Nghĩ gì sau vụ tai nạn cầu Ghềnh?
TP.HCM có hàng chục km đường sắt ngang qua. Sau tai nạn kinh hoàng trên cầu Ghềnh ngày 6/2, vấn đề an toàn đường sắt cũng cần nên xem lại…
Chết người vì… đường sắt
Ga cuối cùng của hành trình bắc nam cũng là ga xuất phát của những đoàn tàu nam bắc là ga Sài Gòn. Từ đây, đường sắt len lỏi qua các khu dân cư đông đúc thuộc các quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp và Thủ Đức trước khi đến địa phận Bình Dương.
Từ nhiều năm qua, tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trên cung đường này. Nổi trội nhất là đoạn ngang qua quận Phú Nhuận, nơi giao cắt với đường Trần Khát Chân và dọc theo đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức).
Nhiều người cũng không quên tai nạn tàu hỏa húc tung một xe du lich đời mới tại cổng xe lửa số 7 (giao lộ Đỗ Tấn Phong – Trần Khát Chân) và cũng tại nơi đây đã xảy ra hàng loạt tai nạn xe lửa đụng chết người. Mới đây, tối ngày 29/12/2010, tàu SE2 khởi hành từ ga Sài Gòn đi Hà Nội đã đụng chết một người đàn ông. Đây là khu vực tập trung khá đông người, gần chợ, mật độ xe và người đi đường luôn tấp nập.
Giải cứu sà lan đội cầu Bình Lợi
Riêng đoạn đường sắt dọc theo đường Kha Vạn Cân trong phạm vi phường Hiệp Bình Chánh có chiều dài gần 5km từ cầu Bình Lợi đến cầu Gò Dưa từ lâu được mệnh danh là con đường tử thần bởi đã có hàng trăm tai nạn xảy ra trên tuyến đường này. Dọc theo đường sắt là những khu dân cư đông đúc, nhiều đường dân sinh được mở một cách tùy tiện đã làm cho mức độ nguy hiểm ngày một tăng cao.
5 giờ 30 sáng 28-9-2004, chị Nguyễn Thị Hà đã bị đoàn tàu Bắc Nam trên đường về ga Sài Gòn cán chết khi chị băng ngang đường ray qua khu phố 3 (P. Hiệp Bình Chánh). Trước đó một tuần, tàu hỏa cũng đã cán chết một người đi xe gắn máy khi cố vượt qua đường sắt đoạn trước chùa Ưu Đàm.
Ngày 14-6-2005 tại đường dân sinh giao với đường sắt cạnh vườn mai Tư Ai (khu phố 4), đoàn tàu D2 đã húc vào một xe máy làm người điều khiển và xe văng xa hơn 10m về phía lề đối diện. Nạn nhân đã chết trên đường chuyển viện. Được biết, trước khi xảy ra tai nạn, tại giao lộ này, tín hiệu đèn và chuông vang lên liên tục nhưng vẫn không làm cho nạn nhân chùn bước.
Video đang HOT
Ngày 7-7-2005, chị Nguyễn Minh Triệu chở con nhỏ băng ngang đường sắt đã bị đoàn tàu E1 (đi Hà Nội) va quẹt khiến cả hai mẹ con văng xuống đường. Cháu nhỏ chết ngay tại chỗ. Chị Triệu bị thương nặng. Và còn rất nhiều vụ tai nạn đau lòng như vậy trên đoạn đường này.
Năm 2006, ngành đường sắt đã dựng nhiều hàng rào cách ly đường sắt với khu dân cư, nhưng hiệu quả của hàng rào này chưa cao. Tai nạn vẫn còn xảy ra liên tục.
Những bất an từ đường sắt
Cái chết của người đàn ông vào đêm 29/12 có một phần trách nhiệm của ngành đường sắt. Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận nhiều đoạn rào đang trong giai đoạn sửa chữa được tháo ra và bỏ trống. Nạn nhân đã đi vào những ô trống này và hậu quả xấu đã xảy ra.
Đi bộ trên đường sắt bất chấp nguy hiểm
Tương tự, những tại nạn tại giao lộ Trần Khác Chân – Đỗ Tấn Phong trước đây một phần do chắn không barie, không người gác, đèn tín hiệu bị che lấp và khi tàu đến khó phát hiện được bởi chung quanh là nhà cao chi chít.
Hai năm trước, tại chắn Bình Triệu, sau khi đóng chắn bên trong vẫn còn một chiếc xe tải chở đầy sắt gặp sự cố không di chuyển được. Rất may, nhờ nhân viên gác chắn báo hiệu từ xa, đoàn tàu dừng lại. Trưởng tàu xuống xem xét và đã cho tàu tiếp tục chạy bởi khoảng cách giữa xe và tàu chưa được một gang tay.
Tai nạn trên cầu Ghềnh vào tối mồng 4 tết một lần nữa cho thấy nhân viên gác chắn quá thiếu trách nhiệm.
Thay vì gia cố cuốn chiếu, khung hàng rao được tháo ra hàng loạt rồi để trống. Một tác nhân gây ra tai nạn đêm 29/12
Hiện nay, TP.HCM không quản lý một cầu đường sắt nào có chung với đường bộ như cầu Ghềnh. Tuy nhiên, cầu Bình Lợi trải qua hơn 100 năm đưa đón những đoàn tàu cũng đã có phần mệt mỏi. Nhưng điều đó cũng không đáng quan ngại bằng mực nước dưới sông. Triều cường mỗi năm một cao thêm vì thế lượng phương tiện thủy qua cầu mỗi khi nước lớn đã đe dọa trực tiếp dến sự an nguy của cầu.
Rạng sáng 15/4/2010, sà lan trọng tải 990 tấn do tài công Nguyễn Văn Hùng điều khiển ngang qua cầu Bình Lợi theo hướng thượng nguồn về TP.HCM. Sau khi qua được khoảng 2/3 thì đuôi sà lan vướng vào gầm cầu rồi kẹt cứng ở đó. Nước thủy triều đang lên khiến đường sắt trên cầu bị đội vồng lên 10 ly.
Ngày 28/11/2010, sà lan số hiệu VL1349 tải trọng 872 tấn lưu thông theo hướng từ hạ lưu về Bình Dương khi qua khu vực cầu Bình Lợi đã va vào dầm cầu tại vị trí nhịp 3 làm gối cầu bị dịch chuyển 5 cm.
Trong khi ngành hàng không có kế hoạch di chuyển sân bay Tân Sơn Nhất về Long Thành, ngành hàng hải di dời các cảng ra khỏi thành phố và đường bộ các bến xe ra ra ngoại ô thì ga Sài gòn vẫn chễnh chệ ngay trung tâm thành phố.
Việc di dời ga Sài Gòn về các ga khác như ga Sóng Thần hoặc ga Bình Triệu là một việc rất cần thiết. Động thái này sẽ không làm cho ngành đường sắt tốn nhiều kinh phí tu sửa hay xây mới cầu Bình Lợi, đầu tư gia cố lại hệ thống an toàn đường sắt từ ga Sài Gòn đến ga Thủ Đức ngang qua các khu vực đông dân. Ngược lại, di dời ga Sài gòn ra khỏi thành phố càng củng cố an toàn tài sản và tính mạng người dân.
Người dân cũng có lỗi trong tai nạn đường sắt
Vụ tàu hoả SE2 hành trình từ TP.HCM ra Hà Nội đâm vào 6 ô tô, làm 2 người chết và 26 người bị thương trên cầu Ghềnh (Đồng Nai) tối 6/2, không chỉ lái tàu, người gác chắn mà cả những người tham gia giao thông đường bộ cũng có một phần trách nhiệm.
Trước khi xảy ra tai nạn, cảnh kẹt xe đã diễn ra. Giao thông bị ùn ứ, không xe nào chịu nhường xe nào để thoát ra khỏi khu vực có đường sắt chạy qua.
Tình trạng trên đúng như câu chuyện ngụ ngôn hai con dê cùng muốn qua cầu. Đây cũng không phải là chuyện lạ ở Việt Nam, cảnh tượng đó thường xuyên diễn ra trên đường phố. Đó chính là ý thức của người tham gia giao thông, ai cũng biết nhưng sửa thì dường như khó quá.
"Ý thức giao thông của người dân quá kém!"
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban ATGT Đường sắt cho biết: Tổng công ty ĐSVN đã nhiều lần gửi văn bản lên Bộ GTVT đề nghị xóa bỏ việc đi chung cầu giữa đường sắt và đường bộ, vì hiện nhiều nơi đã có đường mới, cầu mới thay thế. Các phương tiện chỉ cần đi xa hơn một vài km là có thể bỏ việc đi chung này. Cầu Ghềnh hoàn toàn có thể chấm dứt việc đi chung, nếu Sở GTVT Đồng Nai đồng ý với phương án này. Sau vụ tai nạn này, dứt khoát các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải rà soát lại việc đi chung cầu giữa đường sắt và đường bộ. Nếu vì lý do nào đó buộc phải đi chung sẽ có một qui trình điều khiển giao thông ở đây nghiêm ngặt hơn, tính pháp lý cao hơn.
Chiếc xe tải nát bét sau vụ tai nạn tàu hỏa trên cầu Ghềnh hôm 6/2. Ảnh: Bee
Thừa nhận sự thiếu trách nhiệm của nhân viên đường sắt trong vụ tai nạn tại cầu Ghềnh, ông Bình cũng nhấn mạnh yếu tố ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân còn quá kém. Cơ sở hạ tầng đường sắt chưa được đầu tư thỏa đáng, ý thức của người tham gia giao thông kém, cộng với sự thiếu trách nhiệm của nhân viên đường sắt chính là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn tại cầu Ghềnh.
Huy động lực lượng liên ngành điều tiết giao thông trên cầu chung
Hiện có 10 cầu chung giữa đường sắt và đường bộ là cầu Phố Lu, Ngòi Đường (Lào Cai), Thị Cầu (Bắc Ninh), Sông Thương (Bắc Giang), Tam Bạc (Hải Phòng), Đọ Xá (Hà Nam) La Khê (Hà Tĩnh) Tháp Chàm (Ninh Thuận), Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh), Đồng Nai nhỏ (Đồng Nai).
Quay trở lại vụ tai nạn trên cầu Ghềnh, đơn vị quản lý, điều hành giao thông trên cầu Đồng Nai là Công ty TNHHMTV Quản lý đường sắt Sài Gòn. Tại đây luôn có 4 nhân viên làm nhiệm vụ điều hành, hướng dẫn giao thông qua cầu cho cả 2 phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ.
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, giao thông đường bộ trên cầu đang được điều hành chạy theo hướng Bắc. Khi có làn 5 xe ô tô đang ở trên cầu chạy theo hướng này thì có xe taxi BKS: 56K-8595 chạy theo hướng ngược lại, đi vào cầu nên đã xảy ra ách tắc. Lái xe ô tô (trên cả 2 chiều) xuống xe tranh cãi càng gây ra ách tắc kéo dài. Chỉ sau khi nhân viên gác cầu đến can thiệp thì lái xe taxi 56K-8595 mới chịu lùi. Khi xe taxi đang lùi gần ra khỏi cầu thì tàu hỏa đi tới và tai nạn đã xảy ra.
Cầu chung Đồng Nai Lớn là cầu chung đường sắt và đường bộ nhưng lại là cửa ngõ phía Bắc đi vào TP Biên Hòa nên mật độ giao thông ở đây rất cao. Cầu lại được xây dựng cách đây đã trên 100 năm nên lòng cầu nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một làn phương tiện qua cầu. Trong khi đó, nhân viên điều hành trên cầu chỉ là công nhân đường sắt, không có thẩm quyền xử phạt các trường hợp vi phạm nên việc điều hành giao thông trên cầu gặp rất nhiều khó khăn.
Nên chăng trong khi chưa thể xóa bỏ các cầu chung, cần sớm xem xét phương án tổ chức tuần gác và điều hành giao thông qua cầu chung (đường bộ, đường sắt) phải bao gồm các lực lượng liên ngành như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và nhân viên ngành đường sắt.
Theo Bee.net.vn
Ai phải chịu trách nhiệm bảo vệ Đường sắt quốc gia? Hàng ngàn đường bộ trỗi dậy cắt ngang ĐS quốc gia mà cơ quan chủ quản không có một biện pháp hữu hiệu gì để ngăn cản. Tại sao hàng chục năm nay Bộ GTVT không quan tâm đến việc quy hoạch thiết kế cho các cầu đường bộ qua đường sắt...? LTS: Thảm họa giao thông lúc 19h40 ngày 6/2 (mùng 4...