Nghề tay trái của VĐV – Kỳ 5: Chơi cầu lông hay, bán thời trang giỏi
Gọi ngôi sao cầu lông Nguyễn Thị Bình Thơ là con nhà nòi kinh doanh thì không phải, nhưng từ nhỏ chị đã học được nhiều điều về buôn bán bên những gánh hàng rong của cha mẹ.
Nguyễn Thị Bình Thơ và cửa hàng Bình Thơ Sport – Ảnh: Nguyễn Huân
Bất ngờ đi buôn
Cuộc đời Thơ có nhiều điều bất ngờ. Thuở nhỏ Thơ “nghiện” nhất đá bóng, nhưng sau này lại theo cầu lông chuyên nghiệp, chỉ từ vài lần chơi thử. Thơ chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ làm gì khác ngoài cầu lông thì đùng một cái, cô thử vận may với những bộ quần áo thể thao, dụng cụ chơi cầu lông và đến giờ thì thành bà chủ cửa hàng Bình Thơ Sport tại trung tâm TP.Thái Bình.
Thơ bắt đầu buôn bán từ năm 2005, khi nghỉ tập đội tuyển QG. Ban đầu cô nhờ người quen lấy quần áo thể thao, vợt, cầu lông từ Hà Nội về ký gửi tại các cửa hàng ở Thái Bình. Giai đoạn này khó khăn vô cùng khi không ai nghĩ một cô gái mới 20 tuổi, da đen nhẻm vì suốt ngày cắp vợt đi đánh cầu lại biết kinh doanh. Thuyết phục để người ta chịu cho mình gửi hàng đã khó, cuối tháng đến nơi lấy tiền còn khó hơn khi nhiều người chơi xấu, bán hết hàng của Thơ nhưng lại viện lý do bán chịu, chưa bán được. Năm đó Thơ vừa đi học ĐH tại chức ở Hải Phòng, vừa luyện tập, thi đấu tại Thái Bình, lại đảm đương tất cả các công đoạn lấy hàng, giao hàng, thu tiền. Làm, học, thi đấu không có thời gian nghỉ ngơi nhưng bù lại, Thơ mừng rơi nước mắt nhận những đồng tiền lãi đầu tiên kiếm được, nó giúp Thơ trang trải học phí ĐH, giảm gánh nặng trên đôi vai cha mẹ.
3 năm kiên trì gửi hàng tại các cửa hàng, mãi đến năm 2008 Thơ mới có một cửa hàng tại nhà riêng. Mọi người vẫn không tin Thơ có thể duy trì nơi này được lâu. Nhờ ba mẹ động viên, bán hàng giúp những lúc Thơ đi tập, cửa hàng dần xây dựng được thương hiệu với những người thích thể thao.
Năm 2010, Thơ chuyển cửa hàng ra ngoài. Năm 2011, cô lại chuyển cửa hàng thêm lần nữa và ổn định đến bây giờ. Cửa hàng rộng hơn 60 m2, trên con đường trung tâm thành phố. Từ năm 2010, chị gái Thơ trở thành nhân viên tin cậy cho cửa hàng của em gái. Thời gian chị gái có mặt tại cửa hàng nhiều hơn bà chủ làm nhiều phen khách hàng nhầm lẫn giữa hai người. Thơ vẫn nhớ một ngày đẹp trời, Thơ đang bán hàng, một vị khách đến mua quần áo vui vẻ hỏi: Thơ đi vắng hả em?
Lấy nghề tay trái nuôi tay phải
Năm 2010 đến nay, tập trung chuyên môn cho công tác huấn luyện, HLV Bình Thơ của Thái Bình vẫn tham gia thi đấu ở nội dung đồng đội tại các giải vô địch QG. Đều đặn trong 3 năm qua, Thơ và đồng đội đều giành được huy chương mỗi lần ra quân.
Phương châm của Thơ từ ngày tập tành kinh doanh đến giờ: công việc chuyên môn luôn phải là số 1. Tuy nhiên, như cô chia sẻ, để cống hiến tốt nhất cho thể thao, VĐV không thể nào ra sân với một tâm trí lúc nào cũng lo lắng về căn nhà chật chội, các loại hóa đơn cần phải nộp, giá cả đang leo thang… Nay nghề tay trái sẽ giúp Thơ nuôi nghề tay phải vững vàng hơn, để cô có thể dành hết tâm huyết bên những trận cầu cùng các học trò.
Thơ tự nhận mình là “con nghiện”, nghiện cầu lông đến mức cả ngày gắn với cây vợt và quả cầu, nghe không biết bao cuộc điện thoại hỏi về giá cả, tối về nhà cũng lại gặp la liệt hàng hóa, nhưng không bao giờ biết chán. Cô có thể nhiệt thành tư vấn cho bất cứ ai muốn học bộ môn này tại cửa hàng, cách chọn lựa quần áo, vợt, cầu như thế nào cho phù hợp. Thơ chỉ nghĩ đơn giản, đem những sản phẩm tốt nhất đến với người chơi cầu lông. Dù hàng nhiều tiền hay ít tiền, lúc ra khỏi cửa hàng, khách phải thoải mái nhất. Chính vì lẽ này, Thơ được nhiều người yêu mến, tin cậy. Có người ở các huyện ngoài TP.Thái Bình, cả ở Nam Định, Hưng Yên không ngại đường xa, đến tìm Thơ chỉ vì muốn mua một bộ dụng cụ cầu lông như ý.
Theo VNE