Nghị sĩ Mỹ kêu gọi đưa tàu sân bay thăm Đài Loan
Sau khi bị Trung Quốc từ chối cho tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis cập cảng Hồng Kông, Washington nên xem xét điểm thăm mới ở châu Á, trong đó có Đài Loan, theo một nghị sĩ Mỹ.
Tàu sân bay John C. Stennis trên Biển Đông tháng 3.2016Hải quân Mỹ
Đó là lời kêu gọi do Chủ tịch Tiểu ban lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Randy Forbes đưa ra ngày 2.5 (giờ địa phương), theo hãng thông tấn Đài Loan CNA.
Ông Forbes nhấn mạnh rằng đã đến lúc Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét các địa điểm thăm viếng mới cho tàu sân bay. “Khi tình trạng Trung Quốc kiểm soát trực tiếp Hồng Kông ngày càng tăng, Hải quân Mỹ nên xem xét đưa tàu sân bay đến những nơi được chào đón và ổn định hơn”.
Ông nhấn mạnh rằng nhiều đồng minh và đối tác, trong đó có Đài Loan, “chắc chắn sẽ chào đón các tàu sân bay cùng thủy thủ đoàn của chúng ta”.
Tàu khu trục USS Stockdale (DDG 106) diễn tập bắn pháo hạm 127 mm trên Biển Đông ngày 29.4.2016. Tàu này đang hộ tống tàu sân bay John C. Stennis tuần tra Biển Đông Ảnh: Hải quân Mỹ
Trước đó vài ngày, sau khi Trung Quốc từ chối chuyến thăm viếng nói trên, ứng viên tranh cử tổng thống thuộc đảng Cộng hòa là thượng nghị sĩ Ted Cruz đã viết trên Twitter: “Tàu sân bay Mỹ bị từ chối thăm Hồng Kông. Đó là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không phải là một đối tác của Mỹ. Thay vào đó, chúng ta nên điều tàu sân bay tới Đài Loan”.
Video đang HOT
Dù không có quan hệ chính thức, Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí chính của Đài Loan và hai bên vẫn duy trì hợp tác chặt chẽ về an ninh lẫn quân sự, theo CNA.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Trung Quốc lại gây căng thẳng, cấm tàu sân bay của Mỹ
Trung Quốc mới đây gây căng thẳng khi từ chối cho một tàu sân bay và tàu hộ tống cập cảng Hồng Kông.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Bill Urban ngày 29/4 cho biết Bắc Kinh vừa từ chối lời đề nghị thăm cảng của nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.
"Chúng tôi gần đây được thông báo rằng, đề nghị thăm cảng của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, bao gồm tàu USS John C Stennis cùng các tàu đi cùng, tới Hồng Kông đã bị từ chối", ông Bill Urban nói.
Hiện chưa rõ lý do vì sao Trung Quốc từ chối đề nghị trên.
Tàu sân bay USS John C Stennis của Hải quân Mỹ.
Theo ông Bill Urban, đây là lần đầu tiên các tàu hải quân Mỹ bị từ chối cập cảng Hồng Kông kể từ tháng 8/2014.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C Stennis lớp Nimitz của Hải quân Mỹ đã được triển khai tới tuần tra ở Biển Đông vào ngày 1/3 vừa qua.
Mặc dù việc triển khai này được mô tả là hoạt động "thường lệ" trong một thông cáo báo chí chính thức, nhưng nhiều người cho rằng, động thái này có thể nhằm chống lại các hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng khi ngày 15/4 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lên thăm tàu sân bay USS John C Stennis đang di chuyển ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm, ông Carter nhấn mạnh, Mỹ "có ý định tiếp tục đóng vai trò trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực này".
Trung Quốc cũng vừa gia tăng các tuyên bố đối lập lại phía Mỹ trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Theo ECNS, ngày 29/4, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phản đối quan điểm của thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết sắp tới của tòa The Hague về vấn đề Biển Đông.
"Tôi rất lấy làm tiếc phải nói rằng ông Blinken có thể đã được thông tin sai về bản chất những tranh chấp ở Biển Đông và nội dung của Hiến chương LHQ về luật biển, hoặc là ông ấy đã cố tình áp đặt sai trái cho Trung Quốc", bà Hoa Xuân Oánh nói.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc lặp lại quan điểm nói nước này sẽ không chấp nhận và sẽ không tham gia phiên tòa quốc tế do Philippines khởi xướng.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh.
Ngày 28/4, trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ, ông Blinken nói Trung Quốc không thể cùng lúc chọn cả hai cách, vừa là thành viên tham gia công ước LHQ lại vừa bác bỏ những điều khoản của công ước, trong đó có điều khoản "tuân thủ mọi quyết định của tòa án quốc tế".
Ông Blinken nhắc tới vụ kiện Trung Quốc mà Philippines là nguyên đơn gửi tới tòa trọng tài The Hague yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ quyền hạn hợp pháp trong lĩnh vực hàng hải ở Biển Đông.
Hiện tại, Bắc Kinh đang soạn thảo một kế hoạch 5 năm về hợp tác hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.
Xinhua hôm 28/4 dẫn lời Chen Yue, Phó giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế của Cục Hải dương Trung Quốc, cho biết: "Kế hoạch này sẽ tập trung vào quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tại Đông Á". Tuy nhiên, thời gian cụ thể của kế hoạch không được tiết lộ.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ điều tàu khu trục Lan Châu tham gia cuộc tập trận đa quốc gia ở Biển Đông từ 2/5 đến 12/5.
Cuộc tập trận an ninh hàng hải và chống cướp biển có sự tham gia của 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và 6 quốc gia khác. Khu vực biển diễn ra tập trận ở gần Singapore và Brunei.
Kim Hoa (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Nghị sĩ Mỹ hối thúc can thiệp sâu hơn vào tình hình Biển Đông Một số nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiến hành thêm nhiều chiến dịch tuần tra áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Các nghị sĩ Mỹ hối thúc chính quyền Tổng thống Barack Obama tăng cường tuần tra trên Biển ĐôngReuters Theo AP ngày 28.4, trong phiên...