Nghẹn đắng nỗi đau nơi quê nghèo
Những chiếc xe chở theo thi hài, di hài của các nạn nhân xấu số trong vụ cháy xưởng may ở Nga vừa về đến quê nghèo thì tiếng khóc xé lòng của người thân cũng vỡ òa và nghẹn đắng tâm can.
Chiều ngày 23/9, PV Dân trí đã có mặt ở nhà nạn nhân Trần Thị Châu (SN 1972, trú tại xóm Mậu 3, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) rất đông hàng xóm, anh em đã có mặt từ sớm để đón nhận di hài của chị Châu. Bà Đậu Thị Nhị (84 tuổi), mẹ chị Châu lau vội những giọt nước mắt trên khuôn mặt già nua, khắc khổ, một tay nắm chặt lấy tay bà Hà Thị Nhuần (72 tuổi-mẹ chồng chị Châu). Hai mái đầu bạc đã khóc cạn nước mắt suốt hơn mười ngày nay kể từ ngày đón nhận hung tin chị Châu thiệt mạng trong vụ cháy xưởng may ở Nga. “Ở nhà vất vả nên nó phải vay mượn 50 triệu đồng để đi lao động ở Nga. Đã 4 năm trôi qua mà nó chưa một lần về thăm nhà, thế mà hôm nay nó trở về chỉ còn lại một nắm tro…”, bà Nhuần nghẹn ngào kể.
Hai mái đầu bạc đau đớn khi kể về chị Châu
Ra đi với ước vọng thoát nghèo nên chị Châu chăm chỉ làm ăn, hàng tháng vẫn tích cóp những đồng tiền ở xứ người để gửi về cho chồng nuôi hai đứa con còn thơ dại.
Sợi dây nối tình cảm của những con người nơi quê nghèo với kẻ ở miền viễn xứ là những cuộc điện thoại ngắn ngủi. Bà Nhuần nói trong nước mắt: “Đầu tháng trước nó gọi điện về bảo tôi là nó dành được ít tiền, tháng 10 này sẽ về quê thăm chồng con và đem tôi đi chữa bệnh vậy mà hắn bỏ mạng nơi xứ người. Nó đi lao động nước ngoài theo đường dây của người ta nên không có hợp đồng gì. Làm bốn năm bên ấy nhưng bây giờ vẫn còn hơn 20 triệu chưa trả được”.
Giây phút nghẹn ngào đón di hài chị Châu trở về với đất mẹ
Đúng 5h30, chiếc xe chở di hài chị Châu từ từ lăn bánh vào nhà. Tay ôm di hài của vợ từ trên xe xuống, anh Thông như tê dại đi, bước đi những bước khó nhọc. Khoảnh sân nhỏ trước sân nhà anh Thông chật kín người, tiếng khóc xé lòng của những mái đầu bạc và hai đứa con thơ của chị Châu như buốt tâm can những người chứng kiến. “Châu ơi, số con răng mà khổ rứa Châu ơi, về với mẹ đi Châu ơi. Bốn năm rồi, mẹ chưa thấy mi mà Châu ơi…” – bà Nhị, khóc ngất bên di hài của con gái mình.
Video đang HOT
Bà Nhị khóc ngất bên di hài của chị Châu
Không ai cầm được nước mắt khi con trai chị Châu, cháu Nguyễn Ngọc Minh (10 tuổi), cầm chiếc gậy, gục đầu khóc nức nở đứng trước bàn thờ mẹ mới được lập vội. Đã hơn 4 năm rồi, chị Châu chưa về thăm Minh, nay chị về với đất để lại nỗi đau không biết bao giờ mới nguôi ngoai cho đứa con thơ.
Nỗi đau không biết khi nào mới nguôi ngoai đối với cháu Minh
Trong khi đó, tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành-nơi có hai anh em con chú, con bác là Đặng Quanh Thành và Đặng Quang Ngọc cũng thổn thức tiếng khóc của người thân, bạn bè, hàng xóm đón thi thể hai em trở về quê. Thành và Ngọc đi xuất khẩu lao động ở Nga với ước vọng thoát nghèo, nhưng nghiệt ngã thay họ phải bỏ mạng ở xứ người khi mới làm việc chưa được hai tuần. Tin dữ ập về vùng quê nghèo, khiến cả dòng họ Đặng bàng hoàng.
Họ ra đi để lại nỗi đau và gánh nặng mưu sinh cho những người ở lại
Hơn 7h tối, hai chiếc xe chở theo thi hài của Thành và Ngọc về đến nhà trong sự tiếc thương của mọi người. Chị Phan Thị Tuyết, mẹ của Đặng Quang Ngọc mấy ngày nay vật vã trong nỗi đau đớn, khắc khoải mong thấy thi hài con lần cuối nay nỗi đau đó lại như vỡ òa. “Ngọc ơi, con ơi răng mà bỏ mẹ mà đi rứa con ơi. Ở nhà khổ con mới phải đi nước ngoài, giờ về con chỉ nằm im thế này là răng con ơi”.
Cụ Đặng Quang Dương, tộc trưởng họ Đặng còn chút tỉnh táo sau chút chặng đường dài đón hai thằng cháu từ Hà Nội về cho hay: “Không có nỗi đau nào hơn khi dòng họ lại mất cùng lúc hai người như vậy nhưng chúng tôi cũng chân thành cảm ơn các ban ngành, đoàn thể, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt ở LB Nga đã quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ đưa thi thể hai cháu về nước. Đây cũng là tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi bấy lâu nay”.
Theo Dantri
Có qua cơn hoạn nạn, mới thấu được lòng nhau
Chiều 21/9, thi hài và di hài của 14 nạn nhân trong vụ hoả hoạn thương tâm đã theo chuyến máy bay thường kỳ Vietnam Airlines từ Matxcơva - Liên bang Nga trở về đất Việt.
Vụ cháy xưởng may tại thành phố Egorevxk trong mười ngày qua là đề tài nóng hổi trên các báo trong nước, ở Nga và nhiều nước trên thế giới. Các báo đều tập trung nói lên sự rủi ro, bất trắc, những gian khổ, khó khăn của anh chị em công nhân, bày tỏ nỗi đau xót trước sự mất mát của những gia đình nạn nhân không gì bù đắp nổi, và thể hiện sự phẫn nộ đối với giới chủ thiếu lương tâm.
Nhưng có một khía cạnh khác mà báo chí chưa đề cập đến được bao nhiêu, đó là tình cảm của bà con cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và tấm lòng những người Nga trong cơn hoạn nạn.
Cho đến chiều hôm nay là hôm thứ 11 của ngày tang tóc, cộng đồng người Việt Nam tại Matxcơva cũng như toàn Liên bang Nga đều sống trong một tâm trạng thảng thốt, xót thương cho những số phận bất hạnh. Các câu chuyện ở nơi kinh doanh, các hoạt động trong đời sống cộng đồng đều xoay quanh chủ đề vụ cháy.
Sau khi vụ cháy xảy ra, ngay trong đêm, các nhân viên của Sứ quán, Ban Công tác cộng đồng, đại diện Hội Dệt May và những người có trách nhiệm đã đến tận hiện trường vụ cháy. Một mặt, với tư cách là cơ quan chức năng, giới hữu trách của Sứ quán phối hợp với các cơ quan hữu quan phía Nga tiến hành việc điều tra vụ cháy
Nhưng việc cấp thiết nhất của Ban công tác Cộng đồng là phải tích cực lo cho những người bị nạn. Các công việc cấp cứu, sơ tán, vận chuyển thi hài về bệnh viện được thực hiện ngay không chậm trễ.
Còn nạn nhân bị bỏng nặng, sau khi được cấp cứu tại bệnh viện địa phương đã được nhanh chóng chuyển lên Thủ đô Matxcơva, đưa vào bệnh viện chuyên khoa lớn nhất để cứu chữa và chăm sóc.
Matxcơva cách Thành phố ngoại ô Egoirevxk trên 110km, hàng ngày, những cán bộ công tác vẫn như con thoi liên hệ, nắm tình hình và trao đổi với Lãnh đạo Sứ quán để giải quyết hậu quả.
Mười bốn nạn nhân ở các tỉnh khác nhau, có gia cảnh khác nhau, trong đó có hai đôi vợ chồng, hai anh em con chú bác ruột có người theo Thiên Chúa giáo, làm sao để đáp những nguyện vọng của ngần ấy gia đình làm sao để làm lễ tang theo lễ nghi chung một cách trọn vẹn làm sao để đưa các thi hài về cùng đợt theo các yêu cầu làm sao để trao đổi, kết nối thông tin với ngần ấy gia đình và để thống nhất công việc? Làm sao trong một thời gian ngắn nhất phải hoàn tất thủ tục về mặt giấy tờ về phía Nga, và phía Việt Nam làm sao giải toả hết những bức xúc xảy ra?
Ngoài ra còn vấn đề tài chính lo lễ tang, tiền khâm liệm, tiền tang tế, tiền vận chuyển tất cả thi hài từ Egorevxk về Matxcơva trong điều kiện đặc biệt, và từ Matxcova về tới Việt Nam.
Một ban Lễ tang được thành lập, phân công việc cụ thể, dù rất nặng nề, dù rất gấp gáp, nhưng buộc mỗi thành viên phải hoàn thành. Đích thân Đại sứ phải chỉ đạo tất cả các cuộc họp, và bản thân Công sứ nhận trách nhiệm là Trưởng ban để điều phối công việc.
Phương án chuẩn bị Lễ Truy điệu các nạn nhân được ấn đình vào 7 giờ 30 sáng ngày 21-/9, theo giờ được chọn, mặc dù vào giờ đó, lịch sử Nga trong thời bình chưa hề tổ chức. Nhưng vì chúng ta là người Phương Đông, chúng ta có những tập quán riêng phải chấp thuận. Muốn vậy, những người đi dự Lễ truy điệu phải rời Matxcơva khoảng 3 giờ sáng, để tránh tắc đường và có thời gian chuẩn bị.
Vài giờ trước khi buổi lễ bắt đầu, công tác chuẩn bị mới hoàn tất.
Dù tang lễ được tiến hành ở Nga nhưng hoàn toàn tuân tuân thủ một cách nghiêm ngặt mọi nghi thức của dân tộc. Trên các di ảnh của nạn nhân là bàn thờ cúng Phật, dưới các di ảnh nạn nhân là, hương hoa, kim ngân và bát hương, cơm cúng.
Đồ cúng được anh chị em Phật tử đạo tràng lo liệu cẩn trọng và chu đáo. Ngay một hôm trước đó, anh chị em đã làm thủ tục và đón kịp hai Đại đức Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo Việt Nam sang làm lễ cầu siêu. Hai thầy ngay trong đêm, đã có mặt trước khi mọi người đến để sắp xếp bàn thờ và cúng phẩm.
Buổi lễ Truy điệu tiến hành trong không khí xúc động và trang trọng. Ngài Tham tán công sứ đọc điếu văn trong những tiếng khóc và đôi mắt đỏ hoe của người thân và anh chị em công nhân xin phép chủ xưởng nghỉ, lặn lội hàng trăm cây số đến từ lúc nửa đêm. Hơn một trăm hai mươi người đại diện cho hàng chục ngàn người Việt tại Liên bang Nga không ai cầm được nước mắt.
Trong lời chia buồn, Đại sứ sau khi bày tỏ tình cảm của mình, chia sẻ với thân nhân các gia đình nỗi đau mất mát lớn lao này, ông kêu gọi cộng đồng đoàn kết, thương yêu nhau hơn, mong muốn những tai nạn thương tâm tương tự sẽ không xảy ra với cộng đồng chúng ta.
Trong buổi truy điệu, hai đại đức làm lễ và cùng các phật tử đọc kinh cầu siêu cho các nạn nhân giống như nghi lễ tiến hành ở các chùa trong nước. Khi các sư thầy ra khu vực làm lễ chúng sinh, thì anh em giáo hữu tiếp tục làm lễ cầu nguyện và đọc kinh cho nạn nhân theo Thiên chúa giáo. Ông Chủ tịch Hội Dệt May, một tín đồ Thiên Chúa giáo cũng tham gia lễ nguyện cùng các tín đồ khác.
Kết thúc Lễ truy điệu, thân nhân gia đình, những anh em đồng nghiệp, đồng hương của các nạn nhân lại tiếp tục đến Bệnh viện để nhận mặt và chia tay lần cuối cùng với họ trước khi chuyển thi hài lên Matxcơva để làm những thủ tục cuối cùng.
Đây là một việc làm cẩn trọng, vì trong số anh em Ban lễ tang và các đại diện Sứ quán, không ai biết mặt nạn nhân, chỉ đối chiếu qua ảnh hộ chiếu. Những người nhà nạn nhân và bè bạn đã xác nhận một cách chính xác, đã dánh dấu và ghi tuổi tên vào quan tài để không thể xẩy ra nhầm lẫn.
Một thành viên gia đình, thân nhân của một trong ba nạn nhân của Huyện Yên Thành sau khi Lễ truy điệu kết thúc, đã đến gặp anh em trong Ban Tang lễ bày tỏ niềm xúc động trược sự chu đáo, đầy trách nhiệm và tình người của Đại Sứ quán và bà con Cộng đồng. Chúng tôi chia sẻ nỗi buồn tới gia đình anh và nhắc lại một câu trong bài hát của Nhạc sĩ Trần Hoàn:" Có qua cơn hoạn nạn, mới thấu được lòng nhau"
Theo Dantri
Chính thức tiếp nhận các nạn nhân vụ cháy tại Nga Sáng 23/9, tại sân bay Nội Bài, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và đại diện Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã tiến hành bàn giao 14 di hài và thi hài của các công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 11/9/2012 tại Nga cho đại diện các gia đình nạn...