Nghị sĩ rời đảng Cộng hòa để phản đối Trump
Paul Mitchell, nghị sĩ Cộng hòa tại Michigan, thông báo rời đảng vì “ghê tởm” những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của Trump.
Hạ nghị sĩ Paul Michell hôm 14/12 cho biết ông cảm thấy “ghê tởm và thất vọng” với những hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump nên đã yêu cầu Thư ký Hạ viện đổi lập trường đảng phái của mình thành “độc lập”. Michell cũng thông báo cho các lãnh đạo đảng Cộng hòa rằng ông sẽ ngừng tham gia và liên kết với đảng Cộng hòa ở cấp quốc gia và bang.
“Đảng Cộng hòa phải đứng lên vì nền dân chủ và Hiến pháp trước tiên, chứ không phải vì suy xét chính trị. Không phải để bảo vệ ứng viên. Không vì quyền lực chính trị. Đó là những gì tôi đang cảm thấy và cho rằng đã quá đủ”, ông nói thêm.
Hạ nghị sĩ Paul Mitchell ở thủ đô Washington năm 2018. Ảnh: CNN .
Mitchell, người sẽ nghỉ hưu vào cuối kỳ họp này của quốc hội Mỹ, bày tỏ quan ngại việc các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện tham gia nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống có thể “gây hại lâu dài cho nền dân chủ Mỹ”.
“Ai làm chính trị cũng phải sẵn sàng chấp nhận thắng thua cho đẹp. Tôi từng thắng, cũng từng thua. Thua rất đau, nhưng nếu không sẵn sàng chấp nhận điều đó, không nên làm chính trị. Đất nước này cần thái độ nhận thua đẹp, nhưng thật không may chúng ta lại không nhìn thấy nhiều như kỳ vọng”, ông viết trong thư gửi lãnh đạo đảng Cộng hòa.
126 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện, bao gồm lãnh đạo cao nhất, tuần trước ký vào đơn kiện mà Tổng chưởng lý Texas cố gắng đệ lên Tòa án Tối cao nhằm chặn phiếu bầu ở 4 bang mà Biden đã thắng gồm Georgia, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Đơn kiện bị các chuyên gia luật chỉ trích và bị Tòa án Tối cao bác bỏ.
Video đang HOT
Mitchell là một trong những thành viên giàu nhất trong quốc hội Mỹ với khối tài sản trị giá 37,7 triệu USD. Ông cũng là thành viên của Ủy ban nghiên cứu đảng Cộng hòa, được bầu vào Hạ viện năm 2016. Ông đã bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử năm nay và năm 2016.
Kịch bản nghị sĩ Cộng hòa 'lật kèo' bầu cử vì Trump
Bất chấp thất bại pháp lý, một nhóm ủng hộ Trump vẫn nung nấu kế hoạch "lật kèo" trong phiên kiểm phiếu đại cử tri tại quốc hội vào 6/1.
Người dẫn đầu nỗ lực này là Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Alabama Mo Brooks. Cùng với một nhóm đồng minh tại hạ viện Mỹ, ông đang nhắm đến mục tiêu thách thức kết quả bầu cử ở 5 bang Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin, những nơi họ cáo buộc có hành vi gian lận hoặc bỏ phiếu bất hợp pháp với các mức độ khác nhau, dù chính quyền những địa phương này đã xác nhận kết quả và cũng không có bằng chứng về sự bất thường trên diện rộng.
"Theo Hiến pháp, chúng tôi có vai trò cao hơn Tòa án Tối cao, hay bất kỳ thẩm phán bang hoặc liên bang nào. Những điều chúng tôi nói chính là phán quyết cuối cùng", Brooks nói trong cuộc phỏng vấn với NYTimes.
Đại cử tri đoàn, với tổng cộng 538 đại cử tri từ 50 bang và thủ đô Washington ngày 14/12 bỏ phiếu trực tiếp bầu tổng thống. Kết quả bỏ phiếu của đại cử tri sau đó được gửi tới quốc hội, nơi Phó tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Mike Pence sẽ chủ trì phiên kiểm phiếu vào trưa 6/1/2021.
Theo quy tắc trong Hiến pháp và Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, quá trình này có thể được chặn tại quốc hội, nếu một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ cùng nhau đệ trình văn bản để phản đối việc kiểm phiếu của một bang.
Hạ nghị sĩ Mo Brooks phát biểu tại thành phố Huntsville, bang Alabama, hồi tháng 5/2017. Ảnh: AP .
Hiện chưa có thượng nghị sĩ Cộng hòa nào công khai rằng họ sẽ ủng hộ nỗ lực "lật kèo phút chót" của Brooks, dù một số đồng minh thân cận với Tổng thống Donald Trump, bao gồm Thượng nghị sĩ Wisconsin Ron Johnson và Thượng nghị sĩ Kentucky Rand Paul, từng để ngỏ vấn đề. Ngay cả khi có thượng nghị sĩ tham gia "cuộc nổi dậy" này, các học giả hiến pháp cho biết việc thách thức kết quả bầu cử tại quốc hội sẽ vô cùng gian nan.
Công tác kiểm phiếu đại cử tri sẽ dừng lại nếu có văn bản phản đối từ nghị sĩ thuộc cả hai viện. Thành viên của thượng viện và hạ viện sau đó trở về họp tại hai phòng riêng ở hai phía đối diện tòa nhà, thảo luận về kiến nghị này trong tối đa hai giờ. Tiếp đó, hạ viện và thượng viện sẽ bỏ phiếu riêng rẽ về việc có chấp nhận kiến nghị hay không.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, cả hai viện đều phải đồng ý với văn bản phản đối kết quả bầu cử, nếu không, kiến nghị sẽ thất bại. Do đó, khả năng thành công của Brooks gần như bằng 0, bởi đảng Dân chủ đang kiểm soát hạ viện.
Trong lịch sử bầu cử Mỹ từ năm 1887, chỉ hai lần văn bản phản đối được đệ trình, một lần vào năm 1969, do có một đại cử tri bất tuân, và một lần vào năm 2005, về những bất thường trong bỏ phiếu ở Ohio. Cả hai nỗ lực đều không thành công.
Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa, bao gồm Patrick Toomey của Pennsylvania, Susan Collins của Maine, Lisa Murkowski của Alaska và Mitt Romney của Utah, đã kịch liệt bác bỏ ý định lật ngược kết quả bầu cử. Những lá phiếu của họ, cùng với sự ủng hộ dành cho Biden từ phe Dân chủ, đủ để Tổng thống đắc cử tiếp tục nắm chắc ưu thế tại thượng viện.
"Cuộc họp vào ngày 6/1 sẽ giúp xác nhận rằng dù có bao nhiêu văn bản phản đối được đệ trình và bất chấp ai là người thúc đẩy, kết quả của quá trình vẫn không thể bị tác động. Chúng tôi hoàn toàn tự tin vào điều đó", Edward Foley, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học bang Ohio, cho hay.
Tuy nhiên, ông lưu ý phiên kiểm phiếu vẫn có thể để lại hệ quả trong vài năm tới. Dù chỉ một thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ nỗ lực của Brooks, mâu thuẫn đảng phái vốn phủ bóng cuộc bầu cử năm nay được cho là sẽ tiếp tục thách thức nhiệm kỳ tổng thống của Biden.
Nếu điều đó không xảy ra, đảng Cộng hòa dường như đang gửi đi thông điệp rằng bất chấp sức ép từ Trump, họ vẫn tin tưởng kết quả bầu cử và sẵn sàng công nhận Biden là người chiến thắng hợp pháp. Nhiều đảng viên Cộng hòa được cho là lo ngại bị cử tri quay lưng nếu không chiến đấu vì Trump đến cùng.
Theo bình luận viên Nicholas Fandos và Michael Schmidt của NY Times, tình thế tiến thoái lưỡng nan đặc biệt khó xử đối với Phó tổng thống Pence, người được dự đoán sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Với tư cách Chủ tịch Thượng viện, Pence được hiến pháp quy định có nhiệm vụ mở và kiểm đếm các phong bì gửi từ 50 bang, sau đó tuyên bố kết quả bỏ phiếu từ đại cử tri. Câu hỏi được đặt ra là ông sẽ làm cách nào để cân bằng giữa nghĩa vụ và lòng trung thành với Trump, trong lúc cân nhắc về tương lai chính trị của bản thân.
"Mọi người chưa bao giờ chú ý hoặc nghĩ về vai trò của Phó tổng thống trong quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, với Donald Trump, giờ đây bạn phải xem xét tất cả khả năng", Gregory Craig, cố vấn Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, nhận định.
Từ sau cuộc bầu cử, Pence đã đưa ra những thông điệp hỗn loạn về việc ông sẵn sàng đi xa đến đâu để giúp Trump. Vài ngày đầu quá trình chuyển giao, ông né tránh đứng ra ủng hộ các cáo buộc gian lận bầu cử theo yêu cầu từ những người trung thành với Tổng thống. Tuy nhiên, Pence gần đây lại công khai ca ngợi vụ kiện của bang Texas lên Tòa án Tối cao Mỹ, nỗ lực cuối cùng thất bại.
Phe Dân chủ bày tỏ tự tin rằng Biden sẽ bước vào Nhà Trắng một cách thuận lợi, nhưng nhóm chuyển giao của ông đã bắt đầu liên hệ với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện Chuck Schumer, nhằm chuẩn bị cho kịch bản một hoặc nhiều thượng nghị sĩ ký đơn phản đối kết quả bầu cử và đệ trình vào ngày 6/1.
Hạ nghị sĩ Brooks đang cố gắng thu hút sự ủng hộ, bằng các cuộc gặp với nhiều thượng nghị sĩ vào tuần trước. "Mục tiêu số một của tôi là sửa chữa hệ thống bầu cử có nhiều lỗ hổng nghiêm trọng, khiến tình trạng gian lận cử tri và đánh cắp bầu cử dễ dàng xảy ra", ông cho hay.
"Thành quả có thể đạt được từ việc hoàn thành mục tiêu đó là Donald Trump sẽ thắng phiếu đại cử tri. Tôi tin rằng thực tế là như vậy, nếu chỉ đếm những phiếu bầu hợp lệ từ các công dân Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu, đồng thời loại bỏ tất cả phiếu bất hợp pháp", Brooks nói thêm.
Hiện chưa rõ Brooks có thể xây dựng liên minh rộng lớn đến mức nào. Một số đảng viên Cộng hòa, bao gồm Hạ nghị sĩ Scott Perry của Pennsylvania và Matt Gaetz của Florida, cũng ám chỉ rằng họ có thể ủng hộ đơn phản đối. Tuy nhiên, những đồng minh nổi bật của Trump, như lãnh đạo phe thiểu số tại hạ viện Kevin McCarthy hay Hạ nghị sĩ Ohio Jim Jordan, tới nay vẫn chưa lên tiếng.
"Mọi ánh mắt đang hướng về ngày 6/1. Tôi nghĩ sẽ có một chút tranh luận và bàn bạc tại quốc hội trong quá trình xác nhận lá phiếu của đại cử tri. Theo chúng tôi, vẫn có bằng chứng cần được xem xét", Hạ nghị sĩ Gaetz cho biết hôm 11/12.
Hillary Clinton chê nghị sĩ Cộng hòa 'yếu đuối' Bà Clinton cho rằng những nghị sĩ Cộng hòa "hùa theo" cáo buộc gian lận bầu cử thiếu căn cứ của Trump là "yếu đuối". "Kết quả cuộc bầu cử không quá sít sao. Không có bằng chứng gian lận. Các bang đều công nhận kết quả", bà Hillary Clinton viết trên Twitter ngày 10/12. "Dù vậy Trump vẫn nỗ lực đảo ngược...