Nghe trinh sát kể chuyện bắt phạm nhân trốn trại
Trong “ thế giới người tù”, phần lớn phạm nhân đều yên phận cải tạo, tu tâm dưỡng tính để mong sớm về đoàn tụ gia đình. Nhưng, cũng có không ít kẻ vẫn ngày đêm nung nấu ý định đào tường, khoét vách nhằm trốn chạy khỏi nơi giam giữ.
Khi những kẻ liều lĩnh kia thoát được ra ngoài, công việc của những trinh sát trại giam là phải truy bắt bằng được chúng về chịu án…
Thay tên đổi họ, rạch mặt để ngụy trang
“Thế giới áo kẻ sọc” giống như một xã hội thu nhỏ, từ những người phạm tội chỉ vì một phút nhất thời bồng bột đến những kẻ “rạch giời rơi xuống” từng gây tội ác trời không dung, đất không tha. Chúng có thể “ sáng tạo” ra trăm phương ngàn kế để lừa lực lượng cán bộ trại giam rồi tẩu thoát qua chấn song sắt, tường rào dây thép gai.
Rất nhiều tên trong số đó bị bắt lại ngay khi mới vừa đào thoát khỏi trại giam được ít ngày nhưng cũng không hiếm kẻ đã khiến lực lượng chức năng phải lăn lộn hàng tháng, hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời mới lần ra tung tích.
Theo Trung tá Nguyễn Sỹ Chương (SN 1966, cán bộ Phụ trách đội Trinh sát, Trại giam số 3 Bộ Công an), người đã nhiều năm làm công tác truy bắt phạm nhân trốn trại thì tù vượt ngục, phần đa đều là những tên lưu manh, liều lĩnh nên việc truy bắt chúng gặp muôn vàn khó khăn. Thậm chí, có những tên giỏi ngụy trang, chúng “tung tẩy” ngoài xã hội đến hàng chục năm trời.
Trung tá Chương (mặc quân phục) thường xuyên động viên, giáo dục phạm nhân, giúp họ yên tâm cải tạo
Ví như tên Nguyễn Văn Ngọc quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ngọc giết người cướp của, lĩnh án 18 năm tù và được đưa về cải tạo tại Trại giam số 3. Lúc đó, cơ sở vật chất trại còn nghèo nàn, gianh tre nứa lá, lại đóng trên địa bàn hiểm trở, rừng thiêng nước độc. Nơi đó còn được người ta gọi với cái tên “Vực rồng” để chỉ sự hoang vu. Vào khoảng năm 1983, lợi dụng một đêm giông bão, mưa lũ trắng trời, Ngọc đào tẩu thành công. Hàng trăm lượt trinh sát đã được huy động nhằm lần tìm tung tích nhưng hắn vẫn bặt vô âm tín.
Video đang HOT
Vốn là một tên tội phạm ranh ma, quỷ quyệt, sau khi vượt ngục, Ngọc dùng đủ mọi mánh khóe để ngụy trang cho mình nhằm tránh sự truy đuổi gắt gao của lực lượng Công an. Hắn thay tên đổi họ thành Nguyễn Văn Sáu và sống chui lủi nhờ các mối quan hệ ngoài xã hội. Cứ ở đâu một thời gian, nghe chừng “động” là hắn lại chuồn. Rất nhiều lần, các trinh sát tưởng như đã “túm” được hắn, nhưng đến khi mật phục đâu đấy thì hắn đã “cao chạy xa bay”.
Cứ thế, cuộc “rượt đuổi” kéo dài mãi đến tận năm 1994, tức là 11 năm sau ngày Ngọc trốn trại. Qua công tác trinh sát, Công an nhận được thông tin tên Ngọc đã lấy vợ, có con và đang sinh sống mãi trong miền rừng Đắc Lắc. Trung tá Chương cùng đồng nghiệp nhận lệnh lên đường. Trước khi đi, trong tay anh chỉ vẻn vẹn có mỗi tấm ảnh đã ố vàng của tên Ngọc bé bằng bao diêm.
Dù đã lường trước rằng, Nguyễn Văn Ngọc bỏ trốn quá lâu, ngoại hình hắn có thể thay đổi rất nhiều, nhưng, tổ trinh sát cũng không ngờ hắn có thể liều lĩnh đến mức… tự rạch mặt mình thành sẹo để “ngụy trang”. Bằng công tác nghiệp vụ, anh Chương và các đồng nghiệp đã phải rất vất vả mới xác minh chính xác được Nguyễn Văn Sáu đúng là phạm nhân Nguyễn Văn Ngọc đã từng trốn trại cách đây hơn thập kỷ. Sau khi nắm được nơi ở, thói quen sinh hoạt của Ngọc, anh em đặt quyết tâm phải bắt bằng được hắn về quy án.
Trung tá Nguyễn Sỹ Chương, một “cao thủ” trong việc truy bắt các tù nhân trốn trại
Với bản tính manh động, liều lĩnh, vừa phát hiện bóng các trinh sát (lúc đó đã được hóa trang thành công nhân cạo mủ cao su), tên Ngọc xách vũ khí lao đầu chạy vào rừng cố thủ. Không nản chí, anh Chương cùng đồng đội kiên trì mai phục. Suốt hơn 10 ngày ròng rã, các anh gần như không dám chợp mắt, bởi, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi, mọi công sức bỏ ra đều coi như “đổ xuống sông”. Sang đến ngày thứ 11, lương thực mang theo đã cạn, tên Ngọc dần kiệt sức và bị bắt…
Trốn trại, sống như “người rừng”
Tuy rằng, những năm gần đây, khi phần lớn các trại giam đều đã được đầu tư xây dựng khang trang, cảnh quan sạch đẹp nhằm tạo cho phạm nhân không còn cảm giác bị cách ly với thế giới bên ngoài, nhưng, đâu đó vẫn còn nhiều phạm nhân ngày đêm ấp ủ khát vọng vượt tường cao và dây thép gai án ngữ. Trên thực tế, dù những kẻ đó chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng nhường nào thì cũng rất ít vụ trốn chạy thành công. Nhưng, kể cả khi đã thoát được ra ngoài, những kẻ vượt ngục sẽ phải chịu kiếp sống chui lủi và thường trực nỗi lo bị bắt trong suốt chuỗi ngày đằng đẵng.
Suốt bao năm đeo đẳng “nghề” trinh sát trại giam, Trung tá Chương bảo, đôi lúc anh cảm thấy chua xót khi phải chứng kiến những phạm nhân chỉ ăn rồi ủ mưu trốn chạy. Rồi từ những mưu ma, chước quỷ đó, chúng tạo nên những cuộc vượt ngục kinh hoàng và cũng không kém phần ly kỳ bậc nhất trong lịch sử trại giam.
Các phạm nhân đang cải tạo lao động trong Trại giam số 3
Đến giờ, hơn chục năm trôi qua, anh Chương vẫn còn nhớ rành rẽ từng chi tiết trong vụ truy bắt tên Lê Phạm Thơ ở Thừa Thiên – Huế. Năm 2000, lợi dụng lúc đi làm đồng, Thơ trốn thoát khỏi trại giam. Hắn vào nhà dân ăn trộm quần áo rồi sống chui lủi trong rừng như hoang thú. Ròng rã suốt nhiều ngày, hắn sống chỉ bằng hoa quả, rau rừng và nước suối. Cứ ngày ngủ, đêm di chuyển theo dọc các cánh rừng Trường Sơn, hắn lang bạt vào tận địa bàn Thừa Thiên – Huế. Đến đây, hắn quyết định dừng lại “an cư lạc nghiệp”.
“Nhà” hắn ở là một hang đá nằm sâu trong cánh rừng A Lưới, trên treo cái võng, dưới vứt vài ba bộ quần áo. Ngày hắn mò mẫm lên nương rẫy bẻ ngô sắn của đồng bào, đêm thì vào bản bắt trộm vật nuôi. Lâu dần, người dân đi rừng phát hiện “sinh vật lạ” liền báo với chính quyền. Thấy có “động”, hắn chuyển “nhà” vào sâu hơn nữa.
Nhận được tin báo, cơ quan cử anh Chương lên đường đi truy bắt. Do địa hình đồi núi hiểm trở, lại không xác định chính xác vị trí tên Thơ ẩn nấp, nên phải mất rất nhiều ngày trèo đèo, lội suối, lăn lộn thu thập thông tin, anh mới xác định được địa bàn hoạt động của hắn. Nhưng, cái khó ở đây là làm sao để tiếp cận được tên tội phạm giữa rừng núi bạt ngàn, trong khi Thơ lại có kỹ năng “luồn rừng” như con chồn, con cáo?
Tính toán mãi, cuối cùng anh Chương chọn phương án nhờ người dân tung tin để “dụ” Thơ, “mồi nhử” là một con lợn sữa. Do thiếu thốn lâu ngày, khi “đánh hơi” được có gia đình nuôi nhốt lợn ở ngoài bìa rừng, Thơ khấp khởi mừng thầm. Sau hai đêm quan sát động tĩnh, thấy yên ổn, đêm thứ 3 hắn vừa mò ra đến gần chuồng lợn thì bị bắt. Đến lúc đấy, hắn vẫn tưởng bị bắt vì tội trộm cắp chứ không hề nghĩ người đàn ông mặc quần áo dân tộc kia là trinh sát Trại giam số 3, một “cao thủ” chuyên bắt phạm nhân trốn trại…
Có thể quá ám ảnh bởi những ngày lang bạt, vạ vật nơi xó rừng A Lưới, đến khi về lại trại giam, nơi mình mới vừa bỏ trốn, Thơ mới “rút ruột” rằng, “sống ở đây dù sao cũng còn sướng hơn chán vạn lần kiếp chui lủi trong rừng”. Và hắn nguyện sẽ trả nốt cả “án cũ” lẫn “án mới” với “lời thề”: Không bao giờ trốn trại.
Thế mới thấy được, những kẻ vượt ngục dù có gian manh, xảo quyệt đến đâu, nhưng với ý chí, quyết tâm của các trinh sát trại giam thì chúng cũng không bao giờ thoát, sớm hay muộn gì cũng sẽ bị bắt về quy án.
Theo Báo Công Lý
Khống chế bạn tù để trốn trại
Huỳnh Ngọc Phụng cùng 2 phạm nhân khác đã trói, nhét giẻ vào miệng 3 bạn tù cùng phòng rồi leo qua lỗ thông gió vỡ, vượt tường trốn khỏi nơi giam giữ.
Ngày 6/4, tòa án huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) tuyên phạt Huỳnh Ngọc Phụng (23 tuổi, trú quận 12, TP HCM) 4 năm tù giam về tội "trốn khỏi nơi giam giữ".
3 phạm nhân vượt ngục trước tòa. Ảnh: Khoa Thy.
Đồng phạm với Phụng là Dương Văn Chín và Trần Văn Phước cũng nhận lần lượt 30 tháng và 18 tháng tù giam về cùng tội danh.
Theo cáo trạng, trước đó, Phụng bị khởi tố và tạm giam phục vụ điều tra hai tội danh "cố ý gây thương tích" và "trộm cắp tài sản". Tối 1/10/2011, phạm nhân này chủ mưu phối hợp cùng Chín và Phước trói, nhét giẻ vào miệng 3 bạn giam cùng phòng rồi tẩu thoát qua lỗ thông gió (bị nạy bể trước đó), leo tường vượt khỏi nơi giam giữ.
Lực lượng quản giáo phát hiện, cùng lực lượng công an huyện truy bắt được Chín ngay trong đêm. Hai ngày sau Phụng và Phước cũng bị tóm.
Theo VNExpress