Nghi vấn về tấm hộ chiếu tại hiện trường khủng bố Paris
Tấm hộ chiếu Syria nằm cạnh thi thể của kẻ đánh bom liều chết tại hiện trường vụ khủng bố Paris đêm 13.11 không chứng minh được giả thuyết IS đang lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư để tuồn khủng bố vào châu Âu.
Tưởng niệm tại một trong các địa điểm bị tấn công ở Paris (Pháp) đêm 13.11 – Ảnh: Reuters
Nhiều người đã tin vào giả thuyết rằng tấm hộ chiếu tìm thấy cạnh thi thể của kẻ đánh bom liều chết trong vụ tấn công Paris (Pháp) đêm 13.11 khiến ít nhất 129 người chết là bằng chứng cho thấy tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư để đưa các phần tử khủng bố vào châu Âu và thực hiện mưu đồ tấn công.
Hộ chiếu được tìm thấy tại một trong những hiện trường ở Saint Denis và có vẻ thuộc về một người đã đăng ký nhập cư tại Hy Lạp. Công tố viên Francois Mollins tại Paris cho biết, hộ chiếu này là của một người sinh ngày 10.9.1990 và chưa từng liên quan tới nước Pháp, theo L’Express ngày 15.11.
Cuối ngày 14.11, Bộ trưởng An ninh Hy Lạp Nikos Toskas khẳng định chiếc hộ chiếu thuộc về một người đã đăng ký nhập cư tại đảo Leros của Hy Lạp hồi tháng 10. Ngày 15.11, trang tin Blic đăng tải một bức ảnh chụp hộ chiếu trên đó có tên là Ahmad Almohammad. Trang Francetvinfo cho biết, hộ chiếu này được sử dụng để đăng ký tị nạn tại Serbia vào ngày 7.10.
Video đang HOT
Nhiều người, trong đó có cả các chính trị gia, nhận định đây là những bằng chứng xác nhận cho giả thuyết ở trên. Tuy nhiên, cũng còn một số lý do để cân nhắc trước khi kết luận rằng cuộc tấn công tại Paris là do phần tử khủng bố lẻn vào châu Âu qua đường tị nạn.
Thứ nhất, IS phản đối việc nhiều người rời bỏ Syria. IS đã nhiều lần phản đối sự lựa chọn của người di cư, đa số là những người rời bỏ Syria vì cuộc khủng hoảng trong nước, theo L’Express. Hồi tháng 9, IS đã sử dụng hình ảnh cậu bé Aylan người Syria bị chết đuối khi di cư cùng gia đình đến Hy Lạp, để cảnh báo những người di cư. Trên tạp chí tuyên truyền của tổ chức cực đoan này tuyên bố việc rời bỏ đất nước là một trọng tội.
Kế đến, chiếc hộ chiếu tại hiện trường có thể là đồ đánh cắp được. Các nhà điều tra đang xác minh chiếc hộ chiếu này là của những kẻ đánh bom liều chết hay của nạn nhân. Mặt khác, không gì đảm bảo rằng chiếc hộ chiếu đó là “hàng chính chủ”. Cuộc khủng hoảng di cư đã tạo ra thị trường chợ đen chuyên cung cấp hộ chiếu của Syria để những người mua có thể xin tị nạn được tại châu Âu. Nhiều người di cư cho biết đã bị mất hộ chiếu sau khi rời Hy Lạp, theo The Guardian. Những hộ chiếu này được kẻ cắp bán lại với giá vài trăm euro.
Nhiều người cho rằng IS đang đưa khủng bố vào châu Âu qua đường tị nạn – Ảnh: Reuters
Lý do thứ ba là tấm hộ chiếu này có thể là đồ giả. Bên cạnh việc trộm cắp hộ chiếu, thị trường hộ chiếu giả cũng rất lớn. Một phóng viên của kênh truyền hình Ả Rập Al Aan gần đây đăng tải một bức ảnh chụp một chiếc hộ chiếu Syria giả, trên đó in hình… Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Nhà báo Mike Giglio của trang BuzzFeed dẫn lời những “chuyên gia” làm hộ chiếu Syria giả tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chiếc hộ chiếu tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công Paris nhìn như là đồ giả. Còn theo phóng viên Nicolas Chapuis của tờ Le Monde thìBộ trưởng Tư pháp Pháp, bà Christiane Taubira đã nói rằng hộ chiếu Syria tại hiện trường là giả.
Lý do cuối cùng, việc chiếc hộ chiếu Syria xuất hiện tại hiện trường có thể là chủ đích của hung thủ nhằm định hướng dư luận châu Âu. The Guardian dẫn lời chuyên gia cho rằng không thể nào một kẻ khủng bố liều chết lại mang theo hộ chiếu của mình đến hiện trường. “Tại sao một phần tử Hồi giáo cực đoan lại mang theo hộ chiếu trên đó phô bày tất cả thông tin danh tính của mình, trong một nhiệm vụ liều chết?”, chuyên gia về Hồi giáo cực đoan Charlie Winter đặt nghi vấn. Câu trả lời là để cảnh sát nhặt được hộ chiếu này.
Vì IS đang tìm cách lái dư luận tại châu Âu chống lại dòng người di cư. Theo The Guardian, có giả thuyết cho rằng IS muốn người châu Âu chống lại người tị nạn Syria, từ đó tạo ra bất đồng không thể giải quyết giữa phương Đông và phương Tây, người Công giáo và Hồi giáo. Mục đích cuối cùng là cho người Syria thấy được IS là nơi tốt nhất để bảo vệ người Syria.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Iraq cảnh báo IS tấn công nhưng Pháp phớt lờ
Tình báo Iraq gửi điện tới Paris cho hay thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo yêu cầu tấn công tại các nước tham gia không kích vài ngày trước vụ khủng bố liên hoàn.
Vụ tấn công liên hoàn cướp đi sinh mạng của 132 người. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi đã phát hiện thông tin từ IS về lệnh do trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi trực tiếp đề nghị tất cả các thành viên của chúng tấn công trên phạm vi quốc tế, gồm các nước trong liên minh với Mỹ, gồm cả Iran và Nga, bằng cách đặt bom, ám sát hoặc bắt cóc trong vài ngày tới. Chúng tôi không có thông tin về ngày và địa điểm", AP dẫn lại một phần bản thông báo ngoại giao của Iraq.
Tuy nhiên, một quan chức an ninh Pháp cho rằng tình báo nước này nhận được những thông báo đó "suốt" và "hàng ngày". Chính phủ Pháp chưa bình luận gì về việc này.
Cũng theo các quan chức Iraq, có thể các vụ tấn công ở Paris được lên kế hoạch ở Raqqa, Syria, thành trì của IS. Những kẻ khủng bố được đào tạo với mục đích gửi tới Pháp. Những kẻ "nằm vùng" tại Pháp sau đó gặp những tên này và giúp thực hiện kế hoạch. Ước tính có 24 phiến quân tham gia, 19 kẻ tấn công và 5 tên khác chuẩn bị.
Phiến quân IS đã nhận trách nhiện thực hiện các vụ nổ súng và đánh bom liên tiếp tại 6 địa điểm ở Paris vào tối 13/11. Chúng cho rằng hành động này nhằm trả thù việc Pháp tham gia không kích tại Syria cùng với Mỹ và đồng minh. Ít nhất 132 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Khánh Lynh
Theo VNE
Chiếu sáng kim tự tháp với màu cờ Pháp, Nga tưởng nhớ nạn nhân của khủng bố Kim tự tháp, kỳ quan cổ đại nổi tiếng thế giới ở Ai Cập sẽ được chiếu sáng với màu cờ của Pháp và Nga để tưởng nhớ các nạn nhân của những vụ tấn công khủng bố. Kim tự tháp chiếu sáng bằng đèn màu xanh nhân kỷ niệm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc - Ảnh minh họa: Reuters Vào lúc...