Nghi phạm đánh bom ở Quảng Tây vì mỏ đá bị đóng cửa
Việc Vi Ngân Dũng thực hiện một loạt vụ tấn công ở thành phố Liễu Châu được cho là cách anh ta phản đối chính quyền do không giúp gia đình mình giữ được mỏ đá.
Vi được cho là thực hiện các vụ nổ để phản đối cách xử lý của chính quyền. Ảnh:SCMP
Vi hôm 2/10 được xác định cũng thiệt mạng trong vụ đánh bom hàng loạt ở huyện Liễu Thành, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây hôm 30/9. Anh ta vừa thuê người, vừa tự mang bưu kiện chứa chất nổ tới 17 địa điểm, gồm cả trụ sở chính quyền, bệnh viện, trung tâm mua sắm ở khắp huyện khiến 10 người chết, 51 người bị thương.
Bản tin mới đây của cảnh sát cho hay Vi tranh cãi với người dân ở làng Zhaijiaotun về việc ngưng hoạt động mỏ đá Zhihao mà anh ta có phần đầu tư lớn trong đó, South China Morning Post cho biết.
Anh trai và bố của Vi hôm 2/10 nói kẻ này rất phiền lòng khi chính quyền địa phương không thể đàm phán với người dân để tìm ra phương án khả thi.
Vi từng là người quản lý của mỏ đá từ khi nó mở cửa năm 2003. Tên cơ sở này được đặt theo tên của ông Wei Zhihao, người sáng lập và trở thành bố vợ của Vi năm 2009. Mỏ đá được nâng cấp quy mô lớn trong 2010, khi hai người vay tiền ngân hàng để mua sắm số thiết bị trị giá hơn một triệu Nhân dân tệ, tương đương hơn 157.000 USD, theo Luo, anh trai của Vi.
Mặc dù vậy, hoạt động của mỏ đá vấp phải sự phản đối của người dân trong vùng, nơi cách đó chưa đầy một km. Không chịu được những tiếng nổ lớn thường xuyên, hơn 100 người đến biểu tình hồi cuối tháng 10/2013, đập phá máy móc và yêu cầu đóng cửa ngay lập tức.
Luo nói Vi phải rút lui trong nửa cuối năm ngoái, sau khi anh ta liên tiếp yêu cầu các cơ quan chính quyền giải quyết tranh cãi nhưng không thành công.
“Nó biết không thể mở lại mỏ đá nhưng nó chỉ muốn chính quyền đưa ra giải pháp”, Luo nói.
Video đang HOT
Sự thất vọng của Vi cũng được thể hiện trên mạng xã hội, một trang mà Luo xác nhận thuộc về em mình. “Khi tới một ngày tôi trở nên điên cuồng, hãy nhớ tôi đã bị đối xử như một kẻ ngốc khi tôi trong sạch và vô tội”, chủ tài khoản viết.
Theo một người dân trong làng, mỏ đá của Vi bị đập phá khi các quan chức chính quyền ở gần đó. Người này cho rằng sự việc diễn ra có lý do, bởi “những tiếng nổ khiến trẻ con sợ hãi và các cửa sổ bị phá hỏng”.
Bố của Vi cho hay anh ta ăn tối ở nhà vào hôm 29/9, một ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, nhưng không nói gì đặc biệt. Ông cho rằng con mình có đạo đức và không có ý nghĩ gì xấu. Vi có một con gái 6 tuổi và cậu con trai một tuổi.
Cảnh sát đã triệu tập bố và anh của Vi, vợ và bố vợ anh ta để thu thập thêm thông tin.
“Tôi không chấp nhận lời cáo buộc. Không có đủ chứng cứ”, anh trai của Vi nói.
Mỏ đá mà Vi cùng bố vợ đầu tư hơn 157.000 USD bị buộc phải đóng cửa. Ảnh:SCMP
Khánh Lynh
Theo VNE
Bom liên hoàn ở Trung Quốc phơi bày lỗ hổng quản lý chất nổ
Một loạt vụ nổ liên hoàn ở huyện Liễu Thành làm 10 người chết phơi bày lỗ hổng an ninh lớn về kiểm soát thuốc nổ tại Trung Quốc.
Căn nhà sụp đổ sau một vụ nổ ở Liễu Thành. Ảnh: CNN
Theo Reuters, việc sở hữu súng tại Trung Quốc là hầu như không có khả năng, bởi các biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ, đồng nghĩa với việc hiếm xảy ra các vụ phạm tội liên quan đến súng. Tuy nhiên, chất nổ lại được sử dụng rộng rãi trong ngành khai mỏ và pháo hoa.
17 vụ nổ liên hoàn khắp huyện Liễu Thành, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây đã phá hủy nhiều tòa nhà, khiến ô tô bị lật nhào và gạch đá vỡ rơi khắp đường phố. Vụ việc khiến 10 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương.
Sự dễ dàng tiếp cận vật liệu nổ tại Trung Quốc từng được chỉ rõ trong một vụ án được đăng trên mạng hồi đầu năm nay, liên quan đến một người đàn ông đến từ tỉnh Vân Nam. Người này hồi tháng 9 năm ngoái bị tòa tuyên án ba năm tù, khi bị phát hiện cất giữ trong nhà hơn 20kg thuốc nổ, gần 100 kíp nổ và 1500 m dây cháy chậm.
Người đàn ông họ Ren khai trước tòa rằng việc mua vật liệu nổ rất dễ dàng. Ông ta chỉ cần nói với bên bán là mua để phục vụ công việc. Thực tế, Ren đã mua vật liệu nổ và cất trữ trong nhà suốt cả 10 năm mà không gặp rắc rối nào, dù ông ta dường như không có ý đồ bạo lực.
Tuy nhiên, chất nổ lại ít khi được dùng trong các vụ bạo lực tại khu vực Tân Cương, nơi Trung Quốc nói rằng họ đang phải đối mặt với các phần tử ly khai Hồi giáo. Việc kiểm soát khả năng tiếp cận vật liệu chế tạo bom và súng ở đây cũng rất nghiêm ngặt. Vì vậy, các hành vi bạo lực tại đây thường là sử dụng dao.
Trong vụ nổ bom liên hoàn ở Liễu Thành, cảnh sát xác nhận Vi Ngân Dũng, 33 tuổi, là nghi phạm và đã thiệt mạng trong vụ nổ. Vi thuê nhiều người chuyển các bưu kiện chứa thuốc nổ để thực hiện các vụ đánh bom. Động cơ vụ việc được cho là do có tư thù với hàng xóm và cơ quan địa phương trong hoạt động sản xuất khai thác đá, theo Xinhua.
"Việc này cho thấy một vấn đề nghiêm trọng về mặt an ninh công cộng tại Trung Quốc. Vụ việc phản ánh sự quản lý kém hiệu quả của chính phủ trong việc hạn chế khả năng tiếp cận của người dân với các hàng hóa nguy hại", Jian Zhang, một giảng viên chính trị và quốc tế tại đại học New South Wales, Canberra, Australia nhận định.
Sáng hôm qua, lại có thêm một vụ nổ nữa tại Liễu Thành, nhưng không gây thương vong và chỉ gây thiệt hại nhẹ về vật chất. Hiện chưa rõ vụ việc có liên quan đến loạt vụ nổ một ngày trước đó hay không.
Quảng Tây có nhiều khu mỏ, nơi sử dụng nhiều chất nổ. Và cũng giống như các địa phương khác, nơi đây có nhiều nhà máy sản xuất pháo hoa.
Năm ngoái, cảnh sát Liễu Châu, Quảng Tây, bắt giữ hai cha con "bất mãn với xã hội và muốn trả thù". Họ cho nổ tung các thùng rác tại một quảng trường bằng dùng pháo tự chế. Vụ nổ khiến một phụ nữ đi ngang qua bị thương.
Tranh chấp liên quan đến đất đai, tại quốc gia mà về mặt luật pháp, mọi đất đai đều thuộc sở hữu của chính phủ, cũng từng dẫn tới các cuộc biểu tình tự phát, đụng độ với cảnh sát, bắt giam và thậm chí cả tự sát. Đây là vấn đề gây đau đầu cho giới lãnh đạo Trung Quốc, luôn đề cao sự ổn định.
Năm 2011, một người đàn ông tức giận vì cho rằng nhà mình bị phá dỡ bất hợp pháp đã tiến hành một loạt vụ nổ tại 3 địa điểm gần các tòa nhà chính quyền ở miền đông Trung Quốc, làm 2 người thiệt mạng.
Cũng trong tháng đó, một quả bom xăng của một cựu nhân viên bất mãn của một ngân hàng nông thôn tại tỉnh Giang Tô đã làm 49 người bị thương.
Vụ việc tồi tệ nhất đến nay là loạt vụ nổ năm 2001, tại khu nhà ở của công nhân tại Thạch Gia Trang ở bắc Trung Quốc, làm 108 người chết. Thủ phạm của vụ nổ được tin là người đàn ông muốn trả thù vì vấn đề gia đình.
"Xã hội Trung Quốc hiện đại tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, và nếu người dân muốn phát đi một thông điệp về sự tức giận hoặc bày tỏ quan điểm, họ có thể kiếm được thuốc nổ từ bất kỳ khu mỏ nào", Pan Zhiping, một chuyên gia an ninh nội địa tại Học viện Khoa học Xã hội Tân Cương bình luận. "Cảnh sát không thể để mắt tới tất cả người dân".
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Hai nữ quan chức Trung Quốc bị dùng ảnh nóng tống tiền Việc hàng loạt các quan tham Trung Quốc liên tục dính bê bối tình ái gần đây đang tạo điều kiện cho một số kẻ làm giả ảnh nóng để tống tiền quan chức lộng hành. Mới đây, 2 nữ quan chức Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của trò bẩn này. Tờ China News Service đưa tin, 2 nữ quan chức...