Nghị trường Trung Quốc qua lăng kính phương Tây
Họp quốc hội là sự kiện chính trị lớn nhất mỗi năm ở Trung Quốc, nhưng vì không có nhiều cuộc tranh luận gay go hay ý kiến đặc biệt, báo chí nước này thường đăng ảnh đội phục vụ xinh đẹp hay đại biểu múa truyền thống, hãng thông tấn Mỹ nhận xét.
Phóng viên ảnh chụp nhóm lễ tân “tạo dáng” tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc. Ảnh:AP
Didi Tang, nữ phóng viên thường trú người Mỹ gốc Hoa của hãng tin AP tại Bắc Kinh, nhận xét về kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) đang diễn ra ở Trung Quốc cũng như cách thức báo chí nước này đưa tin về sự kiện, như dưới đây.
Một số trang tin về kỳ họp quốc hội có vẻ giống như tin dõi theo người nổi tiếng hơn là báo chí chính trị. Nhiều người trong công chúng Trung Quốc tỏ ra không quan tâm đến kỳ họp lập pháp thường niên, nơi hầu như không có mấy ý kiến về các vấn đề của chính phủ.
Thay vào đó, họ thấy các đại biểu quốc hội không chỉ tán dương mà còn say sưa về bản tóm tắt thành công của quá khứ cùng đường hướng cho tương lai trong báo cáo công tác thường niên của nhánh hành pháp.
“Tất cả các đại biểu biểu lộ sự tán thành tuyệt đối bản báo cáo mà không đặt câu hỏi về những bất hợp lý của nó hoặc nêu lên những nghi ngại. Họ đến Bắc Kinh chỉ đơn giản là dự một phiên nghiên cứu kéo dài 10 ngày hoặc đại loại như vậy”, nhà sử học kiêm bình luận viên độc lập ở Bắc Kinh Zhang Lifan nhận xét.
Từ lúc Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo tại phiên khai mạc ngày 5/3, hoạt động chủ yếu của 2.964 đại biểu là tập hợp theo nhóm để đánh giá bản báo cáo đó trước phiên bế mạc diễn ra vào ngày 15/3 tới.
Không có tiếng nói phản biện nào. Các đại biểu hào hứng ca ngợi bản báo cáo là thực tế, sáng tạo, vững lòng và đầy cảm hứng. Báo chí nhà nước đồng loạt phản ánh những nhận xét này. Đối với các báo cáo được nêu ra, đại biểu có thể quyền bỏ phiếu trắng hoặc chống. Trên thực tế, số phiếu chốn g luôn là thiểu số và không chi phối được bất kỳ quyết định cuối cùng nào.
Nữ đại biểu Shen Jilan, 85 tuổi, ở tỉnh Sơn Tây ở miền bắc, được xem là đại diện tiêu biểu cho tình trạng nghị hình thức. Bà đã tham gia tất cả các kỳ họp quốc hội kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và bà tự hào chưa bao giờ bỏ phiếu chống kể từ khi bắt đầu được bầu vào năm 1954.
“Là đại biểu của nhân dân tức là phải lắng nghe tiếng ói của đảng và tôi chưa bao giờ bỏ phiếu không đồng ý”, bà Shen được truyền thông Trung Quốc dẫn lời.
Ít quan tâm
Video đang HOT
Một nữ kế toán ở Thượng Hải tên là Zhu Yin nói cô không thấy liên quan gì đến quốc hội và các vị đại biểu. Zhu cho biết cô có những vấn đề khó khăn cần đến sự giúp đỡ từ các đại biểu, ví dụ như việc chuyển bảo hiểm xã hội của mẹ cô đến một địa chỉ khác. Tuy nhiên, “tôi không biết làm cách nào có thể liên hệ với một đại biểu”, cô nói.
Shi Gaole, nhân viên kinh doanh của một công ty điện tử, cho biết anh chưa bao giờ đi bầu cử đại biểu quốc hội và tin rằng họ được chọn lựa trong số những người nổi tiếng. “Tôi không biết ai bổ nhiệm họ làm đại biểu, mà tôi cũng không muốn biết”, Shi nói.
Số đông đại biểu là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, và khoảng 20% tổng số đại biểu là từ các đảng khác, nhằm tạo ra sự đa dạng cho cơ quan lập pháp. Mục đích ban đầu là một diễn đàn nhằm nêu những mối lo lắng của địa phương đến lãnh đạo nhưng thực sự lại thường giống với một hoạt động phổ biến các ưu tiên của lãnh đạo.
Nhà nghiên cứu khoa học chính trị thuộc Đại học New York, ông Ming Xia, chuyên về hệ thống lập pháp Trung Quốc cho rằng “các đại biểu hình thức của quốc hội như doanh nhân, quan chức chính phủ hay đảng viên ngày càng trở nên một giới tinh hoa hơn”.
Quốc hội hiếm khi bỏ phiếu về vấn đề lập pháp. 6 trên 10 kỳ họp gần đây không có dự luật nào trong lịch trình. Kỳ họp năm nay là ngoại lệ vì có điều chỉnh sửa đổi luật tố tụng.
Tin tức
Cũng có một số tin tức đáng lưu ý xuất phát từ Đại lễ đường Nhận dân Bắc Kinh năm nay, trong đó có tin về mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính phủ trong năm tới là 7%, giảm chút ít so với kế hoạch 7,5% của năm trước.
Kỳ họp này cũng cho phóng viên nước ngoài cơ hội được đặt câu hỏi với các thành viên chính phủ, kể cả thủ tướng. Tuy nhiên, quan chức làm việc với các phóng viên để xem trước và thường lựa chọn câu hỏi. Các vấn đề mà người dân rất quan tâm, chẳng hạn chuyện công khai tài sản của giới chức, hiếm khi được nêu ra trong kỳ họp quốc hội.
Dù sao, truyền thông nhà nước đã nỗ lực thu hút sự chú ý của công chúng với việc đăng tải hàng loạt ảnh của các nữ phóng viên xinh đẹp, kể cả phóng viên nước ngoài, để tạo hương vị mới lạ. Tương tự, họ cũng đăng ảnh của các nhân viên xinh đẹp, đều tăm tắp, phục vụ trà nước cho đại biểu. Năm nay, việc các đại biểu chụp ảnh “tự sướng” rất phổ biến, ví dụ như hình ảnh nhóm các nữ đại biểu múa ballet.
Cuối tuần rồi, hãng tin quốc gia đã cho đăng bài của một phóng viên về sự ngưỡng mộ vô bờ bến đối với người phát ngôn của quốc hội Phó Oánh và gọi bà là “nữ thần”. Một phóng viên khác bày tỏ sự phấn khích được phỏng vấn Trần Đạo Minh, một diễn viên nổi tiếng nay là thành viên Chính hiệp, cơ quan tư vấn hàng đầu của quốc hội, nhóm họp cùng thời gian với quốc hội tại Bắc Kinh. Nữ phóng viên say sưa tường thuật rằng ông Trần không chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn mà còn giúp cô biên tập bài viết, từng câu, từng dòng. Sự ngưỡng mộ có phần thái quá này đã gây chỉ trích trên mạng về sự trung thực của phóng viên.
Nhà báo Song Zhibao có bài viết được chia sẻ nhiều trên mạng, nói rằng các nhà báo ở các cơ quan truyền thông nhà nước, khi không có khả năng viết điều gì thực sự có chất lượng, sẽ cho ra những sản phẩm mờ nhạt.
“Khi chẳng có gì để tường thuật mà bạn lại phải duy trì sự hiện diện thì những thứ lờ mờ quả là loại tin tốt nhất để đăng”, Song bình luận.
Minh Châu
Theo VNE
Nghị trường Trung Quốc quy tụ giới siêu giàu
Nghị trường Trung Quốc quy tụ ngày càng nhiều giới siêu giàu, với tổng tài sản lên đến hàng trăm tỷ USD, cho thấy sức ảnh hưởng không ngừng tăng của tầng lớp này đến nền chính trị.
Nghị trưởng Trung Quốc quy tụ ngày càng nhiều giới siêu giàu nước này. Ảnh: Sina
Hôm qua, Trung Quốc chính thức khai mạc hội nghị thường kỳ của hai cơ quan lập pháp, là Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc (Chính hiệp), với sự hiện diện của hơn 5000 đại biểu.
Theo số liệu của Hồ Nhuận, tổ chức chuyên nghiên cứu về giới siêu giàu Trung Quốc, 203 đại biểu thuộc hai cơ quan quyền lực trên nằm trong danh sách các tỷ phú mà tổ chức này thường xuyên theo dõi. Theo đó, tổng tài sản của các đại biểu này lên đến hơn 460 tỷ USD, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của Áo.
New York Times cho hay, mức độ quy tập giới siêu giàu tại nghị trường Trung Quốc lớn hơn nhiều so với lưỡng viện Mỹ. Số liệu của Trung tâm Phản hồi Chính trị tại Washington cho thấy, người giàu nhất trong hệ thống chính quyền Mỹ là ông Darrell Issa, nghị sĩ đảng Cộng hòa, với tài sản cá nhân hơn 400 triệu USD.
Tuy nhiên, tài sản của nghị sĩ Issa chỉ có thể đứng hàng thứ 166, nếu đặt trong danh sách các đại biểu quốc hội siêu giàu của Trung Quốc. Tài sản của 18 người đứng đầu danh sách này lớn hơn nhiều so với tổng tài sản của toàn bộ 535 nghị sĩ lưỡng viện Mỹ, với 9 thành viên Tòa án Tối cao và toàn thể thành viên nội các của Tổng thống Barack Obama cộng lại.
Tham gia kỳ họp lần này có một số tỷ phú đáng chú ý như Chủ tịch Tập đoàn Vạn Đạt Vương Kiện Lâm, người giàu thứ hai Trung Quốc, CEO Tập đoàn Baidu Lý Ngạn Hoành, đối thủ chính của Google tại thị trường Trung Quốc, hay như ông Lý Tắc Cự, trưởng nam của tỷ phú giàu nhất châu Á Lý Gia Thành.
Giới phân tích nhận định rằng, thực tế trên cho thấy sức ảnh hưởng của giới siêu giàu trên chính trường Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. "Trở thành đại biểu của một trong hai cơ quan trên khiến họ có cơ hội được tiếp xúc với giới lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước", Phó giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California, cơ sở San Diego, bình luận.
Chuyên gia này cũng cho biết, giới siêu giàu tận dụng mọi cơ hội có thể để trở thành đại biểu quốc hội, nhằm giúp cho công việc kinh doanh chịu tác động ít nhất từ các động thái có thể gây bất lợi của chính phủ. "Trong khi đó, giới nhà giàu Mỹ chỉ có thể đạt được hiểu quả tương tự, thông qua các thuyết khách, luật sư và cố vấn quan hệ cộng đồng", ông Shih nói.
Khác với giới nghị sĩ Mỹ phải công khai tài sản, các đại biểu Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc không cần phải kinh qua thủ tục trên. Vì vậy, số liệu của Hồ Nhuận chỉ có thể căn cứ trên báo cáo tài chính của các công ty thuộc quyền sở hữu của các đại biểu này.
"Có thể một số đại biểu khác cũng rất giàu có, nhưng thông tin về tài sản của họ không được công bố", bình luận viên Michael Forsythe của New York Times cho biết. "Một trong những nguồn gốc rõ ràng nhất của những tài sản này là thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ USD của Trung Quốc".
Tuy nhiên, dưới sức ép của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động, tư cách đại biểu quốc hội không còn là lá chắn bản vệ trước các cáo buộc vi phạm pháp luật. Trong danh sách 40 đại biểu quốc hội bị khai trừ lần này do liên quan tham nhũng, có 12 người là chủ doanh nghiệp.
Tỷ phú Lý Ngạn Hoành (giữa), đại biểu Chính hiệp, trả lời phỏng vấn trước khi vào họp. Ảnh: Reuters
Bắc Kinh cũng muốn thông qua việc thâu nạp tầng lớp tinh hoa kinh tế, để phủ sóng sức ảnh hưởng đến khắp tất cả các tầng lớp nhân dân. Việc giới siêu giàu được bầu vào cơ quan lập pháp và kết nạp đảng Cộng sản Trung Quốc bắt nguồn từ năm 2000, khi cựu chủ tịch Giang Trạch Dân đưa ra học thuyết "Ba đại diện".
Theo đó, đảng Cộng sản đại diện cho nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất xã hội tiên tiến, đại diện cho phương hướng phát triển của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân.
Với phương châm thứ nhất làm cơ sở, tại Đại hội 16 diễn ra năm 2002, ông Giang lần đầu tiên đề ra chính sách cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp đảng. "Đảng muốn thông qua biện pháp này để nâng cao năng lực cầm quyền của mình", Giáo sư Tăng Nhuệ Sinh thuộc Đại học Nottingham cho biết.
Tuy nhiên, Giáo sư Cát Kiếm Hùng thuộc Đại học Phúc Đán thì cho rằng tính chất của Quốc hội và Chính hiệp khác nhau, vì vậy cần có sự phân biệt về thành phần của đại biểu hai cơ quan trên. Ông Cát là thành viên thuộc Ủy ban thường trực của Chính hiệp.
"Chính hiệp không phải là cơ quan quyền lực, mà có hai nhiệm vụ là tham gia bàn thảo chính trị và thống nhất các thành phần xã hội. Vì vậy, Chính hiệp cần những đại biểu thuộc giới nhà giàu, ngôi sao để chứng tỏ sức thu hút của cơ quan này", Giáo sư Cát nói trong một cuộc phỏng vấn vớiFinancial Times. "Nhưng, liệu họ có nhu cầu tham gia bàn thảo chính trị thật sự không".
Vì vậy, chuyên gia này đề nghị cơ quan Chính hiệp nên có chức danh đại biểu danh dự, gồm những người nổi tiếng để đại diện cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội, để phân biệt với các đại biểu thực chất, những người tham gia thực sự vào quá trình xây dựng chính sách.
Đức Dương
Theo VNE
Cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới Cuốn sách được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới sẽ hết thời hạn bảo vệ bản quyền vào năm 2015, điều này đang khiến nhiều người lo ngại. Cuốn "Mein Kampf" (tạm dịch: Cuộc đấu tranh của tôi) được viết bởi trùm Phát-xít Đức Adolf Hitler hiện được coi là cuốn sách "nguy hiểm nhất thế giới". Lý do gì khiến...