Nghi án hối lộ 16 tỷ: Các cá nhân liên quan đều bác nhận tiền
Liên quan về nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,5 tỷ đồng) từ Công ty tư vấn giám sát giao thông vận tải Nhật Bản (JTC), ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Thanh tra Bộ đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cá nhân tham gia dự án, kể cả các cá nhân đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu liên quan đến vụ việc theo đúng thời hạn vào ngày 31/3 vừa qua.
“Tuy nhiên, toàn bộ các báo cáo của các cá nhân đều cam kết không dính líu đến tiêu cực cũng như tiếp tay cho hành vi hối lộ, nhận tiền của JTC,” Chánh Thanh tra Huyện tiết lộ.
Hệ thống cầu đường sắt Việt Nam hợp tác Nhật Bản đầu tư xây dựng giúp tàu chạy đúng tốc độ thiết kế
Ngoài ra, ông Huyện cũng cho biết, đường dây nóng của Tổ xác minh thuộc Bộ Giao thông Vận tải được công bố từ ngày 27/3, song đến nay vẫn chưa tiếp nhận được thông tin phản ánh, tố giác liên quan đến nghi án mà chủ yếu là các ý kiến khen, chê từ các Hiệp hội trong ngành giao thông vận tải.
Trước đó, từ ngày 25-28/3, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đã sang Nhật Bản để làm việc với các cơ quan hữu quan Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm làm rõ các thông tin mà báo Nhật Bản (Yomiuri Shimbun) đưa tin về việc Công ty JTC hối lộ các cán bộ ngành đường sắt Việt Nam.
“Tuy nhiên, đoàn công tác đi Nhật vẫn chưa xác minh rõ được nghi án hối lộ bởi vụ việc đã được giao cho cơ quan tư pháp Nhật Bản (Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thuế) điều tra. Cho tới nay, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA chưa có thông tin về tình hình điều tra vụ việc và thông tin chỉ có thể được cung cấp sau khi có kết luận điều tra và được sự cho phép của Chính phủ,” thông cáo báo chí của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
Video đang HOT
Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ giao Bộ Công an tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan của Nhật Bản để xác minh, điều tra sớm làm rõ nội dung báo chí đưa tin.
Được biết, ngày 3/4 tới đây, cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật lần thứ 1 sẽ được tổ chức tại Hà Nội do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì để trao đổi thông tin và thảo luận những biện pháp phòng chống trong thời gian tới bao gồm cả biện pháp phòng chống tái phát và thảo luận về đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong các dự án giao thông sử dụng vốn vay.
Liên quan đến nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen, Bộ Giao thông Vận tải đã lên danh sách 14 cán bộ (kể cả những người đã chuyển công tác, nghỉ hưu) phải tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình, báo cáo về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trước đó, nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun đưa tin, ngày 21/3, ông Tamio Kakinuma, Giám đốc Công ty Tư vấn Giao thông Vận tải Nhật Bản (JTC) có trụ sở ở Tokyo, vừa thừa nhận đã trả tiền hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một người được công tác ở đơn vị quản lý dự án của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Song, danh tính người này không được tiết lộ.
Theo TTXVN
Thứ trưởng sang Nhật xác minh vụ hối lộ
Xung quanh nghi án cán bộ ngành đường sắt nhận hối lộ 700.000 USD, vào tối nay (25/3), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ bay sang Nhật Bản làm việc với các cơ quan liên quan để xác minh danh tính các cá nhân nhận tiền hối lộ.
Tối 24/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, vào tối ngày mai (25/3), Bộ sẽ cử Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đích thân sang Nhật Bản làm việc với các cơ quan, bao gồm Cục Thuế khu vực Tokyo; Đội điều tra đặc biệt của Văn phòng Công tố Tokyo và Nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun nhằm xác minh thông tin về nghi án nhận hối lộ của quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết, trong cuộc họp chiều 24/3, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đánh giá cao thái độ tích cực, chủ động trong việc xử lý vụ nghi án nhận hối lộ trong ngành đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải và cho rằng điều này sẽ góp phần củng cố thêm mối hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay.
Được biết, một trong những mục tiêu được kỳ vọng của chuyến công tác đặc biệt của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải sang Nhật Bản lần này là có được danh sách các cán bộ đã nhận tiền của đơn vị tư vấn thiết kế Nhật Bản. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Phạm Thanh Tùng sẽ cùng đồng hành với Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trong chuyến đi này.
Cũng trong tối 24/3, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải sẽ lập tổ điều tra xác minh vụ Chủ tịch tập đoàn tư vấn giao thông Nhật tố quan chức đường sắt Việt Nam nhận hối lộ do Chánh thanh tra làm tổ trưởng, đồng thời chủ động xây dựng ngay kế hoạch thanh tra, tập trung làm trước các dự án có JTC tham gia ngay trong tuần này.
"Tổ kiểm tra này sẽ hoạt động độc lập với đoàn thanh tra của Bộ. Tổ này sẽ bao gồm cả các cán bộ công an biệt phái sang Bộ Giao thông vận tải tham gia điều tra, xác minh thông tin," ông Huyện khẳng định.
Trong một diễn biến liên quan, trước những thông tin báo chi đưa ra, ngày 24/3, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra về nghi án nhận hối lộ của cán bộ ngành đường sắt Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chủ động giao cho các đơn vị chức năng thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Cơ quan thanh tra của Bộ Giao thông vận tải tiến hành xem xét lại toàn bộ các dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, nhất là các dự án mà Công ty tư vấn JTC Nhật Bản trúng thầu để xác định trong quá trình thực hiện dự án có những sai sót, vi phạm.
Căn cứ vào kết quả giải quyết sự việc của các cơ quan Tư pháp Nhật Bản, trên cơ sở đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ thực hiện việc xác minh tin báo, tố giác về tội phạm cũng như thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật. Khi có đủ căn cứ pháp lý, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ quyết định xử lý vụ việc trên theo đúng qui định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Trước đó ngày 21/3, nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun đưa tin, ngày 21/3, ông Tamio Kakinuma, Giám đốc Công ty Tư vấn Giao thông Vận tải Nhật Bản (JTC) có trụ sở ở Tokyo thừa nhận, đã trả tiền hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ yen (khoảng 862,8 tỷ đồng) ở Việt Nam.
Theo tờ Yomiuri Shimbun thông tin, một người được cho là công tác ở đơn vị quản lý dự án của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã được JTC "lại quả" số tiền 80 triệu yen trên. Song, danh tính người này không được tiết lộ.
Sau khi báo chí thông tin về vụ việc, Bộ Giao thông vận tải đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ về nghi án trên. Tính đến cuối ngày hôm qua (24/3) phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam đã tạm đình chỉ 4 người gồm 2 Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, một Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và một Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam để giải trình.
Sở dĩ 4 người này đều bị tạm dừng công tác để giải trình do đều là những người đã từng làm việc tại Ban Quản lý dự án đường sắt Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - nơi đơn vị tư vấn nước ngoài tố nhận hối lộ 700.000 USD.
Tùng Nguyễn
Theo_VnMedia
Độc quyền nên trì trệ ở 'Bộ' Đường sắt Sự khép kín với bộ máy cồng kềnh, chậm thay đổi của ngành đường sắt khiến Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ví Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) như "Bộ" Đường sắt... Ngành đường sắt chậm thay đổi, lương công nhân thấp, lãnh đạo khoái chơi golf. Ảnh: sỹ lực Dậm chân tại chỗ Gần 10 năm trước, khi thảo luận...