Nghề tay trái của VĐV – Kỳ 10: Sân Vườn Xoài của thủ môn Quang Huy
Mỗi tháng, sân nhân tạo Vườn Xoài mang về cho ông chủ Bùi Quang Huy tiền lãi khoảng 30 – 40 triệu đồng nhưng cựu tuyển thủ quốc gia chẳng giữ đồng nào vì tiền nong “rơi” hết vào tài khoản của… “Bộ trưởng Tài chính” gia đình!
Sân Vườn Xoài của thủ môn tuyển Nam Định – Ảnh: nhân vật cung cấp
Nếu đứng ở giữa sân Vườn Xoài (Đò Quan, Nam Định) mà nhìn hai đội nghiệp dư đang thi đấu thì cứ tưởng đứng ở sân của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Liên đoàn Bóng đá VN. Vì mặt sân cỏ nhân tạo rất đẹp, mịn mượt rồi có cả khu kỹ thuật dành cho BHL, có dàn đèn xịn y hệt sân chuyên nghiệp. Ông Trần Thanh Phương – quản lý sân – giải thích: “Huy chưa qua trường lớp nào về kinh doanh mà lại kinh doanh “mặt hàng” đặc biệt là sân bóng nhưng mọi việc đều sắp đặt đâu ra đấy. Huy là mẫu người đã bắt tay vào làm việc gì thì làm đến tận cùng với tất cả sự đam mê và đầy chuyên nghiệp. Huy thuê tôi làm quản lý vì còn bận sự nghiệp thi đấu nhưng đích thân Huy xây dựng mô hình hoạt động của sân Vườn Xoài. Mỗi tháng, trừ mọi chi phí như trả tiền công cho người làm, tổ bảo vệ, trọng tài…, Huy thu về khoảng 30 – 40 triệu đồng. Cá nhân tôi vừa quản lý sân, vừa làm bình luận viên (BLV) cũng được Huy trả lương 15 – 18 triệu đồng/tháng”.
Với một tỉnh lẻ như Nam Định, thu nhập của Huy (chưa kể lương trợ lý kiêm thủ môn đội hạng nhì Nam Định) hay của ông Phương – đáng được coi là các đại gia. Năm 2012, sẵn mảnh đất của ông anh cọc chèo, “đại gia” Huy dốc hết hầu bao được hơn 500 triệu, mua thêm khu đất rộng 1.500 m2 để mở rộng làm sân cỏ nhân tạo. Huy kể: “Tôi nung nấu ý tưởng này từ lâu lắm rồi mà mãi mới thực hiện được. Nam Định quá ít sân chơi cho cầu thủ nghiệp dư nên khi tôi vừa trình bày ý tưởng đã được gia đình ủng hộ ngay. Và còn thêm một may mắn cực lớn là khi mang giấy tờ lên phường Cửa Nam xin xây dựng sân bóng, chính quyền địa phương càng ủng hộ nhiệt liệt. Coi như xong công đoạn đầu của thủ tục hành chính. Chỉ có chút rắc rối là tìm người quản lý và BLV. Bóng đá phủi phải có BLV mới vui, không có người truyền nhiệt thì cái thú giảm đi một nửa. Không chỉ làm đại tổng quản của sân Vườn Xoài, anh Phương hiện tại là BLV số 1 của Nam Định, là đệ tử của BLV nổi tiếng Đình Khải. Tôi mời các cựu cầu thủ Nam Định làm trọng tài. Giờ mọi việc đang chạy ro ro! Từng khoác áo tuyển thủ nên khi tôi mở sân bóng cũng có nhiều thuận lợi, thanh niên Nam Định kéo nhau đến ầm ầm để nhìn mặt. Giờ nhiều người lớn tuổi cũng đến cổ vũ cuồng nhiệt lắm. Sân không chỉ đơn giản là sân để đá mà còn có chỗ tắm nóng lạnh, căng tin phục vụ cốc bia cho mát ruột. Mình làm thương mại mà nên khách hàng phải như thượng đế”.
Video đang HOT
Đến sân xem các đội đá bóng, còn được nghe bình luận tại chỗ nên khán giả thành Nam rất khoái. Cứ chiều về, không khí trên sân Vườn Xoài lại tấp nập, náo nhiệt như có hội. Ngoài tổ chức giải, sân Vườn Xoài hiện là sân “hot” nhất Nam Định vì có tới 40 đội bóng nghiệp dư đặt chỗ thi đấu. Mỗi tối có khoảng 3 – 6 trận giao hữu, mỗi trận 60 phút. BLV Thanh Phương tường thuật trực tiếp đến khản cả cổ mà vẫn thấy vui. Còn ông chủ Quang Huy hỉ hả: “Cứ mỗi đội thuê một giờ cố định là 600.000 đồng/giờ. Sân chẳng bao giờ hết việc. Nếu kể tên các đội thì… hết ngày, nào FC Chợ Đồng, FC Anh em, FC Lan truyền, FC Pháo thủ… Thậm chí có đội thuê trọn gói luôn một năm. Tôi cảm thấy rất hài lòng và cuộc sống của mình có quá nhiều niềm vui vì sân Vườn Xoài đã thỏa mãn nhu cầu giải trí lành mạnh kèm rèn luyện sức khỏe cho người dân Nam Định. Các đội nghiệp dư ở các tỉnh khác cũng về thuê sân như Thái Bình, Ninh Bình… Nhiều anh em còn nói với tôi, sân Vườn Xoài là sân phủi có quy mô nhất ở phía bắc. Năm ngoái, giải bóng đá Viettel cũng kéo về đây. Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn cũng đá nên cổ động viên đến sân đông kín”.
Huy bảo đến thời điểm này, bóng đá vẫn là niềm đam mê lớn nhất đời anh và anh phục vụ bóng đá theo các kiểu của riêng mình. Cố gắng thi đấu tốt để giúp đội bóng Nam Định lên hạng nhất vào mùa sau và điều hành sân Vườn Xoài thật tốt để làm “chỗ dựa” cho người hâm mộ thành Nam. “Và còn để làm giàu nữa chứ?”, tôi hỏi. Huy cười lớn: “Cũng đủ ăn đủ tiêu, đủ nuôi hai cậu con trai. Nhưng thú thật tôi cũng chưa tính đã hồi vốn hay chưa vì tiền nong bà xã giữ cả!”.
Theo VNE
Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 9: Quán phở của Danh Ngọc
Quán phở 111 của tiền vệ đội tuyển U.23 dự SEA Games 27 Hoàng Danh Ngọc nằm ở số 2 Hạc Thành, TP.Thanh Hóa, ban ngày bán phở bò phở gà, buổi tối bán thêm các loại lẩu.
Quán phở của Danh Ngọc tại Thanh Hóa - Ảnh: nhân vật cung cấp
Bất ngờ mở hàng ăn
Đây không phải lần đầu Danh Ngọc kinh doanh. Anh thích buôn bán đã lâu, trước đây từng có thời gian tiền vệ này mở cửa hàng giày trên mạng và cũng được kha khá tiền lãi. Tuy nhiên nói bất ngờ là ở chỗ Danh Ngọc không mấy khi nấu nướng, nấu những món ăn đòi hỏi cầu kỳ, tỉ mỉ lại là sở đoản. Ấy thế mà đúng ngày 31.7 năm ngoái, cầu thủ này quyết định đầu tư vào lĩnh vực ăn uống. Danh Ngọc quê Nam Định cũng là đất của nhiều ông chủ hàng phở nhưng anh chọn Thanh Hóa, quê vợ làm nơi kinh doanh. Anh nhạy bén khi phát hiện ra khu vực đường Hạc Thành chưa có một hàng ăn nào lớn. Gia đình nhà vợ anh có nghề nấu phở gia truyền. Bác vợ của Ngọc là ông chủ của thương hiệu phở 111 địa chỉ số 111 Cầu Giấy, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Ông chia sẻ bí quyết gia truyền cho quán phở của cháu để thương hiệu phở 111 này được nhiều người biết đến hơn. Hiện tại, phở 111 cũng được gia đình Danh Ngọc phát triển tại một cơ sở tại TP.Vũng Tàu, làm ăn khấm khá.
Quán phở của Danh Ngọc chuyên về phở bò, phở gà. Ngày 22.12 năm ngoái, cửa hàng tiếp tục đầu tư thêm món lẩu vào buổi tối. Món ăn tại quán của Danh Ngọc ngon, giá cả phù hợp với túi tiền của người dân địa phương nên lượng khách trong thời gian qua khá ổn. Phở bán từ 20.000 - 25.000 đồng/tô, lẩu có giá 350.000 - 400.000 đồng/nồi cho 6 người. Vừa qua, quán phục vụ đến 29 tết, mùng 3 tết đã mở cửa trở lại. Món lẩu chuyên về lẩu lòng, lẩu bò, lẩu ếch được chế biến theo công thức đặc biệt nên rất đông người tò mò đến ăn thử, cao điểm có tối 8 bàn trong quán đều kín khách. Danh Ngọc bảo mọi thứ giờ đang mới mẻ, khách hàng cần một thời gian để quen với quán nên tiêu chí ngon - sạch - rẻ - phục vụ tận tình được tất cả mọi người thống nhất.
Danh Ngọc - Ảnh: T.Hằng
Quán của Danh Ngọc được anh vợ (con trai của ông chủ thương hiệu phở 111 tại Hà Nội) làm đầu bếp chính, 4 nhân viên phục vụ, 1 nhân viên rửa bát, giúp quản lý có thêm bố mẹ vợ. Bố mẹ vợ của Ngọc trước đây cũng mở hàng ăn nên rất thông thạo việc chi tiêu tiền nong, chọn lựa nguyên vật liệu. Chừng đó yếu tố để Danh Ngọc an tâm luyện tập thi đấu tại V.Ninh Bình, ngày nghỉ mới có thể về thăm quán.
Bán hàng ăn khó hơn đá bóng
Tiền vệ với kỹ thuật tốt, một khả năng gây bùng nổ trên sân với những màn đi bóng khiến khán giả sửng sốt thừa nhận kinh doanh không đơn giản, "nó phức tạp hơn việc đưa một trái bóng vào lưới đối phương rất nhiều". Hơn nữa, việc Danh Ngọc đang đầu tư là cửa hàng ăn uống - lĩnh vực béo bở mà nhiều người cùng rót tiền vào đầu tư. Việc chọn lựa thực phẩm không tốt sẽ để lại ấn tượng xấu trong khách hàng. Chất lượng món ăn không phù hợp thị hiếu thì quán sớm muộn cũng phải đóng cửa. Đó chính là lý do vì sao những ngày nghỉ về quán, Danh Ngọc xắn tay áo lên bưng bê, tính tiền, anh tranh thủ hỏi cặn kẽ từng khách phở hôm nay mặn hay nhạt, lẩu như thế này có vừa miệng không, cần thêm bớt gia vị gì. Nhiều người bước vào quán thấy Danh Ngọc đang lúi húi sau những nồi nước phở nghi ngút khói chạy lại, tay bắt mặt mừng, bảo không ngờ hôm nay mình được ăn phở trong quán của người nổi tiếng.
Danh Ngọc vẫn chưa hài lòng lắm với quán của mình. Anh bảo cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm để phở 111 được chuyên nghiệp hơn. Ngọc không giỏi về nấu ăn nhưng anh tự tin mình có đủ khả năng thẩm định món ăn, nhận định xu hướng khách hàng.
Thời gian này Danh Ngọc vô cùng bận rộn, thi đấu cùng đội tại Ninh Bình, ngày nghỉ lại chạy về Thanh Hóa thăm cửa hàng. Thanh Thảo - vợ anh đang mang bầu nên thời gian này anh cũng thường xuyên về nhà riêng tại Nam Định, lo cho vợ con nhiều hơn. Mục tiêu thời gian tới của ông chủ sinh năm 1990 là lượng khách sẽ đông hơn, để phở 111 Thanh Hóa không kém cạnh thương hiệu này tại Vũng Tàu, Hà Nội.
Theo VNE
Nghề tay trái của HLV - Kỳ 1: Lò đào tạo 'made in Triệu Quang Hà' Mở trung tâm bóng đá trẻ và đích thân đứng lớp, kinh doanh quần áo cầu thủ, tổ chức giải bóng đá "phủi", cựu danh thủ Triệu Quang Hà bận tối mắt tối mũi bởi hàng đống công việc. Các học viên nhí tại trung tâm bóng đá của HLV Triệu Quang Hà - Ảnh: nhân vật cung cấp "Con muốn mua thầy...