Nghi vấn còn nhiều tàu cổ đắm gần ‘kho cổ vật’
Căn cứ vào những mảnh gốm sứ niên đại khác nhau dạt vào bờ biển xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) các nhà khoa học cho rằng, còn nhiều tàu cổ đắm ở gần “ kho cổ vật 500 tuổi” vừa được phát hiện.
Ba tháng trước, trong Quy hoạch cảng Dung Quất II, Khu kinh tế Dung Quất mở rộng (Chính phủ đã phê duyệt), Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi từng đề xuất các cơ quan chức năng cần khảo sát, khai quật khảo cổ học trên bờ và dưới nước vùng biển Bình Châu. Trong nhiều năm qua có vô số mảnh gốm sứ cổ, có niên đại khác nhau trôi dạt vào bờ biển.
11 chậu men nâu nung chảy, kết dính với rạn đá san hô- vết tích minh chứng con tàu cổ này trước khi chìm đã bị cháy. Ảnh: Trí Tín.
Sau thời gian dài thu thập mẫu cổ vật để tìm hiểu, nghiên cứu, TS Đoàn Ngọc Khôi (Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi) phát hiện vết tích cháy kết dính màu than đen, hiện tượng men bị nung chảy trên những mảnh vỡ gốm sứ ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. “Rõ ràng có nhiều tàu buôn chìm ở vùng biển Bình Châu. Trước khi tàu bị đắm có thể do hỏa hoạn hoặc bị cướp biển tấn công gây cháy tàu”, TS Khôi nhận định.
Theo ông Khôi, để bảo tồn giá trị di sản văn hóa ở vùng biển Bình Châu, cơ quan chức năng cần sớm tổ chức cuộc khảo sát quy mô lớn để xác định cụ thể vị trí các tàu cổ chở gốm sứ bị đắm. Sau khi hoàn tất khảo sát, xác định trữ lượng thì lập dự án khẩn cấp khai quật nhằm tránh thất thoát cổ vật tại vùng biển này.
Còn theo các chuyên gia, trong lịch sử vùng biển xã Bình Châu không phải là thương cảng nhưng từng là nơi tụ hội của các nhà buôn phương Đông và phương Tây trước khi vào nội địa để buôn bán. Eo biển này nằm trên con đường gốm sứ và con đường tơ lụa trên biển từ nhiều thế kỷ trước.
Thống kê của Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, cuối tháng 11/1998, tỉnh này đã phối hợp cùng Xí nghiệp trục vớt cứu hộ 2 tiến hành khảo sát, tìm thấy nhiều cổ vật gốm sứ… thời Minh, triều Tuyên Đức (1426-1435) vùi lấp dưới lớp cát, đá và san hô cách bờ làng chài thôn Châu Thuận Biển 1 km.
Tháng 6/1999, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi phối hợp với Cục Di sản Văn hóa khảo sát con tàu chìm tại vùng biển thôn Châu Me, xã Bình Châu. Các chuyên gia lại phát hiện nhiều hiện vật gồm đồ đồng, đồ sứ, đồ đá, tiền cổ có niên đại từ thế kỷ 15 đến 17 và cả hộp sọ của con ngựa… Qua đo đạc, con tàu cổ này dài khoảng 21 mét, rộng 3,5 mét. Một số hiện vật khai quật từ chiếc tàu này đang được trưng bày, giới thiệu ở Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Video đang HOT
Chiếc tô men ngọc được trục vớt từ con tàu cổ chìm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Ảnh: Trí Tín.
Đã từ lâu, người dân địa phương thường hay gọi xã Bình Châu là “làng cổ vật” bởi trong tủ nhà nào cũng có bình, lọ, chén, bát gốm sứ với nhiều niên đại khác nhau. Lão ngư Trương Quang Sở (80 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển cho biết, có khá nhiều ngư dân của làng chài đi lặn tôm, cá đã “trúng mánh” cổ vật. Họ quăng lưới đánh bắt thủy sản nhưng khi vớt lên cổ vật lại nằm gọn trong đó. “Năm ngoái, trong lúc hành nghề, một ngư dân trong thôn đã vớt được nhiều khúc gỗ lim đen sì của con tàu cổ nổi trên mặt biển cách bờ chỉ vài hải lý mang về làm nhà”, ông Sở kể.
Ông Sở còn cho biết thêm, từ vùng biển thôn Châu Me kéo dài qua Châu Thuận Biển có khoảng 10 chiếc tàu cổ chứa cổ vật bị đắm chìm từ nhiều thế kỷ trước. Do làng chài ở sát bên “kho cổ vật” nên xã Bình Châu cũng là điểm nóng của nạn buôn bán cổ vật trái phép. Tháng 8/2010, công an đã phát hiện, bắt quả tang một xe tải đông lạnh (vốn dùng chở thủy sản) đang vận chuyển hơn 4.300 cổ vật gốm sứ men nâu đen, men xanh và trắng có niên đại thế kỷ 16-17. Số hàng này do hai người buôn bán cổ vật tỉnh Bình Định mua của ngư dân các làng chài xã Bình Châu trục vớt từ các tàu cổ bị đắm ở khu vực gần bờ của địa phương.
Từng có thâm niên hơn 15 năm hành nghề lặn trục vớt cổ vật, anh Võ Thanh Tuyến ở thôn Định Tân, xã Bình Châu chưa bao giờ thấy ngư dân quê mình “trúng đậm” cổ vật, kiếm được nhiều tiền đến vậy. Anh kể, có ngư dân bán dĩa men ngọc có in nổi hình rồng ba móng bên trong trị giá hơn 100 triệu đồng. Còn dĩa men ngọc có in nổi hình hoa phong lan, hoa cúc… giá không dưới 60 triệu. “Do giá cao như vậy nên hầu hết ngư dân trẻ tạm nghỉ ra khơi đánh bắt thủy sản, ở nhà chực chờ đi lặn tìm dĩa, bát gốm sứ cổ”, anh Tuyến nói.
Lão ngư Trương Quang Sở (80 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển, kể chuyện nhiều ngư dân của làng chài đã lặn vớt được nhiều cổ vật. Ảnh: Trí Tín.
Nhiều ngư dân ở làng chài thôn Châu Thuận Biển thừa nhận, từng lặn vớt cổ vật từ lâu, song chưa bao giờ thấy món đồ nào có giá trị như ở dưới con tàu chìm nằm cách nhà mình chỉ 100 mét. Nghệ nhân Lâm Dũ Xênh, chuyên gia sưu tầm cổ vật tiết lộ, cổ vật gốm sứ càng có niên đại sớm, càng sâu tuổi, nhiều hoa văn trang trí công phu, nhất là gốm sứ men ngọc thì càng giá trị.
Các chuyên gia giám định cổ vật cho rằng, con tàu đắm này có niên đại vào cuối thời Nguyên (Trung Quốc) thế kỷ 14 (trước 100 năm so với dự đoán của các chuyên gia vài ngày trước cho rằng những món đồ cổ vào thời Minh, thế kỷ 15). Cổ vật ở dưới con tàu đắm này chủ yếu là đồ gốm sứ gia dụng như: bát, chậu, chén, đĩa, lư hương, hộp… thuộc dòng men nâu và men ngọc xanh da táo, ô liu. Hiện trạng men của cổ vật gốm sứ còn tốt, chưa ảnh hưởng môi trường nước biển.
Trao đổi với VnExpress, TS Nguyễn Đình Chiến (Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử) cho biết, con tàu chứa cổ vật ở vùng biển xã Bình Châu là con tàu thứ sáu sẽ được tổ chức khai quật trên địa bàn cả nước. “Đây là con tàu chở gốm sứ có niên đại sớm nhất, hoa văn in nổi tinh xảo, độc đáo và nằm gần bờ nhất so với năm con tàu cổ từng được khai quật ở các vùng biển cả nước trong vòng 10 năm qua”, TS Chiến khẳng định.
Theo VNE
Bất chấp sóng to, ngư dân ra biển lặn tìm cổ vật
Từ chiều tối 14 đến sáng 15.9, tại vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) do có sóng to, gió lớn nên các tàu của lực lượng chức năng canh giữ hiện trường nơi con tàu cổ chìm phải nhiều lần di chuyển đi nơi khác.
Lợi dụng điều này, một số ngư dân bất chấp cả tính mạng đổ xô ra biển lặn tìm cổ vật.
Tuy nhiên, do biển động mạnh, việc tìm vớt cổ vật vùi sâu dưới cát không dễ dàng nên nhiều người chỉ lấy được những mảnh cổ vật bị bể.
Mặc dù lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp tàu cá và ngư dân cố tình xâm phạm vào phao tiêu bao quanh bảo vệ hiện trường con tàu đắm nhưng theo quan sát của PV Thanh Niên Online, cơ quan chức năng chặn đầu này thì nhiều người lại lặn chỗ khác để ra biển.
Chiều 15.9, trước sự chứng kiến của đoàn công tác Bộ VH-TT-DL, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi đã tiếp nhận hơn 40 hiện vật gốm sứ bị bể và còn nguyên vẹn gồm bát, đĩa, chậu, lư hương men ngọc màu xanh, màu ô liu, men nâu da lươn... từ Công an H.Bình Sơn đã thu giữ của ngư dân lặn tìm trái phép.
Qua xem xét hiện vật, TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật, cho biết đây là con tàu cổ hết sức có giá trị, đặc biệt là một khối dính chùm gồm 11 chậu men nâu da lươn kèm theo một cục dính có nhiều vết cháy chứng tỏ con tàu cổ bị cháy trước khi chìm xuống biển.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định về việc tiến hành thăm dò, khai quật khẩn cấp di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển Châu Thuận Biển, xã Bình Châu.
Mặc dù sóng to, gió lớn nhưng một số ngư dân vẫn liều mạng ra biển lặn tìm cổ vật
Cơ quan chức năng thu giữ nhiều thiết bị lặn của ngư dân
Kiểm tra hiện vật cổ do cơ quan công an bàn giao
Việc khai thác quá hỗn độn của ngư dân khiến hàng loạt cổ vật bị bể nát
Những hiện vật gốm sứ như tô, đĩa, chậu còn nguyên vẹn
Chiếc đĩa men ngọc màu xanh hết sức quý giá bị vỡ
11 chậu men nâu da lươn dính thành chùm
Phía sau 11 chậu men nâu da lươn dính thành chùm kèm theo một cục dính có nhiều vết cháy
Các chuyên gia khảo cổ xem xét những vết cháy trên một khối dính chùm gồm 11 chậu men nâuTheo TNO
Cục Di sản Văn hóa kiểm tra 'kho cổ vật 500 tuổi' Chiều 13/9, Trưởng phòng Quản lý Di tích (Cục Di sản Văn hóa) Nông Quốc Thành cùng các chuyên gia giám định cổ vật Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã về Quảng Ngãi kiểm tra con tàu chìm chứa nhiều chén đĩa từ thế kỷ XV. Các chuyên gia cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng...