Nghi vấn về mối liên hệ của Arab Saudi với vụ khủng bố 11/9
Nghi vấn về sự liên can của Arab Saudi tới vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ còn nguyên vẹn khi mối quan hệ đáng ngờ giữa một quan chức nước này và hai kẻ không tặc chưa được làm rõ.
Nawaf al-Hazmi, một trong những kẻ cướp chiếc máy bay số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines và đâm nó vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ trong vụ khủng bố 11/9. Ảnh:911myths.com
Bên trong đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, vào một buổi tối tháng 2/2004, hai điều tra viên Mỹ thẩm vấn một người đàn ông mà họ tin là có thể trả lời cho một trong những bí ẩn của vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Washington và New York: Các quan chức chính quyền Arab Saudi đóng vai trò như thế nào, nếu có, trong âm mưu này, theo New York Times.
Người bị thẩm vấn, Fahad al-Thumairy, từng là quan chức lãnh sự quán Arab Saudi tại Los Angeles và cũng là người đứng đầu một đền thờ Hồi giáo mà hai trong số những kẻ cướp máy bay vụ khủng bố 11/9 thường đến cầu nguyện.
Các nhà điều tra tin rằng xác định được vai trò của Thumairy trong âm mưu tấn công là một bước đi hướng đến chứng minh chính phủ Arab Saudi có dính líu đến vụ 11/9. Song họ đã không thành công. Trong hai cuộc thẩm vấn kéo dài 4 tiếng, Thumairy, lúc đó ngoài 30 tuổi, chối bỏ mọi mối liên quan đến những kẻ cướp máy bay hay đồng phạm của chúng.
Mặc dù tổ điều tra đưa ra dữ liệu cuộc gọi để chứng minh Thumairy có liên quan, ông này vẫn không chịu khuất phục. Thumairy nói những dữ liệu đó là giả mạo hoặc có người đang tìm cách bôi nhọ ông. Vụ việc đi vào bế tắc.
28 trang tài liệu mật
Tuy nhiên, gần 15 năm sau, nghi vấn về sự liên can của Arab Saudi lại trỗi dậy khi xuất hiện những lời kêu gọi chính phủ Mỹ công bố một phần báo cáo điều tra năm 2002 bị đóng dấu mật của Quốc hội Mỹ về vụ tấn công. Tài liệu dài 28 trang này có nhắc đến vai trò khả nghi của Arab Saudi trong âm mưu tấn công khủng bố 11/9.
Một số quan chức Mỹ từng xem qua 28 trang tài liệu mật cho biết trong tất cả các manh mối điều tra, những nghi vấn chưa có lời giải về Thumairy và hai kẻ cướp máy bay gây tò mò nhất. Nhiều ý kiến cho rằng nếu Arab Saudi đóng vai trò nào đó trong vụ khủng bố 11/9, Thumairy có khả năng là người nắm rõ hơn cả.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington hôm 17/6, Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir nói nội dung 28 trang tài liệu mật đã được phân tích kỹ lưỡng và những cuộc điều tra cho thấy các cáo buộc đối với họ là không đúng.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John O. Brennan, trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình Al Arabiya, cũng trả lời rằng mặc dù ông ủng hộ việc công bố nội dung 28 trang trên, “mọi người không nên xem chúng như là bằng chứng cho thấy sự đồng lõa của Arab Saudi trong vụ 11/9″.
Theo ông, các cuộc điều tra mà Mỹ tiến hành đã đi đến kết luận rằng vụ tấn công 11/9 là sản phẩm của tổ chức khủng bố al-Qaeda cũng như những thế lực khác cùng phe với al-Qaeda.
Tuy nhiên, đối với một số người, tất cả các bằng chứng gián tiếp đều có thể cung cấp một cái nhìn cận cảnh hơn vào sự thật chưa được hé lộ.
“Vụ việc có rất nhiều sự trùng hợp đáng ngờ”, Richard L. Lambert, cựu nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ ( FBI), người phụ trách văn phòng FBI ở thành phố San Diego sau vụ tấn công 11/9, cho hay.
Hành tung của hai kẻ cướp máy bay
Video đang HOT
Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy Khalid al-Mihdhar, đồng bọn của Nawaf al-Hazmi, ở sân bay quốc tế Dulles gần Washington vào ngày 11/9/2001. Ảnh: AP
Bí ẩn bắt đầu từ khi hai người đàn ông Arab Saudi, Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Mihdhar, đáp xuống sân bay quốc tế Los Angeles ngày 15/1/2000. Một năm rưỡi sau, hai người này nằm trong những kẻ cướp máy bay và lao chiếc phi cơ mang số hiệu 77 thuộc hãng hàng không American Airlines vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.
Hazmi và Mihdhar dường như không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn như thế khi mà chúng vừa phải kiếm sống vừa lên kế hoạch trong nhiều tháng trời nhưng lại không hề biết tiếng Anh và không có kinh nghiệm về cuộc sống ở Mỹ. Chính yếu tố này khiến FBI phải đặt câu hỏi liệu chúng có nhận được hỗ trợ sau khi đến Los Angeles hay không.
Theo một số nguồn tin, Hazmi và Mihdhar có đến hành lễ tại nhà thờ Hồi giáo King Fahad ở thành phố Culver, bang California, nơi Thumairy làm chủ tế. Chúng cũng có thể lưu trú tại một căn hộ do nhà thờ này thuê gần đó.
Một tài liệu của FBI từ năm 2002, được một ủy ban thẩm tra độc lập vụ 11/9 trích dẫn hồi năm ngoái, kết luận rằng Thumairy “ngay lập tức bố trí người chăm lo cho Hazmi và Mihdhar trong thời gian chúng ở Los Angeles”. Song đến nay, FBI vẫn chưa thể làm rõ lịch trình của Hazmi và Mihdhar trong hai tuần đầu tiên đặt chân tới Mỹ.
Hai kẻ cướp máy bay tái lộ diện vào đầu tháng 2/2000, khi đi ăn tại một nhà hàng có tên Mediterranean Gourmet gần đền thờ King Fahad. Ở đây, chúng gặp Omar al-Bayoumi, một người đồng hương làm việc ở cơ quan hàng không dân dụng Arab Saudi.
Bayoumi sau đó khai với FBI rằng cuộc gặp đó diễn ra tình cờ. Bayoumi cho biết ông ta đã bắt chuyện sau khi nghe Hazmi và Mihdhar nói bằng âm giọng Vùng Vịnh. Tuy nhiên, FBI nghi ngờ Bayoumi đã gặp Thumairy ở nhà thờ King Fahad từ trước đấy. Các nhà điều tra tự hỏi liệu có phải Thumairy sắp xếp cuộc gặp này hay không.
Lúc bấy giờ, Thumairy nằm trong mạng lưới đại diện của Bộ Sự vụ Hồi giáo Arab Saudi với nhiệm vụ tài trợ công tác xây dựng nhà thờ, đào tạo giáo sĩ, đồng thời tuyển mộ người gia nhập dòng Hồi giáo bảo thủ và khắt khe với tên gọi Chủ nghĩa Wahhabi, một học thuyết Hồi giáo khởi nguồn từ Arab Saudi.
Mạng lưới hỗ trợ đáng ngờ
Theo báo cáo của các nhà điều tra, Thumairy dường như đã nói dối khi bị thẩm vấn về các mối liên lạc của ông ta, đặc biệt là với Bayoumi. Ông nói không biết Bayoumi nhưng dữ liệu các cuộc điện thoại cho thấy hai người thực hiện 21 cuộc gọi trong hơn hai năm.
Bayoumi đã giúp đỡ Hazmi và Mihdhar cư trú tại một căn hộ thuộc khu chung cư nơi ông ta sinh sống ở San Diego, California. Bayoumi còn cùng ký tên vào hợp đồng thuê nhà và trả tiền cọc thuê nhà cũng như tiền thuê tháng đầu tiên cho Hazmi và Mihdhar. Hai kẻ cướp máy bay sau này hoàn trả ông số tiền nhưng người ta vẫn chưa rõ động cơ của Bayoumi là gì.
Lambert cho hay ông không tin sự giúp đỡ này là ngẫu nhiên. Kế hoạch tấn công khủng bố 11/9 phụ thuộc nhiều vào việc những kẻ cướp hòa nhập vào cuộc sống thường ngày ở Mỹ nên ông ngờ rằng các thủ lĩnh al-Qeada chắc chắn phải bố trí để chúng nhận được hỗ trợ.
“Tôi tin rằng chúng phải lên kế hoạch chăm sóc cẩn thận những gã này sau khi đến Mỹ. Chúng không quá thành thạo cuộc sống nơi đây và cũng không biết tiếng Anh. Chúng cần giúp đỡ để ổn định cuộc sống và tiến hành các bước chuẩn bị cho vụ khủng bố”, Lambert nhận xét.
Ngoài ra, nhiều manh mối khác cũng cho thấy sự tồn tại của một mạng lưới hỗ trợ chúng. Hazmi và Mihdhar bắt đầu đi lễ ở một nhà thờ tại San Diego, nơi Anwar al-Awlaki làm chủ tế. Anwar al-Awlaki là một giáo sĩ người Mỹ, nhiều năm sau trở thành kẻ tuyển mộ khét tiếng cho al-Qaeda.
Một sinh viên người Yemen tên Mohdar Abdullah đã lái xe chở Hazmi và Mihdhar đi khắp nơi, giúp chúng mở tài khoản ngân hàng hay giới thiệu chúng đến các trường dạy bay. Hai sĩ quan hải quân Arab Saudi sống ở San Diego thời điểm đó cũng liên lạc điện thoại với Hazmi. Tuy nhiên, mối quan hệ với Thumairy và Bayoumi là đáng nghi ngờ hơn cả, theo New York Times.
Đối tượng cần lưu tâm
Nhà thờ King Fahad ở thành phố Culver, bang California, nơi Fahad al-Thumairy làm chủ tế. Ảnh: billwarnerpi.com
Eleanor J. Hill, giám đốc phụ trách nhân sự cho cuộc điều tra phối hợp của quốc hội Mỹ về vụ khủng bố 11/9, lưu ý 28 trang tài liệu mật không phải manh mối giúp giải mã các bí ẩn.
“28 trang này chỉ là bản tóm tắt những thông tin được chuyển đến cho các cơ quan liên quan để điều tra thêm. Mọi người không nên kỳ vọng chúng sẽ giúp đưa ra một kết luận cuối cùng”, bà nhấn mạnh.
Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 4, Thomas H. Kean và Lee Hamilton, đồng chủ tịch Ủy ban 11/9, khẳng định họ đã xem xét kỹ lưỡng tất cả các nghi vấn về vai trò của Arab Saudi đối với âm mưu tấn công 11/9 và bám rất sát những manh mối trong 28 trang tài liệu mật.
Họ khẳng định dù Ủy ban 11/9 không tìm thấy bằng chứng cho thấy Thumairy hỗ trợ những kẻ cướp máy bay nhưng ông này vẫn là “đối tượng cần lưu tâm”.
Báo cáo cuối cùng của Ủy ban 11/9 có đoạn “chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho thấy chính phủ Arab Saudi với vai trò là một thể chế hay các quan chức cấp cao Arab Saudi có tài trợ cho al-Qaeda”.
Nhưng một số người chỉ ra rằng ngôn từ trong bản báo cáo không loại trừ khả năng các quan chức cấp thấp Arab Saudi đã hỗ trợ những kẻ cướp máy bay. Theo họ, Ủy ban 11/9 phải làm việc với áp lực thời gian căng thẳng nên không thể bám sát mọi manh mối.
Thị thực của Thumairy bị thu hồi năm 2003 vì nhà chức trách Mỹ nghi ngờ ông này là phần tử cực đoan. Trong một cuộc trả lời thẩm vấn hồi tháng 2/2004, Thumairy nói ông không bao giờ ý thức được rằng mình đã hỗ trợ những kẻ khủng bố.
“Ông ấy nói luôn truyền bá thông điệp hòa bình ở Mỹ và Arab Saudi, đặc biệt là sau vụ 11/9. Ông ấy nói muốn hợp tác với chính phủ Mỹ và Arab Saudi vì khủng bố gây tổn thương cho tất cả mọi người”, New York Timesdẫn báo cáo của hai nhà điều tra Dieter Snell và Rajesh De, những người từng thẩm vấn Thumairy.
Hồng Vân
Theo VNE
Arab Saudi ra tối hậu thư với Mỹ về đạo luật khủng bố 11/9
Arab Saudi dọa bán tài sản trị giá hàng trăm tỷ USD tại Mỹ nếu Washington thông qua đạo luật cho phép nạn nhân vụ 11/9 kiện chính phủ nước ngoài.
Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir cảnh báo nước này sẽ bán tài sản trị giá hàng tỷ USD ở Mỹ. Ảnh: alarabiya.net
Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir đã cảnh báo Washington trong chuyến thăm nước này cuối tháng trước, CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ hôm 17/4. Nguồn thạo tin về Arab Saudi cho biết nước này đã liệt những khối tài sản trị giá hàng tỷ USD tại Mỹ vào "hoàn cảnh nguy hiểm" để bảo vệ chính mình trong trường hợp Washington thông qua đạo luật nói trên. Tờ New York Times cho biết số tài sản này trị giá 750 tỷ USD.
Chính quyền của Tổng thống Obama đang gây áp lực mạnh với quốc hội để đạo luật không được thông qua. Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc cảnh báo việc này sẽ khiến Mỹ đối diện với nhiều rủi ro kinh tế. Arab Saudi hiện vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.
Dự luật cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 kiện các chính phủ có liên quan và tổ chức tài chính tài trợ khủng bố, được các thượng nghị sĩ Chuck Schumer, D-New York, và John Cornyn, R-Texas, ủng hộ. Tờ New York Times cho biết, dư luật đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ thông qua đầu năm nay.
Arab Saudi là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở Trung Đông trong thời gian dài. Nước này phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới vụ khủng bố 11/9 rung chuyển nước Mỹ. Tuy nhiên, 15 trong số 19 tên không tặc tham gia khủng bố mang quốc tịch Arab Saudi.
Tháng 2, Zacarias Moussaoui kẻ bị coi là tên không tặc thứ 20, đang thụ án tù ở Colorado, Mỹ, thậm chí còn cáo buộc Hoàng gia Arab Saudi đứng sau vụ khủng bố và tài trợ cho nhóm khủng bố al-Qaeda.
28 trang báo cáo của Ủy ban điều tra vụ 11/9, tập trung vào vai trò của các quốc gia có liên quan, vẫn đang được phân loại.
Một quan chức cấp cao giấu tên Mỹ khi được hỏi liệu Tổng thống Obama có dùng quyền phủ quyết khi quốc hội thông qua, cho biết: "Thay vì việc nghĩ đến giả thiết luật có được thông qua, tôi nghĩ rằng chúng ta cần cân nhắc những hậu quả khôn lường mà nó mang lại".
"Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu tham gia thảo luận dự luật này với quốc hội", quan chức Mỹ nói thêm.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo: "Việc ban hành đạo luật như thế sẽ đẩy Hoa Kỳ vào kiện cáo, tước đi quyền miễn trừ chủ quyền quốc gia và tạo ra tiền lệ khủng khiếp".
Quyền miễn trừ chủ quyền quốc gia được hiểu là nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn (trong lĩnh vực dân sự).
Trong khi đó, cựu thượng nghị sĩ Bob Graham, đồng chủ tịch Ủy ban điều tra vụ 11/9 của Mỹ, cho biết ông "tức giận nhưng không ngạc nhiên" trước cảnh báo của ngoại trưởng Arab Saudi. "Arab Saudi biết họ đã làm gì trong vụ 11/9, và họ cũng hiểu là chúng ta biết những điều đó, ít nhất là ở cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ", ông Graham nói.
Năm 2003, giới chức Arab Saudi đã đề nghị Mỹ cho phép tiếp cận những trang tài liệu này để bảo vệ họ khỏi các cáo buộc liên quan khủng bố. Tuy nhiên, chính quyền Bush khi đó đã từ chối.
Ông Obama cũng tiếp tục thực hiện chính sách này, không cho Arab Saudi tiếp cận tài liệu với lý do Mỹ cần thu thập thông tin tình báo. Năm ngoái, một tòa án ở Mỹ đã bác đơn kiện chính quyền Arab Saudi của gia đình các nạn nhân vụ 11/9.
Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ bị những phần tử tấn công liều chết của al-Qaeda bắt cóc và lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ. Trong những vụ tấn công phối hợp khác, một máy bay nữa lao vào Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi chiếc thứ tư bị rơi ở Pennsylvania. Hơn 2.700 người thiệt mạng trong vụ tấn công.
Văn Việt
Theo VNE
Thượng viện Mỹ cho phép kiện Arab Saudi về vụ khủng bố 11/9 Thượng viện Mỹ hôm qua thông qua đạo luật cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 kiện chính phủ Arab Saudi đòi bồi thường. Một tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới, New York, Mỹ, nổ tung trong vụ khủng bố 11/9. Ảnh: Reuters. Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua "Đạo luật Công lý Chống Tài trợ...