Nghỉ Tết – chơi thả phanh hay vừa chơi vừa học?
Tết là một dịp chính đáng để teen được nghỉ ngơi, tuy nhiên, đứng trước sự lựa chọn chơi hay học vẫn xuất hiện nhiều xu hướng lựa chọn khác nhau.
Năm hết, Tết đến, học sinh trên khắp cả nước lại rục rịch chuẩn bị nghỉ Tết. Năm nay học sinh trên khắp cả nước đều được nghỉ Tết âm lịch trên 10 ngày, đa số là 11 ngày. Kỳ nghỉ tới sẽ là một dịp để các bạn nghỉ ngơi, vui chơi bên gia đình và bè bạn sau một học kì dài vất vả. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, câu hỏi luôn được đặt ra trước mỗi kì nghỉ là chơi hay học?
Tâm lý chung của teen những ngày năm hết Tết đến là “xả láng” vui chơi bởi mấy khi có dịp vừa không phải đến trường, lại vừa không bị ai quản thúc, giục chuyện học hành. Đây là một dịp chính đáng để teen được nghỉ ngơi, tuy nhiên, đứng trước sự lựa chọn chơi hay học vẫn xuất hiện nhiều xu hướng lựa chọn khác nhau.
Nhiều teen do học kì I phải chịu nhiều áp lực học hành, gò bó về thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi và vui chơi nên rất háo hức chờ đợi Tết đến. Với họ, Tết như mang một hơi thở mới thổi vào cuộc sống bộn bề xung quanh. Với nhiều dự định đi chơi với bạn bè, gia đình, đi mua sắm, đi thăm họ hàng;… đã chiếm hết thời gian cả kì nghỉ nên đối với những teen này, thời gian để học trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết. Họ thường dồn nén lượng bài tập Tết được giao về sẽ làm vào 1, 2 ngày trước khi đến trường. Nhiều teen vẫn còn mang trong mình tâm lý, Tết nhất các thầy cô sẽ nhẹ tay hơn với học sinh, chỉ cần xin xỏ cô nương tay để năm mới khỏi xui thì dù bài tập làm không tốt cũng không sao. Cứ thế, thói quen ỉ lại cứ dần hình thành và lớn dần.
Video đang HOT
Bạn H.Nam nói: “Mình học cả kì rồi, giờ Tết đến là để nghỉ ngơi. Chưa Tết nhưng mình đã có bao nhiêu dự định rồi. Dù có thừa thời gian chắc mình cũng chẳng học. Bạn bè đều thế, mình học làm gì. Ra Tết học bù sau cũng được”.
Ảnh minh họa.
Học hết mình
Trái ngược với những teen dùng kì nghỉ Tết để “chơi thả phanh” thì lại có một số teen khác lại dùng thời gian nghỉ đó vào việc “học hết mình”, đặc biệt là teen 12 với nỗi lo thi đại học sắp tới.
Chẳng mấy khi được nghỉ dài ở nhà, nhiều teen ham học cho rằng đây là cơ hội để các bạn tự học củng cố kiến thức bởi trước vừa phải học ở trường, vừa phải đến các lớp học thêm, lại còn một núi bài tập nên không có thời gian tự ôn, Tết này đúng là cơ hội vàng.
Thế là kế hoạch học và ôn được lập ra kín mít cả chục ngày nghỉ. Nào là 28 học Văn, 29 học Toán, đêm 30 tranh thủ học tiếng Anh, mùng 1 nghỉ ngơi nhưng sang mùng 2 là phải bắt đầu vào học tiếp,… cứ thế, thời gian vui chơi bên gia đình và bè bạn gần như không còn chỗ trống.
Kinh nghiệm nhiều năm rút ra của mình là việc học dồn nén, không có khoa học, logic như vậy không những khiến teen không tiếp thu bài tốt mà bước vào học kì 2 sẽ dẫn đến tình trạng chán học hay mệt mỏi do cả kì nghỉ đã phải dùng sức vào việc học.
Học và chơi, chơi và học
Phân vân giữa việc học hay chơi, đa số teen lựa chọn “chơi thả phanh nhưng vẫn không quên học cẩn thận”. Lập một thời gian biểu thời gian chơi, học sẽ giúp các bạn có một kì nghỉ tuyệt vời.
Tết vẫn đi chơi với bè bạn, thăm họ hàng, ở bên gia đình nhưng vẫn không quen dành mỗi ngày từ 2-3h làm bài tập Tết và ôn lại kiến thức cũ. Đan xen giữa học và chơi không những khiến teen thấy hứng thú học hơn vì không bị gò bó lại tránh cảm giác chán nản mà teen còn có thể củng cố lại được kiến thức mà trong học kì vừa rồi mình chưa nắm rõ.
Việc làm bài tập trong lúc tâm trạng thoải mái sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Chưa kể học đan xen trong thời gian nghỉ ngơi giúp teen tránh áp lực khi ra Tết nhìn lại còn một núi bài tập chưa giải quyết, bao nhiêu kiến thức chưa nắm được, lo sợ thầy cô quở trách chơi Tết quên học,…
Bạn T.Hà hồ hởi khoe: “Năm nay mình cuối cấp rồi, cũng có chút lo lắng nên muốn tận dụng một chút thời gian nghỉ Tết này để ôn lại bài. Mình đã lập ra cả thời khóa biểu học và chơi rồi đấy. Mình nghĩ vừa chơi vừa học thế này sẽ có hiệu quả cao hơn là chỉ học hay chơi rồi học dồn nén trước khi đi học”.
Nghỉ ngơi trong dịp Tết không có gì là sai nhưng nếu cả kì nghỉ dài không động đến sách vở lấy một lần thì khối lượng bài tập giao về sẽ bị ứ động, dồn nén, kiến thức dậm chân tại chỗ, thậm chí có thể thụt lùi đi… những áp lực này sẽ đè nén lên bạn trước khi đến trường sau kì nghỉ Tết. Lúc ấy, tâm lý lười do chơi quen sẽ khiến bạn khó bắt nhịp với việc học như trước đây. Chơi nhưng vẫn tranh thủ học sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề đó. Hãy để kì nghỉ Tết của bạn trở thành một kì nghỉ “vui, khỏe, có ích” nhé.
Theo PLXH