Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế
Trước ý kiến của Grab cho rằng việc tăng mức khấu trừ mỗi chuyến xe là do áp dụng Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 5/12/2020), chiều 8/12, Tổng cục Thuế cho biết, việc áp dụng Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế.
Theo Tổng cục Thuế, Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế xe công nghệ. Ảnh: TL.
Theo thông tin được Tổng cục Thuế phát đi, Nghị định 126 quy định tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.
Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân (biểu thuế tại Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân), không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.
Về tác động của Nghị định 126 đối với Grab, Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian qua do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định.
Video đang HOT
Nghị định 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế, nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT – chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.
Như vậy, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).
Do đó, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cũng như thu nhập của tài xế.
Tổng cục Thuế cho rằng, Grab có trách nhiệm trong việc phải thực hiện khai thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Grab được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ. Vì thực tế, Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.
Tổng cục Thuế cho rằng, lý do Grab thay đổi chính sách giá và tỷ lệ chiết khấu cho tài xế tại thời điểm 5/12 là do tác động của Nghị định 126, dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% – 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng. Hiện Tổng cục Thuế đã có giấy mời đại diện Grab giải trình về việc này.
Vì sao Grab bất ngờ tăng mạnh giá cước?
Grab giải thích việc tăng giá cước là do quy định mới của Nghị định 126, theo đó từ ngày 5-12, thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 3% lên 10% đối với xe công nghệ.
Từ 11 giờ ngày 5-12, Grab là hãng gọi xe công nghệ đầu tiên điều chỉnh tăng phần khấu trừ với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên cả nước.
Theo đó, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội, Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và từ 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.
Giá cước cho 2 km đầu với GrabCar 4 chỗ cũng tăng từ 25.000 lên 27.000 đồng và xe 7 chỗ từ 30.000 lên 32.000 đồng.
Tương tự, giá cước GrabBike cho 2 km đầu tiên tăng từ 10.000 lên 11.000 đồng/km và mỗi km sau đó tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.
Grab giải thích việc tăng giá cước là do quy định mới của Nghị định 126. theo đó, từ ngày 5-12, thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 3% lên 10% đối với xe công nghệ.
Cùng với quyết định tăng giá cước, Grab cũng tăng phần khấu trừ doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike.
Theo đó, mức khấu trừ với tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273% và khấu trừ với tài xế GrabCar cũng tăng từ 28,37% lên 32,84%.
Tài xế xe công nghệ lo lắng ế khách do giá cước tăng cao
Trong khi đó, đại diện Gojek cho biết doanh nghiệp này là đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ kết nối chứ không phải đơn vị vận tải nên chưa biết có áp dụng theo Nghị định 126 hay không. Vấn đề này, Gojek đã liên hệ cơ quan chức năng để làm rõ nhưng vẫn chưa được trả lời chính thức. Do đó, các vấn đề liên quan đến giá cước, chiết khấu, khấu trừ thuế của hãng gọi xe này chưa có gì thay đổi.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động chiều 5-12, nhiều người đi xe Grab đều cho biết giá cước tăng khá cao so với bình thường. Theo chị Trương Thúy Quỳnh ở quận 2, TP HCM, thông thường chị đặt cuốc xe GrabBike từ quận 2 sang quận 10 mất khoảng 50.000 đồng thì nay tăng lên hơn 60.000 đồng.
Một số người thậm chí còn cho biết giá cước xe công nghệ đã tăng mấy ngày nay chứ không phải từ trưa 5-12. Ông Lê Minh Tùng ở quận 1, thường xuyên đi xe công nghệ Grab, Be, Gojek nhưng mấy ngày nay giá tăng khá cao nên ông chuyển sang đi xe ôm truyền thống cho rẻ.
Đưa công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu Ngày 23/10, tại thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc Chuỗi triển lãm trực tuyến dành cho ngành sản xuất, gia công cơ khí và công nghiệp hỗ trợ METALEX Việt Nam 2020 và Triển lãm CNHT 2020. Triển lãm do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Văn phòng Đại diện...