“Nghi án” hối lộ cho thấy giá thuốc gánh những khoản “hoa hồng” thế nào
“Hiện có hàng chục công ty dược, thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, chỗ nào cũng có hoa hồng. Với phát hiện, công bố ở nước ngoài trong vụ Bio-Rad sẽ giúp ta thấy được giá thuốc thực tế bị chi phối bởi những khoản hoa hồng thế nào”…
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/11 về việc Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ vừa ra trát lệnh yêu cầu công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio-Rad Laboratories (gọi tắt là Bio-Rad) ở bang California (Mỹ) cáo buộc Bio-Rad đã đưa hối lộ gần 7,5 triệu USD cho các quan chức ở Việt Nam, Nga và Thái Lan từ năm 2005 đến năm 2010. Cụ thể, tính từ năm 2005 đến cuối năm 2009, văn phòng Bio-Rad tại Việt Nam đã chi 2,2 triệu USD tiền hối lộ và ký kết được hợp đồng với doanh số 23,7 triệu USD.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên: Ở chỗ nào cũng có “hoa hồng”
Thêm một “nghi án” quan chức Việt Nam nhận hối lộ bị phát giác, tố cáo từ các đối tác nước ngoài, lần này là trong lĩnh vực y tế. Là người phụ trách nhiệm vụ giám sát các hoạt động trong lĩnh vực này, ông đã nắm thông tin vụ Bio-Rad?
Bộ trưởng Y tế đã có văn bản gửi cho Bộ trưởng Bộ Công an về việc này rồi, vấn đề chính bây giờ là phải xác định cụ thể nội dung này. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã xử phạt một công ty của Mỹ là Sasco Smith mấy trăm triệu USD vì tội hối lộ và tập đoàn này đã chấp nhận chịu phạt.
Còn trường hợp này ở Việt Nam, chúng ta cần phải xác định Bio-Rad họ hoạt động trong lĩnh vực nào, thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế… Tôi nghĩ là trong 5 năm mà chỉ có 2,2 triệu USD chi thì có lẽ còn quá nhỏ. Chỉ riêng Bảo hiểm xã hội mỗi năm đấu thầu lại giá thuốc cũng đã dư ra mấy ngàn tỉ đồng rồi. Vậy nên cần kiểm tra cho rõ xem sao.
Còn thực tế nhiều năm nay, chuyện chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là một chuyện phổ biến. Đây là một vấn đề rất lớn. Ở các nước như Mỹ, họ kiểm soát ngay từ các công ty bằng cách xem danh sách chi hoa hồng của doanh nghiệp xem anh chi cho những ai để phát hiện. Chúng ta cũng muốn kiểm soát việc này nhưng rất khó. Tôi mong là qua đợt này, chúng ta sẽ phát hiện được ra xem tiêu cực nằm ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế.
Theo ông có những hình thức hối lộ như thế nào của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực y tế ?
Họ có thể tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo. Nhiều công ty có thể tài trợ cho mấy trăm người đi dự hội thảo, chi phí mỗi người vài ngàn USD, cộng lại đã thành một khoản lớn.
Hình thức hối lộ trong lĩnh vực này rất đa dạng. Không chỉ tài trợ cho cán bộ cho đi thăm ( du lịch), trả tiền trực tiếp hoặc hoa hồng theo đơn thuốc, gói thiết bị mà còn có những cơ chế hối lộ rất tinh vi, không qua tài khoản, không qua ngân hàng. Đây là câu chuyện khá phổ biến trên thế giới mà nhiều nước cũng phải đau đầu để xử lý. Như ở Trung Quốc, họ tìm xem chứng từ có vấn đề gì để xem xét, xử lý. Đó cũng là một cách giám sát.
Video đang HOT
Tôi nghĩ là với những công bố, phát hiện của cơ quan điều tra ở nước ngoài như vậy cũng sẽ giúp chúng ta thấy được mức giá thuốc, giá thiết bị y tế thực tế mà các công ty nước ngoài cung cấp cho ta như thế nào để tránh bị chi phối bởi những khoản hoa hồng rất khó kiểm soát.
Tôi rất muốn trong Luật Đấu thầu có quy định chặt chẽ, có mục riêng cho việc đấu thầu cung ứng thuốc và thiết bị y tế để kiểm soát. Nhưng việc này cũng rất khó vì nó khá phổ biến ở nhiều nước.
Thực tế hoạt động tài trợ cho đi nước ngoài, chi tiền, hoa đồng với cán bộ, bác sĩ y tế ở Việt Nam khá phổ biến và rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ hối lộ, tiêu cực. Theo ông, có giải pháp nào để kiểm soát, phát hiện và xử lý sai phạm trong việc này?
Theo tôi việc đó rất khó. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó họ hay mời đi tham dự hội thảo khoa học. Bình thường thì đây cũng là dịp tốt cho cán bộ y tế nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng ẩn bên trong đó, có chế độ, chính sách tài chính cho người cán bộ, bác sĩ được mời đó thì chúng ta khó biết được. Ở đây là vấn đề y đức, sự tự giác hay cách thức quản lý của cơ quan chủ quản cán bộ, bác sĩ đó.
Có khá nhiều công ty cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Làm thế nào để kiểm soát được hoạt động này, thưa ông ?
Tôi nghĩ là có hàng chục công ty dược, cung cấp thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Và tôi nghĩ là ở chỗ nào cũng có hoa hồng chứ không phải không nhưng làm thế nào để phát hiện là việc khó.
Có cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ y tế, bác sĩ để hạn chế tình trạng nhận hối lộ, chung chi chiết khấu, hoa hồng như này không?
Việt Nam có cơ chế buộc kê khai tài sản rồi. Nhưng thực tế, văn hóa tiền mặt ở Việt Nam dẫn đến việc rất khó kiểm soát. Ở Nhật, họ kiểm soát thu nhập bác sĩ rất chặt. Thu nhập của bác sĩ ở họ gấp 3 lần ở nhiều lĩnh vực khác nhưng vì kiểm soát chặt, bác sĩ chỉ có thu nhập chính đó thôi. Còn ở ta, lương bác sĩ nhiều bệnh viện lớn theo chế độ thế thôi nhưng chúng ta cũng không kiểm soát được hết các nguồn thu nhập khác. Tôi nghĩ, chỉ sau này, khi chúng ta kiểm soát được tất cả các nguồn thu nhập qua tài khoản thì tình hình chống tham nhũng mới thuận lợi hơn.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo ghi
Theo Dantri
Mỹ trị tội một công ty hối lộ quan chức Việt Nam
Một hãng sản xuất thiết bị y tế nổi tiếng ở Mỹ bị cáo buộc hối lộ cho các quan chức ở Nga, VN và Thái Lan để đổi lại hợp đồng mua sản phẩm của họ.
Ảnh minh họa
Ngày 3.11, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) thông báo hãng sản xuất thiết bị chẩn đoán y khoa Bio-Rad Laboratories (Mỹ) đã chấp nhận nộp phạt 55 triệu USD để dàn xếp cáo buộc hối lộ các quan chức ở Nga, VN và Thái Lan - theo AFP.
Trả tiển để tránh truy tố
Cụ thể, Bio-Rad sẽ phải nộp 14,4 triệu USD tiền phạt cho Bộ Tư pháp và 40,7 triệu USD cho SEC. Bio-Rad thỏa thuận nộp phạt cho Bộ Tư pháp Mỹ và SEC, nhằm tránh bị tố theo đạo luật Chống tham nhũng tại nước ngoài (FCPA) thông qua việc hợp tác với cuộc điều tra. Hãng này cũng đối mặt với các cáo buộc làm giả sổ sách và hồ sơ để che giấu các khoản hối lộ.
Theo SEC, Bio-Rad đã hối lộ tổng cộng 7,5 triệu USD trong giai đoạn 2005 - 2010, qua đó thu về 35 triệu USD lợi nhuận phi pháp. Nhà chức trách Mỹ du di cho Bio-Rad vì họ đã công khai việc hối lộ và hợp tác với cuộc điều tra sau khi phát hiện hành vi sai trái của các công ty con.
Chủ tịch Bio-Rad Norman Schwartz nói ông "hài lòng vì vụ dàn xếp đã giải quyết cuộc điều tra FCPA và khép lại vấn đề này của họ". "Các hành động mà chúng tôi phát hiện hoàn toàn trái với văn hóa, giá trị và chuẩn mực đạo đức trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi", ông Schwartz nói trong một thông báo. Bio-Rad cũng thông báo đã sa thải các nhân viên dính líu đến vụ bê bối hối lộ này.
Bộ Tư pháp Mỹ và SEC cho biết các công ty con của Bio-Rad ở châu Âu và châu Á đã hối lộ các quan chức nhà nước từ năm 2005 - 2010 thông qua các công ty trung gian "ma", Ban lãnh đạo Bio-Rad đã bỏ qua các khoản chi này mặc dù họ rõ ràng phải biết được về chúng, theo các nhà điều tra. Một công ty trung gian ở Nga thậm chí đã sử dụng địa chỉ "ma" vốn là trụ sở của một cơ quan nhà nước ở Nga, theo SEC.
Việc các khoản hoa hồng khổng lồ được chi cho các công ty không có nguồn lực thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng lẽ ra cũng phải khiến Ban lãnh đạo Bio-Rad nghi ngờ, theo cáo trạng. Tuy nhiên, một số lãnh đạo cao cấp của Bio-Rad vẫn duyệt chi các khoản tiền đó bất chấp nhiều dấu hiệu nghi ngờ.
Hối lộ bằng hoa hồng
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Bio-Rad thú nhận công ty con của họ tại Pháp là Bio-Rad SNC đã chi tiền dưới danh nghĩa hoa hồng cho các đại lý kinh doanh ở Nga nhằm hối lộ để giành các hợp đồng của Bộ Y tế Nga. Ngoài ra, các công ty con khác của Bio-Rad ở châu Á cũng bị cáo buộc sử dụng những trung gian ở VN và Thái Lan để giành hợp đồng nhờ vào các khoản hối lộ và hoa hồng bất hợp pháp.
Cụ thể, tại VN, một đại diện bán hàng của Bio-Rad đã nhận tội hối lộ các quan chức tại các bệnh viện và phòng thí nghiệm nhà nước để đổi lại hợp đồng mua sản phẩm của công ty này, theo SEC. Trong một thư điện tử gửi cho giám đốc kinh doanh phụ trách khu vực Đông Nam Á ngày 18.5.2006, đại diện kinh doanh tại VN cảnh báo Bio-Rad sẽ mất 80% doanh số nếu không chi hối lộ.
Từ năm 2005 - 2009, Văn phòng đại diện của Bio-Rad tại VN đã trả 2,2 triệu USD cho các đại lý và nhà phân phối để họ chuyển lại cho các quan chức. Số tiền này được ghi vào sổ sách như là "hoa hồng", phí quảng cáo và "phí huấn luyện".
Bio-Rad từng hoạt động mạnh tại Việt Nam
Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic (TP.HCM), Bio-Rad Laboratories la hãng chuyên cung cấp các thiết bị xét nghiệm chẩn đoán nổi tiếng cùa Mỹ. Hãng này đưa sản phẩm vào bán tại thị trường VN khoảng 10 năm nay. Sản phẩm của họ bao gồm nhiều loại, từ hóa chất, test và cả máy dùng trong xét nghiệm.
Một dược sĩ chuyên trách về các sản phẩm xét nghiệm tại TP.HCM cho biết thêm: "Bio-Rad Laboratories, Mỹ đưa thiết bị chẩn đoán y khoa như kit dùng trong xét nghiệm chẩn đoán viêm gan siêu vi, HIV, xét nghiệm sàng lọc máu... vào VN năm 2003. Đến năm 2013, Bio-Rad Laboratories rút khỏi thị trường VN, không còn văn phòng đại diện chính thức ở VN nữa nhưng hiện vẫn còn một số sản phẩm của hãng này bán tại VN thông qua các công ty khác".
Ông Nguyên Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết bệnh viện này cũng từng sử dụng thiết bị xét nghiệm của Bio-Rad Laboratories, theo hình thức, hãng đặt máy không lấy tiền, bệnh viện mua lại hóa chất xét nghiệm của hãng. Nhưng hiện nay bệnh viện không còn dùng máy của hãng này nữa.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng vụ Trang thiết bị và công trinh y tế (Bộ Y tế), cũng xác nhận khoảng một năm nay, Bio-Rad Laboratones rút khỏi thị trường VN. Khoảng 5 năm trước đây, Bio-Rad Laboratories là nhà cung cấp khá "mạnh" chiếm ưu thế trong cung cấp thiết bị cho nghiên cứu khoa học, xét nghiệm, phân tích cho các cơ sở y tế, nghiên cứu tại VN.
Về thông tin "tại VN, một đại diện bán hàng của Bio-Rad đã nhận tội hối Ịộ các quan chức tại các bệnh viện và phòng thí nghiệm nhà nước để đổi lại hợp đồng mua sản phẩm của công ty này", ông Tuấn cho biết chưa nắm thông tin chính thức về việc này.
Theo Thanh Niên
Những chiếc váy cưới kỳ dị nhất hành tinh Thay vì khoác lên mình những chiếc váy truyền thống trong ngày trọng đại, nhiều cô gái rất táo bạo khi mặc những chiếc váy cưới độc đáo có 1 - 0 - 2. 1. Váy cưới làm từ giấy vệ sinh Giấy vệ sinh được coi là một chất liệu mỏng manh và rất dễ hư hỏng, thế nhưng, trong cuộc thi...