Nghi án hối lộ: Cán bộ liên quan bác tin nhận tiền
Hơn 10 cán bộ, lãnh đạo phải giải trình đều khẳng định mình không liên quan đến nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen (tương đương 16 tỷ đồng) từ Công ty tư vấn giám sát giao thông vận tải JTC (Nhật Bản).
Mới đây, trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huyện (Chánh Thanh tra Bộ GTVT) cho biết, đã nhận được báo cáo giải trình của hơn 10 cán bộ liên quan đến nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng của nhà thầu JTC. Tất cả cán bộ này đều khẳng định mình không hề nhận tiền hối lộ từ đối tác Nhật Bản và cũng không liên quan đến nghi án tiêu cực này.
Trước đó, một số lãnh đạo ngành đường sắt đã bị tạm đình chỉ công tác để làm báo cáo về vụ việc. 10 người khác tiếp tục phải giải trình, trong đó có cán bộ đã nghỉ hưu, đặc biệt có một người nguyên là Thứ trưởng Bộ GTVT.
Tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều nay (2/4), nhiều ý kiến quan tâm đến nghi án hối lộ giữa Công ty JTC (Nhật Bản) và cán bộ ngành đường sắt Việt Nam trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, đến nay, vụ án vẫn đang được các cơ quan 2 nước phối hợp điều tra. Mọi thông tin liên quan đến vụ án có thể tiết lộ đều đã được Bộ GTVT công bố trong các thông báo vừa qua.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, hôm qua (1/4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời khá đầy đủ về vấn đề này.
Về nghi án cán bộ đường sắt Việt Nam nhận hối lộ từ Công ty JTC, báo chí Nhật Bản mới đưa tin đúng 1 lần và đã dừng lại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nên nhấn mạnh, vụ việc đang được cơ quan chức năng giữa 2 nước làm rõ. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo làm rõ vụ việc.
“Khi có kết quả điều tra chính thức, Chính phủ sẽ công bố rõ ràng”. – Thứ trưởng Trường nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp báo
Trước đó, khi báo chí Nhật Bản đưa tin về nghi án hối lộ, Bộ GTVT đã ra 2 thông cáo liên quan đến sự việc. Trong bản thông cáo ngày 24/3, Bộ GTVT khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan Nhật Bản làm rõ các cá nhân nhận tiền và xử lý nghiêm dù đó là ai. Còn bản thông cáo thứ hai vào ngày 29/3, Bộ GTVT cho biết vẫn chưa thể cung cấp thông tin cụ thể về những cá nhân bị nghi vấn. Mọi thông tin vẫn đang được cơ quan tư pháp của Nhật Bản nắm giữ và sẽ công bố sau khi có kết luận cuối cùng và được Chính phủ Nhật đồng ý.
Việc nhà thầu Nhật chi tiền cho cán bộ Việt Nam đã từng xảy ở dự án đại lộ Đông Tây. Tại cuộc họp chiều nay, báo chí cũng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói rõ về đề xuất đối với JICA, chuyển hình thức vay vốn sang STEP nhằm hạn chế tiêu cực, tránh việc mở thầu mà chỉ có 1 nhà nhầu nộp hồ sơ. Nhưng ông Đông cho rằng, các bước cụ thể đang tiếp tục được hai bên trao đổi, chưa có phương án cụ thể.
Video đang HOT
Sáng mai (3/4), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản. Hai bên sẽ thảo luận những biện pháp sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong các dự án sử dụng vốn vay.
Theo Khampha
Tiền lại quả "ăn" chất lượng đường sá Việt Nam
"Lại quả trong xây dựng công trình giao thông phổ biến như "chuyện thường ngày ở huyện". Tiền bôi trơn, "lại quả" đang đội giá và rút ruột đường sá Việt Nam", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm nói.
Xung quanh nghi án một nhà thầu tư vấn Nhật Bản đưa hối lộ cho cán bộ đường sắt Việt Nam "lại quả" số tiền 16 tỷ đồng để được nhận thầu thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (Yên Viên - Ngọc Hồi), PV có cuộc trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam - ông Phạm Sỹ Liêm về vấn đề này.
Thưa ông, những lùm xùm đến nghi án nhận hối lộ đang được làm rõ. Kết quả xác minh còn phải chờ nhưng đây không phải lần đầu quan chức Việt Nam bị "tố" từ phía đối tác nước ngoài trong dự án ODA. Chuyện này cho thấy điều gì từ việc sử dụng vốn ODA, thưa ông?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Thông thường, chúng ta cứ nghĩ ODA là vốn trời ơi, mình vay nhưng có thể được giảm xóa hay con cháu sau này giàu có trả... nên phải tranh thủ.
Tôi đồng tình với quan điểm tranh thủ vốn ODA và biết ơn nước Nhật viện trợ hào phóng.
Vấn đề ở chỗ, viện trợ và nhận viện trợ ODA là chuyện của hai chính phủ, nhưng sử dụng vốn ODA lại theo nguyên tắc của cơ chế thị trường.
Nếu khi thực hiện dự án ODA thiếu sự giám sát sẽ dẫn đến thiếu minh bạch, tù mù, các vấn đề tiêu cực.
Ví dụ nếu đúng là có chuyện nhà thầu tư vấn Nhật Bản "lại quả" cán bộ đường sắt Việt Nam số tiền 16 tỷ đồng có lẽ mục đích của nhà thầu này nhằm được phía Việt Nam chọn mình là nhà thầu tư vấn.
Nếu cán bộ đường sắt Việt Nam nhận "lại quả" chứng tỏ rằng họ đã không khách quan khi lựa chọn nhà thầu.
Do vậy, nếu có chuyện này, tôi nghĩ hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cùng bàn các giải pháp để sử dụng đồng vốn ODA minh bạch hơn.
Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng "lại quả" trong xây dựng công trình giao thông phổ biến như "chuyện thường ngày ở huyện"
Thưa ông, có chuyện cứ vốn ODA của nước nào cấp thì các nhà thầu nước đó thường trúng thầu không?
Có những nước viện trợ ODA luôn mở rộng cho tất cả các nhà thầu, không riêng quốc gia nào. Lý do, có thể lĩnh vực mà dự án ODA thực hiện không phải là thế mạnh của doanh nghiệp nước họ...
Hoặc nước viện trợ ODA cũng có quyền đưa vào các điều khoản để tạo việc làm cho doanh nghiệp nước họ. Đó là lý do chúng ta thường thấy vốn ODA của nước nào cấp thì các nhà thầu nước đó thường trúng thầu.
Tuy nhiên, có một vấn đề lưu ý, dự án xây dựng bằng vốn ODA bao giờ cũng đắt hợn so với dự án xây dựng bằng nguồn vốn, chủ đầu tư trong nước. Lý do, nhà thầu sử dụng nguyên vật liệu, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, thiết kế theo giá của nước viện trợ ODA.
Gần đây, nhiều ý kiến đã nói đến tiền "lại quả" trong xây dựng công trình giao thông. Là người từng đảm nhận vị trí quản lý trong Bộ Xây dựng, ông thấy chuyện này có không?
Có thể nói, ở nước ta, chuyện tiền "lại quả" trong các dự án công rất phổ biến như "chuyện thường ngày ở huyện".
"Lại quả" dưới nhiều hình thức. Ví dụ nhà thầu "lại quả" cho chủ đầu tư; thầu phụ "lại quả" cho thầu chính...
Trường hợp ở Việt Nam đang được dư luận quan tâm là nhà thầu tư vấn "lại quả" cho Ban quản lý dự án. Nếu đã nhận "lại quả" của nhà thầu, Ban quản lý dự án sẽ không còn sự khách quan trong lựa chọn nhà thầu.
Trường hợp tương tự như này ở nước ta diễn ra khá phổ biến và khá nặng.
Vậy tiền "lại quả" lấy từ đâu và ảnh hưởng gì đến công trình xây dựng? Dự án đường sá ở Việt Nam thường đắt hơn các nước khác, nhưng sử dụng được ít ngày đã xuống cấp. Hiện tượng này có phần nguyên nhân từ "lại quả" không, thưa ông?
Khi nhà thầu nhận được tiền từ dự án sẽ đem đến "lại quả" cho người "giúp" mình trúng thầu.
Tiền "lại quả" đương nhiên phải lấy từ tiền dự án. Không ai cho không ai cái gì. Để có tiền "lại quả", nhà thầu phải rút ruột công trình, đội giá dự án...
Mục đích của "lại quả" thông thường là để được nhận gói thầu. Cũng có trường hợp "lại quả" để làm ngơ cho chất lượng; để "chấp nhận nâng giá công trình"...
Đường sá ở Việt Nam nhanh xuống cấp có một phần nguyên nhân từ "lại quả", rút ruột công trình. Ví dụ, nếu kỹ sư giám sát công trình xây cầu nhận tiền "lại quả" để "im lặng" các lỗi gian lận. Dĩ nhiên, lỗi nhỏ thì đường sá không hỏng ngay, cầu không sập ngay... nhưng hệ số an toàn thấp đi.
Làm sao để hạn chế "lại quả" và bảo đảm chất lượng công trình xây dựng, thưa ông?
Ban quản lý dự án không nên tự quản lý mà nên thuê công ty tư vấn quản lý giúp mình.
Nếu thuê công ty quản lý, công ty đó phải lo cho uy tín, sinh mệnh của mình nên làm việc thận trọng. Bên cạnh đó, công ty này cũng chịu sự giám sát chặt chẽ của Ban quản lý dự án. Do phải chịu sự giám sát nên công ty này khó qua mặt Ban quản lý để "ăn" lại quả hay làm bậy.
Nếu Ban quản lý dự án tự đứng ra quản lý thì không có ai giám sát, từ đó dễ sinh ra chuyện không minh bạch, tù mù...
Hiện nay, tôi được biết, ở Trung Quốc quy định, công trình đầu tư công trên 5 triệu nhân dân tệ phải thuê đơn vị tư vấn quản lý.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Khampha
Nghi án nhận hối lộ 16 tỷ: Bộ Công an vào cuộc Chiều 24/3, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ thông tin đưa hối lộ tại TCty Đường sắt Việt Nam mà báo chí đưa tin. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện KSNDTC, Bộ GTVT, Bộ...