Nghệ thuật hàn lâm đi tìm khán giả
5 diva hát cùng nhau trong chương trình “The master of symphony” được dự đoán sẽ thu hút khán giả.
Lý do chính khiến các ngôi sao chịu nhún cái tôi của mỗi người để đến với nhau vì đây là những chương trình nghệ thuật thực sự đẳng cấp
Diện mạo mới cho nghệ thuật hàn lâm
Điểm nổi bật của The master of symphony mà 5 diva: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thu Phương cùng xuất hiện chính là sự kết hợp giữa giao hưởng và nhạc nhẹ nhằm tạo diện mạo mới cho cả nhạc nhẹ lẫn nhạc cổ điển.
Đây không phải lần đầu tiên nhạc cổ điển tìm đường đến với công chúng. Sự xuất hiện của dàn nhạc giao hưởng trong chương trình Rockstorm cách đây vài năm khiến cả khán đài sân Tao Đàn (TP HCM) dậy sóng. Không ai ngờ nhạc hàn lâm – vốn bị mặc định là khó thưởng thức, kiêu sa đến mức khó gần – lại dễ nghe, gần gũi và tuyệt vời đến thế.
Những tiết mục pop kết hợp với dàn nhạc giao hưởng đang rất được yêu thích hiện nay Ảnh: Hoàng Sơn.
Sau đó, Unlimited, nhóm nhạc gồm những rocker trẻ tuổi, quyết định mang đến một không gian âm nhạc lạ lẫm với sự pha trộn đầy ngẫu hứng, liều lĩnh nhưng cũng rất khôn ngoan là rock symphony. Giọng nữ cao soprano Ngọc Tuyền và giọng trầm khàn đặc của rocker Viết Thanh đã tạo nên cơn sốt thú vị trong giới trẻ.
Tất cả những điều đó cho thấy nhạc hàn lâm là một chất liệu thú vị để nâng tầm đẳng cấp, tạo nên diện mạo mới cho thị trường âm nhạc đại chúng.
Đối với những người coi âm nhạc hàn lâm là lý tưởng sống, việc phân khúc âm nhạc này hầu như không có chỗ đứng trong thị hiếu thưởng thức của đại đa số khán giả nhạc Việt thực sự là một nỗi đau, như chia sẻ của chỉ huy dàn nhạc Trần Nhật Minh. Tuy nhiên, với những người trẻ như Trần Nhật Minh, thay vì buồn bã và cam chịu như nhiều thế hệ trước, họ đã cố gắng vẫy vùng trong khả năng của mình để đưa âm nhạc hàn lâm đến với công chúng.
Nói cách khác, Trần Nhật Minh muốn đi tìm khán giả. Đó là lý do anh thường tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm giới thiệu âm nhạc hàn lâm đến với khán giả sinh viên tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM.
Cùng với những buổi nói chuyện đậm chất chuyên môn là khoảng thời gian thị phạm đầy thú vị và sinh động để giúp mọi người hiểu rằng thực tế nhạc hàn lâm không quá xa cách. Bên cạnh đó là những buổi diễn mà sự kết hợp nhạc giao hưởng với nhạc nhẹ – một kiểu symphony (khúc nhạc giao hưởng) dễ nghe, dễ hiểu – luôn được các nghệ sĩ trẻ ứng dụng như một cách nâng cao đẳng cấp cho tiết mục trình diễn cũng như ý thức nghe nhạc trong cộng đồng.
Video đang HOT
Những tín hiệu vui
Cho Hae Ryong, giọng ca soprano đến từ Hàn Quốc, từng để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả Việt Nam qua nhiều chương trình biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM. Chị và một số người khác là những nghệ sĩ tự do, có sức sống mạnh mẽ. Sự tâm huyết với âm nhạc cổ điển đã thôi thúc chị thành lập một nhóm nhạc nữ giao hưởng.
“Tôi thấy tiếc vì có nhiều nghệ sĩ giao hưởng từ nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn nhưng Việt Nam lại không có nhóm nghệ sĩ nào biểu diễn đáp lễ dù nghệ sĩ Việt rất giỏi” – Cho Hae Ryong nhận xét. Đó là lý do nhóm nhạc giao hưởng 11 thành viên – gồm: Cho Hae Ryong, Ngọc Tuyền, Khánh Ngọc… – với tên gọiSaigon Lady Singer sẽ chính thức ra mắt vào tháng tới.
Saigon Lady Singer sẽ mang đến cho khán giả những giai điệu đậm chất cổ điển nhưng điều đó không có nghĩa họ sẽ là nhóm hát xa cách với đại đa số công chúng yêu nhạc. Để đi tìm công chúng của mình, Saigon Lady Singer sẽ cập nhật những gì đang là thời thượng nhất mà hiện tại là EDM (electronic dance music).
Sự kết hợp của EDM và giao hưởng không quá mới mẻ với công chúng thế giới. “Với những hiệu ứng mà nhiều nghệ sĩ đã gặt hái được từ sự kết hợp EDM – symphony, Saigon Lady Singer tin rằng con đường mà chúng tôi đi không quá khó để tìm đến khán giả. Đó là chưa kể thực tế, chúng tôi cũng đã có sẵn một lượng khán giả của riêng mình” – ca sĩ Ngọc Tuyền tự tin.
Niềm tin của Saigon Lady Singer có cơ sở để trở thành sự thật. Một không gian âm nhạc với dàn nhạc nhẹ kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng sẽ khẳng định đẳng cấp âm nhạc của cả người tổ chức lẫn khán giả thưởng thức. Những chương trình này không chỉ thỏa mãn được niềm đam mê nghệ thuật, thể hiện đẳng cấp của nghệ sĩ mà còn đáp ứng được thị hiếu của công chúng.
Mới lạ và hấp dẫn
Gần đây, 2 giọng nữ cao Ngọc Tuyền và Triệu Yên đã kết hợp với DJ Hoàng Anh phát hành album Queen of the night. Sự hòa quyện nhạc dance của DJ Hoàng Anh với 2 giọng nữ cao Ngọc Tuyền, Triệu Yên khi trình diễn các bài hát trích từ những vở opera nổi tiếng của nhiều nhạc sĩ lừng danh thế giới như Mozart, Puccini, Delibes, Borodin… và một số ca khúc bán cổ điển quen thuộc khác thực sự mang đến cho cho khán giả những cảm nhận mới lạ trong thưởng thức âm nhạc.
Theo Thuỳ Trang/Người Lao Động
Nhạc sĩ Giáng Son kể chuyện nhịn đói viết nhạc
"Hạnh phúc theo tôi là được ở bên người mình yêu và yêu mình. Tôi là người theo kiểu ngây thơ, lãng mạn nên vẫn cứ tin theo kiểu hai trái tim vàng, một túp lều xanh", cô chia sẻ.
- 8 năm mới cho ra album mới, chị nói gì về sự chậm trễ này?
- Quả thật có những thời điểm tôi định không làm album nữa vì mình là nhạc sĩ sáng tác, không làm cũng không sao, không phải như các ca sĩ bắt buộc phải có album để vào đời. Tôi vẫn có thể viết đặt hàng hoặc bán bài hát cho các ca sĩ vừa gọn nhẹ vừa vẫn có thu nhập mà không phải lao tâm khổ tứ rồi bỏ ra rất nhiều tiền để làm album. Thế nhưng nhìn album đầu tiên là Giáng Son 1, chả lẽ chỉ có 1 không bao giờ có 2. Tôi tự thấy mình cũng hơi kém, máu nghề nghiệp lại nổi lên và quyết tâm làm album mới.
Nhạc sĩ - ca sĩ Giáng Son.
Đầu tiên tôi định làm chuyên về pop hoặc dân gian đương đại nhưng sau thấy số lượng bài về blues đã có khoảng một nửa và album về blues jazz thì rất ít người làm, lại là một dòng nhạc mà mình mê mẩn từ rất lâu nay nên quyết định chọn thể loại âm nhạc này. Bài vở không phải là vấn đề mà điều khiến sự chậm trễ này lâu đến vậy là vì tìm những nhạc sĩ phối khí và ca sĩ là rất khó khăn.
Những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng đều bận rộn với những dự án show diễn của họ. Có những thời điểm tôi phải chờ Tùng Dương đến 6 tháng mới có thể thu tiếp được. Tôi cũng là người ngại hối thúc vì nghĩ làm nghệ thuật mà hối quá thì sẽ mất hay đi. Nhưng có lẽ lần sau cũng phải giục nhiều hơn thì sẽ có hiệu quả hơn. Phải nói rằng tôi hết sức may mắn khi đã tìm ra được anh Vũ Quang Trung và Lê Thanh Tâm phối khí cho album và sau đó là sự nhận lời của ca sĩ Hà Trần và Tùng Dương.
- Tùng Dương là một nghệ sĩ tài năng nhưng tôi từng nghe nhiều nhạc sĩ than rằng cậu ấy là người hay đòi sửa lại tiết tấu nhạc và với nhạc của chị cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Hình như sau những tranh luận chị cũng phải khoan nhượng để sửa tiết tấu nhạc vì cậu ấy?
- Tôi là người khá cầu thị và không cực đoan đến mức không được sửa một nốt nào của mình. Tùng Dương là người ưa sáng tạo nên hay thích nghịch kiểu này, nghịch kiểu kia với giai điệu gốc. Có những cái Tùng Dương phiêu tôi thấy hợp lý về cả màu sắc lẫn giai điệu và làm cho bài hát hay hơn thì tội gì mà tôi không đồng ý sửa.
Nhưng cũng có những lần Tùng Tùng Dương cũng phải chịu tôi và kêu lên: "Sao chị bướng thế" vì tôi nhất định không sửa theo ý cậu ấy. Có bài tôi sửa tiết tấu chậm lại chút như Vệt buồn, có bài tôi phải thay đổi cả giai điệu như điệp khúc của Đêm đợi. Nhưng theo tôi thấy sự thay đổi vẫn nằm trong tổng thể chung của màu sắc âm nhạc nên vẫn chấp nhận được.
- Với "Bóng tối jazz", chị kỳ vọng điều gì? Chị có nghĩ nó sẽ giúp cho sự định hướng của nhạc Việt đi theo tính thể loại một cách đúng đắn không?
- Tôi không dám nghĩ to tát như vậy. Tôi chỉ thấy rõ là trong bức tranh âm nhạc Việt Nam thì mảng màu blues jazz này còn thiếu và đơn lẻ quá. Tôi thấy rằng mình nên thật sự nghiêm túc và đầu tư hết mức cho mỗi một sản phẩm ra đời.
"Hào nhoáng mà không phải là mình thì tôi không làm được".
Khi mình nghiêm túc và nỗ lực hết mình, sản phẩm chắc chắn phải tốt. Đối với những sinh viên họ sẽ luôn nhìn vào những gì tôi làm để làm gương nên càng phải có tính đúng đắn. Tôi chỉ mong qua album này các ca sĩ và khán giả yêu nhạc sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho mình về màu sắc âm nhạc.
- Nhạc sĩ nam ở Việt Nam thì nhiều nhưng nữ nhạc sĩ được khán giả nhớ mặt nhớ tên bởi các tác phẩm đi vào đời sống âm nhạc thì rất ít. Nhiều người vẫn nói Giáng Son là người kỹ tính và khó tính và không chịu thỏa hiệp. Giáng Son có thể nghèo và mãn nguyện với công việc của một cô giáo ở ĐH Sân khấu điện ảnh hơn là lao vào các gameshow hay các chương trình âm nhạc thương mại với mác giám đốc âm nhạc. Chị nói sao về điều này?
- Quả thật đối với công việc chuyên môn tôi không thể làm qua loa cho xong được. Tôi quan niệm làm như vậy thì đừng làm còn hơn. Đối với những gì tôi tâm huyết thì còn phải khó tính gấp nhiều lần. Album này từ lúc demo đến lúc làm master, tôi nghe nhiều và kỹ đến nỗi thuộc làu từng nốt nhạc của các bản phối, thuộc từng hơi thở của các ca sĩ...
Thế nên khi Thanh Tâm làm mastering, thỉnh thoảng bị thiếu cái nào là tôi phát hiện ra ngay. Mình trân trọng nâng niu từng nốt nhạc thì đến lúc âm nhạc vang lên khán giả cũng có thể cảm nhạc được sự nâng niu, chắt lọc đó của mình. Hào nhoáng mà không phải là mình thì tôi không làm được. Thà tôi cứ vui thú với công việc giảng dạy các em sinh viên lại thấy bình yên hơn. Sống bình yên mới là điều quan trọng nhất.
- Có phải vì muốn được bình yên nên gần đây chị đã chuyển ra ngoại thành Hà Nội sinh sống? Tránh xa sự náo nhiệt của thành thị và tôi ngờ rằng sẽ có nhiều đồng nghiệp thích sự ồn ào sẽ lo sợ chị ở nơi xung quanh được bao bọc với thiên nhiên biết đâu bên cạnh sự bình yên sẽ là nỗi cô đơn thường trực?
- Nghệ sĩ rất cần sự cô đơn khi sáng tác chứ. Lúc tôi viết tôi cần không gian tĩnh lặng tuyệt đối xung quanh. Có đói cũng nhịn luôn để viết cho kịp với cảm xúc vừa nắm bắt được. Tôi cần không khí trong lành để hít thở và cần nhìn thấy nhiều cây xanh hoa lá ngập tràn... Tôi cần nhìn thấy nhiều điều tốt đẹp để viết về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nơi tôi chuyển về ở có rất nhiều văn nghệ sĩ cũng đang sống tại đó nên tôi cũng không thấy lạc lõng lắm.
- Chị rất kín tiếng về gia đình, về một nửa của mình - người đàn ông ngoại quốc. Chị quan niệm thế nào về hạnh phúc?
- Hạnh phúc theo tôi là được ở bên người mình yêu và yêu mình. Tôi là người theo kiểu ngây thơ, lãng mạn nên vẫn cứ tin theo kiểu hai trái tim vàng, một túp lều xanh. Miễn cứ yêu nhau là được (cười tươi).
- Ngày 20/10, chị thích nhận quà gì, như thế nào và từ ai nhất?
- Với những ngày lễ như 20/10 chẳng hạn, tôi vẫn thích được tặng hoa. Đương nhiên là loại hoa tôi thích, có thể không cần bó cầu kỳ diêm dúa nhưng vẫn thể hiện được sự chân thành của người tặng là tôi cảm thấy vui rồi. Hoặc những món quà nhỏ nhưng có ý nghĩa như những cuốn sách, những album nhạc hay... Giá trị vật chất không lớn nhưng lại được lưu giữ rất lâu.
Năm nay album Bóng tối jazz được ra mắt trước ngày 20/10 ít ngày. Tôi thấy có khá nhiều anh đến mua album và đề nghị ký tặng album này cho những người bạn là chị em đồng nghiệp của mình. Tôi cảm thấy rất vui và hy vọng album của tôi sẽ trở thành một món quà có ý nghĩa trong ngày phụ nữ.
Theo Sơn Hà/VietNamNet
Con đường trở về của 4 ca sĩ gốc Bắc từ hải ngoại Bằng Kiều, diva Hà Trần, Ngọc Anh về nước đều thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, cuộc trở về của Thu Phương lại gặp nhiều trắc trở hơn. Bằng Kiều Năm 2012, sau thời gian dài hoạt động ở thị trường hải ngoại, Bằng Kiều trở về nước và được cấp phép biểu diễn. Suốt hai năm qua, những cuộc trở về của...