Nghi vấn quanh vụ nhà báo bị đốt trên giường ngủ
Dấu vết còn lại khiến nhiều ý kiến cho rằng hung thủ đã dùng dây dù leo từ dưới đất lên tầng một. Do anh Hùng không khóa cửa cho nên việc hung thủ đột nhập phòng ngủ, phóng hỏa sau đó tẩu thoát hầu như không gặp trở ngại gì.
Đêm 18 rạng sáng ngày 19/1/2011, hung thủ đã đột nhập vào phòng ngủ của anh Lê Hoàng Hùng, 51 tuổi, phóng viên thường trú báo Người lao Động ở tỉnh Long An, tạt cồn (hoặc xăng) và châm lửa đốt. Hung thủ chưa được nhận diện, nhưng anh Hùng thì bị bỏng rất nặng.
Anh Lê Hoàng Hùng là người viết báo đã gần 30 năm, chuyên trách mảng nội chính, có nhiều phóng sự điều tra gai góc phanh phui tiêu cực, tệ nạn xã hội và tội phạm băng nhóm nên dư luận cho rằng rất có thể đây là một vụ hãm hại trả thù.
Khu đô thị Đại Dương nằm trên đường Hùng Vương nối dài, thuộc phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An. Nhà riêng của nhà báo Hoàng Hùng là một căn nhà ba tầng, nằm liền kề với nhà riêng anh Nguyễn Văn Sữa, anh em cột chèo với anh Hùng. Từ lan can nhà này có thể bước sang nhà kia một cách dễ dàng.
Sáng 19/1/2011, dù bị bỏng nặng, hết sức đau đớn nhưng Hoàng Hùng vẫn còn tỉnh táo, vẫn có thể kể vắn tắt với một số đồng nghiệp cũ của mình ở báo Pháp Luật TP HCM về một phần diễn tiến của vụ tai nạn. Theo anh Hùng thì lúc đó (Cơ quan điều tra ghi nhận là khoảng 1h30 sáng ngày 19/1) anh Hùng đang ngủ một mình tại phòng phía trước của lầu một thì thấy lạnh toát như vừa bị ai đó tạt nước vào lưng. Chưa kịp định thần thì đã thấy toàn thân bỏng rát, lửa trùm khắp người, trùm khắp chăn nệm và cháy phừng phừng. Anh Hùng chỉ kịp thét lên vì đau đớn và chạy bổ xuống tầng trệt kêu vợ cứu.
Tuy nhiên, anh cho rằng vẫn loáng thoáng kịp trông thấy hung thủ lao ra cửa bỏ chạy. Anh Hùng cũng xác nhận là đêm hôm đó, anh không ngủ cùng phòng với vợ con mà làm việc tại phòng riêng phía trước lầu một, sau đó ngủ lại đó một mình nhưng không đóng cả cửa sổ lẫn cửa chính.
Lời kể của anh gần như trùng khớp với trần thuật của chị Trần Thị Thúy Liễu, vợ anh Hùng. Chị Liễu cho biết lúc đó mình và hai đứa con gái đang ngủ dưới tầng trệt. Bất ngờ, chị nghe anh Hùng chạy xuống kêu: “Cứu anh với…”, trong khi khắp người anh vẫn đang bốc cháy. Chị vội đẩy nhanh anh Hùng vào nhà tắm vừa dội nước dập lửa vừa kêu cứu.
Nhà báo Hoàng Hùng tại bệnh viện Chợ Rẫy
Nghe chị Liễu kêu cứu, anh Nguyễn Văn Sữa ở nhà bên cạnh tỉnh dậy. Thấy lửa khói đang bốc dữ dội từ phòng anh Hùng, anh Sữa đã vơ một tấm chăn trèo qua lan can chạy sang. Theo anh Sữa thì cả cửa chính lẫn cửa sổ phòng trên lầu một đều mở toang. Giường nệm và chăn bị cháy tỏa khói mù mịt, khét lẹt, anh Sữa phải dùng chăn quấn quanh người băng qua lửa khói để vào nhà, sau đó chạy bổ xuống tầng trệt, kịp nhìn thấy cảnh chị Liễu đang dùng nước dập lửa cho chồng.
Sau đó, chị Liễu, anh Sữa và một số người hàng xóm đã đưa anh Hùng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An cấp cứu. Do vết thương quá nặng, khoảng 3h30 sáng anh Hùng đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.
Ngay khi nhận được tin báo, Cơ quan Công an tỉnh Long An đã điều ngay 30 trinh sát xuống hiện trường, vừa thu thập thông tin, vừa bảo vệ và khám nghiệm hiện trường. Tại đó, CQĐT đã thu được 1 con dao, 1 hộp quẹt, 1 can nhựa. Từ lan can tầng một xuống đất vẫn còn treo toòng teng một sợi dây dù thắt nút, nút này cách nút kia khoảng 50 cm.
Video đang HOT
Dấu vết còn lại khiến nhiều ý kiến cho rằng hung thủ đã dùng dây dù leo từ dưới đất lên tầng một. Do anh Hùng không khóa cửa cho nên việc hung thủ đột nhập phòng ngủ, phóng hỏa sau đó tẩu thoát hầu như không gặp trở ngại gì.
Trong phòng, chăn, đệm, gối đều bị cháy thành tro. Trần nhà, trần lan can lầu một phía cửa sổ, cửa chính và phía cầu thang đều ám khói, nám đen. Những người đầu tiên có mặt tại hiện trường đều cho rằng trong phòng lúc đó nồng nặc mùi cồn. Dấu hiệu ám khói cho thấy lửa bốc rất nhanh và mạnh, cùng với những tang vật thu được chứng tỏ khả năng hung thủ tưới cồn rồi châm lửa là khá phù hợp.
Nạn nhân đã qua cơn bị kịch
Nhà báo Hoàng Hùng hiện đang được cứu chữa tại Khoa Bỏng – Tạo hình của Bệnh viện Chợ Rẫy. Được đưa vào bệnh viện nhanh chóng nên bệnh nhân tuy còn sốc nhưng mạch và huyết áp tương đối ổn định. Theo đánh giá, nạn nhân bị bỏng 50% cơ thể. Anh Hùng ngủ trong tư thế nằm nghiêng, chìa lưng ra ngoài nên toàn bộ vùng lưng, từ đầu xuống nửa chân, toàn bộ tay phải đều bị bỏng nặng. Phần cằm, ngực và đỉnh đầu là những điểm bị bỏng sâu nhất. Anh đang được điều trị hồi sức, chống sốc, truyền bù dịch, giảm đau, chống nhiễm trùng, nhiễm độc và chăm sóc tại phòng săn sóc đặc biệt của khoa.
Đến sáng 19/1, bệnh nhân đã tỉnh và có thể nhận biết, trả lời được vài câu. Các bác sĩ Khoa Bỏng – Tạo hình của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày, nếu sức khỏe hồi phục tốt, nhà báo Hoàng Hùng sẽ được mổ cắt lọc hoại tử và ghép da.
Tuy nhiên, bác sĩ Trưởng khoa Trần Đoàn Đạo vẫn tỏ ra dè dặt khi nhận định: “Chưa thể tiên liệu về khả năng phục hồi của bệnh nhân”. Lý do là nhà báo Lê Hoàng Hùng đã bước qua tuổi 50. Ở tuổi này, khả năng hồi phục do bỏng sẽ rất chậm, trong khi anh Hùng bị bỏng nặng 50% toàn thân, trong đó có 20% bị bỏng sâu.
Có một chi tiết rất đáng chú ý. Ngược với đa số suy đoán của những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, trong đó có cả các điều tra viên, bác sĩ Lê Nguyễn Diên Minh, Khoa Bỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng nếu bị đốt bằng cồn, lại được dập lửa khá nhanh chóng, bệnh nhân khó có thể bị những vết bỏng sâu như vậy. Rất có thể nạn nhân bị đốt bằng xăng hoặc dầu.
Chân dung nạn nhân và những nghi vấn cần làm sáng tỏ
Xuất thân là phóng viên báo Long An, nhà báo Lê Hoàng Hùng đã công tác qua nhiều cơ quan báo chí khác nhau và luôn được đánh giá là một cây bút năng nổ, dám dấn thân vào những đề tài gai góc trong mảng đấu tranh chống tiêu cực và tệ nạn xã hội. Tháng 7/1996, anh đầu quân cho báo Pháp luật TP HCM. Trong hai năm sau đó, Hoàng Hùng là một trong những nhà báo đi đầu trong việc phanh phui tệ nạn buôn lậu thuốc lá qua biên giới từ Campuchia về Long An, dưới sự làm ngơ, tiếp tay của một số nhân vật có vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền của tỉnh. Loạt điều tra rất có tiếng vang đã kéo đông đảo phóng viên của nhiều tờ báo lớn khác vào cuộc, phơi bày trước công luận cả một thảm trạng nhức nhối.
Những tư liệu mà anh thu thập được cũng là nguồn chứng cứ ban đầu hết sức quan trọng giúp Cơ quan Công an tỉnh Long An thuận lợi trong việc phanh phui vụ án, dẫn đến phiên tòa xét xử vụ buôn lậu qua biên giới gây chấn động, được dư luận đồng tình.
Hiện trường vụ phóng hỏa.
Đáng nói là, từ những bài báo của anh, công an đã lôi ra được trước vành móng ngựa một số quan chức có cỡ, trong đó có cả Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở. Bản thân Chủ tịch tỉnh Long An lúc đó cũng bị tòa mời ra với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, sau đó tuy không vướng tố tụng nhưng cũng bị xem xét trách nhiệm.
Ngay sau đó, cũng chính anh đã lặn lội điều tra dọc tuyến biên giới Campuchia, thâm nhập vào cả giới xã hội đen bên đất bạn, góp phần phanh phui được một đường dây xã hội đen chuyên thâm nhập vào Việt Nam bằng xuồng cao tốc qua ngả sông Vàm Cỏ Đông để bắt người đòi nợ thuê. Trong vụ này, từ điều tra độc lập, bí mật, không có sự phối hợp nhưng Báo ANTG và Báo Pháp luật cùng tiến hành chung một thời điểm, chung một mục đích và cuối cùng gặp nhau ở kết quả.
Trong số những kẻ bắt cóc đòi nợ thuê có một số đối tượng đang là nhân viên công lực của chính quyền Campuchia. Những vụ thâm nhập mang theo cả súng, lựu đạn, còng số 8 của chúng có khi thọc vào sâu tận Nông trường Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh của TP HCM. Tổng cộng, chúng gây 19 vụ thâm nhập trái phép và bắt người trái pháp luật. Hầu hết nạn nhân của chúng đều là những đối tượng buôn thuốc lá lậu, do đổ bể nên không có tiền thanh toán cho các đầu nậu chủ vựa thuốc lá, bị đám này thuê xã hội đen bắt cóc đưa về Campuchia giam giữ gây áp lực đòi tiền chuộc.
Trong vai người nhà nạn nhân sang Campuchia xin thương lượng chuộc người, Hoàng Hùng đã góp phần phanh phui, vẽ lại chính xác toàn bộ cơ cấu của một băng nhóm tội ác. Anh còn tìm được cơ hội để tiếp xúc được với cả nạn nhân lẫn một số thành viên hoặc người có liên quan với đường dây bắt cóc trên tuyến biên giới Campuchia dọc hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An của Việt Nam. Dù đa số nạn nhân đều không tố cáo hoặc không dám tố cáo, Hoàng Hùng cũng đủ cơ sở để chứng minh chính xác số tiền họ phải vay mượn nộp cho bọn bắt cóc, số ngày họ bị giam giữ, đánh đập (có người bị giữ trái phép trên đất Campuchia tới 42 ngày).
Loạt điều tra này sau đó đã đem lại cho Hoàng Hùng và Báo Pháp luật TP HCM một số giải báo chí, trong khi băng nhóm tội phạm ở cả hai nước thì đều bị Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Long An khởi tố, bắt giữ và đưa ra trước vành móng ngựa.
Từ tháng 5/2002, Hoàng Hùng chuyển sang công tác tại Báo Người Lao động, vẫn “đặc trách” mảng nội chính và tiếp tục tỏa sáng trong mảng phóng sự điều tra. So với đa số phóng viên mảng “chân chạy” này, anh là người thuộc dạng lớn tuổi nhưng sức đi, sức viết và “máu” dấn thân thì vẫn không hề giảm. Nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú tại tỉnh Long An và phụ trách 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Hoàng Hùng đã săm soi hầu như không sót bất kỳ một vụ việc, hiện tượng tiêu cực, tệ nạn nào ở các địa phương này. Những loạt điều tra của anh về tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trường gà, sới bạc, buôn lậu… qua biên giới luôn có sức hấp dẫn và độ nóng thu hút người đọc.
Ngược lại, anh cũng đã nhiều lần bị đe dọa, cả bóng gió lẫn công khai. Khi những băng nhóm hoạt động theo “kiểu xã hội đen” khu vực Cây Da Xà, Phú Lâm, Bến xe miền Tây, Bến xe quận 6… còn lộng hành, chúng đã luôn xem Hoàng Hùng như một nhà báo khắc tinh, hơn một lần đòi tìm anh để “thanh toán sòng phẳng”. Phần thắng cuối cùng vẫn thuộc về người cầm bút.
Trước khi bị hãm hại, Hoàng Hùng cũng vừa hoàn tất một số loạt bài chống tiêu cực liên quan đến buôn lậu, nhà đất và ngành thuế tại Long An. Vợ anh cho biết, trước đó mấy hôm, anh đã từng bảo là bị nhắn tin đe dọa…
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì tất cả thông tin liên quan đến vụ hãm hại nhà báo Hoàng Hùng đều rất ít ỏi, hầu như chỉ được hỏi qua vợ và một số người thân trong gia đình anh. Do bị, hoặc được hỏi quá nhiều, khả năng “trầm trọng hóa” vấn đề trong những câu trả lời e là điều khó tránh khỏi, trong khi các câu trả lời này đều nghiêng về giả thiết Hoàng Hùng bị trả thù, dằn mặt vì chống tiêu cực.
Còn trong gia đình, ngay cả bố vợ anh cũng khẳng định anh sống bình thường, không có mâu thuẫn hay xích mích nghiêm trọng nào để có thể dẫn tới bị trả thù hay hãm hại. Lãnh đạo báo Người Lao động thì cho biết, Hoàng Hùng chưa có bất kỳ một báo cáo nào về việc anh bị đe dọa.
Thượng tá Phạm Văn Tiến – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Long An tỏ ra hoài nghi: một tên tội phạm bình thường khó có thể trèo từ dưới đất lên lầu một chỉ bằng cách đu dây, trong khi còn phải cõng trên lưng một can cồn. Không có ai giúp buộc sợi dây, chỉ đứng dưới đất quăng lên, làm sao sợi dây thừng đủ chắc để một người có thể leo lên mà không tuột. Tội phạm đâu phải là đặc công? Việc sợi dây được buộc sẵn vào lan can sắt khiến các điều tra viên nghĩ đến chuyện hiện trường được làm giả (?).
Dấu vết khám nghiệm cho thấy ít có khả năng hung thủ đột nhập bằng đường đu dây này. Nếu vụ phóng hỏa được tính toán, chuẩn bị trước thì cũng rất đáng ngờ khi ngẫu nhiên đêm đó Hoàng Hùng đi ngủ mà không hề đóng cửa sổ lẫn cửa chính, dù trời rất lạnh?
Ngày 19/1, CQĐT đã mời chị Trần Thị Thúy Liễu, vợ nạn nhân Lê Hoàng Hùng về Long An để cung cấp thông tin. Dù thủ phạm là ai, Công an tỉnh Long An cũng quyết tâm sẽ sớm đưa ra ánh sáng.
Theo CAND
Nhà báo bị đốt trong tình trạng nguy kịch
Cho đến cuối giờ chiều 19/1, nhà báo Hoàng Hùng (Báo Người LĐ TP HCM) vẫn đang được điều trị săn sóc đặc biệt tại Khoa bỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy. Vẫn chưa thể chắc chắn bất cứ thông tin gì về nhà báo Hùng.
Bất cứ sự tiếp xúc nào từ bên ngoài với nhà báo Hùng đều không thể tiến hành trong lúc này. Đó là thông tin BS Trần Đoàn Đạo, Trưởng Khoa bỏng - BV Chợ Rẫy cho biết vào cuối giờ chiều 19/1.
Cửa phòng lầu 1 bị ám khói đen, nơi xảy ra vụ phóng hỏa.
Theo BS Đạo cho biết, nhà báo Hoàng Hùng bị bỏng từ 49-50%, "còn có qua cơn nguy kịch hay không thì tới giờ này, tôi vẫn chưa thể xác nhận được điều gì". Nhà báo Hoàng Hùng bị lửa thiêu một phần thân người, cằm và một ít trên đỉnh đầu.
Chiếc giường mà anh Hoàng Hùng nằm đã bị đốt cháy đen vào rạng sáng 19/1 Phòng ngủ phủ khói kín đen
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Trần Thị Thúy Liễu (vợ anh Hùng) còn chưa hết bàng hoàng về việc chồng bị thiêu sống ngay ở nhà riêng. "Khi tôi đang ngủ say trong phòng thì nghe tiếng kêu thất thanh của anh Hùng. Sau đó anh bước vào, trên thân toàn là lửa, như ngọn đuốc. Tôi liền kêu các con dậy, lấy nước xối lên người, quần áo của anh để cố dập lửa ngay..." - chị Liễu kể.
Chiều 19/1, cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Long An đã có quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ nhà báo bị thiêu sống tại nhà riêng.
Ngôi nhà 3 tầng của anh Hoàng Hùng nằm ở khu đô thị Đại Dương - phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An. Anh Hùng là phóng viên thường trú, chuyên viết về các đề tài điều tra xã hội của báo Người Lao động TP HCM tại tỉnh Long An và một số tỉnh khác lân cận.
Hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang có các điều tra viên của tỉnh Long An túc trực, sẵn sàng lấy lời khai của anh Hùng bất cứ lúc nào, khi anh tỉnh và có thể nói chuyện.
Thượng tá Phạm Văn Tiến - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Long An khẳng định sẽ đưa thủ phạm ra ánh sáng trong thời gian sớm nhất.
Hiện ngôi nhà của anh Hùng vẫn đang bị phong tỏa để tiến hành cho công việc điều tra, khám nghiệm hiện trường.
Nhà báo Hoàng Hùng là phóng viên thường trú phụ trách 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre, chuyên viết điều tra và đề tài xã hội. Thời gian gần đây anh có vài bài điều tra về những sai phạm ở Chi cục Quản lý thị trường Long An, buôn lậu qua biên giới...
Theo VTC