Nghi vấn hang ổ của quái vật hồ Loch Ness
Một ngư dân đã tìm thấy khe rãnh sâu đến 270 m ở đáy hồ Loch Ness thuộc xứ Scotland, đủ sức chứa quái vật huyền thoại và cả bầy con cháu của nó, nếu có.
Một vụ truy tìm thủy quái Nessie ở hồ Loch Ness – Ảnh chụp màn hình Daily Star
Thuyền trưởng lái tàu du lịch Keith Stewart vừa lên tiếng công bố phát hiện mới. Ông cam đoan đã tìm được rãnh sâu nhất của vùng hồ tuyệt đẹp ở xứ Scotland, làm thổi bùng tin đồn cho rằng đây có thể là hang ổ của thủy quái nổi tiếng toàn thế giới Nessie.
Kỷ lục mới về độ sâu
Theo trang Gizmodo, “kết quả quét chùm tia siêu âm định vị dưới nước đã giúp phanh phui một khe rãnh chưa từng được nhìn thấy trước đây… nằm cách thành phố Inverness khoảng 14,6 km về hướng đông, với bề ngoài có vẻ như đủ rộng để Nessie có thể ẩn náu mà không bị phát hiện trong nhiều thập niên qua”. Nếu được xác nhận, như vậy điểm sâu nhất của Loch Ness, hồ lớn thứ hai của Anh, sẽ là 270 m thay vì 230 m. Trong khi đó, quê hương của một thủy quái tin đồn khác là Morag tại Loch Morar có độ sâu 310 m.
Video đang HOT
Thuyền trưởng Keith Stewart và ảnh trên điện thoại chụp “vật thể lạ” ở đáy hồ – Ảnh: Highland-news.co.uk
Do danh tiếng quá mức nổi trội của quái vật, Loch Ness liên tục bị sục sạo trong hơn 70 năm qua, với nhiều đoàn thám hiểm vận dụng mọi thứ từ tàu lặn mini đến người nhái. Vào năm 2003, một nhóm các nhà nghiên cứu do Đài BBC tài trợ đã triển khai cuộc tìm kiếm lớn nhất và toàn diện nhất tại đây. Bất chấp nỗ lực kéo dài nhiều ngày cào dọc đáy hồ bằng 600 chùm tia siêu âm định vị dưới nước và định vị bằng vệ tinh, họ chẳng phát hiện điều gì bất thường. Đến tháng 3 năm ngoái, ông Stewart đã từ bỏ nghề đánh bắt cá trên biển và chuyển sang lái tàu ở hồ Loch Ness. Trước đó, thuyền trưởng Anh từng sử dụng thiết bị siêu âm để vẽ bản đồ độ sâu của các vùng biển trên thế giới.
“Trước đó, tôi không thật sự tin vào sự tồn tại của quái vật, nhưng cách đây vài tuần, tôi thu được hình ảnh siêu âm dưới nước cho thấy một vật thể dài với cái bướu nằm ở đáy hồ. Khi tiến hành quét lại một lần nữa, nó biến mất”, theo thuyền trưởng Stewart. Sau đó, ông lại chụp được ảnh của vật thể này ở một nơi khác trên đáy hồ, dường như là chỗ có một khe nứt. Nhờ vào thiết bị siêu âm trên tàu, viên thuyền trưởng đo được độ sâu của rãnh này là 270 m, tức sâu hơn 40 m so với khe rãnh kỷ lục được ghi nhận trước đó, gọi là rãnh Edwards. Ông Stewart cho hay vẫn chưa rõ rãnh mới được phát hiện có độ dài bao nhiêu, nhưng tiến hành đo độ sâu vài lần vẫn cho con số 270 m. Giải thích cho kết quả khác với những cuộc truy tìm trước đây, ông cho rằng mình đã tìm cách bờ vài trăm mét, trong khi các cuộc nghiên cứu trước đây đều tập trung vào giữa lòng hồ.
Chứng cứ chưa thuyết phục
Trong lúc cộng đồng mê Nessie hồ hởi, những người khác cho rằng không nhất thiết điều này sẽ nâng khả năng tìm thấy quái vật Nessie, một phần do thủy quái, nếu có thật, cũng có thể ẩn náu tại nhiều điểm khác trên đáy hồ. Diện tích hồ Loch Ness là hơn 36 km chiều dài và khoảng 1,6 km chiều rộng.
Kích thước của Nessie vẫn là điều bí ẩn, nhưng các tin đồn cho rằng sinh vật này dài từ 3 đến 12 m, dao động từ cỡ xe ô tô 4 chỗ đến ngắn hơn xe buýt trường học.
Điều này có nghĩa là con vật có thể chui rúc ở bất cứ khe, hốc nào. Trừ phi tóm được con vật này, cộng đồng khoa học gia cương quyết không nhượng bộ trước những fan cuồng tin vào sự tồn tại của Nessie.
Hạo Nhiên
Theo Thanhnien
Quái vật hồ Loch Ness bơi giống chim cánh cụt
Giới khoa học từng tranh luận không ngớt về cách bơi bí ẩn của khủng long Plesiosaur, loài được cho là rất giống với quái vật hồ Loch Ness. Mới đây, một nhóm khoa học đã tìm ra lời giải sau gần 2 thế kỷ tranh cãi.
Mô hình mô phỏng loài Plesiosaur tại Bảo tàng Khoa học tự nhiên Argentina ở thủ đô Buenos Aires (Argentina) - Ảnh: Reuters
Plesiosaur là loài bò sát biển sống cách đây từ 200 đến 65 triệu năm, khi khủng long đang bước đi trên mặt đất.
Nó có đặc điểm nổi bật với chiếc cổ dài và 4 chân chèo lớn. Loài bò sát này biến mất khỏi Trái đất trong đợt tuyệt chủng chung với khủng long, theo Reuters.
Các nhà khoa học cho rằng loài Plesiosaur sử dụng 4 chân chèo để bơi dưới nước như chim cánh cụt hiện đại. Nessie, quái vật huyền thoại ở hồ Loch Ness (Scotland) được miêu tả rất giống với Plesiosaur.
Các nhà khoa học đã tạo ra một loạt hình ảnh mô phỏng trên máy tính, dựa trên bộ xương của chủng Meyerasaurus, thuộc loài Plesiosaur tồn tại cách đây 180 triệu năm. Mục đích để tìm ra cách bơi thích hợp nhất với cấu trúc cơ thể tự nhiên của nó.
Họ phát hiện cách bơi nhanh nhất là đập 2 chân chèo trước lên xuống đồng bộ như đang "bay" dưới nước, kiểu bơi này tương tự như chim cánh cụt và rùa biển.
"Khi chúng tôi thử mô phỏng hoạt động của chân chèo sau thì thật bất ngờ là nó không giúp con bò sát bơi nhanh về phía trước một cách hiệu quả", giáo sư Greg Turk tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cho biết. Thay vào đó, chân chèo sau lại có tác dụng giúp điều hướng và giữ thăng bằng.
Loài Plesiosaur có nhiều chủng với hình dạng và kích cỡ khác nhau, có thể dao động từ 3 đến hơn 14 m. Thức ăn chủ yếu của chúng là cá và mực.
Ngọc Quý
Theo Thanhnien
Một phần tư thế kỷ truy tìm quái vật hồ Loch Ness Sau khi giành kỷ lục Guinness cho người theo đuổi quái vật hồ Loch Ness lâu nhất, Steve Felham tuyên bố:"Đó là một con cá da trơn, khổng lồ, đơn độc". Steve Feltham (52 tuổi) đã dành 24 năm trong cuộc đời mình từ bỏ công việc, gia đình, và cả bạn gái để thực hiện cuộc hành trình săn tìm quái vật...