Nghị quyết số 11/NQ-CP: Xây dựng 7 dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân
Bộ Xây dựng cho biết, qua rà soát một số địa phương tính từ thời điểm sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được ban hành, đã có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công xây dựng với tổng số khoảng 23.965 căn; trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội gồm 20.765 căn.
Một điểm nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương đã được khảo sát. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN
Trong số 5 dự án nhà ở xã hội thì Bình Dương có tới 4 dự án với 20.000 căn và Kiên Giang có 1 dự án gồm 765 căn. Tổng số 2 dự án nhà ở công nhân gồm 3.200 căn thì Quảng Ninh có dự án với 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở và Bắc Ninh 1 dự án gồm 2.200 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở. Trong quý III và IV/2022, Hà Nội dự kiến khởi công 2 dự án nhà ở xã hội gồm 1.860 căn.
Sang quý II, Bộ Xây dựng khẳng định tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn; khẩn trương lập kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; trong đó lập danh mục các dự án nhà ở có liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Video đang HOT
Để bình ổn và phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất đưa 2 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trước tác động xấu của việc “bỏ cọc” trong đấu giá đất, Bộ Xây dựng cũng đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường bất động sản, kiến nghị một số giải pháp liên quan đến sửa đổi chính sách, pháp luật về đấu giá và tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương (điển hình là đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm – Thành phố Hồ Chí Minh); đồng thời, báo cáo Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá việc ban hành, thực hiện cũng như đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.
Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 11, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác liên ngành với đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội và làm việc trực tiếp với 7 địa phương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời, có văn bản gửi các địa phương trọng điểm về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, yêu cầu khẩn trương báo cáo tình hình triển khai thực hiện và nhu cầu vay vốn, các tồn tại, hạn chế và kiến nghị để Tổ công tác nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bộ Xây dựng nhận định, trong quý I/2022, giá giao dịch bất động sản để bán bình quân toàn thị trường đều ở trong xu hướng tăng. Khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu, xác định mức độ biến động giá giao dịch một số loại bất động sản trong tháng 3 và quý I/2022 đã được Bộ Xây dựng thực hiện tại 8 địa phương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong xu hướng giá giao dịch bất động sản đang tăng có một số loại hình bất động sản tại một số địa phương tăng giá khá cao so với tháng trước. Đáng chú ý, giá bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tại thời điểm tháng 3 ghi nhận mức tăng nhẹ so với tháng trước. Phân khúc căn hộ chung cư cho thuê tại Đà Nẵng cũng có mức giá tăng tương đối tốt.
Cụ thể, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện chỉ số giá bất động sản so với tháng 2/2022 ở phân khúc căn hộ chung cư tại Hà Nội có mức tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà ở riêng lẻ tăng 2% và đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%.
Không chỉ bất động sản tăng giá mà trên thị trường cũng ghi nhận giá của nhiều loại vật liệu xây dựng cũng gia tăng. Đây cũng là một trong những yếu tố gia tăng áp lực đối với các dự án bất động sản đang xây dựng.
Lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ Xây dựng để triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp nằm trong danh sách 4 chung cư cũ cấp độ D. Ảnh tư liệu: Minh Nghĩa-TTXVN
Theo đó, Tổ công tác này sẽ do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh là Tổ trưởng cùng với sự tham gia của lãnh đạo, chuyên viên Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và đại diện của một số Bộ với vai trò thành viên như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tổ công tác sẽ đảm nhận việc triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43. Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Cùng đó, Tổ công tác sẽ kiểm tra, giám sát việc việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở công nhân khu công nghiệp; việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Nghị quyết 11, Chính phủ sẽ dành khoảng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hỗ trợ việc xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Liên quan đến nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các địa phương kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập; đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh nhà ở xã hội nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Nội dung giám sát bao gồm việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định trên địa bàn quản lý; việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và việc tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ.
Cùng đó là việc lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định, trọng tâm của Bộ Xây dựng thời gian tới là kiểm tra, đốn đốc các địa phương xây dựng Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết liệt triển khai gói hỗ trợ tín dụng về nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua. Bộ Xây dựng và Thanh tra chuyên ngành xây dựng tại các Sở Xây dựng địa phương cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở, nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Ngân hàng ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 6,5% Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng ADB, kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay và 6,7% năm 2023. Theo ADB, do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nên tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam...