…
Mỗi một đời người, tháng ngày cắp sách đến trường có lẽ là thời hoa niên đẹp nhất. Và từ những ngôi trường ấy, hình ảnh thầy, cô giáo luôn được các thế hệ học trò khắc ghi. Ngày 20-11- Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày tri ân những người thầy, cô giáo.
Trong ngàn lời kính dâng ấy, có lẽ những ca khúc đã “vượt thời gian” và trở thành giai điệu ngọt ngào nhất đã gói trọn tâm tình với tất cả tình cảm yêu thương của học trò dành cho người cha, người mẹ “thứ hai” trong cuộc đời, đó chính là thầy, cô giáo… Riêng tôi, bài hát “ Bài học đầu tiên” của Trương Xuân Mẫn đã gieo vào lòng những cảm xúc khó tả…
Thầy tôi (ảnh minh họa).
Từng nốt nhạc chậm rãi, lời nhạc như lời tự sự của một người học trò chân thành bày tỏ lòng cảm ơn thầy về bài học: “Thưa thầy em đã thuộc bài học sáng nay/ Trong bài giảng có bụi phấn trắng bay bay trên tóc thầy”. Hai từ “Thưa thầy” mở đầu bài hát là sự lễ phép, hiền ngoan của mỗi học trò khi nói với thầy. Trong lời nhạc ấy ta cảm nhận được niềm vui của học trò khi thấm đượm “bài học đầu tiên” của những tháng năm cắp sách tới trường. Hình ảnh người thầy trang nghiêm, tận tụy truyền giảng sáng ấy đã khắc sâu vào tâm khảm học trò như một hình ảnh đẹp nhất là “có bụi phấn trắng bay bay trên tóc thầy”.
Lời ca dạt dào cảm xúc, da diết ngọt ngào. Chắc hẳn, mỗi khi cất lên lời hát ấy của “Bài học đầu tiên”, bất cứ ai cũng đều cảm thấy xúc động, bùi ngùi khi nhớ về những thầy, cô giáo yêu thương, đáng kính đã từng dạy dỗ mình. Hình ảnh người thầy được nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn khắc họa với ca từ mềm mại, giai điệu trầm bổng sâu lắng luôn làm người nghe xúc động khi nhớ về mái trường xưa với người thầy cô giáo yêu quý năm nào của mình… Hình ảnh người thầy được khắc họa rõ hơn trong cảm nhận của học trò: “Giọng thầy như tiếng hát/Lời thầy như bài thơ đã dẫn dắt “Cho con những ước mơ/ Tới chân trời rộng mở…”. Đến đây, thiên chức của người thầy là “giọng”, là “lời” luôn đọng lại ấn tượng trong lòng học trò, những lời truyền giảng ấy bỗng sao ấm áp lạ thường. Giai điệu, ca từ bài hát thật bình dị nhưng đã làm ấm lòng, lan tỏa và truyền cảm đến học trò bằng những lời dạy dỗ, bảo ban giản đơn nhưng rất sâu sắc…
Lời nhạc vẫn ngân lên, dẫn dắt người nghe vào lời kết “nội dung” của “Bài học đầu tiên” người thầy trao giảng cho học trò. Nội dung ấy là một bức tranh đẹp về quê hương, gia đình, đất nước… thân thuộc và luôn gắn bó trong tim mỗi người. Điệp khúc “bài học đầu tiên” hiện ra hình ảnh “bóng hình núi sông”, “cánh đồng” để nhắc nhớ người học về “yêu thương”, trách nhiệm gửi gắm “vẽ tiếp đường cha ông”. Xúc động hơn, trong “bài học đầu tiên” ấy, người thầy đã đưa học trò về với “ấm êm lời ru của mẹ”, có hình ảnh “con cò trắng bay qua câu ca dao ngọt ngào” như lắng sâu hơn về truyền thống gia đình, quê hương, và gợi nhắc đến bổn phận làm con… Và những hình ảnh đẹp “sóng vỗ lời biển xanh căng no những cánh buồm chở tiếng hò quê hương” đã chắp cánh cho người học ước mơ bay bổng vào tương lai sẽ bắt đầu từ bài học đầu tiên hôm nay…
Rồi “Bài học đầu tiên” đã kết thúc bởi người học đã thuộc đã nhớ lời thầy. Lời cảm ơn thầy vang lên của học trò chính là bài học làm người từ những bài giảng của thầy cô giáo, những bài giảng đã nâng tâm hồn người học lên những tầm cao mới cùng với những tình cảm thiêng liêng khác là tình yêu Tổ quốc, quê hương. Lời ca bay bổng, nhẹ nhàng như lời thì thầm cảm ơn thầy, như lời chia sẻ với bạn bè về bài học thầy đã dạy: “Bài học đầu tiên cảm ơn thầy, thầy đã dạy con đường tới tương lai xây đất nước đẹp giàu/ Bài học đầu tiên em đã thuộc rồi thầy ơi/ Là bài ca yêu Tổ quốc Không bao giờ em quên…
Cùng với nhiều bài hát hay như “Ngày đầu tiên đi học”, “Bụi phấn”…, “Bài học đầu tiên” vẫn là ca khúc quen thuộc với mọi thế hệ học trò. “Bài học đầu tiên”- tên nhạc phẩm này như tự thân tên gọi, đó chính là lần đầu tiên được tới trường, lần đầu tiên được nghe bài giảng của thầy, là lần đầu tiên người thầy dạy học trò vươn tới những ước mơ về tương lai từ những điều rất giản dị giữa cuộc đời với những ca từ mộc mạc, trong veo mà da diết…
Tri ân thầy cô, là tri ân “Bài học đầu tiên”… Nghe sao ấm áp, ngọt ngào vang vọng mãi…
THẢO NGUYÊN
Theo CAND.com.vn
Khoa học lý giải kết hôn với anh em họ nguy hiểm như thế nào
Liệu có phải những đứa trẻ được sinh ra bởi hai anh (chị) em họ thực sự có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao? Các nguyên tắc di truyền cơ bản sau đây sẽ giúp chúng ta trả lời được câu hỏi này.
Nữ hoàng Victoria, Charles Darwin và Albert Einstein có điểm gì chung? Họ đều kết hôn với anh em họ ở thế hệ thứ nhất.
Hiện nay, kết hôn với anh em họ là bất hợp pháp tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài của lịch sử phương Tây, mọi người đều phải kết hôn với bất cứ ai sống trong khu vực của họ, điều đó có nghĩa là họ phải kết hôn với người trong dòng tộc.
Trong khoảng thời gian từ năm 1650 - 1850, những cặp vợ chồng thường là anh em họ ở thế hệ thứ tư. Vì vậy, họ có cùng chung ông bà cố.
Về mặt di truyền, điều này có nghĩa là họ có chung 0,20% DNA. Không quá nhiều khi so sánh với thế hệ thứ ba (0.78%), thứ hai (3.13%) và đặc biệt là thế hệ thứ nhất (12.5%). Và càng chia sẻ nhiều DNA, con của họ càng có nguy cơ mắc bệnh di truyền, như là u xơ nang hoặc bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm.
Nhưng điều quan trọng ở đây là: con của bạn vẫn có thể mắc bệnh di truyền dù cho bạn không hề mắc phải.
Lấy bệnh u xơ nang làm ví dụ. Nó được gây ra bởi một khiếm khuyết trong gen CFTR. Nhưng bạn cần đến hai bản sao của gen này để thực sự mắc bệnh. Vì vậy, nếu chỉ có một bản sao của gen, bạn vẫn sẽ "bình yên vô sự". Tuy nhiên, bạn sẽ được xem như là một "người vận chuyển" cho thế hệ sau.
Bây giờ, gặp trường hợp một "người vận chuyển" (có nghĩa là mang một bản sao của gen) giao phối với một người bình thường, thì đứa bé vẫn sẽ không mắc bệnh. Tuy nhiên, khi cả bố và mẹ đều mang một bản sao khiếm khuyết của CFTR, thì đứa trẻ sẽ mang 25% khả năng thừa hưởng hai bản sao của gen và mắc bệnh.
Vì vậy, để đánh giá việc kết hôn với người anh em họ ở thế hệ đầu tiên nguy hiểm như thế nào, chúng ta cần phải tính toán khả năng cả hai đều mang một bản sao của cùng một bệnh di truyền.
Vì họ cùng có hệ ông bà, nên chúng ta sẽ bắt đầu từ đây. Bây giờ, câu chuyện sẽ trở thành trò chơi "nếu như".
Nếu như cả hai ông bà đều là "người vận chuyển" hoặc chỉ là một trong hai? Nếu như một trong những người con của họ là "người vận chuyển" hoặc là không ai cả? Và nếu như những đứa trẻ đó lại đi kết hôn với những "người vận chuyển" khác hoặc là chỉ với người bình thường? Mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp.
Nhưng các nhà khoa học đã tìm ra được con số trung bình và nguy cơ anh em họ sinh ra một đứa trẻ mắc bệnh di truyền là 4-7%, đối với dân số nói chung là 3-4%.
Vậy, mọi thứ có vẻ không quá kinh khủng như tưởng tượng? Vấn đề lớn ở đây lại là: Đó chỉ là tỷ lệ cược cho một bệnh di truyền, nhưng lại có hàng ngàn loại bệnh di truyền khác có thể đang lẩn trốn trong cây phả hệ của gia đình bạn.
Thêm vào đó, nếu những đứa con của bạn cũng kết hôn với những anh em họ ở thế hệ đầu tiên và con của chúng cũng lặp lại điều tương tự như thế, thì đó là công thức của một thảm họa thật sự. Bởi thay vì đưa vào các gen mới, có khả năng hữu ích vào nhóm gen của gia đình, thì bạn lại đang liên tục sử dụng lại những gen cũ và có thể đầy nguy hiểm.
Vì vậy tốt hơn hết là bạn không nên biến nó thành một truyền thống gia đình.
Theo VN Review
Ngày khai trường với những bài học đầu tiên Lễ khai trường và những bài học đạo đức, tình yêu Tổ quốc, bảo vệ môi trường đã thể hiện được nỗ lực của các thầy cô và nhà trường trong công tác giáo dục. Theo VTV24