Nghề tay trái hái ra tiền của Messi và các cầu thủ Barcelona
Không chỉ thành danh trên sân cỏ, những ngôi sao như Messi, Neymar, Iniesta, Pique hay Rakitic còn kiếm bộn tiền nhờ các hoạt động kinh doanh.
Messi – Bất động sản
Ngay từ khi khởi nghiệp kinh doanh, Messi đã nhận ra rằng thị trường bất động sản là lĩnh vực kinh doanh màu mỡ. Ngoài công ty chuyên khai thác các hợp đồng quảng bá hình ảnh, Messi còn đầu tư rất nhiều vào xây dựng, cả ở Tây Ban Nha và quê nhà Rosario.
Messi thành lập công ty Limecu SA, chuyên tham gia vào việc mua, cho thuê, bán đất và nhà ở với vốn ban đầu chỉ có 3.000 euro và dần dần phát triển nhờ làm ăn có lãi. Messi cũng mua một số căn hộ ở tòa tháp Aqualina, tòa nhà cao 125 mét với 40 tầng.
Chủ nhân của 4 Quả bóng vàng thế giới mới đây đã đầu tư vào khu tổ hợp dân cư Azahares del Parana ở bờ sông Parana, dự án tọa lạc trên diện tích 324.000 m2 với tổng giá trị lên tới 20 triệu euro.
Ngoài ra, Messi còn bỏ túi một khoản tiền kếch xù khi làm gương mặt đại diện cho các nhà tài trợ chính như adidas, Pepsi, Gillette, EA, Turkish Airlines, Scalp-D hay Samsung.
Video đang HOT
Neymar: Quản trị kinh doanh
Ngay từ khi mới 18 tuổi, Neymar đã tham gia quản trị cho Công ty NR Sports do cha của siêu sao người Brazil lập ra chủ yếu để quản lý các hợp đồng quảng cáo cho con trai. Gần đây, NR Sports đa dạng hóa hình thức kinh doanh, mở rộng ra đào tạo và quản lý rất nhiều ngôi sao thể thao và nghệ sĩ nổi tiếng khác. NR Sports hiện có hai chi nhánh, thu về cho Neymar mỗi năm khoảng 30 triệu euro.
Pique: Trò chơi trực tuyến và thực phẩm
Tháng 11 năm 2011, Pique bỏ gần 2 triệu euro để thành lập công ty trò chơi trực tuyến Kerad Games và hiện có 30 nhân sự. Sau vài tháng hoạt động, Kerad Games đã tung ra thị trường trò chơi đầu tiên mang tên Golden Manager – trò chơi giả lập, trong đó người chơi sẽ nhập vai để trở thành một nhà quản lý bóng đá thực thụ.
Ngoài ra, hậu vệ của Barca còn chi tiền mua 27% cổ phần của Bas Alimentaria – công ty sản xuất thịt có trụ sở ở Catalunya. Mũi nhọn của công ty này là sản xuất và tiếp thị bánh mì kẹp thịt bò, được tiêu thụ ở hệ thống các siêu thị tại Tây Ban Nha.
Rakitic: Ông chủ nhà hàng
Trong quãng thời gian khoác áo Sevilla (2011-2014), Rakitic mở một quán cà phê và nhà hàng trong khu phố thuộc Los Bermejales cùng với vợ, chị gái và anh trai vợ đầu năm 2013. Rakitic sau đó phải đóng cửa nhà hàng vì không lường trước được những rắc rối bởi quán này nằm gần sân vận động của đối thủ kình địch Betis.
Sau đó, tiền vệ người Croatia mở quán mới có tên DINAIN Tapas & Copas, nằm trên khu phố Avenida, nhưng nhà hàng này cũng phải đóng cửa vì những ultras quá khích. Chuyển sang khoác áo Barcelona, Rakitic tiếp tục ấp ủ mở một nhà hàng khác để tiếp tục giấc mơ kinh doanh vẫn đang dang dở.
Dani Alves: Thời trang và ẩm thực
Alves là một trong số những ngôi sao của Barcelona dành rất nhiều thời gian cho kinh doanh. Hậu vệ người Brazil dồn rất nhiều tiền cho ngành công nghiệp thời trang, nổi bật là cửa hiệu DM3. Sau một thời gian, Alves đã giao quyền điều hành cho cô vợ cũ Dinorah Santa Ana để chuyển sang lĩnh vực mới là kinh doanh ẩm thực.
Năm ngoái, Alves đã hợp tác với doanh nhân Teresa Mart và đầu bếp người Brazil Joao Alcantara mở nhà hàng có tên Alchemy Fogo. Nhà hàng của Alves chuyên phục vụ các món ăn đặc trưng của Brazil và Địa Trung Hải. Ngoài ra, Alves còn đang lên kế hoạch mở một cửa hàng chuyên cung cấp những đồ dùng làm bếp.
Iniesta: Rượu vang & dầu ô liu
Năm 2010, Iniesta mở một nhà máy rượu ở quê nhà Fuentealbilla dựa trên ý tưởng của người cha trong những năm 90. Nhà máy rượu của Iniesta có khoảng 20 công nhân, chăm sóc vườn nho có diện tích 120 hecta và cho ra thị trường loại vang hảo hạng mang tên Bodegas Iniesta.
Đến năm 2013, tuyển thủ Tây Ban Nha đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất dầu thực vật, với sản phẩm dầu ô liu mang tên Arbequina. Bên cạnh đó, Iniesta cũng là quản lý của Maresyterey SL, công ty chuyên về nông, lâm nghiệp và các trang trại chăn nuôi.
Theo Trithuctre