Nghi vấn quanh trận chiến sinh tử giữa hai huyền thoại bắn tỉa
Câu chuyện của huyền thoại bắn tỉa Liên Xô Zaitsev về cuộc đọ sức một mất một còn với thiếu tá bắn tỉa phát xít Đức còn nhiều điểm gây nghi ngờ.
Thành phố Stalingrad hoang tàn trong chiến dịch chống phát xít Đức xâm lược năm 1942. Ảnh: Wikimedia
Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad của Liên Xô trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của Hồng quân trước cuộc xâm lược của phát xít Đức. Thành phố hoang tàn đổ nát vì bom đạn này cũng được cho là nơi đã diễn ra trận đấu súng sinh tử nổi tiếng nhất giữa hai lính bắn tỉa huyền thoại, theo WarisBoring.
Một bên là Vasily Zaitsev, lính bắn tỉa cự phách của quân đội Liên Xô với bảng thành tích tiêu diệt khoảng 400 tên địch, bên kia là “ thiếu tá Konig”, hiệu trưởng trường bắn tỉa của quân đội Đức ở Berlin, người được bộ tư lệnh tối cao phát xít Đức biệt phái tới Stalingrad để săn lùng Zaitsev. Họ chạm mặt nhau trong một buổi chiều định mệnh, với màn săn đuổi, đấu trí một mất một còn, và chỉ có Zaitsev sống sót để kể lại câu chuyện.
Trận đấu súng sinh tử giữa hai siêu xạ thủ này trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bộ phim “Enemy at the Gate” (Kẻ thù trước cửa) năm 2001. Trong cuốn tự truyện “Những ghi chép của một lính bắn tỉa Nga”, Zaitsev đã thuật lại cách ông nghiên cứu chiến trường tỉ mỉ như thế nào, nghi binh ra sao để có thể hạ gục được Konig giữa những tòa nhà đổ nát dọc chiến tuyến Xô – Đức.
Người lính bắn tỉa cự phách của Hồng quân Liên Xô kể rằng ông phải cùng người đồng đội Kulikov tìm cách gài bẫy Konig, bởi tay súng này đã từng hạ gục nhiều chiến sĩ bắn tỉa của Hồng quân.
“Kulikov bắn một phát đạn vu vơ để thu hút sự chú ý của Konig. Tuy nhiên chúng tôi quyết định án binh bất động trong buổi sáng ngày hôm đó, bởi ánh sáng Mặt trời phản xạ từ kính ngắm có thể khiến chúng tôi bị lộ. Vào buổi chiều, chúng tôi ở trong bóng râm, trong khi Mặt trời chiếu thẳng vào vị trí của tay súng bắn tỉa Đức”, Zaitsev viết trong cuốn tự truyện.
Ông bất ngờ phát hiện một tia sáng lóe lên bên dưới một tấm tôn nằm giữa những bức tường đổ nát. Đó có thể là ánh sáng phản xạ từ súng trường của Konig, nhưng cũng có thể chỉ là một mảnh thủy tinh vỡ.
Để chắc ăn, Zaitsev ra hiệu cho Kulikov đang nấp sau bức tường dùng gậy giơ chiếc mũ sắt lên phía trên. Tiếng súng rền vang, tay bắn tỉa Đức đã nhắm trúng vào chiếc mũ sắt đó. Kulikov giả vờ nhổm dậy và hét to rồi gục xuống như thể vừa trúng đạn.
Vasily Zaitsev, huyền thoại bắn tỉa của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: Wikimedia
Đó là khoảnh khắc mà Konig phải trả giá cho sai lầm cuối cùng của mình, Zaitsev viết. Cho rằng kẻ địch đã chết, Konig ló nửa đầu lên khỏi tấm tôn để quan sát thành tích. “Tôi lập tức nổ súng, đầu của anh ta gục xuống, kính ngắm quang học trên khẩu súng trường của xạ thủ này lóe lên dưới ánh mặt trời”.
Những điểm bất hợp lý
Video đang HOT
Theo sử gia người Anh Frank Ellis, trận đấu súng sinh tử với “thiếu tá Konig” mà Zaitsev kể lại có thể chỉ là một huyền thoại của chiến tranh, chứ không hẳn là một sự kiện đã xảy ra trong lịch sử. Trong cuốn “Vạc dầu Stalingrad” xuất bản năm 2013, Ellis đã chỉ ra những lỗ hổng trong câu chuyện này.
Trước hết, ở Đức không thấy nhắc đến tay súng bắn tỉa bậc thầy nào tên là “thiếu tá Konig” từng tồn tại. Người Đức cũng không thành lập trường bắn tỉa nào ở Berlin trong năm 1942 hay 1943, thời điểm trận Stalingrad diễn ra.
Ellis cũng lưu ý rằng Zaitsev thường ghi ngày tháng cụ thể cho mỗi sự kiện trong cuốn sách của ông, nhưng huyền thoại bắn tỉa này không hề đề cập đến thời điểm chính xác của trận đối đầu sinh tử với Konig. “Không một người Liên Xô nào nói đến ngày tháng chính xác khi Konig bị bắn hạ”, Ellis viết.
Ellis cũng chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong câu chuyện của Zaitsev. Zaitsve kể rằng ông bắn hạ Konig vào buổi chiều, khi chiếu thẳng vào khẩu súng trường hay kính ngắm của xạ thủ Đức. Như vậy, Konig chắc chắn phải nằm đối diện hướng Tây, trong khi chiến tuyến của người Đức ở Stalingrad lại quay sang hướng Đông.
Một số người cho rằng Konig là một lính bắn tỉa nên có thể đã xâm nhập vào phía sau vị trí của xạ thủ Liên Xô và nằm đối diện hướng Tây. Tuy nhiên, trong cuốn tự truyện của mình, Zaitsev nói rằng hố bắn tỉa của Konig nằm ở vùng đất không bóng người trước chiến tuyến Đức, chứng tỏ ông nằm đối diện hướng Đông.
Với những điểm bất hợp lý này, Ellis cho rằng “thiếu tá Konig” thực ra chỉ là một xạ thủ bắn tỉa bình thường của Đức chứ không phải là tay súng cự phách, đối thủ đáng gờm của Zaitsev như lâu nay người ta vẫn nghĩ.
Một tay súng bắn tỉa của Đức trong Thế chiến II. Ảnh: Wikimedia
Trong thế chiến II, quân đội Liên Xô và Đức sử dụng phổ biến lực lượng bắn tỉa để tiêu diệt các sĩ quan, lính pháo binh và xạ thủ súng máy của kẻ thù. Liên Xô đặc biệt ưa chuộng sử dụng lực lượng này ở Stalingrad, và lính bắn tỉa Liên Xô sử dụng khẩu Mosin-Nagant tiêu chuẩn đã trở thành nỗi kinh hoàng của lính Đức. Nhiều tài liệu lưu trữ của Đức cho thấy quân đội phát xít đã ra nhiều cảnh báo đối với binh sĩ về nguy cơ mất mạng bởi lính bắn tỉa khi di chuyển ra khỏi chiến hào.
Dù còn nhiều điểm bất hợp lý, câu chuyện về cuộc đọ súng sinh tử của những xạ thủ huyền thoại ở Stalingrad cũng cho thấy sự cuốn hút của những xạ thủ bắn tỉa sở hữu kỹ năng xạ kích lão luyện. Có thể những gì Zaitsev kể lại trong cuốn tự truyện của mình phần lớn là thêu dệt, nó vẫn là một câu chuyện rất thú vị của Thế chiến II.
Duy Sơn
Theo VNE
'Quý cô tử thần' - nữ xạ thủ bắn tỉa khiến phát xít khiếp sợ
Từng bị từ chối cho nhập ngũ vì là nữ, lính bắn tỉa Lyudmila Pavlichenko đã chứng minh khả năng vượt trội của mình khi tiêu diệt hơn 300 tên địch.
Lyudmila Pavlichenko. Ảnh: Screengrab
Trong Thế chiến II, cái tên Lyudmila Pavlichenko trở thành nỗi khiếp đảm của phát xít Đức, khi tiêu diệt 309 tên địch, trong đó có 36 tay bắn tỉa Đức. Ít ai biết rằng bà từng chỉ là một nữ sinh ngành sử học.
Sinh năm 1916 tại Bila Tserkva, trung Ukraine, Lyudmila Pavlichenko theo học ngành lịch sử tại đại học Kiev .Pavlichenko được miêu tả là một người có cá tính độc lập, mạnh mẽ, nghịch ngợm. Khi còn đi học, Pavlichenko là một "học sinh ngang bướng", theo viện Smithsonian, có trụ sở tại Mỹ. Năm 14 tuổi, gia đình bà chuyển về sống tại Kiev và bà làm việc trong một xưởng sản xuất đạn dược cho quân đội.
Giống như nhiều thanh niên Liên Xô cùng thời, Pavlichenko tham gia Hội tình nguyện viên hợp tác với quân đội, hàng không, và hạm đội (DOSAAF), một tổ chức thể thao bán quân sự, đào tạo cho thanh niên kỹ năng sử dụng vũ khí và các nghi thức quân đội.
"Khi một cậu bé hàng xóm khoe khoang về thành tích của mình tại trường bắn, tôi đã quyết định phải cho thấy một cô gái cũng có thể làm việc đó. Do vậy tôi tập luyện rất nhiều", Pavlichenko nói.
Ngày 22/6/1941, quân Đức ồ ạt tiến vào Liên Xô. Pavlichenko lập tức nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc, dù ban đầu bị quân đội từ chối với lý do là nữ.
"Cô ấy trông như một người mẫu, với móng tay được cắt tỉa gọn gàng, quần áo và tóc hợp thời trang. Pavlichenko nói với sĩ quan tuyển quân rằng cô muốn cầm súng trường chiến đấu. Người đó cười phá lên và hỏi cô ấy biết gì về súng trường", trang Soviet-Awards.com viết về nỗ lực gia nhập quân đội của Pavlichenko.
Ngay cả sau khi Pavlichenko trưng ra giấy chứng nhận lính bắn tỉa và một huy hiệu xạ thủ xuất sắc từ DOSAAF, quan chức này vẫn đề nghị bà làm công việc y tá. "Họ không nhận phụ nữ vào quân đội, do đó tôi phải vận dụng mọi mánh lới để được chấp nhận", bà Pavlichenko lý giải.
Cuối cùng, Hồng quân cũng cho bà một cơ hội khi đưa cho bà một khẩu súng trường và chỉ cho bà hai người Romania làm việc cho người Đức. Không chút khó khăn, bà bắn hạ cả hai tên lính và được chấp nhận vào Sư đoàn súng trường Chapayev số 25.
Sau đó, Pavlichenko được ra tiền tuyến tại Hy Lạp và Moldova. Trong thời gian rất ngắn, bà trở thành lính bắn tỉa danh tiếng trên chiến trường, tiêu diệt 187 tên phát xít Đức trong 75 ngày tham chiến đầu tiên.
Lính bắn tỉa trên những mặt trận này chiến đấu ngay trong lòng địch, cách xa các đồng đội khác. Đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm và đòi hỏi sự cẩn trọng, phải ngồi bất động hàng giờ liền để tránh bị lính bắn tỉa đối phương phát hiện. Sau khi nổi tiếng tại Odessa và Moldova, Pavlichenko được điều động về Crimea để chiến đấu bảo vệ thành phố cảng Sevastopol.
Danh tiếng cũng khiến bà được giao những nhiệm vụ nguy hiểm hơn, mà khó khăn nhất là phải đối mặt trực diện với lính bắn tỉa đối phương. Theo viện Smithsonian, bà đã đọ sức và bắn hạ 36 lính bắn tỉa đối thủ, một vài trong số đó là những tay súng nổi tiếng.
"Đó là một trong những trải nghiệm căng thẳng nhất trong đời tôi", bà Pavlichenko nói.
Trong 8 tháng chiến đấu tại Stevastopol, bà được Hồng quân tuyên dương và thăng quân hàm. Dù một vài lần bị thương, bà chỉ chịu dừng chiến đấu sau khi bị mảnh bom găm vào mặt, do phát xít ném bom vị trí của bà.
Pavlichenko trở thành gương mặt nổi tiếng trong cuộc chiến, và thường xuất hiện trong các chương trình tuyên truyền trong nước của Hồng quân. Bà trở thành cơn ác mộng với mọi lính Đức trên mặt trận phía đông và được các nhà báo đặt biệt danh là "quý cô tử thần". Quân Đức thậm chí còn dùng loa phóng thanh để gọi Pavlichenko, dụ dỗ và hứa hẹn sẽ cho bà lợi lộc nếu bà chấp nhận đào ngũ sang đầu quân cho Đức.
Sau khi ngừng tham chiến, Pavlichenko trở thành huấn luyện viên bắn tỉa và được mời tới thăm Nhà Trắng. Bà gặp gỡ Tổng thống Franklin Roosevelt cùng đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, trở thành công dân Liên Xô đầu tiên được một tổng thống Mỹ tiếp.
Pavlichenko được mời đến Nhà Trắng. Ảnh: Library of Congress
Tuy nhiên, Pavlichenko đã tức giận khi truyền thông Mỹ đặt ra những câu hỏi mang thành kiến giới tính với bà. Bề ngoài và phong cách ăn mặc của bà cũng bị truyền thông nước này chỉ trích.
Khi được hỏi bà có trang điểm hay không khi ra trận, Pavlichenko đáp lại: "Không hề có quy định nào cấm điều đó, nhưng ai mà có thời gian nghĩ tới cái mũi bóng bẩy của mình khi chiến tranh còn đang diễn ra?"
"Tôi mặc quân phục với niềm vinh dự. Nó có Huân chương Lenin, nó từng thấm đẫm máu trên chiến trường. Quá rõ ràng rằng, điều quan trọng với phụ nữ Mỹ chỉ là liệu họ có mặc đồ lót bằng lụa bên dưới bộ quân phục hay không, có vẻ họ vẫn chưa hiểu quân phục đại diện cho điều gì", Pavlichenko trả lời tạp chí Time trong cuộc phỏng vấn năm 1942.
Pavlichenko là một trong số khoảng 2.000 nữ lính bắn tỉa trong Hồng quân chiến đấu trong Thế chiến II, và là một trong số 500 người sống sót sau cuộc chiến.
Theo Business Insider, thành tích tiêu diệt 309 tên địch có lẽ đã đủ để bà lọt vào top 5 xạ thủ xuất sắc nhất mọi thời đại. Nhưng số lượng địch thực tế bà đã hạ còn có thể cao hơn thế, bởi 309 chỉ là số địch bà tiêu diệt được xác nhận bởi một bên thứ ba.
Sau chiến tranh, Pavlichenko trở lại đại học Kiev và hoàn tất chương trình thạc sĩ, trước khi về làm việc tại tổng hành dinh hải quân Liên Xô. Bà qua đời ngày 10/10/1974 ở tuổi 58 và được an táng tại Moscow.
Tháng 4 năm nay, câu chuyện của bà đã trở thành cảm hứng cho một bộ phim được gọi là "Battle for Sevastopol" (Trận chiến Sevastopol) tại Nga, và "Indestructible" (tạm dịch Bất khả chiến bại) tại Ukraine.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Hãng tin AP bác bỏ thông tin hợp tác với phát xít Đức Một nhà sử học Đức vừa công bố nghiên cứu kết luận hãng tin Mỹ AP từng hợp tác với phát xít Đức, cam kết không đưa tin bất lợi "làm suy yếu Đức Quốc xã trong và ngoài nước". AP đã bác bỏ điều này. Khách tham quan trước tủ kính chứa trang phục của trùm phát xít Adolf Hitler trong một...