Nghèo khó và thiếu thông tin, nhiều phụ nữ trở thành “món hàng”
Mỗi năm Việt Nam phát hiện hàng trăm vụ mua bán người. Mặc dù có nhiều giải pháp, song số vụ mua bán người diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng, đặc biệt tại vùng quê, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Triển khai công ước về phòng chống mua bán người”, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em do Bộ LĐTBXH cùng Tổ chức Di cư thế giới (IOM) tổ chức sáng 29.9.
Càng nghèo càng dễ bị buôn bán
Trao trả nạn nhân các vụ buôn người tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai giữa Biên phòng tỉnh Lào Cai và Công an Trung Quốc. Ảnh: M.N
Theo tổng điều tra, rà soát (tháng 5.2016), Việt Nam có 2.596 trường hợp của nạn mua bán người, trong đó có 1.162 nạn nhân; 1.414 người nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên trở về cùng nạn nhân. Các địa phương có nhiều nạn nhân nhất là Sơn La (367 người), Lào Cai (267), Nghệ An (263). Có tới 97% số người bị buôn bán là phụ nữ, trong đó, dân tộc Kinh chỉ chiếm 20%, còn lại là các dân tộc khác. Có 86% là phụ nữ trên 30 tuổi. Nguồn: Cục Phòng chống
tệ nạn (Bộ LĐTBXH)
Lào Cai là tỉnh miền núi, giáp ranh với Trung Quốc. Nghèo đói cũng tỷ lệ thuận với nạn buôn bán người ở nơi đây. Thống kê mới nhất của Bộ LĐTBXH trong năm 2016 cho thấy, địa phương này có tới 392 vụ buôn bán, 267 nạn nhân bị buôn bán (chưa kể nạn nhân từ tỉnh ngoài), chỉ xếp sau Sơn La.
Thôn Sơn Hà (xã Cốc Mì, Bát Xát, Lào Cai) có 66 hộ thì có quá nửa hộ thuộc diện hộ nghèo. Toàn thôn đã có tới 25 phụ nữ bị lừa bán sang biên giới, chiếm hơn 40% số phụ nữ là trụ cột gia đình trong thôn. Đây có lẽ là thôn có tỷ lệ phụ nữ bị lừa bán cao nhất khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, cũng có phụ nữ chủ động tìm “chồng ngoại” để hy vọng thoát nghèo.
Video đang HOT
Ông Sùng A Chỉnh – Trưởng thôn Sơn Hà cho biết, chỉ trong 5 năm qua, trong 25 chị em bị lừa bán thì có tới 21 người đã có gia đình. Một số ít trường hợp may mắn được các cơ quan chức năng giải cứu, trở về quê hương, nhưng còn không ít chị em bặt vô âm tín. Ông Chỉnh lý giải câu chuyện phụ nữ bị lừa bán hay tự bỏ bản, bỏ gia đình đi lấy chồng ở xứ người cũng thật đơn giản: “Thôn này nghèo lắm, đói lắm nên họ mới ra đi…”. Bản thân ông Chỉnh cũng là một trong số nhiều ông chồng ở xã Cốc Mì bị mất vợ.
Bên lề hội nghị, ông Nguyễn Tường Long – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai chia sẻ thực trạng buôn bán người đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn. Ông Long cho rằng vấn đề khó khăn hiện nay là làm thế nào để truyền thông cho người dân ở vùng khó khăn về việc họ có thể gặp bất trắc và rơi vào vòng xoáy mua bán người bất cứ lúc nào.
Nhiều chiêu lừa đảo tinh vi
Theo thống kê của IOM, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới, trong đó ASEAN là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn buôn bán người nhức nhối nhất. Trong số 2,5 triệu người bị buôn bán thì đa phần đến từ châu Á- Thái Bình Dương. Có 1/3 nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ và trẻ em trên thế giới đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Khảo sát năm 2016 của
Cục Phòng chống tệ nạn xã hội 68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa có gia đình
84% nạn nhân có kinh tế khó khăn (chiếm 84%)
71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp
98% nạn nhân bị bán ra nước ngoài là sang Trung Quốc
Ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết Việt Nam là vùng đất có đường biên giới rộng, nhạy cảm thuận lợi cho đối tượng hành nghề buôn bán người. Thêm vào đó, hiện nay tình trạng buôn bán người cũng rất tinh vi, thông qua việc xuất khẩu lao động, cưới chồng, đi du học… Trước thực trạng này, ông Hiền cho biết, Bộ LĐTBXH và các đơn vị cũng đã truyền thông, quản lý, xử lý vụ việc liên quan tới mua bán người. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ nạn nhân trở về cũng là vấn đề lớn.
Theo ông Hiền, qua điều tra, khảo sát năm 2016 của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, có tới 68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa lập gia đình. Hầu hết nạn nhân đều có kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo (chiếm 84%), 71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp. Ông Hiền nhận định, đa phần các trường hợp buôn bán đều nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục.
Ông Trịnh Ngọc Dương – Phó Trưởng phòng Phòng chống buôn bán người (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) chia sẻ, nhiều xã ở các tỉnh miền Tây có hàng trăm người di cư sang biên giới Campuchia làm việc. Lương thấp bóc lột sức lao động, nhưng bản thân họ không nghĩ là bóc lột và không báo nên khó xử lý.
Ông Phạm Văn Công – Cục Pháp chế và Cải cách thủ tục hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho rằng cần làm rõ các khái niệm mua bán người, xác định nạn nhân là trẻ em, cụ thể là độ tuổi trẻ em. “Điều này sẽ đặt ra yêu cầu: khi Việt Nam thực hiện công ước sẽ đặt ra vấn đề xử lý thế nào cho người từ độ tuổi 16-18 tuổi. Do vậy, nếu không làm rõ các khái niệm này sẽ khó có biện pháp phòng chống, xử lý” – ông Công nói.
Ông Nguyễn Tường Long chia sẻ, ông đã tiếp cận với nhiều nạn nhân từ nhiều tỉnh thành của Trung Quốc trở về qua cửa khẩu Lào Cai. Qua hỗ trợ và tư vấn, đa phần nạn nhân không hiểu biết gì về buôn bán người và đều đến từ những vùng vùng khó khăn, gia đình nghèo khó. “Vì vậy, nên truyền thông tại cụm, truyền thông trực tiếp tại địa phương ở thôn, bản, đặc biệt là những vùng khó khăn để người dân hiểu và cảnh giác nhận thấy cạm bẫy buôn bán người mà đề phòng” – ông Long kiến nghị.
Theo Danviet
Xử băng đảng Trung Quốc buôn bán hàng chục phụ nữ Việt Nam
Ít nhất 27 phụ nữ Việt đã bị băng đảng 10 tên do người tên Li cầm đầu lừa bán sang Trung Quốc và "sang tay" nhiều lần.
Phiên tòa xét xử băng đảng buôn bán phụ nữ Việt Nam tại Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Theo truyền thông địa phương, băng đảng của Li là một mắt xích trong đường dây lừa gạt và mua bán phụ nữ Việt Nam qua biên giới.
Theo cáo trạng của tòa án ở châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam trong phiên tòa mở ngày hôm nay 19-5, nhóm của Li đã "mua" các nạn nhân từ biên giới Trung Quốc - Việt Nam rồi bán lại cho các băng đảng khác, có khi là các gia đình ở khắp các tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam, Sơn Đông và Hồ Bắc trong giai đoạn 2014-2016.
4 trong số 10 thành viên thuộc băng của Li bị buộc tội mua bán phụ nữ Việt Nam bất chấp việc biết rõ họ bị bắt cóc.
Các cô gái Việt Nam - nạn nhân của chúng, có người đã có chồng, có người chỉ mới là sinh viên cao đẳng, đại học. Họ bị lừa sang biên giới, thậm chí bị chuốc thuốc mê hay ma túy rồi bị bán lại và sang tay nhiều người lạ với danh nghĩa là "vợ", theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Vân Nam.
Theo cáo trạng, với mỗi nạn nhân, nhóm này mua với giá 21.000-40.000 nhân dân tệ (khoảng 68-130 triệu đồng VN) rồi bán lại với giá 33.000-100.000 nhân dân tệ (107-325 triệu đồng VN).
Phía tòa án Trung Quốc nhận định hành vi của băng đảng Li đã cho thấy có sự tổ chức và hoạt động theo mạng lưới có tổ chức.
Mỗi đường đi nước bước trong đường dây này đều có người của bọn chúng tham gia. Kẻ thì móc nối trung gian để tìm nạn nhân, kẻ làm nhiệm vụ thương lượng, kẻ khác lại tìm "khách hàng tiềm năng" bên Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, quá trình xét xử vẫn chưa kết thúc. Theo số liệu được công an Trung Quốc công bố, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, tổng cộng đã có 15.000 nạn nhân của bọn buôn người được giải cứu.
Báo SCMP nhận định rằng bất chấp việc tội buôn người có thể đối mặt với án tử hình hoặc chung thân, loại tội phạm này vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực của Trung Quốc do lợi nhuận lớn và tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng tại nước này.
(Theo Tuổi Trẻ)
Đi "cưới chồng", ai ngờ bị bán sang Trung Quốc Đi Trung Quốc làm thủ tục đăng ký kết hôn, đến nơi chị C mới biết mình bị "chồng sắp cưới" bán cho một người đàn ông khác làm vợ. Một cô gái người dân tộc Mông ở huyện Krông Bông, Đắk Lắk bị lừa bán sang Trung Quốc được giải cứu trở về (ảnh minh họa). Ngày 18.8, Viện KSND tỉnh Đắk...