Nghỉ Tết 7 ngày hay 10 ngày: Cả hai đều… quá nhiều!
“Nước ta đang là công xưởng của Thế giới. Do vậy dù muốn hay không Việt Nam vẫn phải thay đổi thói quen nghỉ lễ dài ngày này”
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có dự thảo tờ trình Chính phủ về các ngày nghỉ lễ Tết năm 2017. Do dịp lễ Tết có ngày làm việc xen kẽ dịp nghỉ cuối tuần nên Bộ đưa ra các phương án với số ngày nghỉ khác nhau.
Tết Nguyên Đán 2017 sẽ có hai phương án nghỉ 7 hoặc 10 ngày. Phương án thứ nhất, công chức sẽ nghỉ từ 26/1 đến 1/2/2017 (tức 29 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng giêng năm Đinh Dậu).
Phương án thứ hai, công chức nghỉ từ 27/1 đến hết 5/2/2017 (tức 30 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 9 tháng giêng năm Đinh Dậu).
Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều. Ảnh minh họa
Việc nghỉ Tết 7 ngày hay 10 ngày đang thu hút được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận. Một số ý kiến cho rằng, việc nghit tết 7 hay 10 ngày đều là quá dài. Bên cạnh đó, khá nhiều người ủng hộ phương án nghỉ 10 ngày.
Làm ít nghỉ nhiều
Về vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng, người Việt Nam nghỉ nhiều quá. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.
“Khi Nhà nước cho phép nghỉ thì tất cả các cơ quan, doanh nghiệp đều phải nghỉ hết. Khi đó doanh nghiệp tất nhiên là sẽ có cơ chế riêng của họ. Nếu làm việc vào những ngày nghỉ lễ, doanh nghiệp sẽ phải trả ít nhất là gấp rưỡi hoặc gấp đôi lương. Chính vì điều này mà các doanh nghiệp nói chung sẽ có tâm lý là không thích.
Hơn nữa, tốc độ làm việc của người Việt Nam quá chậm, không thể có năng suất lao động cao. Bởi khi tính năng suất lao động người ta tính bình quân trên một đầu người lao động trong cả năm. Dẫu năng suất lao động mỗi ngày của người lao động có cao nhưng nghỉ nhiều thành ra năng suất cả năm thấp.” TS. Tri phân tích.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam cần phải cân đối giữa hai nhu cầu của xã hội đó là nghỉ dài hay ngắn. Đồng thời để quyết định vấn đề này cần phải có số liệu để chứng minh. Để có thể đưa ra phương án hợp lý nhất, chúng ta cần làm một cuộc điều tra xã hội học. Từ đó làm cơ sở cho kiến nghị, nghị định Chính phủ. Nếu như đa số người dân thích thì ta có thể chấp thuận.
Ngoài ra cũng cần phải nghiên cứu để giải quyết hai việc là lợi hay không lợi. Lợi từ phía ai, không lợi từ phía ai. Đấy cũng là một vấn đề rất quan trọng.
Video đang HOT
Thay đổi là tất yếu
Tiếp tục làm rõ vấn đề, vị chuyên gia cho rằng: “Đối với bộ máy công chức, viên chức nhà nước thì hầu như lấy tiền từ ngân sách nhà nước, cho nên họ không trực tiếp ảnh hưởng tới vấn đề này. Họ nghỉ vẫn được lương thế này mà không nghỉ họ vẫn được lương thế này.
Thế nhưng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các dây chuyền sản xuất trong nền kinh tế công nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng gián đoạn, lãng phí. Nhà nước cho nghỉ thì doanh nghiệp phải thực thi, nếu huy động người lao động làm việc thì doanh nghiệp phải trả tối thiểu là gấp rưỡi, gấp đôi, theo luật.
Ngoài ra, nếu nghỉ dài quá, thì các công nhân sẽ về quê, điều này gây áp lực cho ngành giao thông. Nếu mà nghỉ ít thì người ta sẽ nghĩ rằng thôi để dịp khác, khi nào nghỉ phép thì về.
Chúng ta cũng không nên tạo ra sự căng thẳng quá đối với giao thông trong tình hình hiện nay. Đấy là cái cần phải cân nhắc tất cả các mặt đó để từ đó ta chọn ra một phương án tối ưu, hợp lý nhất.”
Theo TS. Tri, không nên để nghỉ lễ quá nhiều trong điều kiện như ở Việt Nam hiện nay. Có thể sẽ giảm bớt ngày nghỉ của Tết Nguyên Đán cho phù hợp với xu thế của Quốc tế.
Việt Nam vốn là một nước có năng suất lao động thấp, nền kinh tế nặng về gia công. Hay nói cách khác nước ta đang là công xưởng của Thế giới. Do vậy dù muốn hay không Việt Nam vẫn phải thay đổi thói quen nghỉ lễ dài ngày này.
Trả lời về việc thay vì để bị động, Việt Nam có nên chủ động thay đổi việc nghỉ lễ cho hợp lý hay không khi Việt Nam đang dần trở thành nước gia công cho thế giới, PGS TS. Nguyễn Hữu Tri cho rằng:
“Việc này cần phải làm từng bước theo lộ trình, làm cái gì cũng phải cho lộ trình. Nếu mình quyết định một cái gì quá đột ngột thì trong tư duy nhận thức người ta vẫn chưa thể quen với điều đó’.
Trước đây, nhà nước chỉ cho nghỉ Tết Nguyên Đán có hai ngày rưỡi, Tết Dương lịch thì được nghỉ một ngày. Còn bây giờ nghỉ quá nhiều, tới 8-9 ngày, làm người lao động trở nên trì trệ, lười biếng. Điều này cần phải thay đổi, nhất là khi nền kinh tế nước ta đã hội nhập”.
Theo Đất Việt
Nhiều ý kiến ủng hộ nghỉ Tết 10 ngày
Phương án nghỉ Tết 10 ngày được nhiều người ủng hộ với lý do thêm thời gian bên gia đình, giúp kích cầu tiêu dùng, du lịch, giảm tải giao thông.
Dự thảo về thời gian nghỉ lễ, Tết năm 2017 với hai phương án nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày hoặc 10 ngày thu hút được nhiều sự quan tâm và ý kiến của công chức lẫn người lao động.
Theo anh Vũ Lâm (Cầu Giấy, Hà Nội) việc muốn nghỉ Tết bao nhiêu ngày còn tùy thuộc người đó ở đâu, làm công việc gì. Nhân viên văn phòng như anh, nhà ở Hà Nội thích nghỉ Tết 7 ngày vì thấy hợp lý, đủ thăm họ hàng hai bên và tránh được những cuộc nhậu kéo dài.
"Tết là để nghỉ ngơi, thắt chặt tình cảm gia đình. Tôi hơi sợ khi nghỉ kéo dài, đến nhà nào cũng bày sẵn mâm cơm, có cả rượu lẫn bia", anh nói và cho rằng nghỉ Tết dài chỉ có thuận lợi duy nhất là đi lại trên đường phố Hà Nội thoải mái, không gặp cảnh tắc đường, chen lấn.
Dòng xe ùn ứ hàng km khi người dân về quê trước và sau Tết là cảnh tượng thường thấy ở cửa ngõ thủ đô. Ảnh: Bá Đô.
Quê ở xa, chị Kim Oanh, công chức một đơn vị sự nghiệp Hà Nội mong muốn được nghỉ 10 ngày. Nhiều người than thở nghỉ Tết dài mệt mỏi, nhưng chị thì vẫn thích vì đây là dịp đoàn tụ lớn nhất của gia đình trong năm. Chị nhẩm tính nếu nghỉ 7 ngày thì hơi ngắn, đi lại đã mất 2 ngày, thời gian 5 ngày còn lại phải bố trí đi Tết hai bên nội ngoại, gặp gỡ bạn bè thì khá "cập rập".
"Nhưng theo phương án nghỉ 10 ngày thì đi làm hết ngày 29 Âm lịch và bắt đầu nghỉ vào 30 Tết. Mọi người dồn dập về quê vào hai ngày đó thì có quá tải không?", chị Oanh phân vân và cho biết nếu theo phương án 10 ngày thì có lẽ chị phải xin nghỉ trước để đưa con nhỏ về quê. Chị đề xuất, nên nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 10 ngày và dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ít đi.
Chị Hoàng Thị Thìn (29 tuổi) làm ở khu công nghiệp Bắc Ninh cho hay, hai vợ chồng làm việc xa nhà, gửi con cho ông bà ở tận Nghệ An. Được nghỉ dài ngày, vợ chồng chị có thời gian ở bên con hơn. "Ra giêng, mùng 3, mùng 4 là bọn mình trở lại công ty làm việc rồi. Nhưng nếu nghỉ dài ngày thì lượng người trở lại thành phố sẽ giãn ra, không dồn dập, không lo ùn ứ tàu xe", chị nói.
Khảo sát của VnExpress trên hơn 16.500 phiếu cho thấy, có 19% đồng ý nghỉ Tết 7 ngày và 81% muốn nghỉ Tết 10 ngày. Ảnh: VnExpress.net.
TS Nguyễn Hữu Dũng, chuyên gia về lao động cho rằng, nếu tính kỹ thì phương án nghỉ 10 ngày có lợi hơn so với nghỉ 7 ngày. Việc nghỉ dài sẽ kích cầu tiêu dùng, mua sắm, sử dụng các dịch vụ du lịch, giải trí, giúp người lao động có thời gian ở bên gia đình. Số ngày nghỉ sau Tết dài (9 ngày) giúp người dân chia làm nhiều đợt trở lại thành phố, không bức bách thời gian, giảm ùn tắc giao thông. Song cũng có tiêu cực là người dân dễ sa đà vào hội hè, nhậu nhẹt.
Theo phương án 7 ngày, công chức đi làm mùng 6 thì nhiều người vẫn còn tâm lý ăn Tết, còn đi làm vào mùng 10 thì không khí Tết đã "bay đi ít nhiều". Chưa kể, trở lại làm việc rồi lại nghỉ cuối tuần ngay sau đó khiến họ chưa có tâm lý thực sự trở lại với công việc mà đi để "điểm danh". Ngày đầu tiên đi làm của năm chủ yếu là thăm hỏi, liên hoan mừng năm mới, đi lễ chùa, cầu may.
Đồ họa: Tiến Thành
Phương án nghỉ Tết 10 ngày nhưng thực chất chỉ 7 ngày liên tục, việc kéo dài là do trong phương án có hoán đổi ngày nghỉ và nghỉ bù. Nhiều ý kiến cho rằng nghỉ dài ảnh hưởng đến năng suất lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, điều đó không hẳn đúng. Thực tế, doanh nghiệp đều đã lên phương án sản xuất cả năm và bố trí lao động luân phiên nghỉ dịp Tết chứ không cho nghỉ đồng loạt như khối hành chính, công chức.
Ông cho rằng, theo phương án 10 ngày thì ngày nghỉ chính thức sẽ là 30 Tết. Song nhiều người sẽ về quê trước để tránh kẹt tàu xe, chưa kể trong tâm lý người lao động thì chiều 29 mới là buổi tất niên. Theo ông, Bộ Lao động cần cân nhắc để hài hòa việc này, có thể điều chỉnh lịch nghỉ Tết sớm hơn và cho làm bù vào tuần sau đó để tạo thuận lợi cho người lao động.
Đồ họa: Tiến Thành
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam thì nghỉ 10 ngày giúp giãn lưu lượng người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm áp lực vận tải cho các doanh nghiệp. Nếu nghỉ 7 ngày, lượng người trở lại thành phố sẽ dồn vào hai ngày mùng 4, mùng 5 dễ khiến giao thông quá tải.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ, việc xây dựng phương án nghỉ Tết căn cứ yếu tố tạo thuận lợi nhất cho người dân đi lại, điều tiết giao thông và không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
"Năm 2016, lịch nghỉ Tết 9 ngày dấy lên nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng nghỉ quá dài nên năm nay phải cân nhắc kỹ. Việc đưa hai phương án căn cứ vào quy định của Luật lao động, thực hiện hoán đổi nếu có ngày làm việc xen kẽ ngày nghỉ và nghỉ bù nếu ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần nối tiếp", ông nói và cho hay, dự thảo đang lấy ý kiến các bộ ngành và chờ Chính phủ quyết định.
Hai phương án nghỉ Tết
Phương án 7 ngày, công chức nghỉ từ 26/1 đến 1/2/2017 (tức 29 tháng chạp năm Bính Thân đến hết mùng 5 tháng giêng năm Đinh Dậu).
Phương án 10 ngày, công chức nghỉ từ 27/1 đến hết 5/2/2017 (tức 30 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 9 tháng giêng năm Đinh Dậu), hoán đổi bằng cách đi làm thứ bảy 11/2/1017 nghỉ thứ sáu 3/2/2017.
Hoàng Phương
Theo VNE
Trình 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2017 Lãnh đạo Bộ Lao động cho rằng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán cần hài hòa, không nên quá ngắn hay dài. Dịp Tết Âm lịch có hai phương án nghỉ 7 hoặc 10 ngày (ảnh minh họa) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình Chính phủ về các ngày nghỉ lễ Tết năm 2017. Do dịp lễ...