Nghệ sĩ Việt tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy
Trên mạng xã hội, hàng loạt những lời nghẹn ngào về sự ra đi của cây đại thụ nhạc Việt.
Ca sĩ Đức Tuấn – một người gắn liền với âm nhạc của Phạm Duy chia sẻ: “ Nghìn trùng xa cách, Ông đã đi rồi….. Con xa quá không gặp được Ông lần cuối“.
Anh cũng cầu mong: “ Xin kính chúc nhạc sĩ Pham Duy yên giấc. Một cuộc phiêu lưu mới Ông đang bắt đầu. Con sẽ hát mãi những bài hát của Ông cho một thế hệ mới“.
Tùng Dương sau khi nhận được hung tin cũng ngậm ngùi: “ Vừa thu thanh Ngậm Ngùi xong thì nghe tin Bác đã ra đi … Không thể buồn hơn được nữa“. Anh cũng đăng bức hình chụp chung với nhạc sĩ quá cố.
Đức Tuấn bày tỏ niềm thương tiếc sâu sắc trên trang cá nhân
Nữ ca sĩ Mỹ Lệ bày tỏ: “ R.I.P Phạm Duy. Vẫn biết sẽ có ngày hôm nay, nhưng sao quá khó để chấp nhận mất mát này“.
Ca sĩ Trần Quang Hào – Sao mai điểm hẹn 2006 cũng bày tỏ sự nuối tiếc: “ Cuộc đời cháu chưa được làm việc với bác nhưng trái tim nghệ sỹ của cháu luôn có hình ảnh bác! Người Nhạc Sỹ cháu yêu quí và kính trọng! Vĩnh biệt bác….“.
Trong khi đó, ca sĩ Uyên Linh bày tỏ niềm tiếc thương: “Một năm thật buồn với đại gia đình chú Tuấn Ngọc, bác Lữ Liên, chú Duy Quang rồi đến bác Phạm Duy… Xin chia buồn! R.I.P bác Phạm Duy“.
Ca sĩ Việt Tú đến từ Hà Nội xúc động: “ NS Phạm Duy mất rồi. Thực sự buồn vì trước giờ vẫn luôn yêu thích âm nhạc của bác. Âm nhạc Việt Nam lại mất đi một cây đại thụ. Cầu mong linh hồn bác luôn mỉm cười nơi chín suối“.
Video đang HOT
Nam ca sĩ này cũng tỏ ra tiếc nuối: “ Buồn và tiếc khi chưa kịp khoe với bác bài “Hẹn Hò” nằm trong album nhạc xưa cháu phát hành dịp sau tết. Gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình bác Phạm Duy“.
Ca sĩ Mỹ Lệ cũng bày tỏ cảm xúc xúc động
Là một trong số những nhạc sỹ thế hệ đầu vàng son của âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy từng khiến rất nhiều anh em, bè bạn thán phục.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong bài viết Phạm Duy, người bạn, người anh, người thầy của tôi có viết: “ Trong “gia tài” của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười”… Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ.”
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương trong bài viết Phạm Duy, nắng chiều rực rỡ cũng dành cho ông những lời ca tụng: “ Như tiếng chuông vọng đến từ hư vô. Như những tia chớp sáng ngời trong đêm tối. Như những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày trong mùa Đông giá lạnh. Như những tia nắng chiều rực rỡ của một ngày đầy vui buồn của kiếp sống.
Âm nhạc Phạm Duy đã đến trong mỗi cuộc đời Việt Nam như không khí trong bầu khí quyển của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc Việt Nam.
Trong đáy lòng của mỗi người Việt Nam, từ đã từng là một thiếu niên trong thời kháng chiến hay đến hôm nay là một thanh niên ở cuối thế kỷ 20, đều mang một dấu vết nào đó còn sót lại của bầu dưỡng khí đã nuôi lớn tâm hồn họ trong gần nửa thế kỷ nàỵ”
Ca sĩ Tùng Dương khoe bức hình chụp chung với NS Phạm Duy
“ Từ trước đến giờ, tôi chỉ thấy Mai Văn Bộ, Lê Thương và Phạm Duy là đặt lời đẹp nhất. Từ năm 1950 đến giờ tôi không theo sát phong trào nhạc mới nên có thể có nhiều người khác đặt lời đẹp mà tôi chưa biết. Có điều tôi chắc là trong hầu hết những bài hát của Phạm Duy, lời và nhạc chẳng những hay, mà lại có tính cách giản dị, mộc mạc và nên thơ của những bài ca dao. Những câu lục bát biến thể, hay những câu lục bát có thêm tiếng đệm được phổ nhạc một cách tài tình.” – Giáo sư Trần Văn Khê từng viết trong bài Nhân xem trường ca “Con đường cái quan” của Phạm Duy
Nhà nghiên cứu nhạc Georges-Étienne Gauthier khi viết về âm nhạc Việt cũng dành cho NS Phạm Duy những lời ca ngợi rất đẹp: “ Sở dĩ cái tiếng Việt Nam có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và trên hết là chính nhờ Phạm Duy và một số nghệ sĩ Việt Nam khác.” – (Trích trong cuốn Một người Gia Nã Đại và nhạc Phạm Duy).
Phạm An (T.H)
Theo 24h
Ca sĩ Duy Quang qua đời tại Mỹ
Cuộc đời nam danh ca dừng lại ở tuổi 62 vì bệnh ung thư gan ác tính.
Duy Quang trút hơi thở cuối cùng vào 11h30 trưa 19/12 tại California, Mỹ (3h30 sáng 20/12 Hà Nội) sau thời gian chống chọi với cơn bạo bệnh. Người thân của anh chia sẻ, những ngày cuối đời, anh gầy sọp đi và chỉ nặng còn chừng 20kg. Một ngày trước khi mất, anh vẫn đeo ống thở, hôn mê sâu và thỉnh thoảng mở mắt nhìn và nắm tay người thân. Phút lâm chung, anh ra đi trong vòng tay người thân, gia đình và bạn bè.
Thông báo tin buồn trên facebook của mình, ca sĩ Don Hồ chia sẻ: "Xin được chia buồn cùng gia đình anh Duy Quang. Đời người cuối cùng rồi ai cũng đi đến thời điểm này, cầu chúc linh hồn anh sớm tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng...".
Cuối tháng 10 vừa qua, nam danh ca bay từ TP HCM về Mỹ cùng người bạn thân để điều trị bệnh. Trong cuộc trò chuyện cuối cùng với VnE, giọng nhỏ nhẹ, điềm đạm, cố gắng giấu bệnh tình, anh chia sẻ mình đang cảm thấy khá hơn từng ngày. Anh mong khán giả sẽ không quá lo lắng cho bệnh tình của mình cũng như hẹn ngày quay lại TP HCM và hát.
Hình ảnh Duy Quang trên bìa đĩa CD "Kiếp đam mê". Anh phát hiện bệnh tình khá muộn, chỉ chừng 2 tháng trước khi qua đời. Vào khoảng cuối tháng 8 năm nay, khán giả hâm mộ vẫn còn thấy Duy Quang thưởng thức món ăn ngon tại một nhà hàng ẩm thực ở Đà Nẵng.
Vào đầu tháng 11, một tờ báo của người Việt ở hải ngoại đăng tải thông tin về bệnh tình của nhạc sĩ Duy Quang. Tờ báo này cho biết anh đang bị ung thư gan giai đoạn cuối và bác sĩ tại Mỹ cũng không còn phương cách chữa trị. Duy Quang không thể ăn uống gì từ vài tháng trước khi qua đời. Anh chỉ được duy trì dinh dưỡng bằng con đường truyền dịch.
Duy Quang sinh ngày 4/11/1950 tại Hà Nội. Anh là trưởng nam của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ danh ca Thái Hằng.
Duy Quang khởi nghiệp vào năm 17 tuổi. Từ đó đến nay nam danh ca thu âm hơn 300 bài hát. Sau một thời gian dài định cư ở Mỹ, năm 2004, anh trở về Việt Nam định cư. Năm 2007, anh kết hôn với ca sĩ Yến Xuân rồi chia tay không lâu sau đó. Sau khi về Việt Nam, Duy Quang ra album Những bài tình.
Trong thập niên 70 Duy Quang nổi tiếng với những bản tình ca do thân phụ anh sáng tác như: Em hiền như Masoer, Thà như giọt mưa, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Chỉ chừng đó thôi, Đưa em tìm động hoa vàng...
Duy Quang và ca sĩ Ánh Tuyết trên sân khấu.
Đang tất bật chuẩn bị cho hai đêm nhạc để kêu gọi khán giả, đồng nghiệp ủng hộ nhạc sĩ Phạm Duy điều trị bệnh, ca sĩ Ánh Tuyết bùi ngùi khi lại hay tin con trai ông - ca sĩ Duy Quang qua đời.
"Từ ngày bé, tôi đã mê giọng hát Duy Quang. Anh là một trong ca sĩ thuộc thế hệ đàn anh mà tôi ngưỡng mộ. Những Em hiền như Masoer, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ... đã thấm vào tâm hồn của tôi và người nghe một thời. Anh mất nhưng để lại một tài sản quý giá về âm nhạc, về phong cách hát rất chân và thật", Ánh Tuyết nói.
Người nhà của nhạc sĩ Phạm Duy cũng cho biết, hiện Phạm Duy cũng đang rất yếu do tuổi già và ông chưa hay tin về sự ra đi của con trai. Người nhà cũng không muốn ông biết tin nhằm đảm bảo sức khỏe cho ông.
Chương trình nhạc Phạm Duy chủ đề Tình hoài hương do Ánh Tuyết tổ chức sẽ diễn ra trong không gian lãng mạn và ấm cúng tại phòng trà ATB vào hai đêm 21 và 22/12 ở TP HCM. Trong đêm này, Ánh Tuyết và các nghệ sĩ cũng sẽ hát ca khúc Kiếp Đam Mê để tưởng nhớ nhạc sĩ Duy Quang. Ngoài Ánh Tuyết và ban nhạc ATB, đêm này có sự góp mặt của: giọng hát Xuân Phú, Thụy Long, Vân Khánh và diễn viên điện ảnh Quý Bình.
Thất Sơn
Theo VNE
Phạm Duy: Âm nhạc, nhục tình và sự chết Trăm năm nhỏ bé và bộn bề, như lời ông đã viết, đang khép lại trong căn nhà nhỏ bình yên giữa Sài Gòn, nơi ông an hưởng tuổi già. Khi đã đi gần hết trăm năm của đời người lắm thăng trầm, dâu bể, nhạc sĩ Phạm Duy - người ghi dấu ấn không thể phai mờ trong gia tài âm nhạc...