Nghi phạm đánh bom đầu năm mới ở New York nhận tội
Nghi phạm gây ra hàng loạt vụ đánh bom ở Queens, bang New York (Mỹ) cuối tuần qua đã nhận tội ngày 3-1 (rạng sáng 4-1 giờ Việt Nam).
Camera ghi được hình ảnh chiếc xe của nghi phạm tại một địa điểm bị đánh bom – Ảnh: AP
Nghi phạm tên Ray Lazier Lengend, khoảng 40 tuổi, gốc Guyana và là một tài xế xe tải thất nghiệp. Y đã bị bắt sáng 3-1 sau khi rời khỏi căn nhà tại thị trấn Queens. Các thám tử đã giám sát ngôi nhà nhiều giờ liền sau khi phát hiện một chiếc xe đậu bên ngoài rất giống miêu tả chiếc xe xuất hiện trong những cuộc tấn công.
Theo người phát ngôn Sở Cảnh sát New York, ông Pual Browne, nghi phạm đã thú nhận gây ra vụ tấn công vì có thù hằn cá nhân với các vị trí được nhắm mục tiêu. Y đã ném bom xăng vào một trung tâm văn hóa của người Hồi giáo, lúc đó có khoảng 80 người đang tụ tập, may mắn không ai bị thương. Động cơ gây án chỉ vì y không được cho vào nhà vệ sinh bên trong trung tâm.
Vụ tấn công thứ hai diễn ra ở một nhà thờ đạo Hindu, tuy nhiên cảnh sát cho rằng động cơ có thể là sự tình cờ, khi người mà một nghi phạm thật sự có mâu thuẫn đã không còn ở đây.
Vụ tấn công thứ ba nhằm vào một cửa hàng tiện lợi. Ngày 27-12 năm ngoái, một nhân viên bán hàng đã công kích một nghi phạm cố gắng trộm hàng ở đây.
Tất cả những vụ đánh bom đều xảy ra vào đúng ngày năm mới 1-1. Một số nhà lãnh đạo lo ngại vụ việc có thể dẫn đến một mâu thuẫn tôn giáo. Hiện những cáo buộc đối với y chỉ liên quan đến tội đốt phá và sở hữu vũ khí.
Theo Tuổi Trẻ
Lãnh đạo New York lên án vụ ném bom thánh đường
Thị trưởng và Thống đốc New York hôm thứ Hai (2/1) đã bày tỏ sự phẫn nộ của họ khi một thánh đường tại đây bị tấn công bằng bom cháy trong một chuỗi các vụ cố ý gây hỏa hoạn mà cảnh sát nói rằng, họ đang điều tra và xem nó như một vụ phạm tội do thù ghét.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát cho biết, vụ ném chai cháy Molotov cocktail vào Chủ Nhật tuần trước (1/1) đã khiến cửa trước của Tòa nhà Tổ chức Imam (Lãnh tụ Hồi giáo) Al-Khoei nằm ở khu Queens bị hư hại .Hai vụ tấn công tương tự cũng đã xảy ra ở khu vực này, trong đó một vụ nhằm vào cửa hàng tạp hóa do người Hồi giáo điều hành.
Tổ chức Imam Al-Khoei, tự mô tả là tổ chức Hồi giáo Shiite quốc tế lớn nhất thế giới, đã thông báo trên trang web rằng, hai quả bom cháy đã "được ném vào cửa chính" nhưng "không có tổn thất lớn và không ai bị thương."
Thông báo nói rằng, tổ chức "nhắc lại quyết tâm phục vụ cộng đồng và đấu tranh để đưa tình yêu tới nơi có sự thù ghét hiện diện, ánh sáng tới nơi bóng tối ngự trị và sự khai sáng ở nơi còn tồn tại sự ngu dốt."
Trong một thông báo đưa ra hôm thứ Hai, Thị trưởng Michael Bloomberg nói rằng, ba vụ tấn công chai cháy Molotov "gây ảnh hưởng tới thành phố New York mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng."
"Nhân viên của Đơn vị chống phạm tội do thù ghét của Sở cảnh sát New York (NYPD) và Đội điều tra viên vùng 103 đang hoạt động hết công suất để điều tra và xác định xem có bất kỳ mối liên hệ nào với các sự kiện bên ngoài New York hay không," ông Bloomberg nói.
Thống đốc New York Andrew Cuomo cũng nói trong thông báo rằng, "các vụ tấn công hôm Chủ Nhật đã chống lại mọi thứ chúng ta bảo vệ với tư cách một người New York nói riêng và người Mỹ nói chung."
Một phát ngôn viên cảnh sát nói, không lâu trước khi vụ việc trên xảy ra, một cửa hàng tạp hóa ở đây cũng bị tấn công bằng chai cháy, vốn gồm các chất lỏng dễ bắt lửa được đổ đầy vào một chai thủy tinh chứa càphê hiệu Starbucks.
Một nguồn tin gần gũi với cuộc điều tra cho biết, "các lao động của cửa hàng là người Hồi giáo." Quả bom cháy đã ném trúng khu vực tính tiền.
Vụ thứ ba xảy ra chỉ một giờ sau vụ tấn công thánh đường, cũng có sự xuất hiện của những chai Starbuck và chất gây cháy kể trên, nhằm vào ngôi nhà mà một linh mục Hindu sử dụng cho các nghi lễ, cảnh sát cho biết.
Vụ thứ tư, với tính chất phá hủy cao hơn, đã xảy ra trong đêm cùng ngày, gây ra một vụ cháy lớn ở một ngôi nhà tư cạnh đó, dù không có bằng chứng nào về mối liên hệ giữa vụ này và các vụ trước.
Phát ngôn viên cảnh sát nói, không có ai bị thương nhưng tổn thất về vật chất là rất lớn. Nguồn tin có liên quan tới cuộc điều tra nói rằng, trong trường hợp thứ tư này, nhà chức trách nghi ngờ có kẻ cố tình gây hỏa hoạn. Tuy vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy bom cháy đã được sử dụng.
Những người bên trong ngôi nhà là người Thiên Chúa giáo và không có liên hệ với thánh đường, hay cửa hàng tạp hóa đã bị tấn công, nguồn tin nói.
Lãnh đạo tạm quyền ở trung tâm Imam Al-Khoei, Maan al Sahlani cho đài truyền hình NY1 biết rằng, có 85-100 người đang ở trong tòa nhà khi cửa chính bị tấn công, nhưng phần lớn họ đang ở các tầng dưới và được an toàn.
"Chúng tôi chẳng tìm ra lý do gì để tấn công ai đó. Là con người, chúng ta phải yêu thương nhau và tôn trọng nhau. Nó không liên quan tới nguồn gốc của ai đó, hay sự khác biệt giữa niềm tin của tôi và niềm tin của anh," al Sahlani nói.
Thị trưởng Bloomberg là người bảo vệ đáng tin cậy của cộng đồng người Hồi giáo nhập cư ở thành phố, đáng chú ý là lần ông bênh vực kế hoạch xây dựng một trung tâm Hồi giáo và một thánh đường chỉ cách hai dãy nhà so với nơi từng mọc lên tòa Tháp Đôi - vốn bị phá hủy trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 do al-Qaeda gây ra.
Tuy nhiên, các lãnh đạo cộng đồng người Hồi giáo nói rằng, quyền dân sự của họ đã bị giảm nhiều kể từ vụ 11/9, đặc biệt là từ hoạt động theo dõi, giám sát của cảnh sát.
Tuần trước, một nhóm lãnh đạo Hồi giáo đã tẩy chay một sự kiện liên tôn giáo do thị trưởng tổ chức nhằm phản đối các chiến thuật của cảnh sát.
"Trong những thời khắc khi các quyền của một cộng đồng đang bị vi phạm trắng trợn, các nhà lãnh đạo của họ sẽ không có lương tâm nếu xuất hiện tại một sự kiện công cộng cùng với quan chức chính quyền vốn phải chịu trách nhiệm vì điều trên, và mỉm cười tạo dáng trước máy ảnh," trích nội dung lá thư nhóm gửi cho Thị trưởng Bloomberg.
Nhóm đã lên án việc "hé lộ các chi tiết làm phiền" trong các bài báo, mô tả cách thức cảnh sát thành phố đã "giám sát và lập hồ sơ của gần như mọi tầng lớp những người đã hoạt động cho lợi ích chung của cộng đồng Hồi giáo New York, ngay cả khi họ không bị nghi ngờ làm gì sai trái."
Thị trưởng nói với đài phát thanh WOR rằng, cảnh sát "không nhằm vào bất kỳ nhóm thiểu số nào." Ông cho biết, một số bài báo đã đưa tin không chính xác và ông bảo vệ quyền của nhà chức trách trong việc xâm nhập những nơi "được thông báo rằng có các nguy cơ đe dọa."./.
Theo TTXVN