Nghệ sĩ Trí Minh: Nhạc điện tử kiểu The Remix đã lỗi mốt
“ Nhạc như trong The Remix không phải là không hay, nhưng tôi nghe cách đây 10 năm tại Áo” – Trí Minh, một trong những nghệ sĩ nhạc điện tử tiên phong tại Việt Nam, nhận định.
Năm nay, Trí Minh, nhà sáng lập Liên hoan Âm thanh Hà Nội, mang về Việt Nam những DJ kiêm nhà sản xuất tài năng như Chí Thiện, Chí Thanh, Thylacine, Chris Brown (nghệ sĩ nhạc điện tử, không phải ca sĩ dòng R&B Chris Brown)… cùng các nghệ sĩ Võ Vân Ánh (đàn tranh), Nguyễn Hồng Nhung.
Chí Thiện (người Đức gốc Việt) từng làm nhạc Remix cho Madonna, Britney Spears, LL Cool J. Chí Thanh (cũng người Đức gốc Việt) từng được đề cử giải Grammy Latin. Còn Thylacine là một trong những nghệ sĩ nhạc điện tử theo trường phái mới nổi bật nhất tại Pháp. Thể thao & Văn hóa trao đổi ngắn với nghệ sĩ Trí Minh về nhạc điện tử Việt Nam hiện nay.
Khi thị trường tiếp nhận cũng là khi lỗi mốt
- Hiện tại, nhạc điện tử đang có những sản phẩm thành công trên thị trường, chẳng hạn ca khúc Uptown Funk của DJ Mark Ronson(Mỹ) vừa lập kỷ lục 13 tuần đứng đầu BXH Billboard. Tại Việt Nam, cuộc thi truyền hình The Remix cũng khiến dòng nhạc này được chú ý. Nhạc điện tử trong The Remix (Hòa âm ánh sáng) và nhạc điện tử trong Liên hoan Âm thanh Hà Nội sắp tới khác nhau như thế nào?
- Cần nói rõ, tôi không phải là đại diện của cả cộng đồng nhạc điện tử ở Việt Nam mà chỉ đại diện cho dòng nhạc điện tử mà tôi theo đuổi.Tôi có thể trả lời câu hỏi trên như thế này: Khi âm nhạc điện tử thành công trên thị trường thế giới hay ở Việt Nam, thì từ góc nhìn của người làm nghệ thuật, như vậy là đã lỗi mốt. Vì thị trường tiếp nhận có nghĩa là trào lưu đã lên đỉnh, sắp thoái trào. Âm nhạc thị trường chúng ta nghe là đang ở bờ bên kia của trào lưu. Thứ âm nhạc trong The Remix, tôi không nói cũ hay không hay, nhưng tôi được nghe cách đây 10 năm tại Áo.
Tại sao chúng ta không có quyền nghe thứ âm nhạc của hiện tại? Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, nên ngoài không gian âm nhạc như trong The Remix, chúng ta có quyền tiếp cận không gian âm nhạc điện tử đương đại.
DJ kiêm nhà sản xuất âm nhạc Trí Minh.
- Vậy nghệ sĩ Việt Nam khi ra nước ngoài thì sao?
- Ngoài nghệ sĩ, tôi còn có vai trò nhà sản xuất. Tôi rất mong muốn nghệ sĩ Việt Nam khi ra thế giới vẫn có điều kiện tham dự các liên hoan âm nhạc quốc tế. Nhưng khi tôi gửi bản demo của họ đến các ban tổ chức nước ngoài thì nhận được câu trả lời rằng âm nhạc của các nghệ sĩ Việt Nam quá cũ rồi. Thứ gì họ đã có thì họ sẽ không mời. Vậy nên mình phải giới thiệu thứ mà người ta không có.Nếu chỉ so sánh trên mặt bằng Việt Nam với nhau thì không sao, nhưng khi so sánh với bên ngoài, chỉ trong các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia thôi, chúng ta đã khác họ rồi. Chúng ta nên đi ra ngoài, trải nghiệm và va chạm văn hóa nhiều hơn. Hy vọng thông qua sự kết nối của các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta có thể tiếp cận xu hướng mới.
Video đang HOT
Suboi diễn tại Mỹ: bước tiến của nhạc điện tử Việt Nam
- Nhạc điện tử Việt Nam thời gian qua có Tùng Dương rất thành công. Nay có thêm 2 cái tên mới là Nguyễn Trần Trung Quân và Nguyễn Đình Thanh Tâm, năm nay đều được đề cử giai Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa. Qua 2 nghệ sĩ này, anh thấy nhạc điện tử Việt Nam đã thay đổi như thế nào so với thời khởi đầu 10 năm trước, khi anh làm album tiên phong Thanh Lam – Hà Trần?
- Nguyễn Trần Trung Quân và Nguyễn Đình Thanh Tâm đều có những tìm tòi rất mới trong âm nhạc của họ. Bản thân tôi từng hợp tác với Nguyễn Đình Thanh Tâm (ca khúc Chạy mưa và Gặp tôi mùa rất đông). Mặc dù vậy, có một vấn đề tôi đã nói thẳng với Thanh Tâm, đó là bản sắc văn hóa trong nhạc điện tử. Thị trường Việt Nam có khoảng 80 triệu công chúng, nhưng khi ra thế giới, thị trường có 5 tỷ người. Không thể lấy bản sắc văn hóa của 80 triệu người để đọ với 5 tỷ người.
Tôi từng đem nhạc của Thanh Tâm giới thiệu cho 2 liên hoan âm nhạc ở Đức. Người ta nói rằng nhạc anh vẫn hơi cũ. Có một nghệ sĩ ít người biết hơn nhưng vừa đạt được một thành công quá lớn đối với âm nhạc Việt Nam, đó là Suboi. Nữ ca sĩ vừa biểu diễn tại liên hoan âm nhạc South by Southwest 2015 ở Mỹ. Chính tôi cũng luôn mơ ước được biểu diễn ở South by Southwest.Tất nhiên Suboi còn rất nhiều thách thức, nhưng tôi nghĩ đây là một bước tiến của âm nhạc thị trường Việt Nam. Dần dần khoảng cách sẽ thu hẹp lại. Hiện tại, đã có những nghệ sĩ Việt Nam kết hợp với nghệ sĩ quốc tế như Nguyên Lê, Tùng Dương, Hà Trần (đang ở Mỹ).
Theo Mi Ly/Thể thao & Văn hóa
Nguyễn Trần Trung Quân không tiếc khi vứt bỏ 200 triệu đồng
Giọng ca triển vọng Sao Mai điểm hẹn bỏ hơn 200 triệu đồng để thực hiện album nhạc pop, tuy nhiên, anh quyết định hủy vào phút chót vì không tìm thấy mình trong đó.
Sẽ không hát nếu Khắc Hưng ngừng cộng tác
- Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận được đề cử tại giải Cống hiến 2015 ở hai hạng mục "Nghệ sĩ mới" và "Album của năm"?
- Tôi bất ngờ và hạnh phúc. Năm 2014, tôi tham dự lễ trao giải Cống hiến lần thứ 9 với tư cách nghệ sĩ khách mời. Khi đó, nhìn thấy các đàn anh, đàn chị và những đồng nghiệp được xướng tên lên nhận giải, tôi chỉ ước một ngày có tên trong đề cử chính thức. Thật may khi giấc mơ đó thành hiện thựcTôi hy vọng sẽ giành được giải Album của năm vì đó là sự động viên, khuyến khích không chỉ dành cho riêng tôi mà còn cho toàn bộ ê-kíp, những người góp phần làm nên sự thành công của Khởi hành.
- Anh đánh giá ai là đối thủ nặng ký nhất tại giải Cống hiến 2015?
- Đó là ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm với album Gặp tôi mùa rất đông. Tôi và anh Thanh Tâm đều là những người trẻ, nhiều nhiệt huyết và album của anh rất hay. Chúng tôi lại cùng dòng nhạc điện tử tuy màu sắc và ý tưởng hoàn toàn khác nhau.
Một điểm nữa là tôi và anh Tâm đều có một ê-kíp gồm những người trẻ và đầy nhiệt huyết.
Nguyễn Trần Trung Quân nhận được 2 đề cử tại giải Cống hiến 2015.
- Anh nghĩ sao khi nhạc sĩ Nguyễn Khắc Hưng - người cùng anh thực hiện album "Khởi hành" - không lọt vào bất cứ đề cử nào của giải Cống hiến 2015 vì có một số sản phẩm bị nghi đạo nhạc?
- Khi biết tin này tôi thực sự rất buồn. Tôi nghĩ Khắc Hưng hoàn toàn xứng đáng có mặt trong bảng đề cử. Tôi thấy Khắc Hưng cống hiến còn nhiều hơn cả tôi (cười).Lý do Khắc Hưng bị loại không thuyết phục. Nếu thực sự Khắc Hưng đạo nhạc, tôi không bao giờ cộng tác. Tôi biết tính bạn tôi. Cậu ấy là một người trẻ luôn tìm tòi sự sáng tạo và khao khát được làm âm nhạc một cách nghiêm túc, minh chứng rõ ràng nhất là album Khởi hành.
- Với thành công mà anh đạt được hiện nay, sự đóng góp của Khắc Hưng chiếm bao nhiêu %?
- 60%, tôi nghĩ vậy.- Anh phản hồi ra sao khi có ý kiến cho rằng, giọng hát của anh chưa đuổi kịp năng lượng, sự sáng tạo và phong cách âm nhạc của Khắc Hưng?.
- Tôi nghĩ nếu đúng như thế, Khắc Hưng không bao giờ cộng tác với tôi. Khi làm việc, tôi với Hưng phải cân bằng nhau để đưa ra những sản phẩm tốt nhất. Với album Khởi hành, tôi tiết chế hết mức để âm nhạc và giọng hát được hoà quyện. Tôi không tham trưng trổ kỹ thuật.
- Đâu là chất dính kết cho sự hợp tác kéo dài nhiều năm giữa anh và Khắc Hưng?
- Đó đơn giản là sự tin tưởng. Nếu có ngày tôi và Khắc Hưng ngừng cộng tác, chắc chắn, tôi không hát nữa.
Nguyễn Trần Trung Quân được đánh giá là có sự lột xác ngoạn mục trong album nhạc điện tử Khởi hành.
Hủy toàn bộ album dù đã đầu tư 200 triệu
- Anh từng thực hiện gần như hoàn chỉnh một album pop ballad nhưng vì lý do gì lại quyết định hủy toàn bộ và bắt tay vào làm "Khởi hành"?
- Tôi không thích làm điều gì không phù hợp với tính cách, con người mình. Nhiều người nhận xét tôi hợp với pop ballad nhưng đây là thể loại tôi ghét nhất.
Tôi từng có một giai đoạn bị stress nặng và chẳng thiết làm gì ngoài ăn. Trong khoảng thời gian rất ngắn, tôi tăng 26kg và trọng lượng cơ thể đạt tới con số 86kg. Tôi mất phương hướng khi băn khoăn giữa hai lựa chọn: Làm âm nhạc vừa lòng số đông khán giả hay làm những cái mình thích, dù sẽ kén người nghe.
Tôi hấp tấp đến độ đầu tư hơn 200 triệu vào thực hiện album nhạc pop dễ nghe, hợp thị hiếu nhiều người. Tuy nhiên, khi nghe lại, tôi không tìm thấy mình trong sản phẩm đó. Tôi thấy sự dễ dãi, cẩu thả và một giọng hát không cảm xúc. Tôi đã khóc khi nghe lại album.
Ngay trước thời điểm phát hành, tôi quyết định hủy toàn bộ album này và bắt tay vào thực hiện sản phẩm âm nhạc khác, trong đó, tôi được là chính mình và được thỏa mãn niềm đam mê, sự sáng tạo. Đó cũng chính là lý do Khởi hành ra đời.
- Trước khi trở thành ca sĩ, anh từng bị nhận xét là "không có chất giọng". Điều gì khiến anh kiên quyết gắn bó với nghề này?
- Tôi là người rất bản năng và có một niềm tin lớn vào đam mê của mình. Trước những nhận xét, những chế giễu, chê bai của mọi người, tôi không cảm thấy tự ti. Ngược lại, tôi muốn vượt lên và chứng minh với mọi người: "Tôi sẽ là một ca sĩ".Để làm được điều đó, tôi phải cố gắng từng ngày. Dù học piano trong ở Học viện Âm nhạc Việt Nam nhưng tôi thường nhòm qua cửa để học mót các anh chị khoa thanh nhạc luyện thanh. Sau đó, dù hát rất phô và giọng hát không có màu nhưng tôi vẫn quyết định chuyển sang học thanh nhạc.
Tôi biết mình không năng khiếu như những bạn khác nên phải bù vào bằng khổ luyện. Mỗi ngày tôi luyện thanh 2 tiếng vào buổi sáng, tập luyện với piano riêng, chạy bộ để luyện tập hơi thở và phải học một giáo trình riêng biệt. Mỗi tháng tôi luyện thanh duy nhất một nốt trên đàn. Dần dần, tôi "gò" được giọng hát vào đúng vị trí âm chuẩn, sau đó tôi miệt mài học rung, ngân, giả thanh... Để hoàn thiện giọng hát, tôi mất ít nhất 12-13 năm.
Tới bây giờ, tôi tự tin với giọng hát nhưng tôi nghĩ, mình cần khổ luyện thêm để sao cho giọng hát hay hơn nữa. Tôi thích là người hát hay hơn là người hát giỏi.
'Nghiêng' - Nguyễn Trần Trung Quân
Theo Zing
Hạng mục Album của năm: Tân binh đối đầu cựu binh Một bên là Phạm Anh Khoa và Thảo Trang với chất nhạc đã gia giảm năng lượng để "tinh" chất hơn, phía bên kia - Quang Thắng, Thanh Tâm, Trung Quân - là những người trẻ sáng tạo. "Ngược chiều" thói quen Những ai đã thích Phạm Anh Khoa, từng chứng kiến sự máu lửa cuồn cuộn của chàng trai rock, đã nghe...