Nghị lực phi thường của chàng trai bị liệt 9 năm vẫn đỗ đại học
Vết bỏng từ khi 5 tháng tuổi khiến Thuận phải nằm liệt 9 năm. Nhưng với ý chí và lòng kiên trì, anh đã vượt qua để giờ đây là sinh viên đại học năm thứ 2.
Cậu luôn dành được tình cảm mến mộ từ bạn bè
Sự nghiệt ngã của số phận
Sinh năm 1991, Lê Viết Thuận là con thứ hai trong một gia đình nghèo, bố làm thợ đóng gạch, mẹ làm công nhân ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ngay từ khi sinh ra, Thuận đã không được may mắn vì mang trên mình nhiều khuyết tật bẩm sinh, ốm yếu liên miên. Khi em vừa tròn 5 tháng tuổi, trong một lần không may Thuận đã vô tình đạp chân vào chiếc đèn dầu khiến em bị bỏng rất nặng bên chân trái.
Do chữa không đúng cách nên Thuận bị nhiễm trùng uốn ván, phải tiêm kháng sinh liên tiếp trong một thời gian dài. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn tới gân, cơ dẫn tới hậu quả chân và tay Thuận bị co quặp lại. Dù sau đó, Thuận đã được gia đình đưa đi khám ở Viện Bỏng Quốc gia nhưng tại đây các bác sĩ kết luận: “Em không còn khả năng đi lại”. Kể từ sau đó, trong vòng 9 năm liên tiếp, Thuận chỉ có thể nằm một chỗ.
Năm 1999, dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn những với hy vọng con trai có thể tự bước đi trên đôi chân của mình, bố mẹ Thuận quyết định đưa con lên Viện Bỏng Quốc gia để làm phẫu thuật chỉnh hình. Một là cưa bổ phần chân bị hỏng và lắp chân giả. Hai là đập những phần xương bị biến dạng đi để lắp ghép lại. Cuối cùng, gia đình Thuận đã quyết định thực hiện phương án thứ hai. Cuộc phẫu thuật của Thuận được các bác sĩ đánh giá là khá thành công. Tuy nhiên, em chỉ có 70% khả năng đi lại được, còn lại 30% là nhờ sự tập luyện cùng tính kiên trì của em.
Trở về nhà, mọi sinh hoạt của Thuận dù là nói chuyện hay vận động đi lại cũng đều rất khó khăn. Nhưng Thuận không nản chí, em quyết tâm tập luyện để có thể đi lại được. Thuận chia sẻ: “Khi đó, em được ông nội đóng cho một giàn tre với 2 trụ bám (mỗi trụ dài một mét) để cho em tập đi. Mới đầu thì bố mẹ hoặc anh trai dìu em từng bước một. Sau này đã quen thì tự em tập. Cứ thế, ngày nào em cũng tập. Có nhiều lần vì mải tập luyện mà vết mổ bị sưng tấy lên khiến em cảm thấy rất đau đớn. Đến năm 10 tuổi thì em đã có thể tự đi lại mà không cần nạng dù mỗi bước đều rất khó nhọc”.
Có công mài sắt có ngày nên kim
Mặc cho sức khỏe còn yếu và việc đi lại rất khó khăn, Thuận vẫn cương quyết đòi bố mẹ cho e đi học như bao bạn bè khác. Chiều lòng con, bố mẹ Thuận đã đồng ý nhưng cũng chỉ hi vọng Thuận đi học để biết đọc, biết viết. Thuận kể: “Nhìn thấy các bạn í ới gọi nhau đi học mỗi sáng em cảm thấy rất “thèm”. Khi đó, em chỉ ước một lần được cắp sách đến trường giống như các bạn. Vậy là em nài nỉ bố mẹ cho đi học. Lúc đầu bố mẹ em cũng không đồng ý vì việc đi lại của em rất khó khăn, chỉ sợ các bạn mải đùa nghịch va vào khiến em bị ngã. Nhưng rồi thấy em quyết tâm quá nên bố mẹ đã đồng ý. Dù không được nhận vào chính thức mà chỉ là học gửi cùng các em sinh năm 1995 nhưng em rất vui mừng vì ước mơ được tới trường của mình đã thành hiện thực”.
Quá trình học lớp 1 là quãng thời gian khó khăn nhất, bởi Thuận không được học qua lớp mầm non và vì tay phải bị co quắp hết lại nên em buộc phải tập viết bằng tay trái. Những năm tiểu học, Thuận thường được bố mẹ đưa đón. Sau này, do bố mẹ đi làm ăn xa nên Thuận về ở với bác và được bác cùng các bạn trong lớp giúp đỡ đưa đón đi học. Nhưng rồi Thuận không muốn làm phiền và phụ thuộc vào người khác nên em càng quyết tâm và kiên trì tập luyện. Cuối cùng Thuận đã có thể tự đi đến trường được dù vẫn còn nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Cậu tích cực tham gia các CLB tình nguyện.
Trải qua rất nhiều khó khăn, đau đớn để tập đi nhưng chưa bao giờ Thuận nghĩ đến chuyện bỏ học vì thương bố mẹ vất vả nuôi mình ăn học và biết ơn các thầy cô giáo cùng các bọn đã tận tình giúp đỡ. Dù đó là học sinh khuyết tật nhưng những năm học tiểu học, Thuận là học sinh giỏi toàn diện. Ở bậc học THCS và THPT, em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Thuận rất thích học các môn khối C, vì vậy khi cô giáo nhận xét chữ xấu, khó đọc, bất lợi cho thi khối này, Thuận đã mua vở tập tô của lớp 1 về và mỗi ngày dành 1h đồng hồ để luyện viết. Nhờ vậy, chỉ trong mấy tháng chữ viết của Thuận đã rõ ràng, dễ đọc hơn nhiều. Với nhiều người bình thường, để học tốt cùng lúc hai khối A, C không hề đơn giản chút nào và đối với Thuận còn khó khăn gấp bội. Vậy mà trong ba năm học THPT, số điểm tổng kết các môn văn, sử, địa của Thuận luôn đạt trên 7,0. Còn các môn toán, lý, hóa cũng đạt từ 6,0 đến 8,0.
Với sự nỗ lực của bản thân cùng sự động viên giúp đỡ của gia đình và thầy cô, trong kỳ thi ĐH năm 2013 Thuận đã trúng tuyển vào 2 trường là Trường KHXH – NV (ĐHQGHN) và Học viện Quản lý giáo dục.
Mong ước sẽ giúp đỡ được nhiều người khuyết tật như mình
Nói về lý do chọn ngành Công tác xã hội Trường ĐH KHXH – NV. Thuận có chia sẻ: “Ngày nhỏ, em ước lớn lên sẽ làm về ngành công nghệ thông tin, nhưng có một việc đã khiến em thay đổi quyết định. Lần đó em đã chứng kiến cảnh một người bị cụt tay cụt chân bò lê lết bám theo người đi chợ để bán tăm. Chính hình ảnh ấy đã làm em suy nghĩ, em thấy mình may mắn hơn nên rất muốn giúp họ. Vậy nên em đã chọn ngành công tác xã hội để học”.
Sau khi nhập học, Thuận cũng gặp không ít khó khăn trong việc nắm bắt phương pháp học. Thuận bị co quặp chân và tay nên việc đi lại và viết lách gặp nhiều trở ngại. Thế nên việc tiếp thu bài học trong thời gian đầu mất nhiều thời gian thích ứng. Thuận ngập ngừng khi chia sẻ về những khó khăn đã gặp phải và cách vượt qua: “Em viết bằng tay trái mà tay em lại bị co quắp nên viết chỉ được một lúc thì tay đau nhức, không ghi kịp bài. Cũng may mắn các bạn trong lớp giúp đỡ cho em mượn vở, em về nhà vừa chép vừa xem lại bài để hiểu hơn. Sau đó, em thường đọc bài trước ở nhà thật kĩ để lên lớp có thể theo kịp được bài giảng. Bằng cách đó, em đã học theo kịp với lớp”.
Đã 2 năm kể từ ngày nhập học, Thuận cũng đã quen dần với phương pháp học tập mới. Không chỉ vậy, em còn là một thành viên tích cực của CLB Hoa Đá (một nơi gắn kết và giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng do Hội sinh viên trường thành lập). Tại đây, Thuận đã từng bước thực hiện được ước mơ của mình là giúp đỡ những người kém may mắn, Thuận chia sẻ: “Hè vừa rồi, em có tham gia chương trình giúp đỡ Hội người khiếm thị Hà Nội đi thăm quan ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tại đây, em nắm tay dắt họ đi thăm quan , vừa đi vừa miêu tả cho họ biết về những gì mình thấy, ai nấy đều vui vẻ và cảm ơn em nhiều lắm. Dù đó chỉ là những việc rất nhỏ nhưng em cũng cảm thấy vui vì đã giúp đỡ được những người kém may mắn hơn mình”.
Theo Xahoi
Liệt giường 9 năm, thi đậu 2 trường đại học
Khi vừa tròn 5 tháng tuổi, Lê Viết Thuận (sinh 1991, ở Hiệp Hòa - Bắc Giang) bị bỏng nặng, toàn bộ gân tay chân bị co quắp. Nằm liệt giường 9 năm, nhưng với nghị lực vươn lên, cậu vẫn thi đậu 2 trường đại học, liên tiếp giành nhiều học bổng khi là học sinh.
Vượt lên chính mình
Tôi gặp Thuận lần đầu tại CLB Hoa Đá. Khi đó Thuận tham gia phỏng vấn để trở thành thành viên CLB. Cơ thể không lành lặn như bạn bè cùng trang lứa, nhưng Thuận vẫn luôn vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể.
Lê Viết Thuận (giữa) luôn hòa đồng với bạn bè.
Thuận là con thứ hai trong gia đình nghèo, bố làm thợ đóng gạch, mẹ là công nhân may. Từ khi lọt lòng Thuận đã ốm yếu, mang nhiều bệnh. Khi mới 5 tháng tuổi, vô tình đạp chân vào chiếc đèn dầu, làm lửa lan ra, bén vào người khiến Thuận bị bỏng rất nặng bên chân trái.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình không đem Thuận đi bệnh viện mà nhờ thầy lang trong làng chữa. Bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà còn ngày một nặng hơn, chân bị biến dạng co quắt lại.
Lại thêm trong quá trình điều trị vết bỏng, Thuận bị nhiễm trùng uốn ván phải tiêm vắc xin, thuốc đặc trị liên tiếp trong hơn một tháng. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn tới gân dẫn tới hậu quả không chỉ mỗi chân mà cơ thể Thuận cũng bị quắt lại. Từ đó, trong vòng 9 năm liên tiếp, Thuận nằm liệt một chỗ.
Mỗi ngày nằm trong nhà, nhìn qua cửa sổ thấy bạn cùng trang lứa nô đùa, cùng nhau cắp sách đi học, Thuận lại bật khóc, đòi bố, mẹ cho đến trường. Thuận khao khát được cắp sách đến trường.
Năm 1999, gia đình vay mượn tiền đưa Thuận đi phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện bỏng Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán nếu muốn thoát cảnh bại liệt thì phải cắt bỏ chân trái. Thế nhưng rất may mắn trong quá trình điều trị, bằng sự cứu chữa tận tình của bác sĩ, cùng nghị lực bản thân, Thuận đã giữ lại được đôi chân nhưng việc đi lại vẫn gặp nhiều khó khăn. Thuận bị mất 70% sức khỏe.
Lê Viết Thuận, chàng sinh viên giàu nghị lực.
Sau phẫu thuật trở về, 10 tuổi Thuận mới tập tễnh tập đi những bước chân đầu đời. Dù đã cố gắng nhưng Thuận vẫn không thể đi được bình thường. Mỗi khi thời tiết thay đổi, đôi chân co quắp vì di chứng của bệnh uốn ván lại sưng lên hành hạ Thuận. Khi đã biết đi, Thuận đòi bố mẹ cho đi học.
Thương con, bố làm đơn xin cho con vào lớp 1. Do đã quá tuổi nên không được nhận vào chính thức mà chỉ là học gửi cùng các em sinh năm 1995 (kém Thuận 4 tuổi), nhưng với Thuận đó là niềm hạnh phúc vì ước mơ được đi học đã thành hiện thực.
"Thuận tham gia CLB đã được hơn một năm. Bạn ấy không chỉ học giỏi mà còn là một con người vui vẻ, hòa đồng với mọi người, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những người khuyết tật, động viên, an ủi họ vươn lên trong cuộc sống. Là một tấm gương để các thành viên trong CLB học tập". - Đặng Thế Lịch, nhóm trưởng CLB Hoa Đá
Là học sinh lớn tuổi nhất lớp, dáng đi, ngoại hình không bình thường nên Thuận luôn bị các bạn trong lớp trêu chọc, Thuận kể: "Lúc đầu mới được đi học thì vui mừng lắm, nhưng khi đến lớp bị nhóm bạn trêu chọc thấy xấu hổ, nhiều lúc không muốn đi học nữa. Nhưng, mình không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên quyết tâm học và phải học giỏi nhất lớp để bạn bè không ai dám cười chê nữa".
Những ngày đầu tập viết, tay phải của Thuận bị quắp lại không thể hoạt động. Thuận quyết tâm tập viết bằng tay trái. Mới đầu chưa quen nên tay trái thường xuyên bị chuột rút, nhưng rồi được thầy cô động viên, Thuận đã vượt qua được thử thách này và trở thành học giỏi suốt những năm tiểu học.
Lên THCS, THPT, Thuận luôn là học sinh có thành tích học tập tốt của trường, là tấm gương sáng được thầy, cô trong trường thường tuyên dương mỗi buổi chào cờ hằng tuần.
Thuận là thành viên tích cực của CLB Hoa Đá.
Được tuyển thẳng vẫn đi thi
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, với sự nỗ lực vươn lên trong học tập, Thuận được tuyển thẳng vào đại học nhưng vẫn quyết tâm đi thi để thử sức mình. Thuận đã đỗ 2 trường đại học lớn là ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội và Học viện Quản lý giáo dục, trong sự ngỡ ngàng và thán phục của nhiều người.
Thuận chọn học ngành Công tác xã hội của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vì: "Mình muốn học ngành này để khi ra trường có thể tham gia làm việc ở các tổ chức hoạt động xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như mình", Thuận nói.
Giờ đây, Thuận đã là sinh viên năm thứ hai. Ngoài việc học tập tốt, giành nhiều học bổng cao quý, vừa qua Thuận được Tỉnh Đoàn Bắc Giang trao tặng giải thưởng Hoàng Hoa Thám. Thuận còn tích cực tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ Hoa Đá, nơi chuyên giúp đỡ các sinh viên khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, với sự nỗ lực vươn lên trong học tập, Thuận được tuyển thẳng vào đại học nhưng vẫn quyết tâm đi thi.Thuận đã đỗ 2 trường đại học lớn là ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội và Học viện Quản lý giáo dục.
Theo Quang Lộc - Lương Thảo
Tiền Phong
Số người tử nạn trong vụ rơi MI171 đã lên con số 19 Sau 2 tuân điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn 1 trong 3 ngươi bi thương con lai trong vu rơi may bay ơ Hoa Lac ngay 7/7, đa trut hơi thơ cuôi cung vao luc 10h45 sáng nay (19/7), nâng tông sô ngươi chết lên con sô 19 người. Theo cac bac sy Viên Bong Quôc gia,...