Nghệ thuật lắng nghe
Nếu thực sự quan tâm đến bạn mình, hãy dành thời gian để lắng nghe họ nói.
Nhu cầu được tâm sự, được kể lể giãi bày chưa bao giờ chỉ thuộc riêng phụ nữ và những người lớn tuổi. Những đứa trẻ cũng cần bạn lắng nghe chuyện của chúng hàng ngày. Và cả các quý ông nữa, họ cũng cần lắm một người bạn có khả năng chia sẻ sự cảm thông bằng một hành động rất giản đơn là lắng nghe họ nói.
Ảnh internet.
Con người sợ nhất là bị lãng quên, nghĩa là sợ phải một mình ôm lấy tâm sự của riêng mình để gặm nhấm mà không có ai đủ tốt bụng và hiểu biết về tâm lý con người để lắng nghe họ.
Lắng nghe trọn vẹn một tâm sự của người khác, đôi lúc còn có giá trị hơn cả những lời nói an ủi bâng quơ, bởi đúng là người khác chỉ cần bạn lắng nghe để cho họ nhẹ lòng chứ thực ra họ cũng không cần lắm đến mách nước, khuyên nhủ hay những gì đại loại như thế. Nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó, chúng ta cần học cách im lặng và lắng nghe nhau-chính vì điều này không hề dễ nên lắng nghe trở thành một trong những cử chỉ ân cần nhất của con người trao cho nhau ở thời buổi bây giờ.
Ta vẫn gặp nhiều lắm những tình huống ngán ngẩm là thay vì im lặng lắng nghe những tâm sự của người khác thì ta lại thao thao nói về mình. Hãy để ý đến ánh mắt không giấu được vẻ chán chường của người đối diện, hóa ra họ mở màn câu chuyện để bạn chỉ nói về những gì thuộc về bạn thôi sao? Điều này giống như sự bất nhã vậy. Ngao ngán lắm! Vậy ra để lắng nghe người khác cũng cần phải có một tấm lòng, hay nói khác đi, cũng cần lắm khả năng quên mình dù là chỉ trong chốc lát!
Để có khả năng vì người khác cũng cần phải có thời gian để trưởng thành. Theo thời gian, con người có khuynh hướng bao dung, vị tha hơn. Lúc này mới là lúc ta nhận ra những nỗi buồn của người khác, và rồi ta cảm thông cùng họ, có ước muốn thật lòng lắng nghe họ. Hiểu được điều này để không quá trách móc các bạn trẻ sao chúng thờ ơ không quan tâm nhiều đến bố mẹ, ông bà như người lớn kỳ vọng. Ai trong chúng ta cũng đều trải qua lứa tuổi vô tư đến thành vô tâm, thiếu sự nhạy cảm, tinh tế trong ứng xử. Rồi thời gian và cuộc sống sẽ cho tuổi trẻ những bài học đời hữu dụng. Vậy nên đừng vội trách móc họ.
Video đang HOT
Lắng nghe và học cách để lắng nghe luôn là một câu chuyện dài, nói ở khía cạnh nào cũng thấy đúng. Nhưng dù là nói gì đi chăng nữa, hẳn là chúng ta đều đồng ý với nhau rằng: lắng nghe chính là một nghĩa cử đẹp của trái tim và của tấm lòng đôn hậu, vị tha. Những người ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình không bao giờ có nhu cầu và có khả năng nghe người khác nói!
Lắng nghe cũng là một nghệ thuật là vì lẽ vậy.
Saomai Pham.
Cách giải quyết mâu thuẫn gia đình thông minh nhất
Mâu thuẫn gia đình có thể xảy ra với bất kỳ ai và vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống. Điều quan trọng là khi mâu thuẫn xảy ra, ta biết cách xử lý và hoà giải êm thắm mọi việc. Cách giải quyết mâu thuẫn gia đình nói thì dễ nhưng làm lại không dễ chút nào.
Mọi gia đình đều trải qua những giai đoạn khó khăn hay thời điểm khủng hoảng. Trong những lúc này, điều quan trọng là có người đứng ra thực hiện nhiệm vụ hòa giải. Thay vì để các thành viên trong gia đình bị chia rẽ, hãy chọn cách giải quyết mâu thuẫn gia đình, giúp duy trì và cải thiện các mối quan hệ gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình
Sự khác nhau về tính cách, suy nghĩ và quan niệm sống của các thành viên gia đình; Sự khác nhau về mong muốn và lợi ích của mỗi cá nhân; Sự khác nhau về cách nhìn nhận về sự việc hay vấn đề của mỗi thành viên là khác nhau; Môi trường sống căng thẳng: nhà cửa chật chội, gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống; Nhu cầu của các cá nhân lớn hơn nguồn lực mà gia đình có.
Mâu thuẫn là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống. Mâu thuẫn tồn tại mọi lúc, mọi nơi kể cả trong gia đình vì mỗi người có quan điểm và nhận thức khác nhau, có mục đích sống khác nhau trong khi khả năng của gia đình có giới hạn. Mỗi người cần nhận thấy có mâu thuẫn và tìm cách giải quyết.
Các nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn gia đình
1/ Sẵn sàng nhìn nhận vấn đề từ một khía cạnh khác
Cố gắng nhìn nhận vấn đề dưới quan điểm của chồng/ vợ bạn sẽ giúp bạn hiểu hơn các vấn đề hay mâu thuẫn.
Chúng ta thường tranh cãi một vấn đề dựa trên ý kiến cá nhân và đưa ra cách giải quyết cũng vậy. Bạn không thể thấu hiểu toàn bộ vấn đề nếu không chịu lắng nghe và thử nhìn nhận nó bằng quan điểm của chồng/vợ bạn. Một vấn đề không bao giờ chỉ có một cách nhìn nhận, khi bạn cân nhắc tất cả các khía cạnh thì sẽ có nhiều hướng giải quyết khác nhau.
2/ Đừng "thêm dầu vào lửa"
Điều này giống như vỗ hai bàn tay vào nhau. Một cuộc xung đột hay bất đồng có thể chỉ xảy ra sau đó nếu có sự giận dữ hoặc thù địch từ hai phía. Những mâu thuẫn gia đình có xu hướng liên quan đến hai người hay hai nhóm. Cho dù bạn có trực tiếp liên quan đến cuộc tranh cãi hay không, đừng làm vấn đề thêm rối tung bằng những lời ra tiếng vào, lời buộc tội các thành viên khác mà không có cơ sở.
3/ Lắng nghe bằng cả 2 tai
Đôi tai là nơi tiếp nhận những lời giải thích hoặc lý lẽ của người khác. Nếu bạn không chân thành lắng nghe đối phương bằng cả hai tai thì khả năng bạn sẽ tiếp tục ấm ức hoặc bực tức là rất cao. Khi chịu khó lắng nghe người khác, bạn sẽ hiểu được những khía cạnh khác của cùng một vấn đề từ góc nhìn của người đối diện. Khi đã nắm được lý do vì sao đôi bên có mâu thuẫn thì từ đó các giải pháp dung hòa hoặc giải quyết triệt để mâu thuẫn mới có cơ hội được góp mặt.
4/ Sẵn sàng thừa nhận sai lầm
Đối với một số người thì mục tiêu của họ là chiến thắng, chứ không phải giải quyết mâu thuẫn. Thẳng thắn thừa nhận khi bạn phạm sai lầm sẽ dẫn đến sự tin tưởng và khoan dung. Những người có lòng tự trọng và tính khiêm nhường sẽ dễ dàng thừa nhận lỗi lầm. Điều đó thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong hôn nhân, và giúp vợ/ chồng bạn cảm thấy tự tin hơn khi thừa nhận lỗi lầm của mình. Xét cho cùng thì đó là tính khiêm nhường trong cuộc sống hôn nhân và trong bản thân mỗi người.
5/ Có nên xin lỗi?
Hai loại ngôn từ mà con người không muốn "phát ngôn" nhất chính là lời khen thật lòng và lời xin lỗi. Tuy nhiên, một người làm lỗi và biết xin lỗi sẽ còn được đánh giá cao hơn cả người không bao giờ mắc lỗi. Nếu người có lỗi là bạn, hãy dẹp qua hết những tự ái cá nhân hoặc sĩ diện bản thân mà gửi lời xin lỗi đến đối tượng. Ông bà ta đã nói "Đánh kẻ chạy đi, chẳng ai đánh người chạy lại". Do đó, một lời xin lỗi đúng lúc đúng việc sẽ là phương thuốc xoa dịu và giải quyết mâu thuẫn hiệu quả.
6/ Học cách quên
Một trong những phép ngừa mâu thuẫn hữu hiệu là bạn phải học cách quên đi những lỗi lầm cũng như xích mích trước đây với các thành viên khác. Thật vậy, việc cứ ôm khư khư những tức tối vì một mâu thuẫn nào đó trong quá khứ sẽ chỉ làm khổ bạn mà thôi. Trong cuộc sống bộn bề lo toan và đầy trăn trở, bạn sẽ nhẹ nhõm hơn nếu biết cách thả trôi đi những mối dây mâu thuẫn trong quá khứ để hướng đến một ngày mai vui tươi hơn.
Mâu thuẫn nào rồi cũng sẽ có cách giải quyết ổn thoả nếu các thành viên thật lòng muốn tìm ra một giải pháp êm thấm và thoả mãn đôi bên. Chúc cho bạn cùng các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng giảm thiểu mâu thuẫn và gia tăng hậu thuẫn hạnh phúc cho nhau.
Tố Nữ (Tổng hợp)
Hôn nhân, nếu chỉ yêu thương thì chưa đủ Đừng đẩy những năm tháng yêu đương mặn nồng trở thành thù hận và sự căm ghét đến lúc muốn buông lại không thể, càng giữ chỉ càng xót xa... Khi yêu, ai cũng mong muốn cuộc tình mình luôn có được một kết thúc viên mãn, ai cũng mơ đến một đám cưới trong tương lai. Nhưng không phải cuộc tình nào...