‘Nghệ sĩ sân khấu khó khăn, nhưng nhiều người còn khổ hơn’
Nghệ sĩ Trần Ly Ly và Nguyễn Sĩ Tiến cho rằng lĩnh vực sân khấu đang phải gồng mình đối phó với khó khăn kép, trước ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đều đóng băng. Nhà hát, sân khấu đóng cửa. Bên cạnh nỗi nhớ nghề, cuộc sống của nghệ sĩ, diễn viên khó khăn hơn khi mất thu nhập.
Cuối tháng 5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc họp với 12 nhà hát thuộc Bộ để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị quản lý đang gặp phải, cũng như đưa ra phương án tháo gỡ kịp thời.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng những khó khăn, bất cập của ngành nghệ thuật biểu diễn, nhất là với một số lĩnh vực đặc thù như kịch, chèo tuồng, cải lương, múa, không chỉ tồn tại ở thời điểm này mà đã kéo dài nhiều năm. Bởi nghệ thuật truyền thống vốn chưa phải là nhu cầu giải trí ưu tiên của đông đảo tầng lớp khán giả.Thời gian qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, sân khấu càng bị ảnh hưởng nặng nề.
Giải pháp trước mắt được đưa ra trong cuộc họp là lãnh đạo Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập. Bộ trưởng giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn nghiên cứu để đưa ra con số kinh phí phù hợp, sát tình hình thực tế.
Các nhà hát lao đao khi sân khấu phải đóng cửa. Ảnh: NH Tuổi trẻ.
Nhà hát chưa có phương án hỗ trợ diễn viên vì không có nguồn thu
Trao đổi với Zing , bà Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, cho rằng đối phó với đại dịch Covid-19 là “cuộc chiến” mà ai cũng phải đối diện. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực có những khó khăn riêng.
Tình trạng sân khấu đóng cửa triền miên, không có hoạt động biểu diễn, không có nguồn thu khiến các nhà hát lao đao. Họ chưa thể tìm ra phương án hỗ trợ các diễn viên trong giai đoạn này.
“Mọi kế hoạch bị đảo lộn một cách nghiêm trọng. Các hợp đồng cũng bị hủy. Tôi có thể lấy một ví dụ thế này, năm ngoái nhà hát đầu tư một vở lớn. Mình xác định ban đầu có thể bị lỗ và dự định năm nay biểu diễn được sẽ bù lỗ. Nhưng cuối cùng lại không có cơ hội diễn, nên không thu lại được.
Ở cương vị người quản lý, tôi rất thương các bạn diễn viên, nghệ sĩ. Nhưng thú thực, tôi không biết làm cách nào để giúp khi mọi hoạt động đều bị đông cứng như lúc này. Bình thường, lương cơ bản của một diễn viên múa đã không cao, khoảng 3 triệu/tháng. Nếu đi biểu diễn, đi tập, các bạn còn có đồng ra đồng vào để trang trải thêm”, bà Trần Ly Ly chia sẻ.
NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, bày tỏ các nhà hát đều lường trước khó khăn ngay từ đợt dịch đầu tiên (sau Tết Nguyên đán 2020). Dù chuẩn bị tinh thần trước, họ vẫn khó có thể xoay xở trong bối cảnh hiện nay.
“Các diễn viên của nhà hát đã tập luyện kỹ lưỡng chương trình thiếu nhi dành cho mùa hè 2021. Đó là hai vở diễn Bầy chim thiên nga và Cuộc chiến vô cực . Nhưng đáng tiếc là vừa duyệt xong, đợt dịch nữa lại ập đến. Từ sau Tết đến bây giờ, chúng tôi mới diễn được vài buổi. Chương trình làm rất kỳ công lại không được phục vụ khán giả, nên ai cũng buồn và nhớ sân khấu”.
Video đang HOT
NSƯT Trần Ly Ly và NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến. Ảnh: NVCC.
Ông Sĩ Tiến cho biết thêm: “Nhà hát Tuổi trẻ có 150 nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên. Nhưng chỉ 80 người trong biên chế được nhận lương cơ bản. Số còn lại không có lương cứng, thu nhập theo từng buổi diễn. Bây giờ, khi hoạt động đều đóng cửa, các bạn gặp khó khăn. Ban giám đốc cũng trăn trở lắm! Đợt dịch năm ngoái, nhà hát còn quỹ dự phòng, cố gắng san sẻ mỗi người một chút để hỗ trợ. Nhưng năm nay quỹ không còn nữa”.
Băn khoăn trước khó khăn kép mà các nhà hát phải đối diện, song bà Trần Ly Ly và ông Nguyễn Sĩ Tiến đồng tình đây là tình trạng chung của toàn thế giới. Thời gian này, một số diễn viên trẻ phải làm nhiều nghề khác như bán hàng online, làm bánh… để mưu sinh. Điều những người ở cương vị quản lý mong mỏi là các bạn vẫn giữ được tình yêu nghề, đam mê sân khấu.
“Lúc này, chúng tôi cũng chỉ biết động viên tinh thần các bạn. Tôi nghĩ nghệ sĩ sân khấu khó khăn, thì nhiều người ngoài kia còn khổ hơn. Nhìn đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, lực lượng công an, quân đội, cơ quan chức năng làm việc cực khổ dưới trời nắng nóng 40 độ C để dập dịch, mới thấy nỗi vất vả của mình chưa là gì.
Xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và cả những tấm gương khiến chúng ta cảm động. Mong anh chị em nghệ sĩ, diễn viên kiên trì, nhẫn nại. Khi nào dịch được kiểm soát, chúng ta sẽ quay lại biểu diễn”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến nói.
Khôi phục hoạt động nghệ thuật sau dịch là câu chuyện dài
Theo nghệ sĩ Trần Ly Ly, việc khôi phục hoạt động nghệ thuật, nhất là lĩnh vực đặc thù như sân khấu, còn là câu chuyện dài và nan giải. Bởi chỉ khi nào kinh tế, xã hội, y tế ổn định, công chúng mới có tinh thần để thưởng thức nghệ thuật.
“Điều tôi lo lắng nhất là không biết bao giờ dịch Covid-19 mới qua đi. Cuộc chiến càng kéo dài, việc khôi phục hoạt động sân khấu càng khó bội phần. Như bạn biết đấy, cũng phải bình ổn kinh tế, cuộc sống, rồi người ta mới tìm đến nghệ thuật chứ. Như vậy, nghệ thuật sẽ hồi phục sau các ngành nghề khác.
Điều thứ hai tôi lo là kế hoạch phát triển tiếp theo của nhà hát. Quả thực, trong hoàn cảnh này, rất khó để đưa ra dự tính. Dựng một vở múa ballet không đơn giản, đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực. Nếu chẳng may không được diễn, nguy cơ lỗ là đương nhiên”.
Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam cho rằng một trong những cái khó nữa của người quản lý là làm sao để giữ người tài, nhất là trong giai đoạn bấp bênh hiện tại.
Một tiết mục của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Ảnh: Trần Ly Ly.
“Chảy máu chất xám là điều không tránh khỏi. Có những bạn trẻ đã rời đi và mình phải để các bạn đi thôi. Thú thực, khi phải đối diện với dịch Covid-19, tôi nhận ra cơ chế dành cho nghệ sĩ múa ballet khá thấp. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã tổ chức một cuộc họp, lắng nghe chia sẻ từ các nhà hát. Tôi mong muốn nhà nước sẽ có cơ chế đặc thù cho ngành nghệ thuật để các nghệ sĩ được hỗ trợ phần nào. Khi ấy, các bạn mới có thể yên tâm cống hiến cho nghệ thuật”, Trần Ly Ly nêu ý kiến.
Đồng quan điểm với bà Trần Ly Ly, ông Sĩ Tiến cho rằng khó để đưa ra giải pháp cho sân khấu vào lúc này. Trước mắt, họ chờ đợi ngày các nhà hát được mở cửa trở lại.
Ông Tiến nói: “Hoạt động sân khấu rất đặc thù. Nếu không có khán giả ngồi phía dưới, nó sẽ trở thành câu chuyện khác. Chúng tôi có nghĩ đến phương án quay rồi phát sóng lại, nhưng khi ấy đòi hỏi các thiết bị công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng của nhà hát không đủ. Nếu mình làm không đến nơi đến chốn, có khi sản phẩm lại tệ. Hơn nữa cũng không có nguồn thu. Vì thế, chúng tôi không chủ trương làm theo hướng đó”.
'Tiếc thương cho một người tài đức vẹn toàn như Mai Trung Hiếu'
Đó là chia sẻ của NSƯT Trần Ly Ly khi nói về nghệ sĩ múa tài năng Mai Trung Hiếu - người vừa qua đời ở tuổi 29 sáng 6/2 vì bạo bệnh.
Biên đạo Trần Ly Ly chia sẻ riêng với VietNamNet về ấn tượng sâu sắc của chị dành cho nghệ sĩ múa Mai Trung Hiếu. Trong khi đó, nếu Trần Ly Ly nhớ Mai Trung Hiếu ở phương diện đồng nghiệp thì nhạc sĩ Huỳnh Hiền Năng nhớ về cậu em trong câu chuyện phủ bụi thời gian về những đứa trẻ cùng lớn lên trong xóm văn công ở phố biển Phan Thiết.
Trần Ly Ly: Người ta được này mất kia, Hiếu tài đức vẹn toàn
Hôm qua, 6/2, rất nhiều người trong ngành bốc điện thoại cho tôi rồi bật khóc. Chúng tôi khóc cả ngày, nhất là các bạn cùng lớp ở Quảng Tây (Trung Quốc) với Mai Trung Hiếu thời trẻ cứ rấm rứt: Cô ơi, Hiếu đi rồi...
Hiếu là một tài năng thực sự, tuyệt vời lắm! Tôi hiếm khi khen ai như vậy. Một cậu bé nhiệt tâm, thông minh, ngoan ngoãn và đa tài. Trong ngành này, có người có tài thì không chăm; có người chuyên cần lại không có tài hoặc không thông minh, không nhạy cảm nghệ thuật, Hiếu hội tụ đủ những điều ấy. Em vào làm việc quá chuyên nghiệp, Tây lắm, làm bằng đức tâm và không vì tiền bao giờ. Em ấy đâu chỉ múa mà còn biên đạo, vẽ, thiết kế, trang điểm... Người đâu mà hay, cứ như không phải người ấy!
Đêm qua, khoảng 22h, bố Hiếu gọi cho tôi bảo: Anh không chịu nổi nữa rồi... Khi ấy, Hiếu chưa đi nhưng cũng sắp đi. Tôi ngồi đợi đến 0h28' hôm sau thì anh báo: Hiếu đi thật rồi em ạ. Tôi thực sự sốc không tưởng tượng được là em lao lực quên mình hay thế nào mà khi căn bệnh ập đến, em ra đi khi tuổi 29 đang rất đẹp, rất sung sức như thế. Mẹ Hiếu khỏi nói, chắc chị cũng sẽ ngất lên ngất xuống. Đến tôi là người ngoài còn sốc đến thế và tôi chẳng biết nói gì hơn là động viên anh chị cố gắng vượt qua.
Mai Trung Hiếu trình diễn vở "Bùn và Sen".
Gác máy, tôi ngồi xuống với vô vàn hỏi: Làm sao? Làm thế nào?... nhưng vẫn không thấy thỏa đáng. Em xuống sức, lao lực, suy nhược mà chẳng nói với ai.
Hiếu và tôi từng làm việc cùng nhau vài lần nhưng ấn tượng rất sâu sắc. Em múa cho tác phẩm của tôi, thiết kế dự án lớn của tôi, lúc làm vở Huyền thoại làng chài gặp nhau suốt mấy tháng. Cô trò chúng tôi yêu quý nhau.
Thực ra, tôi không trực tiếp dạy Hiếu nhưng Hiếu gọi tôi bằng cô vì tôi biết gia đình em từ xưa. Bố Hiếu, anh Mai Trung Kiên là học trò bố tôi. Chị Liên, mẹ Hiếu, cũng là một diễn viên múa giỏi tôi biết. Gia đình Hiếu là một gia đình tuyệt vời. Bố mẹ tử tế, Hiếu rất ngoan, không có gì để chê. Vì thế, tôi biết Hiếu bộc lộ tài năng sớm, 4 tuổi đã trình diễn múa. Trời ơi, đó là một nhân tài! Mấy ai múa say mê, sâu sắc, tinh tế và thông minh như thế chứ?
Hiếu đã về cõi tiên rồi. Ở trần gian, em đã chọn nghệ thuật múa - bộ môn gần với tiên giới nhất. Một bộ môn trong sáng, thánh thiện, không dùng tiếng nói mà biểu đạt bằng ngôn ngữ cơ thể, tải cả nhân sinh quan và cái đẹp. Vì thế, múa là con đường gần dẫn đến tiên giới.
Biên đạo múa Trần Ly Ly.
Buồn lắm! Bàng hoàng lắm! Nghề múa chúng tôi neo người vô cùng. Có hàng nghìn người làm kế toán, kỹ sư nhưng chỉ 1 - 2 người làm nghệ thuật thực thụ, những người tôi hay gọi là "tinh hoa phát tiết ra ngoài".
Chiều 6/2, bọn trẻ báo tôi: Chúng con đang đưa anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng... Sự ra đi đau lòng của Hiếu cũng là cái nhìn lại cho chính chúng tôi, nhất là các bạn diễn viên múa trẻ. Các bạn có say sưa mấy cũng phải biết dừng lại quan sát bản thân mình. Người nghệ sĩ khi thăng hoa làm việc hết 200% con người họ, đốt cháy toàn bộ năng lượng trong cơ thể họ. Nếu họ không biết dừng lại để hồi phục, tái tạo năng lượng sống thì một ngày nào đó bệnh tật ập đến, như một cơn viêm phổi cấp, họ sẽ không chống được.
Thôi thì Hiếu về cõi tiên, chúng tôi ở trần gian thương nhớ em nhiều...
Huỳnh Hiền Năng: Năm nay, anh Đen 32 còn Bin ở lại mãi tuổi 29
Tụi mình cùng lớn lên ở xóm Văn Công của đoàn ca múa tỉnh Bình Thuận. Anh Đen ( nhạc sĩ Huỳnh Hiền Năng - PV ) thì con nhà ca, em Bin ( nghệ sĩ múa Mai Trung Hiếu - PV ) con nhà múa. Hồi nhỏ xóm có mấy đứa với nhau thôi, cứ sinh nhật là mời qua mời lại.
Mẹ anh là ca sĩ nên anh cũng mê ca hát, còn ba mẹ em đều là diễn viên múa nên em theo nghề ba mẹ. Nhưng, không như mấy đứa trẻ ở xóm Văn Công khác, Bin đã thể hiện tư chất đặc biệt của mình từ thuở còn bé.
Mai Trung Hiếu và Huỳnh Hiền Năng cùng những đứa trẻ xóm Văn Công mấy mươi năm trước.
Trong khi mấy đứa nhỏ cùng tuổi tập tễnh múa ngây ngô thì em đã ý thức rõ ràng rằng em đang trình diễn tác phẩm. Từng động tác của em đều uyển chuyển, điêu luyện vượt bậc so với lứa tuổi. Ánh nhìn và nụ cười của em sáng bừng trên sân khấu.
Mỗi lần em biểu diễn là đám đông trầm trồ. Anh Đen cũng là một phần trong đám đông chen chúc xem em múa ở đoàn, ở trường, mấy tiết mục đó anh còn nhớ luôn đó Bin. Hồi đó, báo chí hay đưa tin về thần đồng này kia, tụi anh lúc đó chẳng lạ gì vì đã có thần đồng múa Mai Trung Hiếu ở sát bên nhà.
Từ trái sang: Em Bin (Mai Trung Hiếu) - vợ chồng anh Bơ - anh Đen (Huỳnh Hiền Năng).
Cũng bởi thể hiện tài năng quá sớm nên Bin tách khỏi nếp sống của đám trẻ trong xóm. Khi tụi này còn mải chơi ô ăn quan, chơi năm-mười, câu cá lội ao thì đã nghe Bin đi diễn ở Sài Gòn, rồi đi Trung Quốc học một mình, Bin đóng quảng cáo trên tivi, Bin được giải này, giải kia...
Khi tụi này vẫn còn ngây ngô với cuộc đời thì em đã phải tự chăm sóc mình ở xứ người. Khi tụi này vẫn bực mình với chuyện phải đi học mỗi ngày, Bin đã phải chịu những áp lực của cuộc sống ngoài kia. Em giỏi quá làm gì mà để tụi anh hồi đó cứ bị so sánh với em, rằng Bin thế này Bin thế kia, em giỏi quá làm gì hả Bin?...
Năm nay anh Đen 32 còn Bin ở lại mãi tuổi 29. Vĩnh biệt Bin, em đã sống hết mình rồi.
"Tân Hoa hậu" tố cáo, cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt" bị xử phạt Thanh tra Bộ VH,TT&DL vừa có quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước 90 triệu đồng vì tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020" không phép. Thanh tra Bộ VH,TT&DL vừa có Quyết định số 1/QĐ- XPVPHC ngày 13-1-2021 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh...