Nghệ thuật làm trống của người Dao đỏ
Trên khắp vùng biên giới phía Bắc, mỗi gia đình người Dao đỏ đều có một chiếc trống. Trống là nhạc cụ chính, cùng với kèn và lục lạc tạo nên bộ nhạc cụ cơ bản cho hầu hết mọi hoạt động văn hóa như lễ tết, ma chay, cưới hỏi… của người Dao đỏ.
Trống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao có vị trí quan trọng. Tuy nhiên, không phải người Dao nào cũng biết làm trống, cũng không phải ở vùng nào có người Dao sinh sống thì cũng làm được trống. Đơn giản bởi vì làm trống cần rất nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm và không dễ có thể học và làm. Cũng bởi vậy mà người làm trống và làm nhạc cụ truyền thống của người Dao luôn được cộng đồng ngưỡng mộ .
Cũng bởi sự đặc biệt ấy mà nhiều vùng của Tây Bắc như Lào Cai, Hà Giang… – những nơi có nghệ nhân biết nghề làm trống, làm nhạc cụ truyền thống người Dao thường được du khách, những người yêu du lịch lựa chọn làm một điểm đến cho hành trình khám phá văn hóa.
Ở bản Tà Chải, xã Tả Phình, huyện Sa Pa, Lào Cai có một nghệ nhân làm trống của người Dao như thế. Xưởng làm trống của gia đình ông Lý Phủ Quyện là một điểm đến khá nổi tiếng đối với du khách. Đến thăm xưởng làm trống mới thấy cách người Dao làm trống vô cùng đặc biệt. Tang trống được lấy từ gỗ mít đục rỗng hoặc khoét thủng, sau đó bào tròn, bóng xung quanh làm sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền và chắc. Một trong những điểm khác biệt với trống thông thường là da mặt trống không được căng lên tang trống bằng cách đóng đinh chết, mà mặt trống được dùng các dây mây dẻo, bền néo căng bằng các nêm chéo nhau. Vì vậy, theo thời gian khi mặt trống bị trùng, người ta chỉ cần đóng chặt thêm các nêm để làm mặt căng. Nêm trống là những thanh gỗ được chẻ mỏng thành các dăm và chốt chéo xung quanh tang trống. Kỹ thuật đan các dây căng mặt trống đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm.
Video đang HOT
“Để có thể kết sao cho mặt trống căng, các nêm tạo thành hình đẹp mắt thì một người thợ phải học ít nhất 3 năm mới có thể làm thành thạo”, ông Lý Phủ Quyện cho biết. “Những chiếc nêm trên tang trống sau khi hoàn thành sẽ như những cánh hoa xếp lớp rất lạ mắt. Đây cũng là nét tạo hình riêng độc đáo chỉ có trên trống người Dao đỏ. Da dùng căng mặt trống được chọn lựa từ da bò, trâu, sơn dương và phải qua công đoạn thuộc da để có được độ dày cần thiết. Sau đó, da được căng lên phên tre, đem phơi nắng hoặc sấy trên gác bếp cho đến khi thật khô.
Kỹ thuật làm trống được người Dao truyền cho những thế hệ đàn ông trong gia đình. Theo phong tục truyền thống, người Dao chỉ tiến hành hoàn thiện trống vào hai ngày đặc biệt trong năm, đây là những thời điểm được cho là những ngày “kỵ” nên có thể cho trống tốt và “linh”. Cũng vì vậy mà những gia đình không làm được trống cũng sẽ xem ngày tháng tốt mới chọn mua trống cho gia đình.
Cũng bởi làm trống là nghề gia truyền nên những bí quyết để làm được một chiếc trống tốt thường nằm trong kinh nghiệm của nghệ nhân, những bí quyết quan trọng như chỉnh âm cho trống, thuộc mặt trống… là bí quyết “cha truyền con nối”. Người biết chỉnh âm là người phải biết nghe. Kỹ năng nghe và thẩm định chất lượng âm thanh không thể truyền dạy bằng sách vở mà chỉ có thể nhờ kinh nghiệm và năng khiếu. Người làm trống, ngoài đôi tay khéo léo còn cần đôi tai tinh tế mới có thể nghe và chỉnh âm thanh của trống. Một chiếc trống “chuẩn” khi đánh lên, người đứng xa vẫn nghe tiếng trống âm vang mà người đứng gần không cảm thấy chói tai, được vậy thì âm mới đạt, mới đúng là trống của người Dao đỏ.
Theo ANTD
Bi hài cưới dịp Tết và tục "trả nợ miệng"
Ngày 26 Tết vẫn còn những cánh thiệp hồng được gửi tới, gia chủ không còn mừng mà khuôn mặt đã biến sắc theo cái tục "nợ miệng" ngàn đời của làng quê. Cưới hỏi dịp tết cũng thật nhiều chuyện bi hài.
Văn hóa nông nghiệp lúa nước và văn hóa làng xã người dân Việt nói chung và người dân quê nói riêng rất coi trọng tình cảm chòm xóm. Hễ nhà nào có cưới, tân gia, hay thậm chí là ngày kị của ông bà tổ tiên thì cũng muốn bà con chòm xóm cùng chung vui với gia đình, phải mời cho bằng được họ đến, bằng không sẽ giận cả năm không gặp, thậm chí cả đời.
Ấy vậy mới có chuyện 25, 26 tết rồi mà người dân vẫn chưa chuẩn bị sắm tết. Thay vào đó là để dành tiền để đi "ăn" đám. Câu chuyện bi hài này chúng tôi ghi được ở một làng quê ven biển thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
"Nợ miệng" bao đời nay đã trở thành tập tục ở nhiều nơi (Ảnh minh họa)
Gia chủ được mời không có sẵn tiền trong nhà đành ra chuồng gà bắt lấy con gà nào to nhất, ước lượng cho đủ tiền rồi "cắp nách" ra chợ. Thế là đủ một cái "đám". Người quê, không lương, không thưởng nhưng họ hào phóng lắm, một cái đám cưới chí ít cũng đi 150.000, người thân cận thì còn nhiều hơn nữa. Cái tháng mà người ta vẫn thường hay gọi là "Năm hết tết đến", một tháng đâu chỉ 1, 2 cái đám cưới. Nếu cộng tất cả các loại "đám" lại cũng độ đôi chục rồi. Tính sơ sơ cũng bẵng đi vài ba triệu đồng trong 1 tháng.
Rồi hết bó rau, con cá cũng đội nón "đi chợ cùng bà" cho đủ cái "đám". Ăn không giám ăn, mặc không đủ mặc nhưng không thể bỏ sót đám nào được, không đi người ta giận chết. Người nào có đôi ba chục đồng lương hưu thì còn đỡ, chứ người dân quê chỉ trông vào vài ba sào ruộng thì "chết thật".
Chị Nguyễn Thị T. than từ tháng 10 lại nay đã đi "đám" hết hơn 7 triệu đồng rồi. Nhưng bí nhất là vào dịp tết đến chưa biết lấy tiền đâu sắm tết thì đúng vào ngày 26 này có cái đám cưới con ông bạn chí cốt, không đi không nỡ. Tình làng nghĩa xóm ấy, cha ông cũng từng bảo "bán anh em xa mua láng giềng gần" nhưng năm thì đã hết, tết thì đã đến mà cứ lo chạy tiền đi "ăn" như vậy thì tội quá.
Cái nợ nào thì có thể trả được chứ cái "nợ miệng" thì đến chết cũng không trả hết. Tết nghèo thì ta vui theo lối của tết nghèo, nghèo tiền nghèo bạc nhưng không nghèo tình nghèo nghĩa. Năm nay sắm cỗ bánh chưng và vài ba cân thịt nhưng tình làng nghĩa xóm vẹn tình.
Vẫn biết cái tình, cái nghĩa là trường tồn, là bản sắc nơi mỗi làng quê. Nhưng những phong tục cưới hay như ngày đám... với cỗ bàn ê chề, thậm chí kéo dài tới hai, ba ngày thì cũng nên sớm được cải tiến.
Theo Phan Dương
Vẻ đẹp của đờn ca tài tử Cuối năm 2013, bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây được coi là món quà đặc biệt mừng Xuân Giáp Ngọ dành cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Thú chơi ngẫu hứng Một buổi sinh hoạt đờn ca tài...