Nghị sĩ hàng đầu của Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine
Hôm 1/6, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga ( Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov tuyên bố Chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine có thể kết thúc nếu Kiev đồng ý đàm phán.
Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
“Chiến dịch đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Theo tôi, chiến dịch sẽ chấm dứt khi giới lãnh đạo Ukraine sẵn sàng đàm phán”, đài RT (Nga) dẫn lời ông Kartapolov trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti hôm 1/6. Quan chức này cho biết tình hình trên thực địa đã thay đổi và lực lượng của Kiev đang bắt đầu rạn nứt.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga ( Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko cho biết nước này sẵn sàng đàm phán và ký kết các thỏa thuận hướng tới hòa bình với Ukraine.
Sau 3 tháng xảy ra xung đột, Nga và Ukraine tiến hành nhiều cuộc trao đổi. Một số cuộc gặp đã được tổ chức ở Belarus và các bên sau đó tiếp tục đàm phán trực tuyến. Cuộc gặp trực tiếp gần đây nhất diễn ra ở Istanbul ngày 29/3. Tuy nhiên, ngày 12/4, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố với truyền thông rằng Kiev đã xa rời những thỏa thuận trước đó và khiến quá trình đàm phán đi vào bế tắc. Ngày 20/4, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva đã chuyển cho Kiev một dự thảo thỏa thuận rõ ràng và đang chờ phản hồi.
Về phần mình, Ukraine tuyên bố nước này sẽ không nhất trí về một lệnh ngừng bắn với Nga nếu Moskva không rút quân, bởi Nga sẽ kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc xung đột, chỉ khi các lực lượng quân đội Nga rút trở về vị trí ban đầu trước ngày 24/2 – thời điểm trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Video đang HOT
Ông Mykhailo Podolyak, một thành viên của phái đoàn đàm phán Ukraine, cũng đã bác bỏ khả năng Ukraine sẽ ký một thỏa thuận với Nga tương tự như các thỏa thuận hòa bình Minsk, cho rằng điều này chỉ dẫn tới cuộc xung đột tạm thời “bị đóng băng” chứ không phải nền hòa bình bền vững. Trước đó, ông Podolyak cho biết tiến trình đàm phán trong khuôn khổ các phái đoàn giữa Ukraine và Nga đã bị đình trệ. Tuy nhiên, quan chức này cũng bày tỏ tin tưởng rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ được nối lại.
Trong động thái mới đây nhất, hôm 31/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề nghị Moskva và Kiev tổ chức vòng đàm phán mới tại Istanbul. Ông cho biết tiến trình hòa bình dường như đã đạt được một số tiến bộ trước khi đổ vỡ. Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đảm nhận vai trò giám sát viên, nếu được cả hai bên đồng ý theo nguyên tắc, và sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa Nga và Ukraine với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc.
Ngày 24/2, Nga đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phản hồi lời kêu gọi của lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng tại Donbass. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, mà chỉ phi quân sự hóa và phi phát xít hóa lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ và phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva và liên tục cấp vũ khí giúp Ukraine cản đà tiến công của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm các hệ thống pháo phản lực cơ động cao có tầm bắn tới 80km.
Moskva đã kêu gọi Washington không thực hiện bước đi mang tính khiêu khích như vậy, điều đó sẽ chỉ làm leo thang xung đột hơn nữa. Nước này lưu ý rằng Washington đang ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột, có thể gây ra “những hậu quả khó lường đối với an ninh toàn cầu”. Đồng thời, giới chức tuyên bố các kho vũ khí từ phương Tây ở Ukraine là “mục tiêu hợp pháp” của các lực lượng Nga.
Cuộc chiến giành giật mạng đường sắt giữa Nga và Ukraine ở Donbass
Vận tải đường sắt là nhân tố quan trọng đối với Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, mà khởi đầu là mạng lưới đường sắt dày đặc ở vùng Donbass.
Các toa xe lửa tập kết tại một nhà ga ở miền đông Ukraine. Nga sử dụng hạ tầng đường sắt cho hoạt động chuyển quân, vũ khí đạn dược. Ảnh: Getty Images
Giao tranh khốc liệt ở miền đông Ukraine là trận chiến liên quan đến mạng sống, kiểm soát lãnh thổ. Nhưng giờ đây nó cũng dịch chuyển sang một hướng mới - cuộc chiến giành quyền kiểm soát đường sắt.
Lyman, thành phố mới rơi vào tay quân Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền đông, là một trung tâm đường sắt ở khu vực. Thành phố Popasna gần đó cũng là một điểm trung chuyển đường sắt quan trọng. Nơi đây đang diễn ra những đợt giao tranh khốc liệt. Severodonetsk, một thành phố đang bị quân Nga vây hãm, cũng là một trạm vận tải đường sắt lớn.
Quân đội Nga phụ thuộc vào đường sắt hơn phần lớn các nước khác khi thực hiện chuyển quân, vũ khí đạn dược. Trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự, quân đội Nga tập trung hoạt động ở miền đông Ukraine, với mục tiêu kiểm soát và mở rộng nắm giữ các khu vực tại đây.
Theo giới phân tích quân sự, một nguyên nhân chủ yếu chính là việc Nga có thể triển khai tiếp ứng binh lực, tiếp tế vũ khí, hậu cận đối với lực lượng đóng ở miền Đông, nhờ vào mạng đường sắt từ Nga kết nối với các cung đường sắt ở Donbass nằm trong vòng kiểm soát của Nga và lực lượng đòi độc lập thân Moskva.
Từng là cái nôi, trung tâm công nghiệp của Ukraine, Donbass tập trung mạng lưới đường sắt dày đặc nhất của cả nước. Hạ tầng này được khởi nguồn từ thời Cách mạng Công nghiệp trong thế kỷ 19, khi nhiều tuyến đường ray được xây dựng để kết nối các khu mỏ, nhà máy can thép, bến cảng cùng như các trung tâm sản xuất nông nghiệp trong vùng, nơi tạo ra sản lượng ngũ cốc lớn để Ukraine xuất ra thế giới.
Binh sỹ Ukraine bên một cung đường sát bị phá hủy gần Sviatohirsk ở Donetsk. Ảnh: Reuters
Trong vài tuần gần đây, Nga đã có bước tiến đáng kể ở Donbass. Đó là nhờ vào việc quân đội Nga triển khai một lượng lớn pháo, xe tăng, súng cối cùng nhiều thiết bị chiến đấu thiết giáp khác tới khu vực này. Vận chuyển vũ khí hạng nặng bằng đường bộ là điều khó khăn, nhất là ở Ukraine và Nga - hai nước có rất ít tuyến đường cao tốc đủ sức chịu tải lớn. Vận tải đường sắt vì thế là biện pháp hiệu quả hơn và Nga trên thực tế đã khai thác điểm này.
Ukraine - nước cũng phụ thuộc vào đường sắt đối với hoạt động cung ứng, tiếp tế, cố tìm cách cản trở Nga tiếp cận, sử dụng mạng lưới đường sắt ở Ukraine. Cuối tháng 2, chỉ ít ngày sau khi quân mở chiến dịch tấn công, phía Ukraine đã phá hủy toàn bộ các kết nối đường sắt với Nga.
Trong tháng 4, một cầu đường sắt gần thành phố Belgorod thuộc Nga, cách không xa biên giới Ukraine, cũng bị tấn công và gặp tổn thất lớn, hư hại nặng. Đến tháng 5, sau khi quân Nga chiếm được khu vực gần thành phố Severodonetsk, binh sĩ Ukraine đã đột nhập vào phòng tuyến, cho nổ tung một cây cầu đường sắt được Nga sử dụng để thưc hiện hoạt động tiếp tế.
"Ukraine đã hướng mục tiêu tấn công nhằm vào chính hạ tầng đường sắt của mình, mục đích là không cho Nga có cơ hội sử dụng hạ tầng này", chuyên gia Emily Ferris thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) bình luận.
Kiev hơn ai hết thấu hiểu tầm quan trọng của đường sắt đối với hoạt động tác chiến quân sự của Nga. Lý do là bởi khi còn nằm trong Liên bang Xô Viết, Ukraine cũng đã đi theo học thuyết quân sự lấy đường sắt làm trung tâm, một học thuyết khởi thủy từ hơn một thế kỷ trước. Thay vì sử dụng lực lượng có khả năng cơ động cao, Nga hiện vẫn duy trì luận điểm tác chiến từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, tập trung sử dụng lực lượng pháo binh quy mô lớn để áp đảo, hạ gục đối phương.
Ở Ukraine, tầm quan trọng của đường sắt với Nga không chỉ là tiếp tế quân sự. Theo bà Ferris, một khi giành được quyền kiểm soát các khu vực ở Donbass, Nga sẽ có điều kiện cung ứng cho người dân trong vùng nước ngọt, lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Làm cho người dân tin rằng họ có cuộc sống tốt hơn so với trước - đó là cách để thu phục tình cảm và duy trì quyền kiểm soát lâu dài.
EU 'đau đầu' với lộ trình chuyển lương thực Ukraine qua Belarus để tránh phong tỏa của Nga Các nhà lãnh đạo EU đang xem xét tất cả các biện pháp khả thi để vượt qua lệnh phong tỏa xuất khẩu lương thực của Nga đối với Ukraine. Hiện có 20 triệu tấn lúa mì bị mắc kẹt ở Ukraine, quốc gia cùng với Nga, cung cấp tới một phần ba lượng ngũ cốc xuất khẩu của thế giới. Ảnh: Euractiv.com...