Nghi án dựng hiện trường giả vụ xác người trong bao tải
Thi thể người đàn ông được quấn màn và chiếu, hai chân đút vào bao tải, vứt bên lề đường.
Vợ anh Đích đau đớn trước bàn thờ chồng.
Khoảng 5h ngày 26/5, người dân địa phương phát hiện xác một người đàn ông đựng trong bao tảiở ven quốc lộ 37 (đoạn qua thôn Tam Hợp, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Lúc này, người xấu số trong tư thế nằm úp, hai chân được cho vào bao tải, trên người quấn màn và chiếc chiếu; bên cạnh có một chiếc xe máy Dream.
Danh tính nạn nhân được xác định là Nguyễn Văn Đích (38 tuổi, ở xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa). Căn cứ theo những dấu vết thu thập tại hiện trường và kết quả điều tra nhân thân của nạn nhân, cơ quan công an bước đầu xác định nhiều khả năng nạn nhân tử vong do bị sốc ma túy. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác còn chờ kết luận khám nghiệm tử thi.
Chết do sốc ma túy hay do bị đánh
Kiểm tra hiện trường vụ án, khám nghiệm pháp y và bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã xác định nơi phát hiện thi thể chỉ là hiện trường thứ hai. Hiện trường đầu tiên nạn nhân tử vong là tại nhà Nguyễn Văn Bình (xóm Đông Sơn, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa).
Khi được công an mời lên làm việc, Bình khai nhận, trong lúc Bình và nạn nhân chích thuốc cho nhau, anh Đích bị sốc thuốc nên tử vong. Phát hiện “bạn nghiện” đã chết, Bình đã lấy xe bò và màn, chiếu quấn nạn nhân lại, hai chân cho vào bao tải. Khoảng 23h ngày 25/5, Bình đưa xác và xe máy của anh Đích đến vứt ở thôn Tam Hợp (xã Thanh Vân).
Tuy nhiên, gia đình nạn nhân không tin nguyên nhân cái chết do bị sốc ma túy. “Chồng tôi thường xuyên ở nhà, chưa từng có biểu hiện khác thường nào giống như nghiện ma túy. Anh ấy cũng ít đi làm xa, thỉnh thoảng mới xuống Gia Lâm, Hà Nội. Nếu như gia đình tôi có tiền mà anh Đích nghiện ngập thì không nói làm gì, đằng này gia đình làm nông, nhà nghèo khó làm gì có tiền mà nghiện?”, vợ nạn nhân nói.
Tại hiện trường còn phát hiện kim tiêm. Mẹ nạn nhân cho rằng con mình bị đánh chết, sau đó tiêm thuốc vào người, vứt lại kim tiêm để dựng hiện trường giả, “chứ từ trước đến nay nó có nghiện ngập gì đâu mà sốc thuốc”.
Em trai nạn nhân cho biết, khi đến hiện trường, thấy bên thái dương anh trai mình bị lõm, máu chảy ngang mặt, trên người bị bầm tím, cánh tay thì bị nhiều vết cào cấu. “Tôi nghi nhiều khả năng anh ấy bị đánh chết, sau đó mang xác ra để ở đó nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra”, em trai anh Đích nói.
Theo thông tin từ địa phương, nạn nhân từ trước đến nay không hề có mâu thuẫn với ai, vợ chồng và hai con nhỏ đang sống chung với mẹ anh Đích. Gia đình làm nông nên kinh tế không có gì khá giả. Thỉnh thoảng nạn nhân còn đi nấu sắt ở Gia Lâm (Hà Nội) thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, người vợ phải đi chợ buôn bán kiếm thêm tiền.
Hai ngày sau khi phát hiện sự việc, ngôi nhà nhỏ của nạn nhân vẫn có đông người đến chia buồn. Người thân khóc lóc tiếc thương anh Đích sống đã khổ, đến lúc chết lại chết đường chết chợ, oan khuất.
Chị Chu Thị Huệ – vợ anh Đích cho biết, chồng chị ra khỏi nhà từ 12h30 ngày 25/5 vì nhận được cuộc điện thoại của ai đó. Anh mang theo xe máy, điện thoại và một ít tiền nhưng chắc chẳng đáng bao nhiêu vì mấy hôm gần đây không đi làm.
Video đang HOT
Khoảng giữa buổi chiều, vợ anh Đích gọi điện cho chồng thì “thuê bao không liên lạc được”, gọi lại thì điện thoại đổ chuông một lần, sau đó tắt luôn. Người vợ nghĩ chồng đi đâu đó, điện thoại hết pin nên không gọi nữa. Đến tối về, đứa con nói bố vẫn chưa về, chị gọi cho chồng không được, lúc này mới lo lắng cồn cào vì chưa bao giờ chồng đi qua đêm mà không nói, hoặc tắt điện thoại kỳ lạ.
“Đến đêm, tôi lo quá lại gọi điện cho chồng cũng không được, gọi đến chỗ anh ấy làm họ cũng nói không có. Cả đêm, tôi lo lắng không ngủ được…”, vợ anh Đích sụt sùi khóc.
Vụ án đang được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang làm rõ.
Theo Xahoi
Lệ làng thời nay - Bài 1: Cấm yêu!
Từ bao đời nay, theo tục xưa để lại, trai gái hai làng không được phép kết hôn, thậm chí nếu lớp trẻ quá đà yêu đương nhau sẽ bị "khai trừ ra khỏi làng".
Chuyện thật tưởng như đùa đang diễn ra tại 2 làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng (cùng thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Gốc gác của tục "cấm yêu"
Tương truyền, cách đây hàng ngàn năm, mỗi làng chỉ có một người sống sót và kết nghĩa anh - em. Từ đó, người dân hai làng coi nhau là anh em một nhà, gắn bó khăng khít.
Theo tục này, Xuân Biều là "làng anh", còn Cẩm Hoàng là "làng em". Tình cảm gắn bó thân thiết dân làng hai bên cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trị thiên tai, bão lũ, cùng tu sửa đình làng, đắp đê làm thủy lợi phục vụ mùa màng...
Màn nghi lễ rước thánh được xem là sự gắn kết của hai làng, là dịp để các cụ cao niên giao lưu chia sẻ với nhau. Ngày 3 tháng 9 âm lịch hàng năm, "người anh" Xuân Biều mở hội với đầy đủ lễ vật xuôi thuyền về Cẩm Hoàng trong sự nghênh đón của "người em".
Cổng làng Xuân Biều đã được xây mới nhưng tập tục cấm trai gái kết hôn với làng Cẩm Hoàng (xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn được giữ nguyên - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Một góc làng quê Cẩm Hoàng (xã Xuân Cẩm), nơi vẫn còn giữ tục cấm trai gái kết hôn với làng Xuân Biều - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Đến ngày 6 tháng 9, lại đến lượt Xuân Biều đón lễ rước "người em" Cẩm Hoàng trong nghi lễ trang trọng, cờ rong trống mở.
Trước đây, cứ mỗi năm nghi lễ được tổ chức một lần nhưng do tốn kém, lãng phí, hai làng giao ước lại 5 năm em đón anh một lần. Trong buổi lễ đón rước nhau, các bậc cao niên, những chức sắc trong thôn không thiếu một ai thì mới được.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, việc thực hiện hương ước 2 làng rất nghiêm túc, phải tuyệt đối tuân thủ. Cứ thế, đời này qua đời khác, như một luật lệ bất thành văn cấm trai gái 2 làng không được phép kết hôn vì cùng là dân anh, dân em kết nghĩa một nhà.
Bi kịch lệ làng
Vừa đặt chân tới xã Xuân Cẩm, hỏi về lệ xưa, bất kỳ thanh niên, nam nữ, già trẻ hai làng đều lắc đầu nguầy nguậy: "Không lấy được đâu, nhất định không ai cho lấy đâu". Trai gái hai làng lỡ có yêu thì cũng phải lén lút hoặc rời làng đi nơi khác chứ "lộ" ra, đôi bên hai họ biết chuyện sẽ ngăn cấm kịch liệt và tìm mọi cách phá bỏ.
Người dân Xuân Cẩm vẫn thường rỉ tai nhau về câu chuyện của chị Ngô Thị Liên (44 tuổi), người làng Xuân Biều và anh Thành, người gốc Cẩm Hoàng để minh chứng cho sự hiện diện của "lệ làng" trong đời sống người dân hôm nay.
"Cha truyền con nối, các cụ dạy con cháu phải biết nghe theo. Anh, em nhất định không cho lấy nhau được".
Bà Nguyễn Thị Thưỡi (78 tuổi) - mẹ đẻ chị Liên
20 năm về trước, giữa chị Liên và anh Thành đã nảy sinh tình cảm. Sợ dòng họ cấm đoán, hai người cùng trốn vào Đắk Lắk làm ăn sinh sống rồi sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Anh Thành sinh sống ở Sơn Tây (Hà Nội) từ nhỏ nhưng ông nội lại là người gốc Cẩm Hoàng. Hồi ấy hai làng Xuân Biều, Cẩm Hoàng có nhiều người vào miền Nam khai hoang lập nghiệp. Mối tình vụng trộm của chị Liên và anh Thành đã bị phát hiện, vỡ lở.
Lúc đó, người dân hai làng cùng đồng lòng ngăn cản "phá phách" chửi rủa, người thân trong dòng họ một mực kiên quyết không cho hai người đến với nhau vì đã "phạm thượng" vào phép nước của ông cha, tổ tiên.
Dân làng điều tiếng qua lại xôn xao, hai người chỉ dám lén lút gặp nhau, chuyện làm thủ tục cưới xin mãi mãi là ước muốn xa vời. Sau đó, anh Thành chuyển về quê sinh sống và không may qua đời trong một lần tai nạn. Buồn chán, về sau chị Liên đón đứa con trai nhỏ rồi bỏ làng đi làm ăn xa nhiều năm không về.
Cho tới bây giờ, trò chuyện với chúng tôi, mẹ đẻ của chị Liên - bà Nguyễn Thị Thưỡi (78 tuổi) vẫn khăng khăng: "Cha truyền con nối, các cụ dạy con cháu phải biết nghe theo. Anh, em nhất định không cho lấy nhau được".
Bà Nguyễn Thị Thưỡi (78 tuổi) - mẹ đẻ chị Liên vẫn khăng khăng giữ nguyên tục lệ - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Theo cụ Thưỡi, từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ trai gái 2 làng kết hôn với nhau. Chỉ có những trường hợp "lách" lệ như người có gốc gác ở nơi khác di cư tới Xuân Biều và Cẩm Hoàng sinh sống thì may ra mới được chấp nhận.
Câu chuyện của chị Vũ Thị Hương (ở Cẩm Hoàng) với anh Vinh (người làng Xuân Biều) đã ăn ở với nhau sinh được 3 mặt con là một minh chứng rõ ràng. Thời gian đầu, dân làng hai bên kịch liệt phản đối vì đôi nam nữ, thế nhưng cuối cùng hai người vẫn đến được với nhau.
Cha đẻ của chị Hương, ông Vũ Văn Phán (81 tuổi) phân trần lý giải: "Xét đi xét lại, bố của thằng Vinh (con rể - PV) là người gốc Thanh Hóa, lấy vợ ở rể làng Xuân Biều. Thế nên thằng Vinh gốc là người Thanh Hóa, vì thế chúng nó mới lấy được nhau chứ".
Trải qua thời gian, luật tục làng nước ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Xuân Biều, Cẩm Hoàng như máu thịt. Lớp trẻ lớn lên được các cụ răn đe, nhắc nhở từ nhỏ nên tự biết lề thói luật tục của làng nước, chẳng ai dám yêu nhau.
Ông Ngô Kim Nga (76 tuổi, thầy giáo về hưu thuộc người làng Xuân Biều) cho rằng: "Trường hợp của chị Liên và anh Thành chỉ là cá biệt ở làng do các cháu đi xa không tìm hiểu được gốc tích nên mới trót yêu nhau. Tôi thấy đây là truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại thì cần gìn giữ, duy trì và phát huy. Bởi vì quan hệ yêu đương tình cảm thì người ngoài đâu có thiếu gì".
Ông Ngô Kim Nga (76 tuổi, thầy giáo về hưu thuộc người làng Xuân Biều) cho rằng "lớp trẻ quá đà yêu đương nhau sẽ bị khai trừ ra khỏi làng" - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Theo ông giáo Nga, nếu lớp trẻ quá đà yêu đương nhau thì sẽ bị "khai trừ ra khỏi làng". Đây được coi là hình phạt cao nhất để người dân tuân thủ quy ước một cách nghiêm túc.
Nhớ lại mối tình buồn của em gái, bác Ngô Văn Đạo (57 tuổi, người làng Xuân Biều) - anh trai của chị Liên bộc bạch: "Tình cảm giúp đỡ tương trợ giữa hai làng thì vẫn duy trì. Còn chuyện nam nữ thanh niên tìm hiểu chính đáng có thể cho kết hôn với nhau được, chứ ngăn cấm thì vô cùng. Trước đây còn được, bây giờ thì lạc hậu".
Chuyện cấm kết hôn trở thành hủ tục nặng nề quá, không còn phù hợp nếp văn hóa mới, trái lại quy định pháp luật
Ông Ngô Trí Thức, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Ngô Trí Thức, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm bày tỏ: "Chúng tôi tán thành mối quan hệ anh em khăng khít tốt đẹp hai làng, cùng xây dựng đời sống văn hóa chứ chưa bao giờ can thiệp sâu quá vào mối quan hệ này, cứ để tự nhiên theo hương ước hai làng quy định với nhau thôi".
Theo ông Thức, riêng chuyện cấm kết hôn trở thành hủ tục nặng nề quá, không còn phù hợp nếp văn hóa mới, trái lại quy định pháp luật.
"Nếu muốn thay đổi được thì phải vận động tất cả các đoàn thể xã hội vào cuộc tuyên truyền, chứ chỉ đạo cứng nhắc thì không thể thành công", ông Thức nói.
Ngoài hai làng kể trên, dọc theo con sông Cầu thơ mộng người ta còn thấy làng Nga Trại kết chạ với làng Đông Lâm (cùng thuộc xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang); làng Kim Thượng (xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) kết chạ với làng Châu Lỗ (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Tục lệ từ ngàn năm trước để lại vẫn được các dòng họ hai làng "tôn sùng" như hương ước bất di bất dịch với nhau. Theo thời gian, bộ mặt làng quê đổi thay từng ngày nhưng lệ làng vẫn còn đó ăn sâu vào đời sống người dân nên lớp trẻ ở hai làng kết giao dù đi đâu về đâu nhưng cũng chẳng ai dám yêu nhau.
Theo TNO
Nhảm nhí chuyện "thần y" hát khiến bệnh nhân... mất đầu Gia đình đưa cháu bé đến "thầy" Tranh, "thầy" chỉ cần hát là một cái đầu từ từ biến mất. Nhiều năm qua, từ một nông dân, bà Phan Thị Tranh (SN 1963), thôn Viên Du, xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc) tự "biến mình" thành "thần y". Người đàn bà này tự xưng có khả năng chữa bách bệnh chỉ bằng...