Nghệ sĩ Việt ‘bán’ hình ảnh cho game show giá bao nhiêu?
Giá trị giải thưởng lớn, nghệ sĩ nổi tiếng, chiêu trò mua vui trở thành công thức vàng cho các trò chơi truyền hình trong việc tăng rating và thu hút quảng cáo.
Hình ảnh vốn là thứ để nghệ sĩ chưng diện ra với công chúng. Nói như nhà thiết kế Minh Hạnh, hình ảnh của người nghệ sĩ trước công chúng phản ánh rõ sức ảnh hưởng, cách sống và tài năng của họ. Hơn ai hết, việc xây dựng hình ảnh, giữ gìn hình ảnh luôn được đặt lên hàng đầu với những ai muốn làm nghệ sĩ.
Trấn Thành, Việt Hương, Hoài Linh, Trường Giang từng được ví là bộ tứ quyền lực của game show hài truyền hình. Ảnh: NLĐ.
Game show bùng nổ kéo theo sức hút cuốn hầu hết giới nghệ sĩ Việt vào vòng xoáy của nó. Trên khắp các kênh sóng, game show giải trí thể hiện sức mạnh “kỳ tài” với các giờ vàng.
Tỷ suất người xem tăng đến đâu kéo theo tiền quảng cáo tăng tới đó. Sự nổi tiếng của giới nghệ sĩ bỗng trở thành công cụ kiếm tiền đắc lực của các nhà sản xuất.
Bên cạnh số ít những game show có giá trị về mặt nội dung, hầu hết các chương trình được vẽ ra với đủ mọi chiêu trò, dưới muôn hình vạn trạng với mục đích thu hút khán giả bằng mọi cách.
Giá trị giải thưởng lớn nghệ sĩ nổi tiếng chiêu trò mua vui = công thức vàng cho các game show lên phương án kịch bản. Nghệ sĩ và chiêu trò bỗng trở thành “cộng sự” đắc lực của nhau trên sóng truyền hình.
Những nghệ sĩ đắt sô nhất là những cái tên giúp nhà sản xuất bán được giá quảng cáo đắt nhất.
Con số trên trời
Cát-xê của nghệ sĩ tham gia game show luôn được đặt câu hỏi và được săn đón như một thông tin hot. Dư luận từng xôn xao với mức cát-xê tiền tỷ của Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm khi ngồi ghế nóng chương trình The Voice (Giọng hát Việt). Theo đó, nhiều nguồn tin khẳng định, với việc ngồi ghế nóng The Voice, Đàm Vĩnh Hưng đã nhận thù lao 1 tỷ đồng.
Cùng với các cuộc thi hát, game show đang thể hiện sức mạnh ưu thế trên các kênh sóng. “Giá sàn” cho các nghệ sĩ hài rơi vào khoảng 100 triệu đồng cho mỗi tập phát sóng.
Một chương trình kéo dài 14-15 tập, số tiền thù lao trả cho nghệ sĩ khoảng 1,5 tỷ đồng. Riêng những cái tên đắt sô như Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương… thường được săn đón với mức cát-xê hấp dẫn hơn để xuất hiện tràn ngập.
Khi game show Làng hài mở hội ấp ủ sản xuất, để thuyết phục Trấn Thành -Việt Hương, họ sẵn sàng trả cao hơn giá sàn để có được cái gật đầu của 2 diễn viên. Một ngày Làng hài mở hội ghi hình 2 số, Trấn Thành – Việt Hương đã có thể “đút túi” vài trăm triệu đồng.
Làng hài mở hội đã không ngại chi mức cát-xê lớn cho Việt Hương – Trấn Thành. Ảnh: CTCC.
Hoài Linh thường được nhắc đến như một đẳng cấp khác biệt của làng hài. Hoài Linh được nể trọng về tài năng, được yêu mến bởi sự giản dị, gần gũi, và cũng là cái tên “khét tiếng” với những mức cát-xê trên trời.
Dư luận từng truyền tai nhau những con số 2 – 3 tỷ đồng để đồn thổi về cát-xê của Hoài Linh khi tham gia game show. Trả lời về cát-xê, Hoài Linh đã chia sẻ: “Nếu tôi nhận tham gia một chương trình truyền hình thực tế, cát-xê cũng phải 3 tỷ thật, nhưng đó là 3 tỷ cho mấy chục số chứ đâu phải xuất hiện trên sân khấu là có 3 tỷ ngay”.
Video đang HOT
Với cát-xê 3 tỷ đồng/game show, Hoài Linh là nghệ sĩ có thu nhập cao nhất năm 2016 khi anh có mặt trên khắp các kênh sóng, với nhiều vai trò khác nhau.
Tuy nhiên, mỗi nghệ sĩ có vị thế khác nhau, vai trò quan trọng khác nhau, và một mức giá khác nhau. Không phải nghệ sĩ nào đến với game show cũng rủng rỉnh, cũng phát tài. Khi Đại Nghĩa được mời thay thế Trấn Thành ở Làng hài mở hội, mức cát-xê dành cho anh đã khác hẳn.
Ngoài những nghệ sĩ đắt sô mang tính trụ cột như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang… số đông nghệ sĩ chỉ đến với tư cách khách mời, người chơi trong các game show giải trí. Ở các game show giải trí, mức tiền thưởng được chia cho từng thử thách, nghệ sĩ vượt qua thử thách càng oái oăm sẽ càng được nhiều tiền.
Mức giá nào cho sự mua vui?
Nghệ sĩ khi tham gia thường đơn giản nghĩ rằng họ đến đó để chơi hết mình, để vui với khán giả. Không ít nghệ sĩ đã đến với khán giả từ truyền hình, đã nổi tiếng nhờ truyền hình và vẫn nuôi danh bằng truyền hình.
Game show vì thế vẫn được hầu hết giới nghệ sĩ Việt hào hứng tham gia. Họ không lường hết những tình huống mua vui, gây cười tưởng như vô hại đôi khi lại đặt hình ảnh người nghệ sĩ vào nghịch cảnh bi hài.
Hương Giang Idol tham gia Kỳ tài thách đấu. Ở chương trình này, Trấn Thành nói “Hương Giang sặc mùi silicon”, Trường Giang nhắc đi nhắc lại nhiều lần chuyện nữ ca sĩ không thể sinh con. Ảnh: KTTĐ.
Những người nghệ sĩ, họ có thể phân vân, suy nghĩ trước một cảnh phim phản cảm nhưng lại sẵn sàng dùng vòng 3 và tư thế ngồi để làm vỡ quả bóng.
Họ có thể bỏ hàng chục nghìn USD mua váy áo hàng hiệu để được lộng lẫy trong phút chốc trên thảm đỏ, nhưng cũng có thể mặc lên người những chiếc áo xanh đỏ đứng như trời trồng để đồng nghiệp thi nhau ném bóng vào người, hòng lấy được tiếng cười khán giả.
Họ có thể mất nhiều giờ đồng hồ trang điểm để được đẹp nhất khi bước lên sân khấu, nhưng cũng có thể ngồi đập 30 quả trứng gà sống vào mặt vào tóc (càng nhanh càng tốt) trong một game show chỉ để không phải trả lời một câu hỏi mang tính kiến thức.
Cũng là họ – những nghệ sĩ đã phải tập cười, tập nói trước gương để khi đứng trước công chúng nói chuyện được duyên dáng, được ngợi khen – bỗng sẵn sàng gào khóc, la hét ồn ào với đủ những trò chơi “ác”.
Cái giá họ đã được trả là bao nhiêu để tự làm xấu hình ảnh của mình?
Những thử thách gây phản cảm ở game show Ánh sáng hay Bóng tối. Ảnh: CTCC.
Khi xuất hiện trên truyền hình là xuất hiện trước hàng nghìn khán giả, thứ mà nghệ sĩ có thể mua được – bán được nhiều nhất có thể không phải tiền, mà chính là hình ảnh.
Hồng Nhung từng cho khán giả thấy chị khéo léo, duyên dáng như thế nào khi ngồi ghế huấn luyện viên The Voice. Mỹ Tâm đã chứng minh cô “vô duyên một cách đáng yêu” như thế nào khi tranh luận trên sóng truyền hình. Hoài Linh là một hình ảnh khiêm nhường, giản dị ở Ơn giời, cậu đây rồi!.
Nhưng cũng có một Trường Giang đang rơi vào lối mòn khi chiêu trò chính là ôm hôn bạn diễn nữ và mang những chuyện đời tư ra làm trò đùa. Cũng có một Trấn Thành luẩn quẩn, bấn loạn trong mối bòng bong giữa khả năng và sự quá tải. Và cũng có cả những nghệ sĩ không ngại biến mình trở nên lố bịch để mua vui.
Hình ảnh của người nghệ sĩ khi xuất hiện, lộng lẫy hay mặc áo chú hề xanh đỏ, trang trọng hay dùng vòng 3 làm vỡ bóng, bùng cháy với tài năng hay la hét thảm thiết trước những trò chơi. Điều đó lẽ ra tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của người nghệ sĩ.
Thế nhưng, nhiều nghệ sĩ đã để cho kịch bản quyết định hình ảnh của mình. Khi đã “bán” hình ảnh, giá bao nhiêu cho vừa?
Theo Zing
Những game show truyền hình bị chỉ trích vì phản cảm
Khách mời khóc thét khi bị đẩy vào bồn nước chứa đầy rắn hay nghệ sĩ hài chọc cười người xem bằng những trò lố vô duyên... đã và đang 'hoành hành' màn ảnh truyền hình.
4 năm trở lại đây, truyền hình thực tế bùng nổ ở Việt Nam với hàng loạt game show hài, cuộc thi âm nhạc, tìm kiếm tài năng... Sự phát triển như vũ bão dẫn đến bão hòa, nhàm chán là điều tất yếu của xu hướng. Nhưng bất chấp sự ngao ngán của người xem, năm 2017, khán giả sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc đổ bộ rầm rộ của các chương trình mới xuất hiện.
Trước "cơn bão" truyền hình hiện nay, NSƯT Hữu Châu vẫn đứng bên lề cuộc chơi vì tự nhận mình không phù hợp với thị hiếu này. Nghệ sĩ gạo cội của kịch nói thẳng thắn phát biểu ý kiến của anh trước sự "lũng đoạn" của game show truyền hình. Anh cho rằng nghệ sĩ đang giỡn mặt với khán giả vì xuất hiện trong chương trình nhưng lại không bộc lộ khả năng diễn xuất, và rằng "Thà xem thế giới động vật còn hơn xem game show".
Lòng tự trọng của những nghệ sĩ không cho phép họ xuất hiện liên tục, dày đặc trên sóng truyền hình. Sau một vài chương trình, đã có không ít người chủ động rút khỏi game show, tập trung đóng phim hoặc diễn sân khấu.
Lấy nỗi đau, sợ hãi làm tiếng cười giải trí
Những game show hiện giống nhau về nội dung, bị khán giả phàn nàn nên một số nhà sản xuất nỗ lực tìm kiếm sự mới mẻ nhằm thu hút người xem. Tuy nhiên, trong nỗ lực làm mới, đã có không ít chương trình bị tẩy chay, gây hoang mang vì sự phản cảm.
Năm 2014, nhà sản xuất BHD mua bản quyền để Việt hóa chương trình Đố ai hát được. Khách mời được đặt trong tình huống treo mình trên cao, từ từ bị thả vào một bồn nước chứa đầy rắn rết, trăn, cóc, nước đá... nhưng vẫn buộc phải hát đến hết bài.
Người chơi ban đầu muốn tìm cảm giác mạnh với những thử thách rèn luyện bản lĩnh ở cuộc chơi. Song, khi bắt đầu, có không ít người muốn bỏ cuộc vì thách thức quá "dã man".
Các ca sĩ từ nam đến nữ đều khóc thét, cố vùng vẫy để thoát khỏi những con vật đáng sợ. Trong khi đó, bộ ba giám khảo liên tục thích thú, vỗ tay khen ngợi tinh thần dũng cảm của người chơi và cười sảng khoái trên nỗi sợ hãi của họ.
MiA khóc thét khi MC Anh Khoa đứng ngoài trêu chọc.
Người xem cũng quá đỗi bàng hoàng khi phải chứng kiến những trò hành hạ kinh dị. Nhiều người phải chuyển kênh vì không phù hợp với đối tượng trẻ em.
Điều này đã khiến dư luận bất bình vì game show dù mang tính giải trí nhưng kết quả lại trái ngược với tiêu chí, mang tính tra tấn tinh thần của người chơi, tạo ra sự phản cảm với khán giả truyền hình. Sau 10 tập phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV3, Đố ai hát được nhận nhiều chỉ trích từ dư luận, chương trình tạm ngừng một thời gian và chuyển sang phát sóng trên kênh HTV7.
Năm 2016, VTV3 tiếp tục hợp tác để phát sóng game show Ánh sáng hay bóng tối được mua bản quyền từ Đức, kết hợp giữa đấu trí và vận động. Hai người chơi sẽ trả lời 10 câu hỏi ở nhiều lĩnh vực để thử thách tài trí của họ.
Nếu không tự tin trong phần thi này, họ sẽ được Nữ hoàng bóng tối Lê Khánh đưa ra thử thách để vượt qua. Tuy nhiên, điều khiến người xem phàn nàn là ở phần thi vận động, những yêu cầu đưa ra không có tính thẩm mỹ, nếu không muốn nói phản cảm.
Ví như khách mời phải cắn bể bong bóng chứa đầy màu sắc khiến cơ thể lấm lem hay đập trứng gà sống lên đầu và mặt...
Người xem không hài lòng vì những chiêu trò hành hạ khách mời.
Game show Cười là thua cũng từng bị la ó vì sự phản cảm của nghệ sĩ hài. Người chơi phải chọc cười những khán giả có mặt tại trường quay bằng bất kỳ chiêu thức nào để thắng cuộc. Nhưng, bi hài ở chỗ diễn viên lại "cù lét" bằng hình thể, những câu nói vô nghĩa thậm chí là hành động quá lố thay vì chọc cười bằng tiểu phẩm. Thúy Nga, Hiếu Hiền... từng bị phê phán vì vận dụng những trò phản cảm để chiến thắng.
Từng gây sốt mùa đầu tiên nhưng hiện nay Thách thức danh hài đang dần nhàm chán vì những tiếng cười nhạt nhẽo. Nhiều người ngạc nhiên vì sao Trấn Thành, Trường Giang lại dễ dàng ban phát tiếng cười trong các tình huống vô vị và thí sinh không quá khó khăn để kiếm tiền như thế.
Vì sao nghệ sĩ chấp nhận mua vui trên sóng truyền hình?
Trước những làn sóng phản đối sự phản cảm của các game show, có nhiều ý kiến cho rằng, các khách mời phải đồng ý thì chương trình mới được sản xuất. Điều này phản ánh thực tế của giới nghệ sĩ khi họ buộc phải chạy theo nhu cầu "cơm áo gạo tiền".
Khi hài truyền hình bùng nổ, sân khấu "giãy giụa", diễn viên kịch mất kế sinh nhai nên buộc phải chuyển sang đóng phim, tham gia game show để kiếm sống. Thực tế, có không ít người thất nghiệp, phải bỏ nghề và số còn lại đành chấp nhận thỏa hiệp để bám trụ.
Nhờ truyền hình thực tế, hàng loạt nghệ sĩ dù đã tham gia showbiz từ lâu nhưng giờ mới có cơ hội vụt sáng như Khởi My, Thanh Duy, Giang Hồng Ngọc, Bùi Anh Tuấn...
Giám khảo Thu Minh sợ hãi bỏ chạy khỏi ghế giám khảo vì các thử thách của chương trình Đố ai hát được.
Bên cạnh đó, việc tham gia game show cũng là dịp để nghệ sĩ trẻ có cơ hội tiếp cận khán giả đại chúng. Từ sân chơi này, có khá nhiều gương mặt mới thành danh như Uyên Linh, Hoài Lâm, Huỳnh Lập, Đức Phúc, Hương Tràm...
Tuy nhiên, điều này cũng dễ thành "con dao 2 lưỡi" khi nghệ sĩ ào ạt tham gia game show, bất chấp nội dung kịch bản. Đã có câu hỏi đặt ra, không biết liệu nghệ sĩ nhận được bao nhiêu cát-xê khi hình ảnh không đẹp được phát sóng trên truyền hình cả nước, khi bị mua vui bởi những chiêu trò thiếu tính thẩm mỹ như thế?
Nhìn hình ảnh MiA khóc lóc thảm thiết khi tham gia Đố ai hát được cùng Pha Lê, khán giả không khỏi ái ngại . Đại diện BHD cũng khẳng định những con vật trong chương trình vốn vô hại và so với bản gốc, các thử thách mạnh cũng đã giảm. Dù vậy, điều này vẫn không giúp game show "sạch" lên trong mắt khán giả.
Sau lần ngồi ghế nóng của game show Đố ai hát được, Thái Hòa gần như từ chối các chương trình khác. Anh tự nhận mình không thích hợp làm giám khảo, đặc biệt những game show trái với chuyên môn của mình. NSƯT Đức Hải cũng không còn mặn mà và bận rộng với việc kinh doanh nên từ chối nhận lời làm giám khảo.
Mới đây, anh cùng đồng nghiệp thân thiết như NSND Hồng Vân, Minh Nhí và Thanh Thủy nhận lời show Tiếu lâm tứ trụ với mong muốn giúp các gương mặt trẻ tiếp cận với lối hài sạch, thay vì dễ dãi như hiện nay trên truyền hình.
Theo Zing
Hài 'ngập lụt' màn ảnh nhỏ Mới đầu tháng 1-2016, các nhà sản xuất nội dung truyền hình đã chào hàng kha khá chương trình mới, trong đó thể loại hài gần như chiếm lĩnh với khoảng 30 chương trình chiếm sóng. Các đài truyền hình có lượng khán giả lớn nhất Việt Nam hiện nay là Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền...