Nghi can giết 4 người tự tử, những ai chịu trách nhiệm?
Trong việc để đối tượng Phạm Duy Quý thắt cổ tự tử tại nơi giam giữ thì quản lý trại giam cũng như điều tra viên… khó tránh khỏi trách nhiệm”- Luật sư Trương Quốc Hòe nhận định.
Liên quan đến việc bị can Phạm Duy Quý (SN 1993, trú tại thôn Ngọa Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Hải Dương) – hung thủ vừa giết chết 4 người thân trong gia đình vào ngày 2/8, đã tự tử trong trại giam vào ngày 4/8, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng VPLS Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
- Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về việc bị can Phạm Duy Quý tự tử trong nhà tạm giam ở Hải Dương?
Khi phạm nhân chết trong trại giam sẽ phải được xem xét kỹ.
Theo quy định mỗi khi điều tra viên tiếp nhận một phạm nhân đều phải ký sổ tiếp nhận phạm nhân này. Sổ ghi rất rõ điều tra viên là ai, thuộc cơ quan nào và ký nhận phạm nhân nào từ thời gian nào đến thời gian nào thì trả.
Khoảng thời gian này coi như trại giam đã bàn giao phạm nhân cho điều tra viên và điều tra viên phải chịu trách nhiệm về phạm nhân đó.
Điều tra viên đương nhiên phải liên quan đến cái chết của phạm nhân. Vì khi bắt đầu làm việc, điều tra viên phải hỏi thăm phạm nhân có đủ sức khoẻ để làm việc không, nếu không đủ thì phải dừng ngay việc hỏi cung.
Nếu điều tra viên vẫn tiếp tục làm việc, điều đó có nghĩa rằng phạm nhân đủ sức khoẻ không thể dẫn đến cái chết do ốm đau, bệnh tật.
Do vậy, điều tra viên không thể không có trách nhiệm trong việc phạm nhân bị chết.
Còn việc phạm nhân tự tử thật khó có thể chứng minh. Vì giả dụ khi cán bộ điều tra dùng nhục hình sẽ phải để lại ít nhiều dấu vết trên thân thể nạn nhân, nếu nghi ngờ, có thể yêu cầu tìm hiểu nguyên nhân cái chết của phạm nhân, hoàn toàn không có gì khó khăn.
Video đang HOT
Nếu phạm nhân chết do tự tử thì cần xử lý trách nhiệm của cán bộ quản lý trại và điều tra viên.
- Việc can phạm chết trong nhà tạm giam, cán bộ nhà tạm giam công an tỉnh Hải Dương phải chịu trách nhiệm như thế nào thưa ông?
Pháp luật nước ta và còn nhiều nước khác trên thế giới không quy định vấn đề cá nhân có quyền sử dụng sinh mạng của mình hay không.
Chính vì vậy mà pháp luật không quy định trách nhiệm của người điều tra viên, cán bộ trại giam hay trại về việc để một người tự sát. Bởi vì, nếu hiểu mỗi cá nhân có quyền sử dụng sinh mạng của mình thì khi anh ta thực hiện cái quyền ấy thì không thể là trách nhiệm của người khác.
Tuy nhiên, pháp luật cần phải có các chế tài để sao cho điều tra viên, cán bộ trại giam không thể là người giúp sức hay cung cấp phương tiện cho phạm nhân thực hiện quyền sử dụng sinh mạng của mình một cách dễ dàng được.
Và nếu họ tạo điều kiện để phạm nhân tự sát thì trách nhiệm hình sự hoặc hành chính sẽ phải được áp dụng ở đây.
Trong việc để đối tượng Phạm Duy Quý thắt cổ tự tử tại nơi giam giữ thì quản lý trại giam cũng như điều tra viên… khó tránh khỏi trách nhiệm.
Theo quy định tại điều 285 Bộ luật Hình sự “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì:
“Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, trong vụ việc của bị can Phạm Duy Quý treo cổ tự tử trong nhà tạm giam, những người được giao nhiệm vụ trông giữ cán bộ quản lý, điều tra viên rất có thể bị xử lý theo điều luật này.
Hơn nữa kể cả tử tù đã bị tuyên án và chỉ chờ thi hành, những người quản giáo cũng không được để họ tự tử trong trại giam. Nếu để xảy ra việc đó thì giám thị sẽ bị kỷ luật khá nặng.
Tất nhiên, không thể khẳng định, mà đây chỉ là giả thiết căn cứ cho câu hỏi trách nhiệm cơ quan quản lý bị can, điều tra viên… trong việc để bị can tự tử trong thời gian tạm giam. Muốn xác định trách nhiệm và xử lý đến đâu thì phải có điều tra cụ thể.
Theo VietNamNet
Nghi phạm chém chết 4 người thân có thể bị tâm thần
Đối tượng giết người tỏ ra hết sức bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
Như tin đã đưa, đêm 2/8, tại xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã xảy ra một vụ án nghiêm trọng làm chết 4 người.
Khi công an xã đang nắm thông tin và bảo vệ hiện trường vụ án thì nhận được tin báo của Công an huyện Thanh Hà: một thanh niên người cao lớn trong xã vừa đi xe máy đến công an huyện đầu thú và khai tên là Phạm Duy Quý (21 tuổi, vừa chém chết 4 người trong gia đình, họ hàng).
Trưa 3/8, phóng viên có mặt tại cơ quan điều tra và được tiếp xúc với Quý. Thật bất ngờ vì trong khi nói chuyện, Quý vẫn tỏ ra hết sức bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
Quý tại cơ quan điều tra Quý cho biết, không bị bố mẹ đánh mắng, nhưng ít khi nói chuyện với bố. Riêng chị Hằng, một trong 4 người thiệt mạng vì bị Quý chém thì bị Quý "không thích" vì "nhìn thấy khó chịu". Chị Hằng là chị họ, con bác, cách nhà Quý khoảng 50m.
Khi về tìm hiểu tại địa phương, chúng tôi được gặp bác sĩ Lưu Thị Chín - Trưởng trạm Y tế xã Phượng Hoàng, là bạn bè thân thiết với bà Thơm, mẹ Quý, là một trong 4 người bị Quý sát hại.
Bà Chính cho biết bà Thơm đã nhiều lần tâm sự việc Quý nhiều lần bỏ học chơi game, có dấu hiệu bệnh thần kinh hoang tưởng.
Quý từng được gia đình cho đi học tại một trường cao đẳng nhưng vì phát bệnh không học được.
Quá trình thăm khám cho thấy Quý có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, ngại tiếp xúc với người ngoài, hay tỏ ra trầm cảm.
Trong lúc tiếp xúc, Quý cũng cho biết trong các ngày 1 và 2/8 đã liên tục chơi game. Trong đó, ngày 2/8 đã đi chơi ở một quán internet từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, khi về nhà thì gây án.
Sau khi chém chết 4 người là bà nội, bố mẹ và chị họ, Quý giắt dao vào giá để hàng ở xe máy, sau đó phóng xe đến công an huyện đầu thú.
Trên đường đi Quý bị ngã xe, dao rơi ra đường nhưng không biết mà dựng xe đi tiếp. Người dân địa phương đã nhặt được con dao và nộp cho cơ quan công an.
Theo công an xã Phượng Hoàng, ông Tuấn là một cán bộ xã đội có uy tín, vợ là bà Thơm cũng được dân làng quý mến. Ông bà có hai con, con gái đầu đã lấy chồng ở tỉnh Thái Bình.
Trao đổi với chúng tôi chiều nay, đại diện của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hải Dương cho biết sẽ giám định sức khỏe Phạm Duy Quý, nếu khi gây án có biểu hiện tâm thần sẽ cho đi chữa bệnh bắt buộc./.
Theo Việt Hải - Hải Sâm
Thảm án Hải Dương:Con trai truy sát cả nhà, 4 người thiệt mạng Bốn người trong gia đình đã bị thiệt mạng sau khi bị chính con trai, cháu nội cuồng điên dùng đao truy sát, đâm chém kinh hoàng... Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hải Dương đang điều tra làm rõ vụ thảm án tại thôn Ngoại Đàm (xã Phượng Hoàng, Thanh Hà, Hải Dương) xảy ra vào lúc 19h5 ngày 2/8 khiến 4...