Nghỉ thai sản 6 tháng: Người mừng, kẻ lo
Có ý kiến cho rằng quy định nghỉ thai sản tăng lên 6 tháng vô hình đã tăng áp lực đối với lao động nữ nhất là tại khu vực doanh nghiệp.
Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) khẳng định, tính tới thời điểm 1/5 khi Luật Lao động mới được chính thức áp dụng, nếu nữ lao động vẫn đang trong thời kỳ nghỉ thai sản thì sẽ tiếp tục được nghỉ thêm 2 tháng nữa. Tuy nhiên tới thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành văn bản thông tư hướng dẫn về cơ sở.
Lao động thắc mắc, DN lúng túng
Tới thời điểm này, nhiều DN vẫn tỏ ra lúng túng trước thời gian áp dụng quy định nghỉ thai sản mới. Trường hợp tại một công ty thiết bị y tế (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), có hai nữ công nhân nghỉ thai sản vào đầu tháng 1/2013. Khi 2 nữ công nhân này lên công ty hỏi về chế độ nghỉ thai sản thì nhân viên quản lý cũng chưa biết trả lời ra sao do chưa nhận được công văn hướng dẫn của Bảo hiểm Xã Hội Việt Nam.
Khi tìm hiểu, PV cũng gặp không ít trường hợp nữ công nhân thắc mắc sinh con vào ngày 1/1/2013 nhưng lại chỉ được nghỉ 4 tháng. “Tại sao những người sinh con chỉ chậm hơn tôi mấy tiếng, sang ngày 2/1 thì lại được nghỉ 6 tháng, còn chúng tôi lại không”, chị G, một nữ công nhân tại nhà máy chế biến thực phẩm ở KCN Quang Minh bức xúc.
Tới thời điểm này, nhiều chị em vẫn chưa rõ thời điểm áp dụng quy định nghỉ thai sản mới
Thừa nhận chính bản thân mình cũng phải tiếp nhiều cuộc gọi điện thoại yêu cầu giải thích quy định nghỉ thai sản mới, anh Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN Hà Nội bày tỏ: “Hiện tại, chúng tôi cũng chưa nhận được bất kỳ thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động mới. Tuy nhiên, để chủ động trong công việc, cách đây nửa tháng chúng tôi đã tổ chức gặp mặt đại diện phía công đoàn tại KCN-KCX để phổ biến những quy định mới. Tuy nhiên không biết họ đã về phổ biến tại doanh nghiệp hay chưa?”.
Video đang HOT
Về phía doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Vân Anh, Phó GĐ công ty bao bì O.M (Mê Linh, Hà Nội) thẳng thắn cho biết: “Thực ra không ai thích cho nhân viên nghỉ 6 tháng nhưng đã là quy định của Nhà nước thì mình phải tuân theo. Bởi trong thời gian công nhân nghỉ thai sản, công ty phải bố trí người khác đảm nhiệm công việc của người nghỉ. Nhưng có những công việc không bố trí người khác kiêm nhiệm được thì công ty buộc phải tuyển người mới. Khi người nghỉ thai sản đi làm trở lại thì sẽ phải bố trí việc khác cho họ”.
Để giải quyết khó khăn này, công ty của chị Vân Anh đã có chủ trương khuyến khích nhân viên nếu nghỉ 4 tháng hoặc ít hơn sẽ có thưởng. “Cách này sẽ giúp cho công ty đỡ khó khăn đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi người lao động”, vị nữ Phó GĐ này cho biết.
Tăng áp lực cho nữ lao động tại DN tư nhân
Khi nghe tin đã mang thai đứa con đầu lòng, chị T., một nhân viên công ty truyền thông, hỗ trợ khách hàng các mạng viễn thông chưa hết vui mừng thì lại bị ảm ảnh bởi nguy cơ thất nghiệp đang treo lơ lửng trên đầu. Nhắc lại những trường hợp mang thai gần đây cũng bị công ty “hành” bằng cách này hay cách khác để buộc phải nghỉ việc khi không chịu nổi “nhiệt”, chị T. thở dài: “Thời buổi kinh tế khó khăn, công ty lại đang thừa người nên họ chỉ muốn tìm cớ cắt việc cho êm xuôi. Giờ mình mới mang thai được 2 tháng, bụng nhỏ nên chưa ai biết chứ nếu không thì… nghỉ việc là cái chắc”.
Lo lắng của chị T. không phải là không có có cơ sở khi mới đây ở công ty chị đã có 2 nhân viên nữ buộc phải xin nghỉ việc với lý do không thể đáp ứng được công việc. “Hai nhân viên này đã có hợp đồng chính thức nhưng vì chưa được 1 năm đã có thai nên công ty lại giáng xuống cấp thử việc, phải đóng 100% phí bảo hiểm, không được hưởng bất kỳ chế độ nào”, chị T. kể.
Trong khi đó, trao đổi với PV, bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia các vấn đề về giới thuộc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dẫn ra quy định của Luật Lao động khẳng định: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
“Luật là vậy song thực tế các DN, đặc biệt khu vực tư nhân luôn tìm cách làm khó nữ lao động khi mang thai hoặc chuyển vị trí công tác của họ sang chỗ không thuận lợi”, bà Lan nói.
Theo chuyên gia, nữ lao động trên thị trường lao đông sẽ bị tăng áp lực khi DN gia tăng phân biệt đối xử
Về quy định tăng thời gian thai sản lên 6 tháng, theo bà Lan đã vô tình càng làm tăng bất cập, phân biệt đối xử với lao động nữ trong quá trình tuyển dụng của DN vốn tồn tại bấy lâu. “DN sẽ ưu tiên tuyển nhân viên nam và có chế độ đãi ngộ cao hơn so với nhân viên nữ. Chỉ ở những ngành không thể tuyển nhân viên nam thì DN mới bắt buộc phải tuyển nhân viên nữ, tuy nhiên những ngành này đều cho thu nhập thấp như may mặc, da giày… “, bà Lan nhận định.
Cũng theo bà Lan, quy định nghỉ thai sản 6 tháng được cho là tạo điều kiện thuận lợi và mang lại lợi ích cho nữ lao động trong khu vực hành chính nhà nước là chủ yếu, song đối tượng này lại chiếm tỉ lệ nhỏ. “Phần lớn nữ lao động tại khu vực kinh tế tư nhân, khu vực lao động tự do thì lại không được hưởng lợi từ quy định này”, đại diện ILO nhận định.
Theo 24h
Từ 1/2013, lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng
Lao động nữ nghỉ sinh từ tháng 1/2013 sẽ được nghỉ thêm 2 tháng lên tối đa 6 tháng - Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.
Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật lao động năm 2012, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Điểm b khoản 2 Điều 240 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật BHXH số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 như sau:
Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực (từ 1/5/2013), mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH số 71/2006/QH11 (thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường) thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, theo Luật hiện hành thời gian nghỉ sinh là 4 tháng, và nếu sinh tháng 1/2013 sẽ phải đi làm vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, ngày 1/5 Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực nên chị em sẽ được nghỉ thêm 2 tháng.
Thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng áp dụng từ tháng 1/2013
Bộ luật Lao động sửa đổi quy định, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá hai tháng.
Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.
Ngoài ra, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định.
Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng được Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đề xuất từ giữa năm 2008. Trước đó, năm 1985, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Tố Hữu đã ký ban hành quyết định tăng thời gian nghỉ sinh từ 2 tháng lên 6 tháng. Tuy nhiên, vì sức ép lao động, tiền lương và nhiều lý do khác nên đến đầu những năm 1990 Chính phủ lại giảm thời gian nghỉ sinh xuống còn 4 tháng.
Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, việc quy định mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa 6 tháng để phù hợp với điều kiện thực tế và các nhóm công việc khác nhau. Trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ trong khoảng thời gian 4 tháng đến 6 tháng và vẫn được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản.
Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng nhằm để người mẹ đảm bảo sức khỏe, yên tâm hơn khi làm việc và trẻ con cũng tăng thêm sức đề kháng, bớt bệnh tật.
Theo 24h
Công nhân trót dại: Nét đẹp tình mẫu tử Nhiều nữ công nhân chấp nhận sống giữa tiếng đời thị phi để bảo vệ "giọt máu" của mình. "Xóm chửa hoang" là cái tên có vẻ miệt thị mà nhiều người dùng để gọi khu trọ công nhân nằm heo hút bên hông KCN Đại Đăng, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ở khu trọ chỉ hơn 10 căn phòng này có...