Nghị định của Chính phủ: Phạt tiền nếu gian dối sức khỏe trốn nghĩa vụ quân sự
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Nghị định gồm 4 chương, 52 Điều quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Phạt tiền từ 200.000-600.000 đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này; không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định; không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định; không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định.
Phạt tiền nếu gian dối sức khỏe trốn nghĩa vụ quân sự
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
Nghị định cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 800.000 -1,2 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Phạt tiền từ 1,5-2,5 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện; chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ.
Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các kỹ thuật mật mã, sản phẩm mật mã không do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp để bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
Video đang HOT
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong những hành vi không thực hiện mã hóa bằng mật mã của cơ yếu những thông tin bí mật Nhà nước khi truyền đi bằng các phương tiện thông tin, viễn thông; không thực hiện mã hóa bằng mật mã của cơ yếu khi lưu giữ thông bí mật Nhà nước trong các phương tiện thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/11/2013 và thay thế Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 9/12/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng./.
Theo Vietnnam
Thiếu tướng Lê Mã Lương: "Chưa có giặc mà đã hèn nhát thế thì..."
"Hiện tượng dạy nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự là điều rất lạ lẫm với dân tộc Việt Nam, lạ lẫm với tính cách người Việt Nam nhưng tôi cho rằng số lượng người như vậy không nhiều. Người Việt Nam không hèn thế".
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" từng trở thành thần tượng của bao thế hệ thanh niên Việt Nam.
Xoay quanh thông tin về việc có nhiều thanh niên tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự cũng như có những thông tin trên nhiều diễn đàn bày cách trốn nghĩa vụ quân sự, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Mã Lương về vấn đề này.
Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
"Họ không xứng đáng là người Việt Nam"
Thưa thiếu tướng, ông thấy như thế nào khi người ta bày cách cho nhau để tránh phải đi nghĩa vụ quân sự?
- Trong thời bình, các quốc gia bao giờ cũng có sách lược chuẩn bị đối phó với bất kỳ tình huống nào để bảo vệ đất nước. Lực lượng bảo vệ là thanh niên. Kể cả những nước phát triển và đang phát triển đều có luật nghĩa vụ quân sự thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước. Thường độ tuổi đó từ 18-25 tuổi.
Khi tôi nghe chuyện một số thanh niên như vậy tôi thấy họ rất đáng trách và không hài lòng với cách làm như vậy. Đó là sự hèn nhát của người đang trưởng thành. Trong thời bình, chúng ta phải chuẩn bị lực lượng để khi có chiến tranh thì đã có lực lượng thanh niên vừa bản lĩnh, vừa có trình độ nhất định về quân sự, có sức khoẻ sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Việc những thanh niên dạy nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự thể hiện rằng họ không ý thức được điều mình làm và vô hình chung họ đã phạm vào một điều thiêng liêng đó là trách nhiệm công dân đối với đất nước.
Tại sao họ lại hèn đến như vậy? Chưa có giặc mà đã hèn nhát như thế thì khi có giặc sẽ hèn như thế nào nữa? Thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình mà còn hèn như vậy thì trong các lĩnh vực khác, các thanh niên đó cũng rất hèn và đáng lên án.
Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hiện tượng phổ biến trên thế giới nhất là khi đất nước hoà bình nhưng số lượng không nhiều. Còn ở Việt Nam, hiện tượng trốn tránh nghĩa vụ quân sự và dạy nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự là điều rất lạ lẫm với dân tộc Việt Nam, lạ lẫm với tính cách người Việt Nam nhưng tôi cho rằng số lượng người như vậy không nhiều.
Người Việt Nam không hèn thế. Họ không xứng đáng là người Việt Nam vì có lỗi với những thế hệ đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc để họ có cuộc sống yên bình như ngày hôm nay. Họ đã quay lưng lại với truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm của tổ tiên. Dưới góc độ nào đó, cách hành xử của những thanh niên đó là một tội ác cần lên án.
Ông đánh giá như thế nào về một số cách được bày ra để một số thanh niên có thể áp dụng nhằm trốn thực hiện nghĩa vụ quân sự?
- Các cách đó rất trẻ con mà ai cũng biết. Những cách này chưa hành động thì người ta đã biết rồi.
Các thanh niên đó đừng tưởng những nhà chức trách, quản lý không biết việc đó vì hiện tượng này không phải mới mà đã có hàng chục năm nay rồi. Hiện, Bộ Quốc phòng đang có chính sách để tuyển quân có chất lượng.
Trong chiến tranh, nhiều nhà lãnh đạo đã động viên con cháu mình lên đường tham gia cuộc chiến giải phóng đất nước. Trong số đó, tôi rất nhớ đến trường hợp nhà tướng Đồng Sỹ Nguyên khi ông có con trai tham gia quân đội và đã hy sinh. Nhân dân ghi nhận sự trong sáng và mẫu mực của các nhà lãnh đạo.
Tôi rất hy vọng thời bình này, để chuẩn bị tiềm lực cho đất nước phòng khi hữu sự thì ngay bây giờ, các đồng chí lãnh đạo cũng thể hiện sự mẫu mực như thời chiến tranh chống Mỹ.
Chưa có giặc mà đã hèn nhát thế thì...
Thời của ông có những người tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự như thế không? Và thời đó, xã hội đánh giá những người này như thế nào?
- Thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh xảy ra trên quy mô rộng, đất nước huy động đông đảo thanh niên lên đường đi chiến đấu giúp đất nước và nước bạn. Cho nên trong những năm tháng chống Mỹ, lực lượng thanh niên tham gia quân đội vô cùng lớn.
Khi đó, hầu hết ở các làng quê chỉ có người gia và phụ nữ. Nếu còn sót lại thanh niên nào đó mạnh khoẻ thì người đó sẽ cảm thấy xấu hổ và cô đơn, sẽ bị ánh mắt của những người hàng xóm nhìn thiếu thiện cảm với câu hỏi vì sao không gia nhập quân đội.
Thời chiến tranh, có những thanh niên gia nhập rồi nhưng không chịu được môi trường sống khắc nghiệt, những áp lực sẵn sàng nhận nhiệm vụ nên đã bỏ trốn. Hậu quả là gia đình có con như vậy cảm thấy xấu hổ khi con mình không hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với đất nước đang có chiến tranh.
Vì thế, trước đây ở miền Bắc có những trung tâm thu gom các thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, đào ngũ để cải tạo về mặt tư tưởng, nâng cao ý chí. Lúc đi ăn cơm, họ phải đeo trước ngực 1 cái biển ghi: "Nếu ai cũng như tôi thì mất nước". Đó là biện pháp cuối cùng của giáo dục.
Thời đó, chúng ta không có luật nghĩa vụ quân sự. Hợp tác xã lo ăn mặc, chữa bệnh để thanh niên đủ điều kiện ra mặt trận. Ở các phường có biện pháp nuôi quân để đảm bảo với cấp trên về quân số và tiêu chuẩn quân nhập ngũ. Đó là thời hào hùng của dân tộc này.
Khi ý thức được trách nhiệm với đất nước, lòng tự hào dân tộc trỗi dậy thì người ta sẽ gác hết mọi việc riêng để làm tròn trách nhiệm với đất nước.
Đối với Việt Nam, nhiều năm nay chúng ta đã có luật. Nếu để hiện tượng tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự diễn ra trong thời gian dài thì sẽ tạo 1 mối nguy hiểm cho đất nước. Rất có thể, hiện tượng này sẽ phát triển mạnh và trở thành ung nhọt của đất nước...
Xin cảm ơn ông!
Theo BLD
Phó Giám đốc bệnh viện bán giấy khám sức khỏe "siêu tốc" Người phụ nữ tên Chi gói cẩn thận tiền, ảnh vào một tờ báo rồi đưa cho chúng tôi kèm theo câu dặn dò tỉ mỉ trước khi gặp bà Ngô Thị Thường - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Hải Dương. Bất cứ ai khi đi học, đi làm, làm giấy phép lái xe... đều cần tới giấy khám...