Nghề tay trái của sao thể thao: ‘Cô gái vàng’ Tuyết Dung với nhiều thử sức đa hệ
Từng 2 lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng nữ Việt Nam (2014, 2018) Nguyễn Thị Tuyết Dung có thể đá tốt và ghi bàn từ chấm phạt góc bằng cả 2 chân, nên không bất ngờ khi cô từng thử sức nhiều nghề tay trái.
Tuyết Dung chạy bàn phụ bố mẹ
Bán mỹ phẩm online và tư vấn xuất khẩu lao động
Tuyết Dung là cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách 100 phụ nữ có sức ảnh hưởng với thế giới của BBC. Cô từng tạo tiếng vang cho bóng đá Việt Nam khi ghi 2 bàn từ chấm phạt góc, bằng 2 chân trong trận đại thắng Malaysia 7-0 tại giải vô địch Đông Nam Á 2015. Mê bóng đá từ nhỏ qua những trận đấu cùng đám bạn con trai, Tuyết Dung theo nghiệp quần đùi áo số từ năm 2006. Giống người thầy, người chị, cũng là thần tượng – Văn Thị Thanh, cô gái sinh tại Bình Lục (Hà Nam) đang là trụ cột của CLB Phong Phú Hà Nam và tuyển nữ Việt Nam. Năm 2018, Tuyết Dung là thủ lĩnh giúp đội bóng quê hương có chức vô địch nữ quốc gia đầu tiên trong sau 19 năm thành lập. Đó cũng là thời điểm Dung được bạn bè động viên làm thử nghề tay trái để có thêm thu nhập, cũng như phòng hờ cho tương lai sau này.
Nghề đầu tiên của “cô gái vàng” là bán mỹ phẩm trực tuyến. Cơ duyên đến từ cô bạn đồng nghiệp Đỗ Thị Yến (đá cho CLB Hà Nội) có bạn bên Nhật gửi hàng về để bán nên rủ Dung làm thêm. Thế là cô gái có mái tóc ngắn như con trai tập tành vào nghề, chủ yếu bán cho đồng nghiệp thể thao là chính. Sau này Đỗ Thị Yến nghỉ đá bóng và làm nghề khác thì Tuyết Dung cũng thôi dần.
Tuyết Dung và các học trò
Đến tháng 9.2019, nhiều fan của Tuyết Dung bất ngờ khi thấy cô thử sức ở nghề… tư vấn xuất khẩu lao động. Công việc cô giới thiệu từ Nhật Bản rất đa dạng như sơn chống thấm tường nhà ở tỉnh Osaka, điều khiển máy xây dựng (tỉnh Kanagawa), làm bánh mì và dập kim loại (tỉnh Gifu), chế biến thực phẩm (Aomori), cơm hộp (Kumamoto), vận hành máy giặt là (Tokyo, Kanagawa)… Số là VĐV bóng chuyền Trần Thị Tươi đang ở Nhật Bản làm thêm xuất khẩu lao động nên rủ Tuyết Dung làm cùng. Cô cho biết: “Tôi háo hức thử sức nhưng bắt tay vào làm mới thấy không dễ vì bản thân bận quá. Nhiều khi tôi chỉ làm việc trực tuyến, không thể sát sao như người ta được. Nghề này phải chuẩn bị kiến thức rất nhiều, từ giấy tờ thủ tục, chuyện ăn ở, tư vấn được mất cho học viên… Bạn tôi đã động viên rất nhiều nên tôi mới dẹp bỏ ngại ngùng ban đầu để thử sức”.
Chạy bàn…không lương
Tiếc là dịch bệnh Covid-19 đã khiến cả 2 nghề tay trái của Tuyết Dung bây giờ phải “án binh bất động”. Nhưng vẫn còn một công việc mà Tuyết Dung luôn rất hào hứng được làm mỗi khi về nhà là “chạy bàn” cho bố mẹ. Năm ngoái, dành dụm được ít tiền thưởng từ đội tuyển nữ Việt Nam, Dung mở một nhà hàng nhỏ để bố mẹ đỡ phải lam lũ với ruộng cày. Ông bà Nguyễn Đức Tiếp – Ngô Thị Hạnh đã đặt tên quán là Tuyết Dung 7 kèm giải thích vui “lấy tiếng con gái một chút”. Quán nhỏ nhưng khang trang, tươm tất và đặc biệt rất sạch sẽ, phục vụ chuyên trị món vịt, từ tiết canh, bún, cháo, miến… Ngoài ra, ở đây còn bán kèm cả kem theo đúng gu của Tuyết Dung.
Video đang HOT
Tuyết Dung làm phục vụ bàn
Đợt đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Tuyết Dung ở nhà hơn 2 tháng trời. Cô xung phong làm nhiệm vụ chạy bàn và rất được việc khiến khách đến ai cũng khen. Làm không lương nhưng đây là công việc khiến Dung vui nhất, vì giúp bố mẹ thêm chút an nhàn. Ngoài ra, Tuyết Dung còn mở một trung tâm bóng đá mang tên mình dành cho các em học sinh từ 6 – 12 tuổi tại sân bóng đá cỏ nhân tạo Thủy Long (ngã tư chợ Lợn, Hà Nam).
Bây giờ công việc của Tuyết Dung ngày một nhiều. Sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT cô đã là công chức và đang vừa là VĐV vừa tập theo nghiệp làm thầy. Tại giải U.19 quốc gia 2020, Tuyết Dung làm trợ lý huấn luyện cho HLV Nguyễn Thế Cường ở U.19 Phong Phú Hà Nam. Cô đang có dự tính học thêm bằng chuyên nghiệp AFC nghề HLV nhưng các lớp đang tạm hoãn vì dịch. Tuyết Dung cho biết sẽ vẫn cố gắng giữ một nghề tay trái, nhưng phải chờ tìm được một người trợ lý phù hợp để chia sẻ công việc cho mình.
Tuyết Dung và quán ăn của chị
Ở tuổi 27, Tuyết Dung là một trong những cầu thủ hay nhất làng bóng đá nữ Việt Nam với nhiều danh hiệu cá nhân và tập thể. Cô gái nhỏ nhắn cao 1 m 59 đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba (2019), Quả bóng vàng Việt Nam (2014, 2019). Bộ sưu tập của cô cùng tuyển Việt Nam gồm 2 chức vô địch Đông Nam Á (2012, 2019), HCV SEA Games (2017, 2019) cùng nhiều HCB, HCĐ trong nước và quốc tế khác.
"Ronaldo nữ Việt Nam" Tuyết Dung: 14 năm vang dội, xây nhà tiền tỷ tặng bố mẹ
Từ chỗ "cãi lời" bố mẹ vì đam mê trái bóng tròn, Nguyễn Thị Tuyết Dung đã trở thành niềm tự hào của gia đình khi gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp.
Những trận đòn roi không quên
"Tất cả các trò chơi của con trai em đều mê hết, đặc biệt là bóng đá", Tuyết Dung mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt.
"Từ lúc khoảng 5-6 tuổi, em đã đi đá bóng cùng các bạn nam trong xóm. Bố em lúc đó cũng không nói gì nhưng mẹ em mắng lắm, mẹ bảo sao con gái cứ đi với tụi con trai miết vậy mà lại còn đá bóng. Nhiều lần trốn ngủ trưa đi đá bóng về ăn những trận đòn roi từ mẹ, lằn hết cả chân".
Tuyết Dung kể lại đam mê bóng đá từ thuở nhỏ với phóng viên Dân Việt.
Với đam mê cháy bỏng, Tuyết Dung lại thuyết phục được mẹ để theo nghiệp bóng đá. "Khi có đợt thi tuyển vào đội trẻ của CLB Phong Phú Hà Nam, các bác em bảo cứ cho nó thử. Bố em vốn ủng hộ từ đầu nên nhất trí luôn.
Mẹ em có chút phân vân vì thương con gái nhưng biết con đam mê trái bóng từ nhỏ nên sau cũng đồng ý. Em đi thi và đỗ năm 13 tuổi. Gia đình còn nghèo nên em nghĩ, lên đội sẽ giúp bố mẹ được phần nào. Bố mẹ không phải nuôi em nữa, còn em thì được chơi bóng", cầu thủ sinh năm 1993 kể lại.
Khi hỏi về người có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp, Tuyết Dung nói: "Đó là bố em. Bố đặt niềm tin vào em rất nhiều ngay từ lúc mới chập chững sự nghiệp. Ngày đầu, bố động viên nhiều, những lá thư làm em quyết tâm hơn.
Bố hay nói: Đã không theo thì thôi, theo bóng đá rồi thì phải phấn đấu thật giỏi. Về sau này khi em đạt được những thành tích trong sự nghiệp, bố vẫn luôn động viên em phải tập trung duy trì phong độ, cống hiến cho CLB và ĐTQG".
"Trong khi người tạo ra cảm hứng với em là chị Văn Thị Thanh. Từ lúc trẻ, em luôn nỗ lực để đạt thành công như chị ấy và khi được tiếp cận, em học hỏi từ tinh thần, kỹ thuật, ý chí, sự chuyên nghiệp từ chị ấy. Những gì tốt nhất, chị Thanh cũng không ngần ngại chỉ bảo cho em".
14 năm vang dội
Tuyết Dung bắt đầu sự nghiệp ở CLB Phong Phú Hà Nam năm 2006. Cô nhanh chóng thể hiện được khả năng và chiếm suất ở đội bóng. Đến năm 18 tuổi, Tuyết Dung đã được lên ĐT Việt Nam.
"Khi mới lên tuyển, em bỡ ngỡ. Tập với toàn các chị nên phải tập trung chú ý để làm cho đúng, làm sai sợ các chị mắng. Nhưng thực ra các chị chỉ bảo tận tình lắm. Mất một khoảng thời gian ngắn rồi em cũng dần ổn định", Tuyết Dung nói.
Tuyết Dung gặt hái được nhiều thành công ở cấp độ cá nhân lẫn tập thể.
Đến năm 2011, Tuyết Dung gây tiếng vang ở đội U19 khi giành danh hiệu "Vua phá lưới" và Cầu thủ xuất sắc nhất tại Giải bóng đá nữ U19. Cứ như thế, đà thăng tiến của cầu thủ được coi là "Ronaldo nữ Việt Nam" lên vùn vụt.
Với những đóng góp ấn tượng cho CLB và ĐTQG, Tuyết Dung nhận danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2014 và 2018. Cô được báo giới quốc tế biết đến và thán phục nhờ 2 pha làm bàn bằng cả 2 chân từ hai chấm phạt góc khác nhau trong 1 trận.
Năm 2017, Tuyết Dung được FIFA bí mật phỏng vấn ngay trước thềm SEA Games 29. Cũng năm đó, cô được BBC bình chọn nằm trong top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu. Năm ngoái 2019, Tuyết Dung thi đấu nổi bật giúp ĐT Việt Nam bảo vệ tấm HCV Đông Nam Á.
"Ở giải VĐQG 2014, em cũng đã có bàn thắng từ chấm phạt góc. Đến năm 2015 tại giải VĐ Đông Nam Á, em đã chủ đích thực hiện và may mắn có 2 bàn thắng từ chấm phạt góc. Em đã tập nhiều và khi vào trận, mọi thứ ủng hộ em", Tuyết Dung nói.
Tuyết Dung trên sân tập cùng Hà Nam đầu tháng 8/2020.
"Năm 2014 là năm đáng nhớ nhất với em. Năm đó vừa vui vừa buồn. Em lần đầu giành Quả bóng Vàng năm 2014, đánh dấu bước phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên năm 2014, ĐT nữ Việt Nam đã thua Thái Lan trong trận giành vé dự World Cup".
"Thực sự năm 2018 cũng ý nghĩa (cười). Đó là năm em cũng giành Quả bóng Vàng trong khi Phong Phú Hà Nam lần đầu tiên vô địch giải bóng đá nữ. Năm ngoái 2019 cũng rất ý nghĩa với việc chúng ta thắng Thái Lan ở chung kết SEA Games và chưa bao giờ trở về được người hâm mộ chào đón, quan tâm đến vậy".
Xây nhà tiền tỷ báo hiếu bố mẹ
Sau hơn 10 năm theo sự nghiệp bóng đá, Tuyết Dung gặt hái vô số vinh quang, trở thành một trong những cầu thủ nữ thành công nhất. Lời hứa năm xưa: "Con muốn đá bóng để giúp bố mẹ" của Tuyết Dung đã hiện thực hóa rất rõ.
Với những khoản lương, thưởng tích cóp nhiều năm, Tuyết Dung đã xây cho bố mẹ căn nhà khang trang có giá trị cả tỷ đồng ở quê nhà Hà Nam. Bố mẹ của nữ danh thủ này cũng tận dụng để kinh doanh ăn uống với tên "Quán Tuyết Dung 7" cùng hình ảnh cô mặc áo số 7.
Tuyết Dung và những nỗi niềm với cha mẹ.
Về kinh tế, Tuyết Dung đã giúp bố mẹ. Nhưng vẫn còn một điều mà cô chưa làm yên lòng gia đình, đó là lập gia đình. Năm nay cô đã 27 tuổi, bị gia đình thúc giục rất nhiều thế nhưng "Ronaldo nữ Việt Nam" chỉ lảng đi và muốn nhắn bố mẹ rằng cuộc sống của cô, cô muốn tự quyết định.
"Bạn bè em hầu như lập gia đình hết. Chỉ có bản thân em vẫn chưa xác định điều này. Nhiều khi về nhà, bố mẹ cũng hỏi có bạn trai chưa nhưng em cười bảo: Chưa, con còn đá bóng dài dài. Thực ra, em công việc cũng tạm ổn định khi được vào biên chế tại Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam công tác tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Hà Nam", Tuyết Dung chia sẻ.
Kết lại buổi trò chuyện với phóng viên Dân Việt, Tuyết Dung nói về điều mong muốn lớn nhất: "Ước mơ lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu của em là một lần đưa đội tuyển nữ Việt Nam góp mặt tại sân chơi World Cup. Em nghĩ đó không là giấc mơ xa đâu vì bây giờ World Cup tăng lên 32 đội rồi".
Hoa khôi Ngọc Châm và niềm hạnh phúc sau hào quang sân cỏ Cựu tuyển thủ quốc gia Đỗ Thị Ngọc Châm, người vẫn được nhắc đến với danh xưng hoa khôi bóng đá nữ Việt Nam, đang có cuộc sống viên mãn sau khi rời xa sân cỏ chuyên nghiệp. Nhắc đến bóng đá nữ Việt Nam trong khoảng 2 thập niên vừa qua, Đỗ Thị Ngọc Châm vẫn được nhiều người nhớ đến nhờ...