Nghề tay trái HLV – Kỳ 4: Thầy Khang sản xuất cầu
Căn nhà nhỏ bé 27 m2 trong hẻm trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7, TP.HCM) là cơ sở sản xuất cầu của cựu cầu thủ và HLV đội tuyển TP.HCM Lê Quan Khang.
Thầy Khang đang sản xuất cầu – Ảnh: Minh Tân
Trong làng đá cầu trước đây và hiện tại, không ai không biết anh em nhà Lê Quan Khang và Lê Minh Triều. Người anh Quan Khang cùng các đồng đội TP.HCM thống trị làng đá cầu Việt Nam ở thập niên 90, còn người em Minh Triều đã tiếp nối với thành tích cao ở trong nước lẫn thế giới. Không những nổi tiếng về thành tích, cả hai anh em đều là những nhà sản xuất dụng cụ đá cầu khá tốt và có tiếng cho bộ môn này. Với Minh Triều là sản xuất giày, còn Quan Khang thì lại cho ra những chiếc cầu (thường gọi là cầu chinh) mà các cầu thủ ở TP.HCM đang tập luyện.
Con đường đến với làm cầu của HLV Quan Khang cũng khá ngẫu nhiên: “Do giá cầu ở thời điểm đó rất cao và phải đặt từ Hà Nội, nhưng cầu không được bền, nên tôi bắt đầu nghiên cứu để làm ra những quả cầu này. Chủ yếu để cho các em tập luyện”. Khang đã tự mày mò và ra chợ Lý Nam Đế (Q.11) để mua vật liệu làm ra những quả cầu. Ban đầu, để hoàn thành một trái cầu, tất cả đều được anh làm bằng tay, từ việc dùng kéo để cắt cánh lẫn đế cao su của quả cầu.
Bắt đầu từ tay ngang nên những chiếc cầu đầu tiên do anh làm ra đã không được như ý. Không nản chí, anh vẫn suy nghĩ tìm ra nguyên nhân để tạo ra một trái cầu tốt hơn. Nhận được sự góp ý của các tuyển thủ, cộng với kinh nghiệm nhiều năm đá cầu của mình, Khang tìm tòi, chỉnh sửa và dần dần quả cầu anh làm tốt hơn, bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng của các trường học lẫn các đội tuyển quận, huyện trong thành phố. Mùa tựu trường là cao điểm sản xuất bởi Khang nhận rất nhiều những đơn đặt hàng từ các trường học. Có ngày, một mình anh phải làm ra hàng trăm chiếc cầu, rồi kiêm luôn giao hàng cho các trường học.
Khi đã có lượng khách đặt hàng ổn định, anh sắm thêm máy cắt cánh cầu. Bên cạnh đó, anh cũng tự làm khuôn đế cầu rồi đến nhờ các cơ sở sản xuất gia công. Riêng công đoạn ráp quả cầu thì vẫn được làm thủ công bằng tay. Một tuyển thủ trong đội TP.HCM cho biết: “Thật lòng mà nói, những chiếc cầu của thầy Khang đá rất đằm chân và bền hơn các loại cầu khác bán trên thị trường. Chỉ mong sao cầu của thầy sẽ được đưa vào thi đấu ở những giải quốc gia”.
Với mỗi chiếc cầu thành phẩm, sau khi trừ đi các chi phí vật liệu và tiền thuê đúc đế cầu, anh lãi khoảng 2.000 đồng. “Với mỗi chiếc cầu, số tiền lãi không nhiều và coi như đó là tiền công sức mồ hôi lẫn tiền xăng đi lại. Dù vậy, tạo ra những chiếc cầu tốt mà có giá rẻ cho các em chơi thì tôi đã cảm thấy rất vui”, Khang tâm sự.
Ngoài việc bỏ sỉ cho các trường học và quận huyện, Khang còn gửi bán lẻ tại nhà người anh ruột của mình trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho khách vãng lai. Những chiếc cầu của anh tạo ra thường có cánh màu trắng. Khi được hỏi vì sao không làm cánh nhiều màu để đẹp hơn, anh cười nói: “Do mình chưa có điều kiện để đăng ký thương hiệu riêng, chính vì vậy cánh màu trắng dùng để phân biệt chiếc cầu của mình”.
Hiện nay, sau gần 15 năm huấn luyện cho đội tuyển TP.HCM, anh Khang đã lùi về đảm nhiệm vị trí trưởng bộ môn đá cầu của Q.5 và kiêm huấn luyện cho các em nhỏ vào những buổi tối ở CLB TDTT của Trường Lê Hồng Phong. Ngày nghỉ, anh vẫn đều đặn làm cầu để có thêm thu nhập và giữ niềm vui với nghề tay trái này.
Theo VNE